|
Post by sheen on Mar 20, 2021 2:26:35 GMT -6
... muốn biết thêm một chút về Florida không ...
Chuyện Xứ (Mỹ) Của Tôi
Gia đình tôi đến Mỹ năm 1993 đến nay 2016 đã được 23 năm, vì hoàn cảnh sinh sống chúng tôi phải di chuyển qua nhiều nơi chốn, thế nên biết thêm được nhiều điều về nước Mỹ. Thoạt đầu đến Mỹ chúng tôi cư ngụ tại thành phố Hawthorne – nam Cali vì do bà chị giúp đở sponsor cho. Ở đây chúng tôi share phòng với nhà chị, vợ chồng con cái dồn vào một phòng nhỏ tí thật bất tiện rồi dần dà cũng quen. Ở Hawthorne, vợ chồng tôi đi đến trường chuyên dạy nghề nail để học lấy cái bằng. Rồi kể từ năm 1995 chúng tôi sinh sống bằng nghề này, một nghề duy nhất cho đến bây giờ. Cali là nơi sinh sống lý tưởng cho người Việt Nam khí hậu mát mẻ quanh năm như Đà Lạt. Ở VN có món ngon gì thì Cali cũng có đủ, có khi còn ngon tuyệt hơn nữa vả lại thực phẩm được kiểm tra rất nghiêm ngặt nên không sợ độc hại như bên nhà. Ra đường gặp toàn người Việt đi đâu cũng nói tiếng Việt thoải mái, sống trên đất Mỹ mà hoàn cảnh sống gần như VN.
Chỉ kẹt một điều nghề Nail ở Cali bị cạnh tranh rất dữ, nên giá “bèo” hơn các Tiểu bang khác nhiều lắm nhất là so với các Tiểu bang miền Bắc. Thứ hai nhà cửa Cali lại rất mắc mỏ, có người ví von bán một căn nhà ở Cali đem tiền qua Tiểu bang khác mua được hai căn nhà. Vợ chồng tôi lúc đó đã trung niên e rằng khó lòng mua nổi một căn nhà cho dù trả góp.
Sau 4 năm ở Cali vợ chồng con cái lại đùm túm qua Tiểu bang khác, về thành phồ Joliet thuộc TB Illinois, một thành phố nhỏ gần Chicago cách đó khoảng 1 giờ lái xe. Chúng tôi đến Joliet vào mùa đông thấy tuyết bay đầy trời mà lòng kinh hãi. Tất cả cảnh vật đều phủ một màu trắng toát và lạnh kinh hồn. Cảm nghĩ đầu tiên của tôi về Joliet đây là nơi chốn không thể sống lâu dài được, chỉ sống tạm bợ để kiếm tiền rồi chuồn thẳng.
Có lẽ hầu hết người VN đều rất sợ lạnh đồng thời lại rất sợ cái khung cảnh u buồn của mùa đông, cảnh buồn người có vui đâu bao giờ, bầu trời âm u màu chì kéo dài suốt 6 tháng khiến người ta cảm thấy chán chường, không còn cảm thấy muốn sống háo hức nữa cho dù nơi đây chúng tôi kiếm rất nhiều tiền. Sau 5 năm, chờ cho con gái học xong lớp 12 chúng tôi quyết định đi về miền nắng ấm tiểu bang Florida. Ngày đi, bao nhiều đồ đạc sắm sửa tạm bợ vất đi hết chỉ mang theo quần áo và đồ dùng cần thiết. Xong xuôi, chúng tôi lên xe bấm 3 hồi còi dài để giã từ Joliet, giã từ vùng tuyết trắng lạnh lùng. Sau đó giong ruổi qua một quãng đường dài 1200 miles để đến Jacksonville – Florida.
Tôi chọn Jacksonville vì muốn trốn cái lạnh cái buồn nơi miền Bắc và xuôi Nam để hưởng nắng ấm mặt trời quanh năm. Ngoài ra, ở đây tôi còn có một người bạn rất thân từ hồi trung học, muốn gần gủi bạn bè cho vui. Té ra không phải vậy chúng tội bận rộn tíu tít với công việc, đâu có thời gian mà gặp gỡ nhau nhiều. Lâu lâu tiệc tùng họp mặt uống vài chai bia và tán gẫu dăm ba câu chuyện, rồi chia tay ai về nhà nấy.
Chúng tôi ở Jacksonville thấm thoát được 13 năm một thời gian khá dài cho một nơi chốn. Trước nay chưa khi nào chúng tôi ở một chổ lâu đến như vậy. Hàng năm vào ngày Labor Day chúng tôi thường hay kéo xuống Tampa, thăm gia đình người em trai của tôi cách đó 4 giờ lái xe.
Có một lần không biết nghĩ sao, em tôi nói:” Khi nào anh chị về hưu, xuống đây mua một ngôi nhà, có mảnh vườn bao quanh, tha hồ mà trồng trọt vui với tuổi già. Tampa khí hậu nóng ẩm quanh năm, trồng cây gì cũng được.” Nghe nói như thế, giống như mọt tia chớp lóe lên trong đầu tôi:” nếu có thú vui này, sao không về Tampa sinh sống, càng sớm càng tốt !” Ở Jacksonville, mùa đông đôi khi lạnh dưới không độ C, trồng cây gì cũng chết, ngoại trừ cam bưởi.
Thế rồi một lần nữa và có lẽ lần cuối cùng, chúng tôi quyết định dời về Tampa. Sau đó, chúng tôi tiến hành hai công việc, mua ngay một căn nhà tại Tampa và sau đó bán căn nhà tại Jacksonville. Công việc mua bán không đơn giản, cũng may em dâu tôi làm nghề địa ốc, nên mọi chuyện rồi cũng suôn sẻ. Đồng thời đóng cửa tiêm Nail gọi người đến cho hết đồ đạc.
Rồi ngày dọn nhà cũng đã đến, công việc dọn nhà lần này nhọc nhằn hơn hai lần trước. Bởi lẽ các lần trước, chúng tôi chủ trương sống tạm bợ nên không sắm sửa gì nhiều bây giờ ngổn ngang trăm thứ. Suốt một tuần lễ, cả nhà tập trung cao độ đóng gói đồ đạc vào các thùng giấy, rồi bưng bê ra gara chất đống chờ người đến bốc dỡ. Có chuyện khôi hài khi dọn nhà, ngày nào vợ chồng cũng cãi nhau, ông muốn vất hết những đồ không dùng đến, còn bà thì cứ ôm theo hết, nhất quyết không buông bỏ. Có người ví von rằng, một lần cháy nhà bằng hai lần dọn nhà, để nhằm nói lên nỗi nhọc nhằn khiếp đảm của việc dọn nhà. Cho đến nỗi, có người dọn nhà chỉ một vài lần là đủ tởn, thề không bao giờ dọn nữa, trong đó có tôi.
Tampa nằm ở khoảng giữa và thuộc bên bờ Tây của Florida, nó nằm trên một vịnh nhỏ có tên là Tampa Bay, vịnh này thông ra vịnh Mexico khổng lồ. Tampa có dân số trên 1 triệu người, đứng hàng thứ 3 tại Florida, sau Miami và Orlando. Tuy có dân số cao nhưng diện tích lại nhỏ hơn các thành phố khác cho nên dân cư cảm thấy đông đúc hơn, luôn luôn lúc nào cũng thấy xe cộ chạy dày đặc trên đường. Thời tiết Tampa có bốn mùa rõ rệt, mùa Thu cũng quét lá mệt nghỉ, mùa Đông cũng hơi hơi lạnh khoảng 50 độ F (khoảng 10 độ C) mùa Hè nóng hừng hực trên 90 độ F (32 độC).
Căn nhà ở Tampa của chúng tôi đã trên 30 tuổi, nhà nhỏ chỉ có 1,100 sqf (khoảng 100 mét vuông), cũng có 3 phòng ngủ và 2 phòng tắm, giá mua là 129K. Căn nhà sơn 2 màu xanh trắng, mặt ngó thẳng ra hướng Đông, đúng cái hướng mà các Thầy Tử vi khuyên tôi nên chọn cho hạp tuổi, không biết có đúng như vậy không, thôi thì có kiêng thì có lành. Trước và sau nhà có 2 cây sồi (oak) cổ thụ tỏa bóng mát trông thật đẹp, nhưng ngặt một điều là không trồng trọt gì được dưới tàn cây của chúng. Cây sồi được coi là tài sản cảu Florida, tỉa nhánh mé cành thì không sao, còn muốn đốn bỏ phải xin phép.
Khi dọn nhà đi thì chứa đồ đạc ở trong thùng, khi đến chổ mới thì dỡ đồ đạc ra để xếp vào các nơi, cả nhà xúm lại làm suốt ngày, khoảng 2 tuần sau thì tạm ổn. Đến cuối tháng, có bửa nghe điện thoại reo, tôi nhấc lên thì được biết có người chủ tiệm Nail được bạn bè giới thiệu bèn gọi đến mời vợ chồng tôi đi làm. Thế là yên phận sống trong căn nhà mới.
Bước ra mảnh vườn, chủ trước họ trồng cây kiểng um tùm trông phát ớn. Tôi kêu một anh Mể tới dọn dẹp, anh chàng này ngơ ngác không biết nói tiếng Anh, muốn bàn công việc phải nói qua điện thoại với vợ hắn. Anh Mể ra giá tiền công là 500 đô, tôi chẳng biết gì nên cứ gật đầu bừa cho xong. Trước nay tôi có nghe nói đàn ông Mể có sức khỏe kinh người, bây giờ khi tận mắt chứng kiến cái cảnh anh Mể này làm việc mà kinh sợ, sợ anh ta ngã lăn ra chết bất tử. Anh ta làm việc dưới trời nắng như đổ lửa và ghê gớm ở chổ, suốt từ sáng tới chiều anh ta chớ hề nghỉ tay. Tới trưa tôi chạy đi mua cho anh một cái bánh hamburger, anh ta nhai nhồm nhàm xong nốc cạn lon Coca, rồi hì hục làm tiếp. Anh ta cứ làm như thế suốt 3 ngày trời, khuôn mặt bình thản, không than vắn thở dài gì hết, mọi chuyện đều bình thường đối với anh ta. Thiệt đáng nể.
Dọn dẹp mảnh vườn xong, tôi chưa biết chỗ nào bán cây ăn trái để mua về nhà trồng. Thời may con gái có người bạn giới thiệu cho Khu Chợ Trời bên thành phố St Petersburg. Nằm kề cận Tampa có 2 thành phố vệ tinh là St. Petersburg và Clearwater. Cả ba tạo thành một hình tam giác, từ nhà đi qua hai nơi này khoảng nửa tiếng.
Theo sự hiểu biết của tôi, thành phố St. Petersburg gọi tắt là St. Pete. (phe ta kêu là Săn Pí) tuy nhỏ hơn Tampa, nhưng không hiểu sao người Việt lại quần tụ đông hơn, chợ búa và nhà hàng Việt Nam đông hơn bên Tampa. Chợ tuy nhỏ cũng có bán đủ thứ hàng, cũng có quày thịt cá tươi sống, cũng có đủ các loại to go như bún mì phở… còn các loại ăn chơi thì ê hề. Nhà hàng VN cũng nho nhỏ, có nhiều nơi cũng có thức ăn ngon nổi tiếng. Tóm lại sinh hoạt của người Việt nơi St. Pete khá nhộn nhịp.
Từ Tampa qua St. Pete phải chạy qua cây cầu Howard dài 6 dặm, cây cầu rất đẹp, đẹp ở chỗ cầu chạy sát mặt biển, khiến ta có cảm giác sóng biển đang vờn bên má mình, đến giữa thì cầu nhô lên cao cho tàu thuyền qua lại. Sáng sớm chúng tôi chạy qua cây cầu này, rồi nhìn qua hai bên, mặt biển lặng im xanh ngắt và trải rộng mênh mông tới chân trời, có những chiếc thuyền rẽ sóng ở xa xa, đã tạo nên một khung cảnh kỳ thú tuyệt đẹp. Từ đó mỗi sáng sớm Chủ nhật, chúng tôi đi qua cây cầu để đến Chợ Trời, chưa bỏ qua một lần nào hết.
Khu Chợ Trời (Flea Market) St. Pete, nằm trên một khu đất rộng, khung cảnh nhộn nhịp bát nháo như bất cứ Khu Chợ Trời nào khác, tuy nhiên mọi nơi đều sạch sẽ, không hề thấy ai xả rác. Những người bán hàng, họ dựng lều hoặc che dù san sát nhau, người người đi lại tấp nập. Vợ chồng tôi khi lần đầu tiên đến đây, chỉ đi dạo một vòng là trong lòng bỗng nhiên cảm thấy vui thích lắm.
Theo tôi, Chợ Trời St. Pete là một nét văn hóa đặc sắc của vùng vịnh Tampa. Sau này khi có bạn bè đến thăm viếng, chúng tôi đều đưa đi thăm Chợ Trời và mọi người đều rất thích thú, kể cả người từ VN qua. Tôi thấy người mua kẻ bán ở đây rất đông người Việt và kỳ lạ một điều, những người Việt hiện diện tại đây đều có gốc gác từ miệt Đồng bằng sông Cửu Long, không hề thấy ai nói giọng Bắc giọng Trung ( hay là có nói mà tôi chưa gặp) Phần lớn những người này lại xuất thân từ vùng đồng quê chứ không ai xuất thân từ thành phố, cho nên giọng nói của họ nghe quê rặc và rất thiệt thà chơn chất, nói sao bán vậy, chứ không hề nói thách một tiếng nào.
Tôi hỏi cô bán hàng trái cây: “Nhãn này giá bao nhiêu tiền một pound vậy cô?” Cô cười đáp: “Dạ, 3 đồng “gửi” một pound”. Tôi nói giỡn: “Sao mắc vậy?” Cô ta cười lỏn lẻn: “Em bán “ghẻ ghề” mà anh chê mắc !” Tôi cười lớn: “Cha! cái giọng này sao nghe giống dân Rạch giá quá vậy ta?” Cô ta cũng cười theo: ” Dạ đúng vậy, em quê Giồng Riềng- Rạch Giá đây anh”.
Có một số người Việt lớn tuổi ở St. Pete không xin đi làm hãng được, bèn ở nhà trồng rau, nuôi gà vịt rồi mang ra chợ trời bán. Nhà cửa ở vùng này rất cũ kĩ và nhỏ xíu, nhưng được cái là có đất khá rộng chung quanh nhà, cho nên thoải mái trồng trọt. Ngoài những thứ thường thấy như rau cải, bầu bí, khổ qua… người ta còn thấy bày bán ở đây những thứ khó tìm như: rau càng cua, bông so đủa, bông điên điển, cọng bồn bồn, rau nhút, rau muống nước (loại rau này tôi chưa từng thấy ở những nơi khác)… Có nhà nuôi gà vịt “đi bộ”, hay ấp trứng vịt lộn cũng mang ra chợ bán. Trái cây thì tràn ngập các loại trái cây VN, vùng đất này trồng mãng cầu, nhãn, thanh long rất tốt, ngoài ra còn có ổi xá lị, trái li ki ma, mít, xoài…
Xoài ở St. Pete có loại trái mập ú, trông ô dề xấu xí, nhưng khi ăn thì có mùi vị thơm ngon, hột lại nhỏ xíu, rất đặc sắc. Vú sữa cũng có, nhưng trái nhỏ tí như trái chanh, ai cũng chê chẳng thấy ai mua. Hầu hết các loại cây trái VN đều trồng được ở vùng này, ngoại trừ sầu riêng, chôm chôm và măng cụt.
Chúng tôi đi dạo qua khu bán cây ăn trái. Anh chủ khu này tên Sang, khoảng 40 tuổi người quê Bạc Liêu, hiện làm chủ một nông trại khoảng 20 acres (acre – mẫu Anh, cở 4000 mét vuông). Anh Sang chuyên nghề ghép cây ăn trái. Mấy cây nhãn, bưởi, cam, quít… cây thấp lè tè mà trái treo lúc lỉu trông thật “đã” mắt. Anh chàng này bán cây nổi tiếng khắp vùng Tampa. Những cây ăn trái của Sang thuộc loại hàng “độc”. Anh ta có những loại xoài mà không chỗ nào có được, như một loại xoài lạ, khi trái còn xanh thì chua tê lưỡi, nhưng khi chín thì thơm ngon không thể tả, và lạ lùng không biết làm sao anh ta cũng có xoài cát Hòa Lộc của Mỹ Tho. Có loài mận VN, khi còn non trái có màu xanh, khi chín tới có màu hồng đào, cắn vào miệng nghe dòn tan ngọt lịm. Anh ta có đủ thứ cây ăn trái khác như hồng dòn, hồng mềm, cây bơ quả nhỏ mà béo ngậy, quít đường Cần thơ, bưởi Biên Hòa… tất cả đã được anh ta tuyển chọn công phu nên mua cây của anh ta chúng tôi đều rất yên tâm về chất lượng.
Đi dọc dài, người đi lại nhộn nhịp vui chưa từng thấy. Ngoài người Việt, còn có một sắc dân đặc biệt khác cũng chiếm số đông ở đây, đó là người H’mong, xuất phát từ vùng núi non của nước Lào ( lạ nhỉ ! không hiểu sao họ lại ở đây) Trong khi người Việt nói chuyện với nhau huyên thuyên bằng tiếng Việt, thì người H’mong cũng không kém ồn ào bằng tiếng nước họ.
Chỗ kia, có một anh người Việt chở nguyên một xe truck dừa xiêm đổ xuống một đống lớn, ai thích trái nào anh ta sẽ chặt dừa, xong cắm ống hút vào đưa cho khách, khách vừa đi vừa uống trông rất vui. Nơi khác người ta xúm xít quanh một cái bàn, chờ mua gỏi Thái Lan của hai vợ chồng người Thái, gỏi làm bằng đu đủ bào, cà pháo tươi, đậu phọng rang, trộn với nước chanh và mắm ba khía, mùi vị ngon khá lạ. Có người Việt kia đi chày tôm ngoài sông rồi đem ra chợ bán, tôm chứa trong thùng cooler, nghe anh ta rao hàng, tôm nhỏ giá 2 đô rưởi, tôm lớn 7 đô một pound. Có chỗ bán cá, bán hoa lan, bán nước mía tươi ép tại chỗ… Tất cả đã tạo nên một bức tranh hết sức sinh động và hấp dẫn của Chợ Trời St. Pete.
Lần hồi, tôi khuân về nhà lũ khủ các loại cây ăn trái, mỗi thứ một cây: xoài, nhãn, bơ, trái vải, quít đường, bưởi… rồi chạy ra chợ mua mấy bao phân bón vào gốc. Hàng ngày tôi ra vườn tưới tắm cho cây, cây lớn lên như thổi, đâm chồi ra lá xum xuê, một thời gian ngắn sau cây ra hoa kết trái, trái nhỏ tí trông dễ thương làm sao.
Trồng cây là một thú vui thanh tao, bởi vì không phải là mong tới ngày ăn quả, mà vì một niềm vui khác, khi trong lòng cảm thấy có một sợi dây tương thông thân ái với cây trái trong vườn nhà. “Cám ơn hoa đã vì ta nở. Thế giới vui từ mỗi lẻ loi”. (Tô Thùy Yên)
Thành phố vệ tinh thứ hai của Tampa là Clearwater, một thành phố du lịch, nhà cửa mắc mỏ nên dân Việt ít người dám sống ở đây. Con đường dẫn vào thành phố tuyệt đẹp cũng có một cây cầu dài khác chạy sát mặt biển băng qua vịnh Tampa, trên đường có những lối rẽ cho ai muốn câu cá thì ghé vào. Hai bên đường có trồng hai hàng cây cọ trông rất thơ mộng, con đường chạy thẳng ra vịnh Mexico. Ngày cuối tuần, người ta ở các nơi kéo đến tắm biển đông nghịt như ở Nha trang bên quê nhà. Lúc đầu chúng tôi cũng ngại ngần chuyện tắm biển, nhưng sau đó thấy người người thản nhiên xuống tắm, đủ sắc dân, đủ dạng người, đủ lứa tuổi… nên chúng tôi cũng kéo xuống tắm cho vui. Té ra biển ở đây rất tuyệt, nước biển trong xanh và phẳng lì chứ không hề có sóng dữ, nước biển lại ấm áp, chứ không lạnh cóng như biển Cali. Khi đã tắm được một lần là coi như vượt qua rào cản ngại ngùng, từ đó cứ dăm ba tuần chúng tôi lại kéo đi tắm biển, rất khoan khoái và thư giản.
Tôi về Tampa đến nay đã được gần hai năm. Không biết có phải vì đất trời phong thủy vận hợp với mình hay sao, mà từ khi về đây tôi thấy trong người sảng khoái lắm. Đêm về, lên giường là ngủ một mạch đến sáng, điều này trước kia chưa hề có nơi tôi. Trong thời gian ở Jacksonville vì nặng nợ cơm áo gạo tiền, đêm đến tôi trằn trọc mãi thuốc ngủ lúc nào cũng thủ trên đầu giường, cho nên có thời gian dài tôi mang bệnh anxiety (bịnh lo sợ). Tôi cũng có đọc nhiều bài viết khuyên người ta nên biết buông sả khi lớn tuổi, phải tu đạo này hay theo đạo nọ, theo vị Thầy này hay theo vị thiền sư kia. Nhưng theo tôi tất cả chỉ là vô ích, khi người ta chưa tìm được một hoàn cảnh sống thích hợp thì khó mà tìm được sự an lạc trong đời thường. Đêm về tôi lắng nghe toàn thân, nghe nỗi sung sướng khoan khoái lan tỏa khắp người mình, hình như Thiên đường ở ngay trong lòng mình chứ không phải đâu xa xôi. Cám ơn Nước Mỹ, đã tạo cho tôi điều kiện tìm thấy hạnh phúc đích thực ngay trong đời thường.
Tôi lại nghĩ lan man sang chuyện khác. Trên cõi đời này có hàng triệu triệu người mong ước được đến sinh sống trên đất Mỹ. Đồng thời cũng có triệu triệu người căm ghét nước Mỹ. Tôi còn nhớ biến cố 911 khủng bố tấn công nước Mỹ, phần lớn loài người đều sững sờ kinh ngạc và biểu lộ lòng thương xót đến nước Mỹ. Nhưng không phải là tất cả, trong những giờ phút đầu tiên của biến cố, người Palestine đã đổ ra đường hò reo mừng rỡ cho thắng lợi của những người tử vì đạo. Có một phái đoàn báo chí một nước Á Châu lúc đó được mời đến thăm viếng Mỹ. Khi biến cố xảy ra họ đang đứng trong Trung tâm Báo chí, và đã có thái độ hân hoan vui mừng trong khi đất nước này đang chìm trong đau khổ. Ngay lập tức họ đã bị trục xuất ra khỏi nước Mỹ và vĩnh viễn những con người này không bao giờ được phép đặt chân đến Mỹ. Vui mừng trước nỗi đau của đồng loại là hành vi man rợ, cho nên họ rất xứng đáng nhận lãnh hình phạt này. Nước Mỹ không hề đụng chạm đến đất nước họ, chỉ vì nước Mỹ giàu mạnh hơn, và dân Mỹ sống sung sướng hơn dân nước họ, chỉ đơn giản vậy thôi. Nhà văn NNN đã viết một câu rất hay:”… Có những người không chịu nỗi sự thành công của người khác. Bởi vì họ cứ coi sự thành công của người khác là sự thất bại của chính mình.”
Người Việt cũng vậy, có rất nhiều người mê Mỹ và cũng có rất nhiều người ghét Mỹ. Từ sau biến cố 1975 người Việt đã tìm mọi cách để đến Mỹ. Sau khi phong trào vượt biên chấm dứt người ta tiếp tuc ra đi bằng nhiều cách, hợp pháp hay bất hợp pháp. Hợp pháp là đi theo con đường bảo lãnh thân nhân, cha mẹ, vợ con, hôn thê, hôn phu và sau này thêm diện đầu tư. Bất hợp pháp bằng cách du học du lịch rồi ở lại luôn, hay tìm cách kết hôn giả với người có quốc tịch. Giả thử có người mất vài chục ngàn đô cho công việc bất hợp pháp này, thì suy cho cùng họ còn quá lời. Cái lời trước mắt là con cái được hấp thụ một nền giáo dục ưu tú nhất thế giới, nếu còn ở trong nước mà muốn cho con đến Mỹ du học hàng năm phải tốn khoảng 20 ngàn đô. Còn nữa, món lời lớn nhất không thể tính bằng tiền bởi vì nó vô giá, đó là được sống trong môi trường xã hội quá lý tưởng, mà người Mỹ đã cố công gầy dựng từ hồi mới lập quốc cho đến bây giờ.
Một xã hội nề nếp, tất cả mọi đường lối chính sách đều rất minh bạch. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không có giai cấp nào, một thế lực hay đảng phái nào được đứng ngoài và đứng trên pháp luật. Mọi người sinh ra đời đều được tôn trọng như nhau, đều có cùng một cơ hội tiến thân như nhau. Cho nên nếu anh nghèo, anh thất bại, anh học hành ngu dốt, là do anh chứ không phải do lỗi của xã hội, không hề có cảnh con quan thì được làm quan, con sãi ở chùa thì quét lá đa. Một xã hội có tính ưu việt vượt trội quá xa những xã hội khác, tôi không dám kể ra đây nhiều nữa sợ nhiều người chạnh lòng.
Có người Việt chưa hề đặt chân đến nước Mỹ ngày nào, nhưng cũng ghét nước Mỹ thậm tệ. Hàng ngày họ xem phim ảnh, thời sự tin tức, họ thấy những cảnh bạo lực ghê rợn cướp của giết người hay sexy khêu gợi, hay mấy vụ cảnh sát bắn chết người da đen… xem riết rồi họ đâm ra ghê tởm nước Mỹ, và còn cho rằng những người Việt qua tới Mỹ rồi đi làm những chuyện xấu xa, là do:” Quít trồng ở Giang Nam thì ngọt, mang trồng ở Giang Bắc thì chua…” đúng là dạng người ếch ngồi đáy giếng.
Có người cứ mở miệng ra là chửi Mỹ như tạo ra cho mình một style lạ, hay chứng tỏ ta đây cũng có một thời “chống Mỹ cứu nước” nhưng thật ra không phải vậy, họ nói một đằng làm một nẻo. Đây là một trường hợp điển hình, hãy nghe nghệ sĩ Kim Tuyến nhận xét về nghệ sĩ Bạch Tuyết: “BT thù ghét nước Mỹ nhưng tại sao lại thích đi Mỹ. Cho con học ở Mỹ rồi lại lấy vợ Mỹ. Phải chăng BT muốn tìm một bãi đáp an toàn sau này ở Mỹ…”
Trong cộng đồng người Việt tại Mỹ có một hạng người không giống ai. Nếu họ là người homeless, hay cuộc đời gặp toàn thất bại thì không có gì đáng nói. Đàng này họ sống trên đất Mỹ đã vài chục năm, làm ăn sinh sống khá thành đạt cũng có của ăn của để, con cái học hành thành tài. Vậy mà hễ cứ có dịp là họ chửi Mỹ, nào là làm ra bao nhiêu tiền, bảo hiểm và sở thuế ăn hết, chủ tư bản bóc lột đến tận xương tủy (câu này sao nghe quen quen!) Có người thấy vậy chướng mắt bèn nói móc họng: “Nếu ông thấy sống ở Mỹ có quá nhiều điều không ưng ý, thì ông nên về Việt Nam sinh sống để khỏi vướng mắt đến những điều này.” Lặng thinh! không nghe câu trả lời, những người này rất xứng đáng mang cái tên là “ăn cháo đá bát”.
Suy cho cùng, để cảm nhận thật sự nước Mỹ phải có thời gian để cho cái “chất Mỹ” nó ngấm vào người. Chứ còn chỉ đi du lịch hay thăm thân nhân vài ba tháng, hay được bảo lãnh qua Mỹ sống vài năm, thì thật tình chưa biết gì nhiều về nước Mỹ. Những người đó cảm thấy nước Mỹ sao chán ngắt, vừa buồn hiu vừa lạnh lùng. Đi đâu cảnh vật cũng từa tựa như nhau, giống y như câu thơ của Nguyên Sa:” Trời trên đất khách buồn vô hạn. Trăng rất quen mà vẫn chẳng quen.”. Thời giờ lúc nào cũng eo hẹp, cặp mắt cứ láo liên ngó đồng hồ. Không hề có cảnh sáng cà phê cà pháo cả tiếng đồng hồ, chiều lai rai bia bọt, kiếm người tán gẫu không phải dễ. Cái xứ gì mà người ta phải ôm đồm đủ thứ nợ: nợ nhà, nợ xe, nợ thuế, nợ bảo hiểm, nợ thẻ tín dụng… Cho nên có rất nhiều người Việt qua Mỹ một thời gian rồi lại quay về cố quốc.
Muốn cái “chất Mỹ” nó ngấm vào người theo tôi nghĩ cũng phải mất cỡ 5 năm. Khi nào người ta thấy nỗi nhớ nhà nó dịu lại, nhìn cảnh vật chung quanh không còn thấy buồn như trước. Vào mùa Đông trời chớm lạnh ra đường thản nhiên vận áo T shirt, điều đó có nghĩa là không còn sợ lạnh như những năm tháng đầu đến Mỹ. Ra đường gặp ai bất kể lạ hay quen đều gật đầu chào:” Hello! How are you doing”. Nói chuyện với người Mỹ không còn dùng body language nữa. Ăn uống không còn thuần túy: bún bò Huế, hủ tíu, mì phở… mà còn thích hamburger, hog dog, pizza, sushi, pasta… Khi nào cảm thấy vui với cái vui của nước Mỹ và buồn với cái buồn của người Mỹ, là coi như không còn có thái độ bàng quang như trước kia, là biết con người mình đã đổi khác. Cuối cùng một điều quan trọng nhất, là khi ta quay về cố quốc, lòng chợt bàng hoàng thảng thốt, đất nước không còn giống như trong tâm tưởng nữa rồi, mọi chuyện đời đều đã thay đổi… và một ý nghĩa buồn rầu nẩy ra là mong sao sớm trở về nước Mỹ. Như ai đó đã nói một câu như là chân lý: “Nước Mỹ không phải là Thiên đường, nhưng là một nơi đáng sống nhất trên cõi đời này”.
Ngô Đình Châu
|
|
|
Post by sheen on Feb 9, 2023 0:25:40 GMT -6
BÀ NGÔ ĐÌNH NHU (1924-2011) và chính biến 1/11/1963 (Nguyễn Hoàng Lưu) Lời Toà Soạn: Nguyễn Hoàng Lưu là bút hiệu của nhân vật đã giữ các chức vụ quan trọng trong hậu trường chính trị dưới thời Đệ nhị Cộng Hoà miền Nam Việt Nam. Những sự việc nêu trong bài viết được lấy từ hồi ức chưa xuất bản của ông. Được ông cho phép, chúng tôi xin lần lượt phổ biến các bài viết mang nhiều giá trị lịch sử trên trang nhà này. Xin chân thành và trân trọng cám ơn ông.
… Năm 1960 tôi làm việc ở Quốc Hội VNCH (đệ I Cộng Hòa, thời TT Ngô Đình Diệm) với tư cách chuyên viên Ủy ban San định Luật pháp. Công việc chính của Ủy ban là điển chế để thống nhất các bộ dân luật, hình luật, tố tụng Trung Nam Bắc do các nhà cầm quyền thuộc địa, bảo hộ ban hành từ 1883, 1912, 1917…thành những bộ luật chung áp dụng cho toàn quốc. Ủy ban gồm 2 bộ phận: dân luật và hình luật. Đa số dân biểu thành viên của Ủy ban đều có gốc thẩm phán hay luật sư : các thẩm phán Lại Tư, Nguyễn quốc Hưng…, các luật sư Nguyễn phương Thiệp, Trần văn Trai, Nguyễn văn Liên (nguyên sư huynh, thầy dạy Tổng thống Nguyễn văn Thiệu trường Pellerin Huế),Đỗ mạnh Quát, Lê trọng Quát, Thái mạnh Tiến… Tôi làm việc ở bộ phận dân luật với cố vấn của ủy ban là luật gia Lê Tài Triễn, người nổi tiếng về bài diễn văn lúc nhậm chức Chánh Nhất Toà Thượng Thẩm Sài Gòn với câu nói:
“… kẻ sĩ không đi tìm danh vọng nhưng danh vọng đã tìm kẻ sĩ”; một chuyên viên khác là anh Phan Tuấn Kiệt, cử nhân luật ở Pháp, làm việc ở bộ phận hình luật với cố vấn của ủy ban là Giáo sư Nguyễn Độ, người bình chú án lệ Laruelle-Delville đăng trong sưu tập Dalloz (Recueil Dalloz) mà hàng năm ông đều nhắc đến trong giảng khoá môn luật hành chánh năm thứ hai ban Cử nhân. Do biến cố 1/11/63, Quốc hội đệ I CH bị giải tán. Năm 1972 trong khuôn khổ luật ủy quyền của Quốc hội đệ II Công Hòa, với tư cách bây giờ là phụ tá đặc biệt Tổng thống tôi đã yêu cầu Bộ Tư pháp hoàn tất công việc san định và các bộ luật này đã được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ban hành dưới hình thức các sắc luật.
Ngoài công việc chuyên viên Ủy Ban San định Luật pháp tôi còn phải kiêm nhiệm chức vụ Chủ sự phòng Thủ tục Lập pháp, có nhiệm vụ theo dõi và áp dụng các thủ tục hiến định liên quan đến tiến trình lập pháp – từ lúc các dự luật được đệ nạp đến lúc được Quốc hội chung quyết và chuyển sang Tổng thống (hành pháp) ban hành hoặc phúc nghị.
Chức vụ chính thức của ông bà Ngô Đình Nhu bấy giờ là dân biểu Quốc hội, thuộc thành phần độc lập (không khối); mặc dầu không giữ bất cứ chức vụ nào trong Văn phòng cũng như các chức vụ Chủ tịch Ủy ban nhưng uy quyền thực sự của ông bà bao trùm lên toàn thể sinh hoạt Quốc hội. Tôi còn nhớ 2 sự việc liên quan đến phần hành của tôi:
– Trong công việc san định các bộ dân luật, dân biểu Lại Tư, Chủ tịch ủy ban San định Luật pháp kiêm Trưởng khối Đa số, hỏi tôi: theo ý ông chúng ta có nên đưa bộ luật gia đình (luật 1/59 tác giả bà Ngô Đình Nhu) vào trong bộ dân luật mới không? Và nếu đưa vào thì phải như thế nào để còn giữ được tính lịch sử của nó? Tôi trả lời: công việc san định luật pháp bắt buộc chúng ta phải đưa vào, nếu giữ nguyên nội dung thì cũng phải sắp xếp lại bố cục, thứ tự các điều khoản một cách hợp lý, ăn khớp với bộ luật mới. Ông Lại Tư: như vậy thì những người sau này không còn biết nguồn gốc và tác giả của nó , ngoại trừ các luật gia thâm cứu môn pháp chế sử ! Vì vấn đề tế nhị và có liên hệ đến chính trị nên tôi đề nghị ông Lại Tư với tư cách chủ tịch Ủy ban nên hỏi thẳng tác giả (bà Ngô Đình Nhu).
Bộ luật gia đình của bà Ngô Đình Nhu với các điều khoản cấm ly hôn, cấm đa thê, truất quyền con ngoại hôn v.v… rất ít tác dụng trong thực tế vì xã hội nông thôn Việt Nam (chiếm trên 90% dân số) sau 1946 với cuộc chiến tranh Việt Pháp đã thay đổi từ căn bản, có chăng là với một thiểu số rất nhỏ ở thành thị về vấn đề ly hôn; nhưng về phương diện chính trị, bộ luật gia đình đã bị xem là bằng chứng của một chế độ nghiêng về Thiên Chúa giáo và nặng tính cách gia đình trị khi có dư luận cho rằng bà Nhu làm đạo luật này để ngăn chặn cuộc ly hôn giữa bộ trưởng Nguyễn Hữu Châu với người chị ruột của bà là Trần Lệ Chi. Khi làm công việc san định chúng tôi có tìm hiểu ý chí của các nhà lập pháp, bà Nhu đã đề xuất việc cấm ly hôn chỉ vì thiện ý muốn bảo vệ quyền lợi của người đàn bà có chồng trong một xã hội bấy giờ còn trọng nam khinh nữ mà đa số trường hợp ly hôn đều do người chồng chủ động và phần lớn những người đàn bà bị ly hôn đều không đủ điều kiện tự lập, bị rơi vào tình trạng bơ vơ, không nơi nương tựa, xã hội và gia đình coi rẽ. Trường hợp của ông Nguyễn Hữu Châu và bà Trần Lệ Chi chỉ là sự trùng hợp. Cần phải đọc toàn bộ biên bản thảo luận tại Quốc hội về bộ luật gia đình thì mới thấy được tư tưởng của bà. Bà Ngô Đình Nhu là người có tham vọng đóng vai trò tiên phong trong công cuộc giải phóng phụ nữ Việt Nam thoát khỏi những ràng buộc pháp lý và phong tục cổ hủ của xã hội cũ, phục hồi nhân cách, đưa lên địa vị bình đẳng với nam giới, đó là lý do sau này của việc thành lập phong trào Phụ nữ Liên đới, Phụ nữ bán quân sự… đồng thời cũng nhằm mục tiêu đưa quốc gia ra khỏi tình trạng chậm tiến.
– Khi nhận chức vụ chủ sự phòng thủ tục lập pháp, anh Nguyễn Xuân Thiên Chánh sự vụ Sở Lập pháp (về sau là Tổng Thứ ký Bộ Đặc Nhiệm Văn hoá Xã hội của Trương Công Cừu) chỉ dặn tôi một điều duy nhất là phải trực tiếp đọc và kiểm soát tất cả các phiếu gởi và thư mời họp đề tên ông bà Ngô Đình Nhu. Đây là chỉ thị từ văn phòng Chủ tịch Quốc hội. Các phiếu gởi và thư mời họp ông bà Ngô Đình Nhu phải được chuyển theo hệ thống dọc, chỉ huy mỗi cấp phải trực tiếp đọc và kiểm soát, Chủ tịch Quốc hội là người cuối cùng kiểm soát và đích thân ký gởi. Lý do của chỉ thị này là vì trên mặt bàn đánh máy chữ, chữ “g” và “h” sát nhau, người thư ký đánh máy có thể gỏ nhầm Ngô Đình “Nhu” thành Ngô Đình “Ngu”. Tôi là người đầu tiên sẽ phải lãnh trách nhiệm nếu sự cố xảy ra vì các phiếu gởi và thư mời họp các dân biểu phát xuất từ phòng thủ tục lập pháp, tiếp đó là chánh sở lập pháp, tổng quản trị sự vụ và chánh văn phòng chủ tịch. Tại phòng thủ tục lập pháp tôi có một người thư ký đánh máy giỏi, có trình độ văn hoá khá chuyên trách đánh phiếu gởi và thư mời họp ông bà Ngô Đình Nhu. Anh Nguyễn Xuân Thiên Chánh sở lập pháp, cử nhân luật ở Pháp, chuyên dịch diễn văn của Chủ tịch Quốc hội ra Pháp văn, là một người có tư cách, thẳng thắn và trực tính. Tôi không bao giờ quên lòng tốt của anh đối với cá nhân tôi trong thời gian tôi bị động viên vào quân đội, bị mất tất cả các phụ cấp chức vụ, anh đã nhường cho tôi các giờ giảng dạy của anh ở trường Quốc gia Thương mại và Kỹ sư Công nghệ về các môn luật thương mại và lao động. Chủ tịch Quốc hội bấy giờ là ông Trương Vĩnh Lễ (cháu nội của bác học Trương Vĩnh Ký) và Chánh Văn Phòng là anh Nguyễn Văn Tương (đang theo học ban Cao học Công pháp, sau 1/11/63 giảng dạy ở Học viện Quốc gia Hành chánh, giữ chức vụ Bộ trưởng, Thứ trưởng trong nhiều chính phủ và sau này là giảng sư của nhiều trường Đại học Luật khoa ở Pháp).
Văn phòng chuyên viên Ủy ban San định luật pháp nằm ở lầu 3 Quốc hội, sát cạnh văn phòng Hội Kế viên của dân biểu Hoàng Bá Vinh. Ông này người Hà Tịnh, là một nhân vật khá đặc biệt, nguyên tu xuất, đã vào đại chủng viện nên còn có tên già Vinh hay già Trương. Tôi gặp ông lần đầu tiên ở Hà nội vào đầu năm 1952, trên đường từ Huế trở ra Liên khu 4 qua ngã Hà nội – Phát Diệm – Thanh hoá. Bấy giờ ông đã lớn tuổi nhưng còn trong tình trạng độc thân, ở một căn gác nhỏ phố chợ Hôm; hoạt động kinh tài cho tổ chức Công giáo ủng hộ ông Ngô Đình Diệm với một hệ thống chuyển vận và giao liên giữa vùng tề Phát Diệm và Liên khu 4. Những hoạt động này thuộc loại trong bóng tối, liên hệ chặt chẻ với phòng nhì Pháp, có lần ông bị công an Việt Minh bắt nhưng đã thoát hiểm nhờ không bị phát hiện tông tích. Ông là người đã tuyển mộ thanh niên công giáo từ vùng Việt Minh Thanh Nghệ Tịnh để thành lập tiểu đoàn 27 (năm 1951 đóng ở Văn Thánh Huế) trong kế hoạch của Pháp đổ bộ Thanh Hoá, và sau này được xử dụng làm tiểu đoàn bảo vệ an ninh cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm lúc tướng Nguyễn Văn Hinh và Bình Xuyên gây hấn. Ông cũng là người đã giới thiệu Bác sĩ Trần Kim Tuyến cho Thủ tướng Diệm. Sau khi chế độ ông Diệm được củng cố, ông gần như tự ý rút lui (làm ông Phạm Lãi thời Đông Chu bên Tàu), chỉ giữ chức vụ dân biểu cho có lệ, đi về lặng lẽ như chiếc bóng, dùng ảnh hưởng còn lại để làm thương mại (xuất cảng cát trắng Cam Ranh sang Nhật Bản).
Từ văn phòng chuyên viên Ủy ban San định luật pháp ở lầu 3, chúng tôi có thể nhìn xuống phòng họp khoáng đại, nghe và thấy các dân biểu lên diễn đàn phát biểu. Ông bà Ngô Đình Nhu rất ít đi họp. Ông Nhu chỉ có mặt ngày khai mạc khoá họp hay tại các phiên họp long trọng như hôm Phó Tổng Thống Mỹ Johnson đến đọc diễn văn ( 5/1961); không bao giờ thấy ông phát biểu ý kiến. Bà Nhu có mặt thường trực trong thời gian quốc hội thảo luận về dự luật bảo vệ luân lý mà bà là tác giả (luật 12/62 cấm thanh niên dưới 18 tuổi hút thuốc lá, uống rượu trên 12 độ, cấm phá thai, nhảy đầm, mua dâm, bán dâm…) Trên diễn đàn Bà Nhu là người có khả năng ăn nói và ăn nói một cách mạnh bạo, không có sự khiêm tốn và dịu dàng của người phụ nữ Á đông, đi thẳng vào vấn đề không quanh co, bảo vệ lập trường một cách quyết liệt, tấn công những người chỉ trích không vị nể, có thể nói là hàm hồ khi mạt sát một số dân biểu có thái độ “thật hèn” và khi bị phản đối thì đưa ra đính chính là bà chỉ nói “thất hẹn”! Thực tế tại Quốc hội ông bà Nhu không có hành động, lời nói đe dọa bất cứ ai nhưng hầu hết các dân biểu rất sợ vì phần lớn họ đắc cử do chính quyền chứ không phải do tự họ. Có một số dân biểu trí thức khoa bảng trẻ thường vây quanh bà Nhu với thái độ tâng bốc, bợ đở, trong đó có H.N.C. nguyên giáo sư trường Khải Định Huế. Dư luận cho ông Nhu là con người lạnh lùng, thủ đoạn, thâm hiểm, và bà Nhu là người đàn bà lộng quyền, lăng loàn, trắc nết; báo chí ngoại quốc gọi bà Nhu là “rồng cái”, mụ phù thủy, Lucrèce Borgia v.v…
Tại Quốc hội Đệ I Cộng hoà năm 1960 người ta đã thấy sự bất hoà trong gia đình ông Diệm, giữa ông Ngô Đình Cẩn và ông bà Ngô Đình Nhu qua các phe phái dân biểu. Trong khoá họp ngân sách tháng 10/1961 một số dân biểu miền Trung thuộc phe ông Cẩn đã công kích đích danh Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần là người của ông Nhu (Bộ trưởng Phụ tá Quốc phòng, kiêm Bộ trưởng Phủ Tổng thống, kiêm Bộ trưởng đặc nhiệm phối hợp an ninh). Hậu qủa trực tiếp là tất cả các chuyên viên của Quốc hội đến hạn tuổi đều bị Bộ Quốc phòng của ông Thuần vét sạch vào khoá 13 sỹ quan Thủ Đức (1962) mặc dầu văn phòng Quốc hội đã gởi văn thư can thiệp hoãn dịch vì lý do công vụ. Tôi thuộc vào số chuyên viên này.
Giữa năm 1965 tôi đang làm việc tại Phòng Nghiên cứu / Bộ Quốc Phòng thì được lệnh biệt phái sang làm việc ở Phủ Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc Gia – dinh Gia Long. Phòng Nghiên cứu/Bộ Quốc phòng nguyên được thành lập do sáng kiến của Trung tướng Nguyễn văn Thiệu lúc ông đảm nhận chức vụ Tổng trưởng Quốc phòng kiêm Phó Thủ tướng đặc trách an ninh trong chính phủ Phan huy Quát, có nhiệm vụ nghiên cứu chính sách và các vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng ; được xem là cơ quan đầu não của Bộ Quốc phòng. Do đấy khi Trung tướng Thiệu được Hội đồng Quân lực cử giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Lảnh đạo Quốc gia, ông đã mang theo một số sỹ quan của Phòng Nghiên cứu/Bộ Quốc phòng để thành lập bộ tham mưu cho chức vụ mới.
Như tất cả mọi người sau này đều biết , chính quyền quân nhân Nguyễn văn Thiệu-Nguyễn cao Kỳ có 2 nhiệm vụ chính :
– chấm dứt tình trạng vô chính phủ ( hậu quả của chính biến 1/11/1963 ), người Mỹ không muốn có những xáo trộn chính trị trong khi đổ quân tác chiến vào Việt Nam.
– thực hiện tiến trình chuyển giao cho chính quyền hợp hiến, dân cử để tham dự hòa đàm Paris cho việc Mỹ rút quân và giãi kết cuộc chiến.
Tôi làm việc ở dinh Gia Long trong các năm 1965, 66, 67 thì chuyển về dinh Độc Lập sau khi dinh này được trùng tu (do vụ ném bom 27/2/1962). Dinh Gia Long là nơi ở và làm việc cuối cùng của Tổng thống Diệm và gia đình ông bà Nhu, nguyên là dinh Thống đốc Nam Kỳ được xây vào cuối thế kỷ thứ 19; kiến trúc không thay đổi ngoại trừ một căn hầm trú bom được xây sau 1962. Trang trí nội thất giữ nguyên với bàn ghế cũ kỷ đã có từ trước. Ông Diệm chỉ dùng một phòng nhỏ trên lầu làm nơi ăn ở, làm việc, tiếp nhân viên. Hàng ngày tôi đi theo hành lang phiá sau (hướng đường Lê Thánh Tôn cũ) qua văn phòng này trước khi vào văn phòng của Trung tướng Thiệu. Chỗ ở của gia đình ông bà Nhu gồm những căn phòng nhỏ hẹp; ở phòng ăn có một chiếc thang dây cổ lổ, kéo bằng tay đưa thức ăn từ bếp, là dấu vết sang trọng sót lại từ thời Pháp thuộc. Đa số những người phục dịch cũ vẫn còn. Tôi biết một số mẫu chuyện riêng tư của ông Diệm và gia đình ông bà Nhu qua những người này.
Ông Diệm có cuộc sống độc thân khắc khổ của người tu hành, có lòng thương người,dễ nóng giận nhưng cũng dễ tha thứ, đêm ngày hoàn toàn lo việc nước, không có một thú vui giãi trí nào ngoài sở thích chơi máy ảnh .Ông Nhu xuất thân là một quản thủ thư viện, ham mê đọc sách ,làm việc nhiều về trí óc nên gần như không chú trọng về đời sống vật chất . Ông không phải là người quảng giao, trong giao tế thiếu sự vồn vã nên bị xem là lạnh lùng, khinh người. Ông Nhu từng nói:” mình có học là bởi cha mẹ ông bà có tiền cho ăn học, chớ mình hơn gì ai !”. Một trí thức khoa bảng xuất thân từ giai cấp quan lại phong kiến nói một câu như vậy không phải là hạng người “mục hạ vô nhân” mà là con người phân biệt được những giá trị “thực” và những giá trị “giả”, do đấy một số trí thức và tướng tá có mặc cảm, sợ và ghét vì ông thấy rõ chân tướng họ, trong thực tế ông chẳng làm hại ai cả .Bà Nhu quán xuyến mọi công việc gia đình, săn sóc chồng và con như truyền thống của các bà vợ và mẹ Việt Nam. Trái với dư luận đồn đãi, ông Nhu không hút thuốc phiện nhưng là người nghiện thuốc lá nặng. Khi làm việc ông đốt thuốc lá liên miên, bốn, năm bao mỗi ngày. Về sau theo lời dặn của bác sĩ, bà Nhu kiểm soát chặt chẻ bằng cách không để ông Nhu giữ thuốc lá mà giao cho người phục dịch giữ với số lượng nhất định mỗi ngày. Hút thuốc lá còn bị bà Nhu kiểm soát như vậy thì làm sao có thể hút thuốc phiện được và làm sao có thể dấu những người phục dịch và các cọng sự viên vì người hút thuốc phiện có mùi đặc biệt ( vụ hút thuốc phiện do bộ trưởng Nguyễn đình Thuần phao tin với người Mỹ ). Ông Nhu rất cưng chiều con cái nhưng bà Nhu là người trực tiếp giáo dục, kiểm soát việc học hành, đưa vào khuôn khổ. Bà Nhu sinh trưởng trong một gia đình thượng lưu, giàu sang nên nhiều người tưởng bà là người rất xa hoa nhưng thực ra bà có cuộc sống giản dị, cần kiệm, ăn uống dễ dãi, không kén chọn, không mang các trang sức đắt tiền. Bà rất tốt với kẻ dưới. Những gia nhân phục dịch cũ nhắc đến bà với sự thương cảm, hàng tháng bà cho họ quà hay tiền được gói kín và trao tận tay. Đời sống của ông Diệm và gia đình ông bà Nhu không có gì cao sang so với thành phần trung lưu trong xã hội bấy giờ. Nếu nhìn vào địa vị xã hội của họ ( tổng thống, cố vấn ) thì có thể nói họ là những người có cuộc sống khắc kỷ. Có câu chuyện nhỏ tôi còn nhớ về ông Diệm:
Một hôm tôi ghé lại phòng trực sỹ quan dinh Gia Long, có một người đàn ông lớn tuổi ăn mặc lam lũ bước vào xin lửa hút thuốc, tôi bật quẹt cho ông ta. Thấy ông nói giọng Huế và hút thuốc lá vấn, tôi hỏi: chắc bác làm việc ở đây từ thời Cụ (cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm)?
– Dạ phải.
– Bác làm gì?
– Dạ nấu ăn cho Cụ.
– Thế bây giờ bác làm công việc gì ở đây?
– Dạ thưa tôi làm vườn.
Tôi ngạc nhiên, đinh ninh ông này là bếp Tây từ thời các công sứ, khâm sứ Pháp không lẻ bị chế độ mới “hạ tầng công tác”, nên hỏi: tại sao người ta không để bác nấu ăn cho Trung Tướng Thiệu mà đưa bác đi làm vườn? – Dạ tôi có phải bếp Tây, bếp Tàu chi mô. Tôi theo hầu Cụ từ xưa, Cụ ăn uống đơn sơ, buổi sáng dùng cháo trắng, dưa, trưa dùng cơm, món canh, món mặn…, tối Cụ không dùng cơm, chỉ dùng rau với trái cây; mỗi ngày đi chợ chưa đầy trăm bạc.
– Thế hàng ngày Cụ không dùng cơm chung với gia đình ông bà cố vấn (ông bà Nhu)?
– Dạ không. Chỉ khi nào có đức Cha ghé lại (Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục). Dạ mà hôm nào có thức ăn còn lại thì bà (bà Nhu) thường dặn để dành ăn tiếp bữa sau…
Đa số những người trong gia đình ông bà Nhu đều tốt nghiệp các trường lớn ở Pháp, chịu ảnh hưởng văn hoá Pháp; kỹ sư Ngô Đình Luyện tốt nghiệp École centrale, ông Nhu tốt nghiệp đại học Sorbonne và École nationale des chartes, luật sư Trần Văn Chương (cha bà Nhu), bác sĩ Trần Văn Đỗ (chú bà Nhu) và ngay cả ông nội (Trần Văn Thông, 1875-1955), ông ngoại (Thân Trọng Huề, 1869-1925) đều du học ở Pháp, bà Nhu lúc trẻ học Lycée Albert Sarraut…; nhưng tất cả các con cái ông bà Nhu đều học hành trong nước và ở trong nước. Ngô Đình Lệ Thủy con gái đầu của ông bà đậu Tú Tài Pháp năm 1962 và theo học đại học Văn Khoa Sài Gòn niên khóa 1962-63. Trong những giờ phút nguy hiểm các con đều có mặt bên cạnh: cuộc đảo chánh hụt 11/11/60 lúc lính Dù công hãm dinh Độc Lập, vụ ném bom dinh Độc Lập 27/2/62… Trong vụ ném bom 27/2/62 bà Nhu bị thương nhẹ, người xẩm giữ con nhỏ của bà Nhu (Ngô đình Lệ Quyên) bị tử thương.Trước biến cố 1/11/63 vào lúc người Mỹ công khai ý định loại trừ ông bà Nhu và lật đổ chế độ, những người thân cận ông Nhu đã khuyên ông gởi các con ra ngoại quốc nhưng ông nói các con của ông sẽ phải chấp nhận số phận như những trẻ Việt Nam khác và phải chung hoạn nạn của gia đình một khi cha mẹ chúng đảm nhận các trách vụ chính trị. Ông nói với con trai đầu Ngô Đình Trác mới 15 tuổi: … “rồi đây có lẽ con phải chịu nhiều đau khổ hơn những đứa trẻ khác, là con trai lớn phải lãnh đạo gia đình nếu vì một lý do gì cha mẹ không còn ở gần!” Tháng 9/63 bà Nhu rời Việt Nam đi Belgrade (Nam Tư) dự hội nghị Liên hiệp Nghị sĩ Quốc tế, tại phòng khách danh dự phi trường Tân Sơn Nhất, ý thức được tình hình đã nguy hiểm, bà tuyên bố: tôi đi chuyến này không phải để chạy trốn, bằng chứng là tôi còn gửi lại trên đất nưóc này tất cả những người thân yêu nhất: chồng và các con tôi… Ông Nhu dự định đi Tokyo để đón vợ trên đường trở về đồng thời nghỉ ngơi ít ngày nhưng bà Nhu đã cản: “Anh không nên đi lúc này, đi lúc này là đào ngũ.”. Ủy Ban Điều tra Tài sản và Tội Ác của Hội Đồng Quân nhân Cách mạng 1/11/63 cho thấy ông Diệm không có tài sản, ông bà Nhu chỉ có một bất động sản đang xây cất dở dang ở Đà lạt, họ không hề tham dự bất cứ một công cuộc làm ăn, kinh doanh nào. Những người lãnh đạo sau này không có được tư cách như vậy.Tổng Thống Thiệu gởi con trai còn nhỏ đi học ở các tư thục đắt tiền nhất Thụy sĩ và Anh; con rễ Tổng Thống Thiệu và Thủ tướng Khiêm đều thuộc thành phần trốn quân dịch. Kể từ khi mới bắt đầu cầm quyền các ông Thiệu, Khiêm đã lo tích lũy tài sản, tẩu tán ra ngoại quốc đề phòng lúc hữu sự, và tất cả đã đào thoát bằng máy bay Mỹ tối 25/4/1975.
Thời gian làm việc ở Quốc hội đệ I Cộng Hòa tôi nghe nhiều dư luận không tốt đẹp về đời tư của bà Nhu, về “giao du thân mật” giữa bà Nhu với một dân biểu miền Trung trong các chuyến công du, nhất là chuyện giữa bà Nhu với tướng Trần Văn Đôn v.v…
Năm 1971 sau khi đắc cử dân biểu đơn vị Quảng Ngãi ông Đôn tìm gặp tôi trao carte blanche, ông nói: “số tôi nay chỉ đi phò…” và bày tỏ ý muốn chuyển sang hành pháp (nội các). Tôi sắp xếp cho ông giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ Nghị viện, do đó có thời gian dài ông làm việc trực tiếp với tôi trước khi giữ chức vụ Phó Thủ tướng trong nội các Trần Thiện Khiêm. Tôi có hỏi ông về dư luận đồn đãi giữa ông và bà Nhu, ông khẳng định với tôi là không bao giờ có chuyện đó (sau này ông có xác nhận trong hồi ký xuất bản ở hải ngoại gởi cho tôi). Ông nói: bà Nhu là người đàn bà rất cao ngạo, có óc lãnh tụ, ngay từ lúc hai vợ chồng còn nghèo ở mướn nhà ba tôi (Bác sĩ Đôn) ở Đà Lạt, bà ta đã tin tưởng một cách chắc chắn là ông Ngô Đình Diệm sẽ lãnh đạo quốc gia trong một tương lai gần, chồng bà sẽ có một địa vị xứng đáng, và bà ta bảo tôi: “anh phải giữ con người của anh để sau này làm việc với chúng tôi.”; về đạo đức bà Nhu là người bảo thủ, chứng cớ là các đạo luật gia đình và bảo vệ luân lý (đã nói ở trên), nhưng lại là người tranh đấu quyết liệt cho vấn đề giải phóng phụ nữ, nam nữ bình quyền; người ta ghét nên bày chuyện bêu xấu chứ tính tình bà ta cứng rắn hơn cả đàn ông, không phải là hạng người chấp nhận các cuộc tình dễ dãi.
Ông Đôn có nhận xét khá chính xác: Bà Nhu là nạn nhân của chính bà và của chế độ ông Diệm – trong một xã hội chậm tiến còn nặng tính cách phong kiến, thiên hạ không thích tác phong của bà ta xuất hiện trước công chúng như một lãnh tụ, tuyên bố, nói năng không kiềm chế, có nhiều phát ngôn gây tai tiếng, phẫn nộ…, và trong chính trị có nhiều sự thực đâu có thể “bóc trần” ra bất cứ lúc nào (vụ Phật giáo); là vợ của ông Nhu, em dâu Tổng Thống Diệm, ở ngay trong dinh Độc lập nên dễ bị chỉ trích lộng quyền; mặt khác chế độ của ông Diệm gây nhiều thù oán, bất mãn khi phải phá bỏ trật tự cũ để xây dựng trật tự mới, bà Nhu được xem như là đệ nhất phu nhân nên là mục tiêu dễ bị tấn công, bôi bẩn bà Nhu là phương cách hữu hiệu đánh phá chế độ.
Khi nói chuyện với tôi về ông bà Nhu, ông Đôn luôn luôn dùng danh từ “ông, bà” chứ không phải “anh chị” như đối với những người đồng trang lứa mặc dầu ông Đôn lớn hơn bà Nhu gần chục tuổi. Ông Đôn thừa nhận ông đã được ông Diệm và ông bà Nhu tín nhiệm và đặc biệt nâng đỡ vì gia đình hai bên biết nhau từ lâu (ông bà Trần Văn Chương và Bác sĩ Đôn). Ông Đôn được Tổng thống Diệm cử quyền Tổng Tham mưu trưởng thay tướng Lê Văn Tỵ đi Mỹ chữa bệnh ung thư và đã dùng chức vụ này làm đảo chánh 1/11/63.Trong lịch sử Việt Nam có câu chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy, thần Kim Quy hiện lên nói với Thục An Dương Vương: “ kẻ thù ngài ở sau lưng ngài đó!”.Những kẻ trực tiếp giết ô.ô. Diệm, Nhu là Trần văn Đôn, Trần thiện Khiêm, Tôn thất Đính, Đỗ Mậu, là những người thân tín của các ông Diệm, Nhu.
Ông Đôn không hề dấu diếm tôi về những người đàn bà đã qua tay ông. Ông làm chính trị cũng như ông chinh phục đàn bà, trong cả hai lãnh vực ông đều tận tình khai thác: ông có nhiều nhân tình rất đẹp nhưng chỉ chung sống thực sự với những người đàn bà có sản nghiệp lớn và những người đàn bà này không đẹp; về chính trị ông đi với mọi phe phái kể cả Mặt trận Giải phóng Miền Nam, liên hệ với mọi cơ quan tình báo ngoại quốc nhưng chỉ phục vụ cho những thế lực nào đưa lại cho ông những quyền lợi thiết thực, địa vị, danh vọng. Ông Đôn kể với tôi là lúc làm Tư lệnh Quân đoàn I (Huế) trong dịp lên Phủ Cam chúc Tết đã bị Tổng Thống Diệm la: “Anh hết người chơi sao mà chơi với cả cộng sản!” Đây là câu chuyện ông Đôn dan díu với con dâu dược sĩ P. D. Đ. (thân cộng, vợ là chị của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trong chính phủ Hồ Chí Minh). Một trong những mẫu số chung của đa số các tướng lãnh là gái và tiền . Sau 1/11/63 không còn sự kiềm chế và kiểm soát, đám tướng lãnh “hội đồng cách mạng” ăn chơi trác táng thâu đêm suốt sáng, các nữ sinh viên Phật tử hiến thân cho “ các anh hùng cách mạng”, các bà Phụ Nữ Liên Đới đem thân xác” chuộc tội “… ; “Ủy ban Điều tra Tài sản và Tội Ác” tróc nã tiền của lớp Cần Lao dân sự có máu mặt, có người biết đem của che thân thì thoát nạn (trường hợp tỷ phú N.C.T., ông này đã cúng cho Phật giáo Ấn quang đám đất xây Đại học Vạn Hạnh đường Trương Minh Giảng Sài Gòn), có người đem thân che của thì thân đi Côn đảo, của cải mất, vợ bị chiếm đoạt (trường hợp N.V.B.)…Gian dâm vợ người, tống tiền, cưỡng đoạt tài sản không bị xem là tội ác mà được xem là những chiến lợi phẩm của “ vụ đoạt quyền 1/11/63” . Việc phân chia “quả thực” ( tiền bạc, chức vụ v.v..) không đồng đều, gây ra bất mãn , phe đảng…, là nguyên nhân chính đã đưa đến cuộc chỉnh lý ba tháng sau 30/1/1964
Kể từ khi Bộ Quốc phòng biệt phái tôi sang Phủ Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia (6/1965), công việc của tôi chuyển hẳn sang lãnh vực chính trị. Công việc đòi hỏi phải tìm hiểu, đi sâu vào các biến cố đã xảy ra dưới thời đệ I Cộng hòa vì cũng xã hội đó, với những mẫu người đó, có khác chăng là mức độ chiến tranh mỗi lúc một tàn khốc, sự can thiệp của người Mỹ vào các vấn đề nội chính ngày càng sâu rộng. Tôi đã đọc lại các hồ sơ từ khởi hấn Bình Xuyên, các cuộc nổi dậy của giáo phái (1955), đảo chánh hụt 11/11/60, biến cố 1/11/63… Tôi cũng đã bỏ hàng trăm giờ để nghe lại băng ghi âm các cuộc họp tướng lãnh sau 1/11/63, chỉnh lý, đảo chánh, phản đảo chánh, phiên xử các tướng lãnh Đà Lạt (Đôn, Đính, Kim, Xuân, Vỹ), hiến chương Vũng Tàu …(Các cuộn băng này bấy giờ tập trung ở Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, dinh Gia Long), và tôi đã gặp một số người liên hệ.
Khi làm đối chiếu cuộc đảo chánh hụt 11/11/60 và cuộc đảo chánh 1/11/63 tôi tự đặt cho tôi một câu hỏi bên lề: nếu bà Nhu có mặt ngày 1/11/63 tại dinh Gia Long thì cục diện sẽ như thế nào? Cuộc đảo chánh sẽ bị ngăn chặn, thất bại? Hay kết quả sẻ như đã xảy ra với mức độ đổ máu tàn khốc hơn?
Về căn bản ông Diệm là một nhân sĩ được ông Bảo Đại mời nắm chính quyền, là một người đạo đức; cầm quyền vào thời loạn nhưng luôn luôn mang tư tưởng: nếu hoàn cảnh và thời thế cho phép làm được thì làm bằng không thì đi vào ở tu viện. Cụ thể năm 1933 ông từ chức Thượng thư Bộ Lại (thủ tướng) vì những yêu sách không được người Pháp thỏa mãn mặc dầu ông Bảo Đại năn nỉ ở lại; sau 9/3/1945 ông Bảo Đại nhờ người Nhật tìm ông Diệm để giữ chức vụ Thủ tướng nhưng người Nhật biết khó làm việc với ông Diệm nên đã đưa ông Trần Trọng Kim bấy giờ đang sống ở Singapore dưới sự bảo vệ của người Nhật; năm 1948 khi giải pháp quốc gia thành hình, ông Diệm là người đầu tiên được ông Bảo Đại mời giữ chức vụ Thủ tướng nhưng đã từ chối; năm 1954 trước tình trạng đất nước phân chia, ông Bảo Đại mời ông Diệm giữ chức Thủ tướng toàn quyền về dân sự và quân sự. Trong hồi ký của ông Bảo Đại không hề có một lời trách cứ nào đối với ông Diệm về cuộc trưng cầu dân ý 23/10/1955 vì ông Bảo Đại hiểu con người ông Diệm không phải chủ tâm đoạt quyền mà do hoàn cảnh lịch sử bấy giờ.
Ông Ngô Đình Nhu là một học giả, nặng về suy nghĩ, nghiên cứu hơn là hành động. Ông Đoàn Thêm, làm việc cạnh ông Nhu từ 1955 đến 1963, tác giả bộ sách “Việc từng ngày” có nhận xét: “Về phương diện trí thức, trình độ của ông Nhu rất cao, học vấn cổ điển và nhân bản của ông rộng và vững.” Ông là người đề ra triết lý chính trị làm nền tảng cho chế độ đệ I CH, định hướng cho chính sách, đường lối quốc gia; thấy rõ các vấn nạn của đất nước do tình trạng chậm tiến và nhu cầu khẩn thiết phải giải quyết, là động lực cho các kế hoạch ngũ niên, kỹ nghệ hóa, khu trù mật, ấp chiến lược … trên cơ sở cộng đồng đồng tiến. Ông là nhà chính trị có tư tưởng, điều mà các chính khách VN khác rất thiếu sót.
Ông Nhu không có tham vọng chính trị, lãnh đạo. Ông giúp ông Diệm như một tư nhân, không có văn kiện chính thức bổ nhiệm ông vào chức vụ cố vấn Tổng thống. Ông không muốn ở trong dinh Độc Lập cũng như dinh Gia Long sau này nhưng vì lý do an ninh và ông Diệm yêu cầu vì cần ông ở bên cạnh. Ông muốn sau này khi không còn giúp ông Diệm thì về Đà lạt dạy bọn con nít trung học Pháp về cổ ngữ (tiếng Latin). Những người làm việc cạnh ô. Diệm, ô.Nhu nói với tôi: ngoại trừ các vấn đề được ủy quyền , ông Nhu hoàn toàn tự giới hạn trong vai trò cố vấn, ông Nhu rất tôn trọng chức vụ tổng thống của ông Diệm ; đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền chuyên độc của Tổng Thống ông Nhu không cho ý kiến ngoại trừ được ông Diệm yêu cầu ; không có “ lấn quyền” hay “thao túng” như dư luận đồn đãi, ông Diệm luôn luôn là người quyết định tối hậu. Năm 1962 trong dịp nói chuyện với sinh viên sỹ quan Thủ Đức khoá 13 gần 3 tiếng đồng hồ, có đoạn ông tự thuật về quãng đời của ông, ông nói lúc trẻ ông có ý định theo học ngành kỹ sư thủy lâm vì muốn gần gủi với thiên nhiên nhưng sau đổi ý vào École nationale des chartes vì muốn đi vào thế giới sách vở, tư tưởng, còn lãnh vực chính trị là do hoàn cảnh thúc đẩy sau này; nói đến đây, ông liên hệ đến chúng tôi (đa số là thành phần động viên): “cũng như các anh, có bao giờ ngờ là giờ đây các anh ngồi ở đây không?”. Đúng vậy, nếu chọn binh nghiệp thì chúng tôi đã vào lính từ 18, 20 tuổi để còn lên tướng, bây giờ tất cả đều trên dưới 30 tuổi, nhiều người đã vợ con đùm đề trong tình trạng chồn chân gối lỏng, có người vừa du học từ ngoại quốc về mang theo vợ đầm nay trong tình trạng chới với … Việc đời thăng trầm vô thường .Cũng như ông Ngô đình Nhu hôm đó có đâu ngờ trong số cả ngàn sinh viên sỹ quan ngồi bệt trên nền xi măng nghe ông nói chuyện, có một “nhân vật” chỉ hơn mười tháng sau đã đóng đinh vào quan tài của ông và ông Diệm. Anh ta cùng đại đội với tôi, thuộc đại đội 8 khoá 13, là chủ và tài xế chiếc xe hơi Austin DBA599 đưa Thượng tọa Quảng Đức đến ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt tự thiêu. Anh ta không phải chỉ là tài xế mà là thành phần đạo diễn vụ tự thiêu, ông Quảng Đức chỉ là nạn nhân. Như bà Ngô Đình Nhu đã tuyên bố tại hội nghị Liên Hiệp Nghị sĩ quốc tế ở Belgrade: “những vụ tự thiêu đang xảy ra tại Việt Nam là do mấy tay sai của ngoại bang giật dây với mục đích lật đổ chế độ hiện hữu thay vào một chế độ tay sai dễ dạy bảo, đi đúng quỹ đạo của Mỹ.” Trong cuộc chiến sinh tồn giữa gọng kềm cộng sản và tư bản (Mỹ) người quốc gia VN nhiều khi bị đưa vào mê hồn trận không phân biệt được bạn và thù, nhưng với cộng sản thì họ biết rõ ai là người của họ và nếu không phải là người của họ thì tức là của đối phương, vì lẽ đó mà sư Trí Quang, người rất có công với cộng sản nhưng đã bị cộng sản quản chế từ 30/4/1975 đến nay. Ông ta đã được mời di tản nhưng quyết định ở lại. Riêng người tài xế xe Austin DBA599 thì được CIA Mỹ đưa ra khỏi VN vào ngày cuối tháng 4/1975.
Tiếp theo vụ tự thiêu ngày 11/6/1963 của Thượng tọa Quảng Đức là vụ tự vẫn của văn hào Nhất Linh Nguyễn Tường Tam ngày 7/7/1963 với bức thư tuyệt mạng lên án chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp đối lập, cũng là một cái đinh đóng thêm vào quan tài các ông Diệm, Nhu. Đối với những người đã chết, chết có nghĩa là hết; nhưng lịch sử cần có những sự kiện trung thực để có thể phán xét một cách công minh sau này. Tôi ghi dưới đây nguyên văn một đoạn trong cuốn sách “Trong bóng tối lịch sử” của ông Lê Nguyên Phu, nguyên Ủy viên Chính phủ Tòa Án Quân sự Đặc biệt là người có thẩm quyền trong vụ án xét xử về cuộc binh biến 11/11/1960 liên hệ đến cái chết của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam:
… “Nhóm Hoàng Cơ Thụy là nhóm dân sự duy nhất biết trước vụ binh biến. Còn những người khác như Phan Quang Đán, Phan Khắc Sửu, Vũ Hồng Khanh, Phan Bá Cầm, Bùi Lượng, Đinh Xuân Quảng, Nguyễn Thành Phương, Nguyễn Tường Tam cùng đám thuộc hạ em út gồm có Trương Bảo Sơn, Nguyễn Thành Vinh, Vĩnh Lợi, Trần Tương v.v… đều là những người lúc nghe tiếng súng nổ mới chạy tới hiện trường, hoan hô đả đảo cho rậm đám. Đây là những người không được mời ăn cổ, nhưng nghe có đình đám chạy đến để ăn có…
“Nguyễn Tường Tam sau khi bị điều tra sơ khởi tại Nha Cảnh Sát, Nha An ninh Quân đội và thẩm vấn sau cùng tại Toà Án Quân sự đặc biệt, đã được Đại tá Lê Văn Khoa ủy viên chính phủ phóng thích ngay, không bị giam giữ một ngày nào. Trong biên bản do chính Đại tá Lê Văn Khoa thẩm vấn, Nguyễn Tường Tam khai thực sự không biết gì nội vụ, không có tổ chức căng biểu ngữ, rải truyền đơn trước dinh Độc lập. Những sự việc này hoàn toàn do đám em út của ông: Trương Bảo Sơn, Nguyễn Thành Vinh, Vĩnh Lợi, Trần Tương v.v… tự động làm ra ông ngăn không nổi. Ông thỉnh cầu Đại tá Lê Văn Khoa đừng đem ông đối chất với đám thuộc hạ. Sự thỉnh cầu này được ghi rõ ở đoạn cuối biên bản thẩm vấn. Đại tá Lê Văn Khoa chấp nhận lời thỉnh cầu, nên trong hồ sơ không có biên bản đối chất, mặc dầu các thuộc hạ của ông khai ngược lại là đã hành động theo lệnh của ông. Các thuộc hạ của Nguyễn Tường Tam đều bị Đại tá Lê Văn Khoa tống giam, chỉ một mình Nguyễn Tường Tam được tại ngoại hầu tra. Do đó các thuộc hạ của ông đều tỏ ra bất bình và oán hận, cho rằng chính ông đã đổ hết tội lỗi lên đầu của họ. Từ trong khám Chí Hòa, Trương Bảo Sơn viết thư ra cho bà vợ mới chắp nối là bà Nguyễn Thị Vinh chỉ trích Nguyễn Tường Tam đủ điều, nào là phản bội anh em, nào là thiếu tư cách lãnh tụ v.v… Lá thư được giám đốc khám đường Chí Hòa đệ trình Tòa đặc biệt và được lưu giữ lại trong hồ sơ. Lúc bấy giờ hồ sơ đã được Đại tá Lê Văn Khoa kết thúc và đã có án lệnh ra Tòa từ lâu, trước khi tôi đến thay thế Đại tá Lê Văn Khoa.
“Vụ án đã có án lệnh đưa ra tòa từ lâu nên tôi quyết định không thể kéo dài thêm nữa và cho đăng đường xét xử vào phiên tòa ngày 5/7/1963. Theo thủ tục pháp lý, một can phạm bị truy tố về một tội đại hình, nếu được tự do tạm như trường hợp của Nguyễn Tường Tam, phải bị câu lưu lại 3 ngày trước phiên xử. Nhưng đối với Nguyễn Tường Tam, tôi không cho thi hành thủ tục này. Tôi viết thư mời Nguyễn Tường Tam (chứ không phải ra trát đòi) đến gặp tôi tại Tòa án quân sự đặc biệt. Tôi cho ông biết vụ binh biến 11/11/60 sắp được đăng đường xét xử và yêu cầu ông ngày đó nhớ đi hầu tòa. Tôi hứa sẽ tận tình giúp đỡ ông để sau phiên xử ông vẫn được thong thả và tự do trở về nhà. Trước sử cởi mở của tôi, ông trầm ngâm giây lát, tỏ ý cảm kích, và sau cùng hỏi tôi: “Ông ủy viên có thể giúp tôi thêm một chút nữa được không. Tôi xin ông ủy viên giúp tôi tránh khỏi phải đối chất với bọn đàn em thuộc hạ của tôi”. Tôi hiểu rõ ý muốn của ông và lần này tôi cũng trầm ngâm như ông trước khi trả lời: “Điều ông yêu cầu thực sự ngoài quyền hạn của tôi, bởi vì hồ sơ đã đăng đường, trước tòa chỉ có ông chánh thẩm là người duy nhất điều khiển phiên xử và có quyền quyết định tối hậu mọi thủ tục pháp lý. Tôi vì ông sẽ không xin đối chất, nhưng nếu luật sư biện hộ cho thuộc hạ của ông yêu cầu đối chất, tôi sợ ông chánh thẩm khó lòng từ chối” … Ông cúi đầu suy nghĩ. Và trong câu chuyện tiếp theo, ông luôn luôn trở lại vấn đề đối chất và nhiều lần nhắc nhở tôi cố gắng giúp đỡ ông. Đó là lý do vì sao câu chuyện đàm thoại giữa chúng tôi đã kéo dài ba giờ đồng hồ, suốt một buổi sáng.
“Lúc tiễn ông ra cửa, tôi thấy ông đi thất thểu, nhưng tôi không nghĩ rằng vì vấn đề đối chất này mà ông phải tự tử sau đó. Lúc được tin ông đã qua đời, suy nghĩ kỹ lại, tôi mới nhận rõ điều ông yêu cầu là một điều tối quan trọng đối với ông. Ông không muốn đối diện với bọn đàn em và đối chất với họ trước Tòa, vì đó là một điều sỉ nhục, mất thể diện trọng đại. Trước Tòa, nếu ông tiếp tục giữ lập trường không liên can vào nội vụ, trong khi bọn đàn em của ông lại nhất quyết cho ông là người cầm đầu, thì cái danh vị lãnh tụ của ông sẽ tiêu tan, và nhân phẩm của ông sẽ bị tổn hại rất nhiều. Cho nên chỉ còn một lối thoát duy nhất để tránh vụ đối chất là tự tử. Lối thoát này đã giúp ông bảo tồn danh dự và tư cách lãnh tụ, nâng cao nhân phẩm cá nhân và có thể đưa ông vào lịch sử…
“Nhưng tiếc thay, điểm son rực rỡ đã bị ông xóa nhòa, bôi đen bằng một mảnh giấy nhỏ được ông để lại khi lâm chung. Trên mảnh giấy ông cho biết ông tự tử vì không muốn bị xét xử trước Tòa án của chính quyền Ngô Đình Diệm và xin để lịch sử xét ông về sau. Những dòng chữ này không biết có đánh lạc hướng được lý do tự tử của ông hay không, nhưng chắc chắn đã hạ thấp phẩm giá của ông rất nhiều. Cho đến giờ phút lâm chung ông vẫn còn chưa đạt, vì chưa dứt bỏ được tham vọng lợi danh của mình, chưa giác ngộ được hành vi tốt hay xấu của mình đối với anh em đồng chí, mà vẫn còn huênh hoang tiếp tục dối trá người đời. Ông nói ông không muốn để Tòa án chính quyền Ngô Đình Diệm xét xử ông, nhưng thực sự khi ông ra khai tại phòng Dự thẩm Tòa án Quân sự đặc biệt thì ông đã bị Tòa án của chính quyền Ngô Đình Diệm xét xử rồi, vì trong cơ chế pháp lý, Dự thẩm được xem như là một cấp xử án riêng biệt (une jurisdiction à part), có quyền định tội danh của can phạm, cải tội danh, ra án lệnh miễn tố hay truy tố ra Tòa khi tội danh đã được xác định.”
(Trong Bóng Tối Lịch Sử – Lê Nguyên Phu, trang 187-191)
Năm 1962 trong thời gian thụ huấn quân sự khóa 13 Thủ Đức giai đoạn 1, tôi ở chung trung đội với Nguyễn Tường Thạch, con trai của ông Nguyễn Tường Tam, chúng tôi khá thân nhau. Qua các câu chuyện của anh kể về cha anh, tôi có nhận định ông Nguyễn Tường Tam là người thường dễ bị chấn động tâm thần, không có đảm lược của một người làm chính trị. Điều này về sau đã được xác nhận trong hồi ký của Bác sĩ Nguyễn Tường Bách (em út ông Nguyễn Tường Tam), là lý do sau cái chết của ông Nguyễn Tường Long ở Quảng Châu, ông Bách đã khuyên ông Nguyễn Tường Tam nên từ bỏ chính trị trở về nghiệp viết văn. Việc ông Nguyễn Tường Tam chạy vào Tòa Đại sứ Trung Hoa Quốc Gia xin tỵ nạn chính trị ngay sau biến cố 11/11/60 đã là một bằng cớ hiển nhiên của sự dính líu vào vụ phản loạn. Do sự can thiệp của Tòa Đại sứ Trung hoa Quốc gia (qua Linh mục De Jaegher, Phong trào Á châu Thái Bình dương chống cộng) và vì ông là một nhà văn có tiếng tăm nên Tổng thống Diệm và ông Nhu quyết định chỉ đưa ông ra Tòa chiếu lệ rồi tha bỗng. Ông Nguyễn Tường Tam đã được hưởng sự khoan hồng của chế độ. Bức thư tuyệt mệnh của ông lên án chế độ ông Diệm đàn áp đối lập và lý do ông tự vẫn không phản ảnh đúng sự thực.
Ông Diệm và ông Nhu đều là những người không đủ cương quyết để lãnh đạo một quốc gia trong tình trạng chậm tiến, chiến tranh, với những âm mưu, tham vọng và áp lực của ngoại bang. Ông Diệm là một nhân sĩ và ông Nhu là một học giả, không phải là những người tranh đấu từ môi trường quần chúng và bằng bạo lực cách mạng đoạt được chính quyền, vì vậy khi cần phải dùng bạo lực để ổn định và bảo vệ chính quyền thưòng có thái độ tiêu cực, không quyết đoán; mặt khác các ông Diệm, Nhu đều xuất thân từ giai cấp cao của xã hội phong kiến, hấp thụ một nền giáo dục có tính cách kinh điển, hạn hẹp trong giao tế nên thiếu hẳn kinh nghiệm thực tiễn về đời sống và con người – đã đưa đến thảm họa trong chính sách dùng người sai lầm và bất xứng .
Trái với ô. ô. Diệm, Nhu, bà Nhu là người hấp thụ nền giáo dục và nếp sống Tây phương từ nhỏ, xuất thân từ giai cấp cao của xã hội Âu hóa ,phóng khoáng, thực tiễn, nặng về lý trí với cá tính rất mạnh. Như bà Margueritte Hggins của tờ New York Herald Tribune nhận xét: người đàn bà có vóc dáng nhỏ bé nhưng với ý chí mãnh liệt. Trong vụ Phật giáo, ông Trần Văn Chương đã phê phán con gái ông một cách nặng nề: “Nó (bà Nhu) nổi tiếng cứng đầu nhất nhà, không ai dạy bảo được bất kỳ một điều gì. Nó thích gì làm nấy, chị và em nó sợ nó như cọp”.
Bà Nhu là người dám nói, dám làm, sẵn sàng đứng đầu sóng ngọn gió và chấp nhận mọi rủi ro, nguy hiểm. Năm 1955 khi Bảo Đại gởi điện yêu cầu ông Diệm qua Pháp với mục đích giải nhiệm thì việc ông Diệm ở lại hoàn toàn do các yếu tố bên ngoài chi phối chứ riêng ông đã có ý định ra đi. Trong khi ông Diệm cử ông Ngô Đình Luyện sang Pháp để dàn xếp với Bảo Đại thì bà Nhu bất chấp nguy hiểm, mặc quần đen áo bà ba trắng cầm biểu ngữ dẫn đầu đoàn biểu tình của Tổng Liên đoàn Lao công hô vang các khẩu hiệu: Đả đảo Nguyễn Văn Hinh! Đả đảo phiến loạn Bình Xuyên! Truất phế Bảo Đại tay sai bù nhìn của thực dân!
Trong cuộc binh biến 11/11/60 các đơn vị dù đã tạo được yếu tố bất ngờ, nổ súng bao vây dinh Độc lập từ phút đầu, vượt hàng rào chỉ cách dinh 50 thước. Trong khi tướng Nguyễn Khánh chờ lệnh, Tổng thống Diệm hỏi ông Nhu:
– Chú định thế nào?
Ông Nhu trả lời:
– Anh làm Tổng thống thì anh định đoạt.
Bà Nhu can thiệp:
– Anh nói vậy sao được, phải giúp Tổng Thống. Và bà đưa giải pháp, cương quyết không chấp nhận thất bại, đã đảo ngược tình thế từ đang bị bao vây sắp đầu hàng chuyển sang thế thắng và dẹp được đảo chánh. Bà rất dứt khoát đối với phản loạn khi yêu cầu Nguyễn Khánh cho lệnh khu trục bắn hạ máy bay nhóm đảo chánh mặc dầu có Trung tướng Thái Quang Hoàng bị bắt theo làm con tin trên đó – nhưng Nguyễn Khánh đã không thi hành lấy lý cớ vì không được lệnh từ Tổng Thống (Tổng Thống Diệm là người rất cương quyết đối với cọng sản nhưng đối với nội bộ quốc gia ông là người thiếu quyết đoán và Nguyễn Khánh là tay gian hùng cố tâm nuôi dưỡng các mầm mống nội loạn “nước đục béo cò” ). Bà Nhu là người chủ trương nhổ cỏ tận rễ để răn đe những kẻ có âm mưu phản loạn tương lai. Ngay trong đời sống tư bà cũng có lập trường rõ rệt”bạn,thù”. Năm 1982 trong bữa cơm với tướng Đôn và bà T.T.D. ở California (bà T.T.D.là cháu ruột các ông Diệm,Nhu bấy giờ sống chung với ông Đôn trong tình trạng vợ chồng), tôi hỏi bà T.T.D. : bà Nhu có liên lạc với chị không? Bà T.T.D. trả lời: Không . Tôi hỏi : Tại sao ?. Bà T.T.D. chỉ tay vào ông Đôn (người chủ chốt vụ 1/11/63) nói : Tại ông này .Sau 1/11/63 một thời gian rất lâu bà Nhu mới hòa giãi với cha mẹ bà (ông bà Trần văn Chương).
Trong vụ ném bom dinh Độc lập 27/2/62, mặc dầu bị thương Bà đã xuất hiện ngay, đi trên đống gạch đổ nát của dinh Độc lập, không hoang mang, không sợ hãi, với thái độ gần như thách đố ( sau đó bà mới vào bệnh viện điều trị vết thương.
Trong cuộc binh biến 11/11/60 ông Diệm ngay từ phút đầu đã ở trong tình trạng nguy hiểm vì nhóm đảo chánh có được 2 yếu tố quan trọng: yếu tố bất ngờ về quân sự và sự nhất trí, quyết tâm của thành phần lãnh đạo. Vụ 1/11/63 không có 2 yếu tố này.
Trước ngày 1/11/63 Lữ đoàn phòng vệ phủ Tổng thống đã đặt trong tình trạng báo động, ứng trực 100% và tất cả đã vào vị trí tác chiến lúc cuộc đảo chánh khởi động 1 giờ 30 trưa 1/11. Trong khi đó lực lượng đảo chánh chưa sẵn sàng. Tại Tổng tham mưu cơ quan đầu não đảo chánh chỉ có một số tân binh quân dịch của Trung tâm Huấn luyện Quang Trung. Đơn vị chủ lực mãi 5 giờ chiều mới kéo vào Sài Gòn. Thành Cộng hòa chỉ thực sự bị tấn công vào 11 giờ đêm 1/11 và dinh Gia Long bị bao vây lúc 3 giờ sáng 2/11. Trong thời gian lực lượng đảo chánh đang chuyển quân thì ít nữa có 2 đề nghị trình Tổng thống Diệm xử dụng các đơn vị cơ hữu (gồm thiết giáp và bộ binh) tấn công thẳng vào Bộ Tổng tham mưu là đầu não đảo chánh nhưng Tổng thống không chấp thuận vì không muốn quân đội tàn sát lẫn nhau.
Tôi hỏi Trung tướng Trần Văn Đôn (người lãnh đạo cuộc đảo chánh) nếu các trường hợp trên xảy ra thì đối phó như thế nào? Ông Đôn trả lời: lúc đó lực lượng đảo chánh chưa sẵn sàng và chúng tôi sẽ phải tháo chạy, cho đến sáng 2/11 khả năng phản đảo chánh vẫn còn nhiều, chúng tôi không đủ quân nên ở Bộ Tổng Tham mưu vẫn chỉ có một số tân binh quân dịch, các tướng lãnh lo sợ Đại tá Lam Sơn (Phan đình Thứ) kéo sinh viên sỹ quan Thủ Đức về tấn công (cách Bộ Tổng Tham mưu trên 10 cây số). Chúng tôi đã dự trù trước phương tiện máy bay và được người Mỹ bảo đảm an toàn trong trường hợp thất bại. Tôi đã cho đem vợ con về ở nhà tướng Lê Văn Kim (em rễ) gần sân golf sau bộ Tổng Tham mưu , cạnh phi trường Tân sơn Nhất, và vợ con của tướng Trần thiện Khiêm cũng được gởi tại đây.
Tôi hỏi tại sao có khoảng cách thời gian khá xa từ lúc nổ súng 1 giờ 30 trưa 1/11 cho đến khi các đơn vị đảo chánh di chuyển đến mục tiêu, và các cuộc tấn công lẻ tẻ không có phối hợp đồng loạt để tạo yếu tố bất ngờ. Ông Đôn: vì nhiều phe nhóm và nguyên tắc ngăn cách để bảo mật nên lúc hành động đã không thể đồng loạt, cuộc hành quân đảo chánh có quá nhiều sơ hở, nhưng do ô. ô.Diệm, Nhu phản ứng tiêu cực nên mới thành công.
Tôi hỏi nếu có mặt bà Ngô đình Nhu tại dinh Gia Long ngày 1/11/63 thì cục diện cuộc đảo chánh sẽ như thế nào? Ông Đôn: bà Nhu sẽ áp lực ô. ô. Diệm, Nhu dùng giải pháp quân sự chứ không chấp nhận rút lui một cách dễ dàng. Bà ấy là con người quyết liệt. Cuộc đảo chánh có thể bị dập tắt hay sẽ phải đổ máu nhiều. Nếu hôm ấy (1/11) có bà Nhu và thêm cố vấn quân sự như trường hợp Nguyễn Khánh trong vụ 11/11/60 thì chắc chắn chúng tôi thất bại .
Tôi hỏi: ai cũng biết vụ đảo chánh 1/11/63 do Mỹ nhưng tại sao để Conein có mặt ngày đó tại Tổng Tham mưu, về phương diện chính trị như vậy lộ liễu và tai tiếng quá?
Ông Đôn: Các tướng lãnh nòng cốt của cuộc đảo chánh chỉ gồm một số nhỏ (Minh, Đôn, Kim, Đính,Khiêm) nhưng mỗi người đều có động cơ riêng và toan tính riêng, giờ cuối các ông Đính, Khiêm còn nghi ngờ nhau và tôi cũng không tin hoàn toàn ông Thiệu (tư lệnh sư đoàn 5, đơn vị chủ lực đảo chánh) là người thân tín của ông cố vấn Ngô đình Nhu…, các tướng lãnh và sỹ quan cao cấp khác vì bị mời vào Tổng tham mưu nên chấp nhận tham dự một cách thụ động hoặc chỉ vì muốn ăn có, nhiều người rắp tâm đi hàng hai vì không tin đảo chánh thành công. Tôi ở trong cuộc nên biết rõ nội bộ và là lý do tôi đã yêu cầu Conein có mặt như đại diện của đại sứ Cabot Lodge để mọi người yên tâm và tích cực. Lúc ông Đính để ông Lâm Văn Phát, người được xem của Tổng Thống Diệm, chỉ huy lính đánh thành Cộng Hòa thì các tướng lãnh ở Tổng tham mưu nhốn nháo, lo sợ bị phản đảo chánh, nên tôi phải liên lạc ngay với ông Phát hứa cho lên Thiếu tướng. Trong trường hợp đảo chánh thất bại chúng tôi sẽ đem Conein đi theo để bảo đảm an toàn trên đường vượt thoát.
Có một câu chuyện phản ảnh tình hình hỗn quân hỗn quan ở Bộ Tổng Tham mưu hôm 1/11/63 như sau:
Tôi hỏi ông Cao Văn Viên: tôi nghe nói ông Khiêm (Trần Thiện Khiêm) đã cứu anh hôm 1/11/63 nên anh được bình yên!
Ông Viên: không ai cứu tôi hết, ai cũng lo cho bản thân họ mà thôi.
Tôi nói: những người không chấp nhận tham dự cuộc đảo chánh hôm đó đều bị giết (đại tá Hồ tấn Quyền tư lệnh hải quân, đại tá Lê quang Tung tư lệnh Lực lượng Đặc biệt…), hoặc bị cô lập, còn anh thì không ai làm gì hết!
Ông Viên: đây là do một trường hợp hết sức tình cờ. Hôm đó tôi đã bị quân cảnh còng tay, một tay đã đút vào xiềng, còn một tay nữa đang đút thì có một sỹ quan ra lệnh tháo xiềng và mời tôi nghe điện thoại của tướng Đính. Bấy giờ ông Tôn Thất Đính (tư lệnh quân đoàn 3) ở trại Lê Văn Duyệt điều động các lực lượng đảo chánh, điện thoại lên Tổng tham mưu cho tướng Đôn tìm tôi. Ông Đính yêu cầu tôi chỉ huy nhảy dù đánh dinh Gia Long. Tôi nói Tổng Thống đã tín nhiệm giao tôi chỉ huy nhảy dù nên tôi không thể làm việc đó, và đề nghị chỉ định người khác. Sau khi tôi nói chuyện xong với tướng Đính thì thấy mọi người không để ý đến tôi nữa vì lúc đó nhiều phe nhóm, trong cảnh hỗn quân hỗn quan, có lẽ họ nghĩ tôi là người của một thế lực mạnh nên không muốn đụng chạm. Tôi vào phòng ông Khiêm ngồi rồi đi lang thang trong toà nhà chính Tổng tham mưu, sáng sau đảo chánh xong thì về nhà.
Tôi hỏi: Sau 1/11/63 chính ông Khiêm đã ký quyết định cho anh về lại nhảy dù?
Ông Viên: Đúng, nhưng đây là chuyện khác.
Sau 1/11/63 tôi về làm việc ở phòng 2 Tổng Tham mưu, “ngồi chơi xơi nước”. Một hôm vợ tôi điện thoại hỏi “anh buồn lắm phải không?” và bà cho tôi biết bà đã làm áp lực với ông Khiêm buộc ông phải đưa tôi về lại nhảy dù ; bà vợ tôi khi lên cơn thì Ông Trời bà cũng không sợ, bà dọa sẽ họp báo tố cáo nhiều chuyện bê bối của một số tướng lảnh… Ông Khiêm nói với tôi là ông không có thẩm quyền nhưng làm ẩu để tôi tạm thời về một thời gian ngắn lấy lại danh dự, do đấy tôi đã trở lại nhảy dù bằng một sự vụ lệnh chứ không phải lệnh thuyên chuyển.( Lý do chính là ông Khiêm biết ông Dương văn Minh dự định cho đại tá Nguyễn chánh Thi ở Campuchia về nắm Tư lệnh nhảy dù mà ông Khiêm là người chỉ huy lực lượng phản đảo chánh trong vụ 11/11/60, vì vậy ông Khiêm ra tay trước ;một công hai việc. )
Tôi hỏi: anh là người không thích làm chính trị và thường đứng ngoài mọi tranh chấp, tại sao lại tham dự vào vụ chỉnh lý 30/1/64 của ông Khiêm?
Ông Viên: Ông Khiêm khi ký sự vụ lệnh cho tôi về lại nhảy dù có yêu cầu tôi sau này ông có việc cần thì giúp cho ông. Sau 1/11/63 các ông tướng “cách mạng” đều xin lính nhảy dù về canh gác nhà riêng nên chiều hôm trước chỉnh lý tôi cho sỹ quan an ninh Dù đi gặp các trưởng toán gác giao mật lệnh hành động, do đấy các đối tượng đã bị cô lập ngay, tránh được đổ máu.
Ông Khiêm và ông Viên thân nhau qua hai bà vợ; bà Khiêm và bà Viên là hạng đàn bà làm quan cho chồng, đều hoạt động trong phong trào phụ nữ liên đới của bà Nhu và là dân biểu khoá cuối cùng của đệ nhất cộng hòa. Vợ chồng ông Viên và vợ chồng ông Thiệu không thuận nhau mặc dầu có thời gian chung sống với nhau ở khu chiến Hưng Yên (1952) trong cảnh bùn lầy nước đọng (sống trong nhà dân chúng dùng đèn dầu, nước ao). Vợ chồng ông Khiêm và vợ chồng ông Thiệu thì bằng mặt mà không bằng lòng. Ông Viên sinh ở Vientiane, bản chất thuần hậu, không tham vọng , thụ động… , bị các ông Thiệu và Khiêm khai thác triệt để trong các mưu đồ của họ. Đây là thực trạng giữa những người lãnh đạo quốc gia trong các năm cuối trước khi tan hàng.
Một trong những người rắp tâm đi hàng hai trong vụ 1/11/63 mà ông Trần Văn Đôn nói ở trên là ông Thiệu.
Đại tá Nguyễn Văn Thiệu, Tư lệnh Sư đoàn 5, lực lượng chủ lực của cuộc đảo chánh 1/11/63 đã đi hàng hai: sáng 1/11/63 ông vào dinh Gia Long gặp ông Cố vấn Ngô Đình Nhu và chỉ khởi sự tấn công dinh Gia Long vào rạng sáng 2/11/63 sau khi các Tư lệnh Quân khu ( Nguyễn Khánh, Đỗ cao Trí, Huỳnh văn Cao) bày tỏ ủng hộ cuộc đảo chánh.
Trong cuộc bầu cử Tổng Thống 1971, ông Dương Văn Minh đã gián tiếp tố cáo hành động đi hàng hai của ông Thiệu khi quy trách việc thi hành chậm trễ lệnh bao vây và tấn công dinh Gia Long là nguyên nhân gây ra cái chết của các ông Diệm, Nhu. Ông Thiệu đã họp báo tại Tổng Tham Mưu, tuyên bố: “việc một trung tướng đổ thừa cho một đại tá là một hành động hèn, khiếp nhược, không xứng đáng tư cách một quân nhân và một cấp chỉ huy.” Sau đó thì ông Minh nín luôn. Về khoa ăn nói ông Minh rất kém, đầu óc lại chậm chạp, không có sự nhạy bén như ông Thiệu.
Ông Đôn nói với tôi: bằng chứng ông Thiệu đi hàng hai là rõ ràng, dinh Gia long bị bỏ ngõ một quảng thời gian dài là bằng cớ không thể chối cải, do đấy sáng 2/11/63 sau khi thanh toán dinh Gia Long ông ta đã trình diện tôi ở Tổng Tham mưu với cặp lon Thiếu tướng thủ sẵn trong túi, móc ra cho tôi gắn ; vì cuộc “ cách mạng “ đã thành công và cần giữ đoàn kết quân đội nên không ai muốn truy cứu, hơn nữa truy cứu thì còn nhiều trường hợp tương tự và nhiều chuyện không tốt đẹp khác. Hàng chục năm về sau, trong lần cuối gặp tôi ở California trước khi mất, ông Đôn còn nhắc lại sự kiện trên với giọng hậm hực: “tôi đâu có gắn lon cho ông Thiệu, ông ta móc trong túi cặp lon đưa cho tôi, tôi gắn vì tôi có mất gì đâu!” Ông Đôn cho rằng điều khoản Hiến pháp 1/4/67 buộc ứng cử viên Tổng thống phải có Việt tịch lúc mới sanh là do các ông Thiệu, Kỳ nhằm loại trừ ông ta và ông đã dọn cổ cho ông Thiệu (ông Đôn sinh tại Bordeaux, có Pháp tịch từ lúc mới sinh). Đây là lý do ông Đôn đã gặp tôi năm 1971 để “đầu quân” và trao “carte blanche” với nỗi cay đắng “số tôi nay chỉ đi phò” (đã nói trên). Ông Đôn và ông Khiêm đều tự nhận là người có công đầu trong vụ 1/11/63 nhưng ông Thiệu (dù không nói ra ) cho rằng người có công thực sự là người chỉ huy đánh chiếm dinh Gia Long ; các ông Đôn, Khiêm đều nuôi tham vọng làm tổng thống thế ông Diệm. Dư luận có nói đến một thỏa ước giữa ông Thiệu và Khiêm , theo đó ông Khiêm sẽ kế thừa ông Thiệu trong chức vụ tổng thống. Tuy nhiên vào đầu 1970, trong dịp tôi và ông Nguyễn cao Thăng gặp ông Thiệu để ông Thăng chào từ biệt trước khi lên máy bay đi Mỹ trị bệnh ung thư, ông Thiệu đề cập đến trường hợp Tổng Thống Park chung Hee (Đại Hàn) gặp nhiều khó khăn trong việc sữa soạn cho người thừa kế ( tôi không nhớ tên), rồi ông nói : “ cũng như ở đây dù tôi muốn cho ông Khiêm cũng không thể…”. Đối với các vấn đề tế nhị ông Thiệu thường dùng các câu chuyện bên lề để cho chỉ thị, trong trường hợp này có nghĩa: “ không có vấn đề ông Khiêm kế thừa.” Năm 1971 là năm bầu cử tổng thống, cuộc bầu cử do tôi đảm trách – trong đó ông Khiêm là ứng cử viên phó tổng thống dự khuyết nhưng do tôi đề nghị với ông Thiệu bởi tình hình chính trị đặc biệt lúc bấy giờ chứ không phải tự ông Thiệu, và việc này hoàn toàn không có dụng đích chuẩn bị cho ông Khiêm vai trò kế thừa . Ông Khiêm và ông Thiệu đã vĩnh viễn không nhìn mặt nhau sau khi sẫy đàn tan nghé, chỉ còn lòng oán hận. Đám tang ông Thiệu (2001) vắng mặt ô. ô. Khiêm, Viên.
Ông Thiệu giải thích với tôi về lý do ông tham dự cuộc đảo chánh vì Mỹ cắt viện trợ đã ảnh hưởng đến tiềm năng của quân đội và ông đã có sự chậm trễ trong việc bao vây, tấn công dinh Gia Long vì bà Thiệu không muốn ông tham dự cuộc đảo chánh nên đã bỏ thuốc ngủ vào cà phê cho ông uống. Tất cả 2 lý do ông nêu ra đều không đúng. Ông Thiệu là con người của chủ nghĩa thực dụng, như ông đã nói nhiều lần: “người nào chi tiền thì người đó là sếp” – ông theo đảo chánh vì người Mỹ là người chi tiền cho cuộc chiến, nếu không tham dự thì sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Tuy nhiên ông không tin tưởng cuộc đảo chánh có thể thành công nên ông đã tính toán, sắp xếp đi hàng hai.
Tôi hỏi ông Đôn: trong vụ 1/11/63 ai trách nhiệm ông Thiệu? Ông Đôn: tôi giao cho ô. Khiêm. Tương quan gắn bó giữa Thiệu và Khiêm đã có từ lâu. Có lần tôi hỏi ông Thiệu về trường hợp ông gia nhập đảng Đại Việt, ông trả lời: “cũng lại do ông Khiêm”.
Câu trả lời của ông còn có nghĩa ông Khiêm còn rủ ông vào nhiều việc khác và là những việc thuộc loại âm mưu trong “ bóng tối “. Trước kia tôi vẫn đinh ninh ông Thiệu vào Đại Việt là do ông Sáu Kiểu (anh ruột ông Thiệu) vốn là một đảng viên Đại Việt trước 1945. Ông Thiệu biết ông Khiêm là người của Mỹ và việc liên kết các tướng lãnh chóp bu là do CIA nhưng ông không tin vào khả năng và sự đồng lòng của họ.
Về các ông Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, ông Thiệu nói với tôi: trong đời binh nghiệp của tôi gặp phải hai ông sếp “ không ra gì”, ông Minh lười biếng và đầu óc rỗng, còn ông Đôn thì bạ ai nói gì cũng tin, ngày lễ mãn khóa sỹ quan của tôi do ông Bảo Đại chủ tọa (khoá Bảo Đại) tôi thấy một “thằng cha” Trung úy (ô. Đôn) đi sau ông Bảo Đại, miệng cười chúm chím như đàn bà, tôi chịu hết nỗi…( năm 1961 ông Thiệu là Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Hành Quân của tướng Dương văn Minh, và là Tư lệnh Sư đoàn 1 thuộc Quân đoàn 1 / Vùng 1 của tướng Trần văn Đôn ). Về Tôn Thất Đính (tư lệnh quân đoàn 3, chỉ huy trực tiếp lực lượng đảo chánh) thì ông Thiệu cho là thứ hữu dõng vô mưu, cà chớn, không có tư cách, không tin được. Ông kể cho tôi chuyện ông Đính học ở Leavenworth lúc làm bài thi chuyên giựt bài của người bên cạnh để chép lại…( ông Thiệu và tướng Đính cùng khóa 1 Sỹ quan Đập Đá/Huế 1948, tiền thân của trường Võ Bị Đà Lạt).
Ông Trời cho mỗi người sinh ra có một cái đầu để suy nghĩ nhưng ông Đính không bao giờ xử dụng cái đầu của ông mà hoàn toàn phụ thuộc vào ông Đôn như một trẻ vị thành niên. Trong vụ 1/11/63, người đầu tiên ông Đôn móc nối là ông Đính. Trong vụ chỉnh lý 30/1/64 ông Đôn kể lại với tôi: bọn tôi đều bị áp giải về trại nhảy dù (Đôn, Xuân, Kim, Vỹ là những người được Pháp đào tạo trước 1945) riêng ông Đính được mời đi thong thả lên bộ Tổng Tham mưu gặp bọn chỉnh lý, ở đây họ thuyết phục ông Đính theo họ nhưng ông ta cứ một, hai là phải gặp Đôn trước đã, thế là bọn họ cho Đính về trại nhảy dù gặp Đôn. Ông Đôn kết luận: “kể ra cũng tội ông ta, vì tôi mà gặp nạn!” Trong thời gian ông Đính làm nghị sĩ tôi giao ông Đôn trách nhiệm lá phiếu của ông Đính. Vào đêm hôm được bổ nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng trong chính phủ Trần Thiện Khiêm, ông Đôn điện thoại cho tôi với giọng khẩn trương: ông Đính hiện ở nhà chúng tôi, ông ta đang chửi bới vợ chồng tôi không còn gì hết, ông ta nói nhờ công của ông ta mà tôi được bổ nhiệm Phó Thủ tướng, xin ông phụ tá thương vợ chồng chúng tôi đến đây nói chuyện với ông Đính. Tôi hỏi ông Đôn: Ông Đính muốn cái gì?
Ông Đôn: Ông Đính hiện đứng tên chủ nhiệm cho báo Công Luận, nay sắc luật báo chí buộc phải ký quỷ 20 triệu đồng mà báo không có tiền sẽ phải đóng cửa và ông Đính sẽ bị mất một số lợi tức hàng tháng.
– Trung Tướng nói với ông Đính là ngày mai tôi sẽ giải quyết vấn đề này, tôi không cần phải gặp ông ta … Trong một lần ông C.X.V. gặp tôi ở dinh Độc Lập, nhắc lại vụ 1/11/63 tôi nói:” hôm đó (1/11/63) chỉ có một mình anh ở dinh Gia Long, tại sao thụ động để ra nông nỗi như vậy? tại sao hoàn toàn không có bất cứ một cuộc điều động quân đội nào chống lại đảo chánh?”. Ông C.X.V.: “tôi có nói nhưng bị Cụ la, Cụ nói là Tổng Tư lệnh quân đội Cụ không thể ra lệnh cho quân đội đánh quân đội, quân đội là để đánh cộng sản; tôi chỉ là người ngoài, may ra có mặt bà Nhu hôm đó…; âu là cái số ! “. Ông C.X.V. vào ngay dinh Gia long sau khi súng nổ và ông Nhu cho ông V. biết là đại tá Thiệu vào dinh Gia Long gặp ông sáng nay (1/11/63).
Với thành phần lảnh đạo đảo chánh hỗn tạp và cơ hội chủ nghĩa như trên, ông Thiệu nói với tôi nhiều lần:… “nếu ông cụ nán đến trưa(2/11/63) đừng ra trình diện thì bọn họ sẽ lên máy bay chạy hết, có ai tin ai đâu!”… Trong cương vị chỉ huy đánh chiếm dinh Gia Long , ông nói : “…nếu ông cụ và ông Nhu còn ở trong dinh Gia Long sáng 2/11/63 thì tôi sẽ bảo vệ an ninh bằng cách đưa hai ông về Bộ Tổng Tham mưu trên xe jeep lật mui, thanh thiên bạch nhật sẽ không ai dám làm gì hết”. Ông Thiệu cho biết trước đó ông đã bày tỏ sự không đồng ý về việc ông Dương văn Minh muốn thực hiện đảo chánh bằng một cuộc ám sát thay vì huy động các đơn vị quân đội , ám sát thì kín đáo, giản dị , dễ thành công; ông Thiệu nói : “ quân đội không thể hành động ám muội như vậy !” Cuối cùng thì vụ ám sát cũng đã xẩy ra.
Ông Diệm đã có ý định từ nhiệm vào trung tuần tháng 8/63 nhưng do dự mãi chỉ vì trách nhiệm của một Tổng Thống dân cử; khi rời dinh Gia Long vào nhà Mã Tuyên ông nói: “ rứa là mất nước”. Lời tiên đoán đã ứng nghiệm hơn mười năm sau (30/4/75).
Về chính biến 1/11/63 ông Đôn khẳng định với tôi các điểm căn bản sau :
1/ Chúng tôi những người chỉ huy quân đội nói chung là thành phần được chế độ ưu đãi, do chiến tranh và nhờ chiến tranh, không có lý do gì để căm thù chế độ hay cá nhân các ông Diệm, Nhu vì họ là những người thực sự yêu nước và có thực tài lảnh đạo ; nhưng cuộc chiến này do người Mỹ tài trợ, không có viện trợ Mỹ cuộc chiến không thể tiếp tục, vì vậy khi người Mỹ bảo đảo chánh thì chúng tôi làm, nếu chúng tôi không làm thì sẽ có người khác làm và chúng tôi sẽ bị đào thải ;
2/ Trong nhóm chúng tôi (nhóm tưóng lảnh đảo chánh) có vài thành phần bất mãn ( Dương văn Minh, Lê văn Kim và các sỹ quan Đại Việt phía sau họ) nhưng lý do chính phải giết các ông Diệm, Nhu vì họ có uy tín và hậu thuẫn trong quần chúng và quân đội, nếu để các ông sống thì sẽ có nội loạn và các ông có cơ hội lật lại ;
3/ Chúng tôi (nhóm tướng lảnh đảo chánh) chỉ là những cá nhân riêng lẻ, sở dĩ ngồi lại được với nhau trong việc làm sống chết này là do sự kết nối của cơ quan C.I.A., cuộc đảo chánh 1/11/63 do người Mỹ chủ động khi các ông Diệm, Nhu không còn thích nghi với chính sách và đường lối của họ ; vì thiếu một lý tưởng chính trị chung nên ngay sau 1/11/63 chúng tôi bị tan rã chỉ vì phân chia chức vụ, quyền lực đã gây chia rẽ, bất mãn đưa đến vụ chỉnh lý 30/1/64 ,tiếp đó là các vụ đảo chánh, phản đảo chánh, tự loại lẫn nhau.
Ông Đôn nói: chúng tôi không có ý thức cách mạng và người Mỹ chắc chắn cũng không muốn có một cuộc cách mạng thực sự ở đất nước này.
Ông Trần Trung Dung nói với tôi: năm 1954 trong buổi trình diện của tướng Nguyễn Văn Hinh Tổng Tham mưu trưởng và các sỹ quan cao cấp, ông Cụ bấy giờ là Thủ tướng toàn quyền về dân sự và quân sự đã hiểu thị bằng tiếng Pháp: “các anh trước kia là của quân đội Pháp, bây giờ là của quân đội Việt Nam, tôi sẽ tạo cho các anh tinh thần quốc gia để phục vụ quân đội Việt Nam.” Ông Cụ cho rằng các chiến dịch dẹp Bình Xuyên, Thoại Ngọc Hầu, Trương Tấn Bửu, Nguyễn Huệ… là những cơ hội để họ có sự tự tin và hãnh diện được phục vụ trong quân đội của một quốc gia độc lập. Hôm trình diện có mặt Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Trần Thiện Khiêm…là những sỹ quan được ông Diệm gắn lon tướng và cũng là những người cầm đầu vụ đảo chánh 1/11/63. Tôi là Bộ trưởng phụ tá Quốc phòng ngày đó, tôi rất hiểu họ. Bọn họ thoát thai từ một môi trường xấu, nguyên phục vụ trong lực lượng phụ lực quân của quân đội viễn chinh Pháp là những đội quân ô hợp, thiếu truyền thống, họ không có lý tưởng quốc gia, cũng không có tinh thần trách nhiệm của người lính chuyên nghiệp. Trong cuộc chiến tranh Việt Pháp sau 1945 những người khá trong bọn họ đã đi về phía bên kia (như Phan Tử Lăng, giám đốc trường Thanh Niên Tiền Tuyến đã đào tạo cho Việt Minh một số tướng lãnh; như Phùng Duy Phiên, Hà Văn Lâu, Trần Tiễn Hải… là những trung đoàn trưởng đầu tiên của Vệ quốc đoàn), những người còn lại bên này thực chất chỉ là người lính đánh thuê. Do yếu tố liên tục và sự bành trướng của quân đội, bọn họ nhảy cấp rất nhanh, tham vọng cá nhân được tăng trưởng theo cường độ chiến tranh nhưng thiếu khả năng, thiếu đạo đức, đã di căn đến các lớp sau, làm ung thối quân đội và chính quyền.
Ông Trần Trung Dung hoạt động cách mạng lúc trẻ, cùng lớp với Võ Nguyên Giáp ở Đại học Luật khoa Hà Nội , năm 1946 là đại biểu quốc hội khoá 1 của Việt Minh thuộc thành phần chỉ định của đảng phái quốc gia, năm 1955 giữ chức vụ Bộ trưởng Phụ tá Quốc phòng đầu tiên của chế độ đệ I Cộng hòa, chức vụ sau cùng là đệ nhất Phó Chủ tịch Thượng nghị viện. Ngày 9/11/73 tại dinh Độc lập, ông thay mặt khối đa số quốc hội và phân bộ lập pháp đảng Dân chủ cảnh báo hành pháp về sự bất lực và tệ trạng tham nhũng của chính quyền hiện hữu đang đưa quốc gia đến sự sụp đỗ, như trường hợp Trung hoa Dân quốc sau thế chiến thứ hai. Trong chính biến 1/11/63 các ông Đôn và Khiêm là những nhân vật chủ chốt , là những người thực sự nắm binh quyền và trực tiếp nhận chỉ thị của Tòa Đại sứ Mỷ và cơ quan C.I.A. Ông Đôn bấy giờ là Trung tướng Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng, là người đại diện các tướng lảnh đảo chánh liên lạc với đại sứ Cabot Lodge và Conein, là cấp chỉ huy trực tiếp của ông Khiêm Thiếu Tướng Tham Mưu Trưởng Liên quân, và là người móc nối Thiếu tướng Tôn thất Đính Tư lệnh Quân đoàn 3 kiêm Tổng trấn Saigon ( tướng Đính là người được ông Ngô đình Nhu giao nhiệm vụ phản đảo chánh và là người chỉ huy trực tiếp đại tá Nguyễn văn Thiệu Tư lệnh sư đoàn 5 quân chủ lực cuộc đảo chánh ). Tướng Khiêm Tham mưu trưởng liên quân, là người đã phối hợp trong việc liên kết các tướng lảnh đầu não với C.I.A., là người móc nối đại tá Thiệu và trực tiếp thực hiện cuộc hành quân đảo chánh. Theo ông Đôn, tướng Khiêm là người được C.I.A. tin cậy nhất trong các tướng lảnh đầu não và qua tướng Khiêm C.I.A. bảo đảm an toàn cho các tướng lảnh và gia đình trong trường hợp đảo chánh thất bại. Chính vì các ông Đôn và Khiêm là những nhân vật chủ chốt nên suốt thời gian biến cố từ trưa 1/11/63 đến sáng 2/11/63 Tổng thống Diệm chỉ điện thoại liên lạc với các ông Đôn, Khiêm và từ chối nói chuyện với ông Dương văn Minh; sáng 2/11 Tổng thống Diệm yêu cầu cho xe đón ở nhà thờ cha Tam và được các ông Đôn, Khiêm bảo đảm an toàn nhưng đây chỉ là cái bẩy để các ông Diệm, Nhu yên tâm, không đổi ý trong khi chờ xe từ Bộ Tổng Tham mưu ; sau đó các ông Đôn, Khiêm bất động, hoàn toàn không có một hành đông ngăn cản nào – sự bất động này là một tín hiệu “bật đèn xanh” cho nhóm Dương văn Minh , Lê văn Kim và đồng bọn: Mai hữu Xuân, Nguyễn văn Quan, cùng nhóm sỹ quan Đại Việt miền Nam, thực hiện cuộc ám sát . Nhóm sỹ quan Đại Việt miền Nam này (về sau là Tân Đại Việt) là nòng cốt cùng Trần thiện Khiêm thực hiện cuộc chỉnh lý 30/1/1964. Việc giết Tổng thống Diệm là một tội phạm lịch sử. Những người nhúng tay vào máu các ông Diệm, Nhu không bao giờ dám ngẩng đầu lên nhận trách nhiệm, những người bị lộ diện đã sống lén lút cho đến cuối đời như Dương văn Minh, Mai hữu Xuân , những kẻ ném đá dấu tay thì vẫn tiếp tục ẩn mặt và trút trách nhiệm lên đầu những người đã chết . Sau 30/4/1975 ông Dương văn Minh được cọng sản cho xuất ngoại. Có một thời gian ở Pháp ông Minh đã từ chối không tiếp ông Đôn vì lý do trong cuốn Our endless war xuất bản tại Mỹ 1976 ông Đôn đã chỉ đích danh ông Minh là chính phạm trong vụ thanh toán các ông Diệm, Nhu . Ông Minh cho rằng đây là sự quy trách bất công và gian trá vì ngày đó ông ta thực ra chỉ là một thứ “ bung xung”, không quân, không tướng , được đưa lên địa vị Chủ tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng là một tư thế “cưỡi cọp” vì những kẻ chủ chốt không tin sẽ thành công , bây giờ những kẻ chủ chốt lại đỗ thừa tất cả cho ông . Ông Đôn nói với tôi : đảo chánh là chuyện nguy hiểm “ sống, chết”, tất cả các tướng lảnh đầu não không phải là không nghĩ đến chuyện “dứt hậu hoạ” nhưng vì quá sợ các ông Diệm, Nhu nên không dám nói ra vì không tin nhau và không tin chắc thành công, do đấy trước khi khởi sự tất cả đều cam kết bảo đảm an toàn cho các ông để nếu thất bại thì sẽ được “giảm khinh” ; trong suốt diễn biến của biến cố đêm 1/11 và rạng 2/11 các tướng lảnh đảo chánh ở trong tình trạng rất căng thẳng vì lực lượng trung thành với chính phủ còn nhiều và mạnh , phản đảo chánh có thể xẩy ra bất cứ lúc nào , các tư lệnh vùng 1, 2, 4 (Đỗ cao Trí , Nguyễn Khánh , Huỳnh văn Cao) mặc dầu đã đánh điện ủng hộ đảo chánh nhưng đều ở vị thế có thể đi hàng hai ( chính vì lý do này nên các ông Trí, Khánh, Cao không được xếp vào thành phần Hội đồng Quân nhân Cách mạng sau 1/11/63, và theo ông Đôn thì đây là lý do khiến Nguyễn Khánh tiếp tay Trần thiện Khiêm trong vụ chỉnh lý 30/1/64 ) ; Conein ( đại diện đại sứ Cabot Lodge bên cạnh các tướng lảnh đảo chánh) lo lắng và luôn nhắc nhở phải tìm bắt các ông Diệm, Nhu với bất cứ giá nào, nói rõ : “ on ne fait d’omelette sans casser les oeufs”(không thể làm trứng tráng mà không đập vỡ trứng ) ; vấn đề “ xử lý” các ông Diệm, Nhu chỉ được công khai đặt ra sau khi Tổng thống Diệm điện thoại yêu cầu cho xe đón nghĩa là khi sinh mạng hai ông đã thực sự nằm trong tay phe đảo chánh , việc hỏi ý kiến vài người chỉ là hình thức cho một quyết định đã có sẵn , không có phiên họp chính thức để đặt vấn đề và lấy biểu quyết . Ông Đôn nói: phải thanh toán các ông Diệm, Nhu vì các ông này sẽ có cơ hội lật lại, những xáo trộn trong thời gian 1963-1965 cho thấy điều này là hiện thực. Sau này trong cuốn Việt Nam Nhân Chứng ông Đôn đã không đề cập đến tên ông Minh hay bất cứ một tướng lảnh nào mà chỉ nói một cách tổng quát là người nào đã quyết định việc hạ sát là người thấy xa. ”Người thấy xa” mà ông Đôn muốn ám chỉ là người Mỹ. Điều tiết lộ của ông Đôn không phải là điều mới mẻ, nó không làm giảm trách nhiệm và tội ác của các tướng lảnh đảo chánh, chỉ là sự xác nhận một lần nữa : họ là một lũ người ngu xuẩn, hèn nhát, phản bội, tay sai của ngoại bang và các ông Diệm, Nhu là những kẻ tử đạo. Họ sợ các ông Diệm, Nhu ngay cả khi các ông này đã chết , giấy khai tử của ông Diệm đề chức vụ tuần vũ và ông Nhu là quản thủ thư viện . Nếu lý giãi một cách công bằng trước Tòa Án lịch sử thì Đôn và Khiêm là chính phạm trong vụ thanh toán các ông Diệm, Nhu, còn Dương văn Minh và đồng bọn chỉ là tòng phạm.
Ông Trần văn Đôn là con người thâm hiểm và nguy hiểm, có tham vọng lớn, biết nhẫn nhục và kiên trì, đón gió trở cờ rất nhanh và đúng lúc (vụ đốt lon và quân hiệu Pháp 1955 để lấy sự tín nhiệm của Thủ tướng Ngô đình Diệm và người Mỹ; vụ 1/11/63 theo lệnh Mỹ lật đổ và giết Tổng thống Diệm), nhưng bề ngoài luôn giữ được bộ mặt ngây thơ, vô tội. Ngay sau ngày các ông Diệm, Nhu bị giết, xác còn quàng tại Bộ Tổng Tham Mưu, ông Đôn đưa Dương văn Minh đến “ chia buồn” với thân quyến ô. Diệm ở Sàigon bấy giờ là ông bà T.T.D.(bà T.T.D. là cháu ruột các ông Diệm, Nhu) và chỉ một thời gian ngắn sau thì sống chung với bà T.T.D. trong tình trạng vợ chồng vì bà này có sản nghiệp rất lớn do cha mẹ để lại , và với dụng ý chính trị tìm kiếm sự ủng hộ từ các thành phần ủng hộ ông Diệm cho những tham vọng sau này. Năm 1971 tướng Hoàng xuân Lãm, Tư lệnh Vùng 1 trình Tổng Thống Thiệu v/v ông Đôn ra ứng cử dân biểu đơn vị Quảng Ngãi xin được chính quyền yểm trợ. Ông Thiệu hỏi ý kiến tôi. Tôi nói: chính quyền không yểm trợ thì ông Đôn cũng đủ phiếu của cử tri Ấn Quang, vậy thì cứ yểm trợ để xử dụng ông ta. Sau khi ông Đôn đắc cử tôi sắp xếp ông giữ chức vụ Chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng để làm bàn đạp chuyển qua hành pháp như nguyện vọng của ông. Ông Đôn là người giao thiệp rộng, quen biết lớn với các nhân vật chính trị trong nước, các nhân vật ngoại giao, tình báo các tòa đại sứ…Để đánh đổi lấy sự tín nhiệm và bảo trợ của tôi, ông cung cấp tin tức từ mọi phía mà ông thu thập được. Ông Thiệu cũng thường xử dụng ông trong lảnh vực này và thường gửi ông ra ngoại quốc. Ông làm các công việc này một cách mẫn cán và khá hữu hiệu; nghề “mật thám” là sở trường của ông ta. Năm 1945 bấy giờ là Thiếu úy Trần văn Đôn, ông làm việc trong bộ Tư lệnh của tướng Leclerc, dưới quyền đại úy Duprat trưởng phòng nghiên cứu lịch sử, bí danh của cơ quan phản gián; sau đó ông được Pháp cử làm sỹ quan tùy viên cho thủ tướng Nguyễn văn Xuân, Bảo Đại…, để làm gì? để theo dõi và báo cáo cho người Pháp hành vi của các ông này và các quan chức Việt Nam khác; năm 1952 ông là giám đốc đầu tiên của Nha an ninh quân đội…Nhận xét của ông Thiệu về ông Đôn là người “cả tin” chỉ là nhận xét về bề ngoài. Các ông Thiệu, Khiêm đều ngán ngầm ông Đôn. Một hôm ông Thiệu nói với tôi: “ Ông Khiêm phàn nàn ông Đôn mới giữ chức vụ Chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng / Hạ nghị viện mà lấy máy bay quân đội mỗi ngày đi 2,3 tỉnh, nếu qua chính phủ thì ai kiểm soát nỗi ông ta đi những đâu, tiếp xúc những ai…”. Ông Khiêm rất lo ngại có ngày ông Thiệu dùng Đôn thay Khiêm trong chức vụ Thủ Tướng và là dịp Đôn phục hận vụ chỉnh lý 30/1/64. Trong nhiệm kỳ 2 ông Thiệu phàn nàn với tôi nhiều lần về chính sách “ngậm miệng ăn tiền” của ông Khiêm và có lần ông Khiêm phải ngõ ý với ông Thiệu muốn trở về quân đội. Ông Thiệu hỏi tôi: “ anh nghĩ sao v/v ông Khiêm muốn trở về quân đội thay chỗ ông Cao văn Viên (Tổng Tham Mưu trưởng) ?”. Tôi nói: “ Ông Khiêm là người của Mỹ, không có Tổ Quốc; giết cả ông Diệm là cha nuôi thì ông ta còn từ thủ đoạn nào, không trung thành với ai hết, tâm địa phản trắc, tráo trở, có tham vọng lảnh đạo; theo tôi với tình hình này không thể để ông Khiêm trở về quân đội, và nếu ông Khiêm thôi thủ tướng thì cũng không thể để lại trong nước…”. Vì không giãi quyết được vấn đề này và tình thế mỗi ngày một khó khăn, ông Thiệu không còn chọn lựa nào khác là lưu giữ ông Khiêm cho đến ngày Thượng nghị viện ra quyết nghị bất tín nhiệm (2/4/1975).
Năm 1945 lúc Pháp khởi hấn Nam bộ và toàn dân đứng lên kháng chiến thì ông Khiêm gia nhập quân đội Pháp, về sau bất mãn trốn ra bưng theo Việt Minh. Năm 1954 gia nhập đảng Con Ó theo tướng Hinh chống Thủ tướng Diệm, sau đó gia nhập đảng Cần lao. Trong binh biến 11/11/1960 ông Khiêm đi hàng hai, Tổng thống Diệm đã dằn mặt ông Khiêm bằng cách cho lệnh thuyên chuyển viên Tham mưu trưởng của ông Khiêm lên Quân đoàn 2 và phải trình diện trong vòng 24 giờ; ông Đôn xác nhận với tôi : ông Khiêm dừng quân ở Phú Lâm và chỉ tiến quân giãi vây dinh Độc lập sau khi tiếp xúc với Tòa Đại sứ Mỹ và tướng McGarr cầm đầu MACV. Đảo chánh 1/11/63, Chỉnh lý 30/1/64 ông Khiêm đóng vai chủ chốt. Các vụ đảo chánh hụt 1964,65 của bọn Phạm ngọc Thảo, các sỹ quan Tân Đại Việt ( Tồn, Trang, Nghĩa…) đều có ông Khiêm sau lưng. Ông Khiêm thuộc loại người của những âm mưu trong bóng tối, một chính khách miền Nam có nhận xét: đó là con “lươn lùi” không ai nắm bắt được !
Cái chết của các ông Diệm, Nhu đã ám ảnh ông Thiệu suốt thời gian ở cương vị lảnh đạo quốc gia (1967-75); những gì xẩy ra cho ông Diệm đều có thể xẩy ra cho ông Thiệu.Trong một lần sau buổi làm việc riêng với ông Thiệu, tôi nói: “ Tổng Thống cần lưu ý vấn đề an ninh, Mỹ là một đồng minh bất trắc – thường khi thay đổi chính sách họ thay đổi lảnh đạo một cách tàn nhẫn như trường hợp Tổng Thống Magsaysay, Ngô đình Diệm…; không như người Pháp , các ông Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân chỉ bị lưu đày, các ông Bảo Đại, Tâm, Hữu…sống già bên Pháp…”. Nghe tôi nói, mặt ông Thiệu sa sầm xuống biểu lộ một sự tức giận cố nén, nhìn tôi ông nói: “…nói thật với anh, tôi không có an ninh…”. Một lần khác tôi đề cập với ông Thiệu v/v một số giới chức cao cấp Tòa Đại sứ Mỹ muốn tiếp xúc với tôi và tôi đã nhiều lần tìm lý cớ thoái thác, tôi nói: “ loại công tác Tổng Thống ủy nhiệm cho tôi thuộc lãnh vực chính trị đặc biệt không được minh định trong bất cứ văn kiện tổ chức nào của chính phủ, tôi nhận chỉ thị trực tiếp của Tổng Thống và báo cáo trực tiếp với Tổng Thống, việc tôi tiếp xúc với họ rất bất lợi cho công việc của tôi, nhưng cứ thoái thác thì họ sẽ quy trách “thiếu hợp tác” và sẽ tìm mọi cách phá…”. Ông Thiệu im lặng một lúc lâu rồi nói : “ theo tôi, anh đừng tiếp xúc ; anh cũng biết bọn nó là những chuyên viên khai thác tư tưởng, chúng biết tư tưởng anh là biết tư tưởng tôi .”. Ông dặn tôi: “ từ nay anh có lấy nhân viên các nơi về làm việc thì đưa danh sách cho tôi, tôi sẽ cho sưu tra an ninh đặc biệt ; anh có biết bọn Mỹ nói về văn phòng của anh thế nào không? bọn nó nói ở Sàigon có 100 văn phòng chính trị thì chúng có 99 chìa khóa để mở, ngoại trừ văn phòng của anh”. Có lần ông Thiệu đã phải than: “…đất nước này không tiến lên được vì một đằng là sự xâm nhập, phá hoại của cọng sản, đằng khác là sự xâm nhập, lũng đoạn của CIA vào các cơ cấu chính phủ (VNCH)”. Trong hậu trường chính trị chúng tôi phải thường trực đối phó với các áp lực, các âm mưu của người Mỹ trong các lảnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, đặc biệt trong giai đoạn hòa đàm Paris, nhằm tê liệt sức đề kháng của VHCH trước các yêu sách của Mỹ và Cọng sản… Cuối buổi làm việc lúc bắt tay tôi ông Thiệu nói: “ anh cẩn thận, bọn nhỏ (những người phục dịch trong dinh) nói với tôi cuối tuần anh ra phố không có cận vệ an ninh”.
Tôi cảm ơn ông về sự lưu ý này. Thực ra thỉnh thoảng cuối tuần tôi đi Catinat, Bonard, phố đông người, các cận vệ đi lẫn trong đám đông, còn tôi thì đi dép, mặc áo bỏ ngoài quần như giới bình dân Sàigon, tôi biết tôi có thể bị nguy hiểm từ phía người Mỹ, cọng sản và ngay cả chính trong nội bộ. Tôi không có tinh thần “kết bè tụ đảng” và do bản chất công việc nên thường rất đơn độc. Ông Thiệu là người đã hỗ trợ tôi tối đa trong công việc và đã che chở tôi. Sau này khi tôi không còn làm việc, ông đã chỉ thị cho cơ quan an ninh tiếp tục bảo vệ an ninh cho tôi và gia đình như ngày còn làm việc.
Chính sách hai mặt của người Mỹ là nguyên nhân chính đã đẩy ông Thiệu vào thế lãnh đạo có tính cách chuyên hoạnh cá nhân.
Thời Tổng Thống Thiệu khó khăn hơn thời Tổng Thống Diệm rất nhiều. Tổng Thống Diệm có khoảng thời gian hòa bình (1956-60) để ổn định tình thế và củng cố uy quyền quốc gia; Tổng Thống Thiệu không có thời gian này, ông phải đối phó với tình trạng phân hóa, hỗn loạn do hậu chấn vụ 1/11/63 và chiến tranh leo thang khốc liệt…Thời đệ nhất cọng hòa của Tổng Thống Diệm, người Mỹ quyết tâm bảo vệ miền Nam VN làm tiền đồn ngăn chận cọng sản bành trướng ở Đông Nam Á, cùng mục tiêu sống còn của VNCH; thời Đệ nhị cọng hòa của Tổng Thống Thiệu, người Mỹ giãi kết cuộc chiến, trở thành đồng minh của cọng sản. Vấn đề Biển Đông ngày hôm nay chỉ là thực tại của sự chuyển hướng về chính sách của Mỹ kể từ khi Nixon đi Bắc Kinh, trao Hoàng Sa của VNCH cho Trung Cọng và trao miền Nam VN cho cọng sản Bắc Việt – người Mỹ rút đi , đương nhiên Trung Cọng lấp chỗ trống; đây chỉ là vấn đề chia vùng ảnh hưởng giữa các siêu cường. Trong bối cảnh ngày đó ông Thiệu đã làm tất cả những gì có thể làm cho đất nước.
Đầu năm 1982, trong dịp đi Pháp thăm mộ người con gái út tôi ghé Londres thăm ông Thiệu theo lời mời của ông. Khi lái xe cho tôi xem thành phố Londres ông chỉ tấm ảnh đứa con của ông gắn gần tay lái (đứa nhỏ sinh tại Londres sau 1975), nói : khi nó vừa tập nói tôi dạy cho nó “kẻ thù của con là cọng sàn và Mỹ”!.Trong đời chính trị của ông Thiệu có hai kẻ thù chính là Cọng sản và Mỹ; người Mỹ là nhân tố quyết định sự tồn vong của miền Nam VN, ông Thiệu hận thù xương tủy người Mỹ đến ngày nhắm mắt.
Sau 1/11/63 các chính quyền quân nhân kế tiếp không bao giờ lấy lại được sự độc lập đã theo ông Diệm xuống đáy mồ .Chiến tranh leo thang , hơn nửa triệu lính Mỹ hiện diện, Tòa Đại sứ Mỹ tại Việt Nam thực tế là một thứ chính phủ Mỹ tại hải ngoại, với một hệ thống cố vấn dày đặc từ trung ương đến địa phương, chi nhánh CIA tại Việt Nam là chi nhánh có số nhân viên đông nhất thế giới…, họ nắm lấy tất cả mọi nổ lực chiến tranh, trực tiếp điều khiển cuộc chiến cho người Mỹ chứ không phải cho Việt Nam ; chính quyền Việt Nam quản trị công việc quốc gia từng ngày bằng những giải pháp “mì ăn liền” và hoàn toàn nằm trong qũy đạo của người Mỹ. Chính vì vậy, khi người Mỹ quyết định đến lúc phải tìm sự thỏa hiệp với Hà Nội tại Hòa đàm Paris thì sự hiện diện của phái đoàn VNCH là chỉ để chấp nhận những gì do Mỹ và Hà Nội quyết định.
Nguyễn Hoàng Lưu
|
|
|
Post by sheen on Oct 29, 2024 1:05:59 GMT -6
Người đã ghi vào trang Việt-sử
Tổng Thồng Ngô Đình Diệm (Nhân ngày giỗ thứ 61 của Cố TT Ngô Đình Diệm 2.11.1963 – 2.11.2024) Trong tình-thế tuyệt-vọng sau khi Điện-Biên-Phủ thất-thủ vào ngày 07-5-1954, tiền-đồ của Quê-hương Việt-Nam đang đi vào ngõ cụt. Trong hoàn-cảnh chỉ biết thụ-động ngồi chờ kết-cuộc về tương-lai của Đất Nước được giải-quyết từ những cuộc họp bàn ở Genève, vua Bảo-đại đã nghĩ đến ông Ngô-Đình Diệm với một quyết-định sinh-tử để trao quyền lãnh-đạo là vì không còn giải-pháp nào khác. Bởi vì, giữa hoàn-cảnh bấp-bênh với nhiều rối-loạn về chính-trị, quân-sự, kinh-tế, xã-hội vào thời-điểm ấy, nhiều người cho rằng chỉ cần người nào ổn-định được tình-thế trước mắt cũng đã là cứu-tinh rồi, còn nói gì đến xây-dựng một Đất Nước. Thành vậy, vua Bảo-Đại đã vận-động và nài-ép ông Ngô-Đình Diệm về nước giúp mình giải-gỡ hoàn-cảnh.
Có thể với vua Bảo-đại lúc ấy, một ông Ngô-Đình Diệm ở tuổi 32 đã khẳng-khái từ chức Thượng-thư Bộ Lại vào tháng 9-1933 để phản-đối chính-quyền thực-dân Pháp và một ông Ngô-Đình Diệm vì chống cả Pháp và Việt-minh mà phải bôn-ba, lại còn hai lần thân-chinh sang Hồng-kông để gặp nhà vua góp ý về việc nước, đã là điều-kiện tiên-quyết không ai trong những nhân-sự đang chờ-chực hay vây quanh ông sánh được… Năm 1947, ông rời Vĩnh-long, xuất ngoại để vận động ngoại giao ở nước ngoài. Ông đến Trung-quốc, tiếp xúc với nhiều yếu nhân của Trung Hoa Quốc Dân Đảng tại Nam-kinh. Tiếp theo, người ta thấy ông xuất hiện hai lần ở Hương-cảng. Lần thứ nhất vào đầu năm 1947, lúc hội nghị Fontainebleau giữa Pháp và Hồ Chí Minh thất bại, ông đến Hương-cảng khuyến cáo Bảo-đại nên trở về nuớc thành lập chính phủ ba kỳ để tranh thủ độc lập và tái lập hoà bình. Lần thứ nhì vào cuối năm 1947, sau khi bản tuyên ngôn Vịnh Hạ Long được ký kết, ông lại đến Hương-cảng khuyên Bảo-đại không nên chấp nhận bản thể chế kèm theo tuyên ngôn mà Bảo-đại đã dại dột ký vào ngày 7-12-1947 trên chiến hạm Duguay Trouin của Pháp trước áp lực của Bollaert… (Lê Nguyên Phu. Trong bóng tối Lịch-sử. Trang 31).
Thêm vào đó lànhững lời chính vua Bảo-đại đã ghi lại trong hồi-ký Con Rồng An-nam sau lần gặp ở Cannes, ông đã phải vừa thuyết-phục vừa kêu gọi lòng ái-quốc của ông Ngô-Đình Diệm. Và có thể nói ông Ngô-Đình Diệm đã giao trắng thân-phận mình cho vận-mệnh Đất Nước. Có thể đây là một sự an-bài của định-mệnh mà vua Bảo-Đại và ông Ngô-Đình Diệm cuối cùng lại phải liên-hợp khi cả hai đều đứng trước cơn quốc-biến “tổ-quốc lâm nguy”.
Vua Bảo-đại ghi lại… Cứ mỗi khi mà tôi cần thay đổi chính phủ, tôi lại phải gọi đến ông. Ông thì lúc nào cũng từ chối. Nay tình thế rất bi đát, đất nước có thể bị chia cắt làm đôi. Ông cần phải lãnh đạo chính phủ… Ông ta đáp. Tôi xin trình Ngài là sau nhiều năm suy nghĩ, tôi đã quyết định. Tôi định đi tu… Tôi kính trọng ý định của ông. Nhưng hiện nay tôi kêu gọi đến lòng ái quốc của ông. Ông không có quyền từ chối trách nhiệm của mình. Sự tồn vong của Việt Nam buộc ông như vậy… Sau một hồi yên lặng, cuối cùng ông ta đáp: Thưa Hoàng thượng, trong trường hợp đó, tôi xin nhận sứ mạng mà ngài trao phó… Rồi việc trao quyền và nhậm-chức đã diễn ra như nguyên-văn vua Bảo-Đại kể tiếp… Cầm lấy tay ông ta, tôi kéo sang một phòng bên cạnh, trong đó có cây Thánh-giá. Trước Thánh-giá, tôi bảo ông ta: Đây, Chúa của ông đây. Ông hãy thề trước chân dung Chúa là gìữ vững đất nước mà người ta đã trao cho ông. Ông sẽ bảo vệ nó, để chống lại bọn cộng-sản và nếu cần chống luôn cả người Pháp nữa. Ông ta đứng yên lặng một lúc lâu, rồi nhìn tôi, sau nhìn lên Thánh-gíá, ông nói với giọng nghẹn-ngào “Tôi xin thề”… Trước khi ra đi, tôi trao cho Diệm một đạo dụ, ủy cho ông ta mọi quyền, hành chánh cũng như quân sự... (Con Rồng Việt Nam. Trang 515).
Đây đúng là sự nhượng-bộ thật khó-khăn mà vua Bảo-đại phải tạm chấp-nhận vì không còn ai có thể đương-đầu với tình-hình dầu sôi lửa bỏng của Đất Nước lúc đó.
Sự việc đã được vua Bảo-đại ghi lại rành-mạch như thế, song vẫn có dư-luận quy-kết rằng ông Ngô-Đình Diệm là người của Hoa-kỳ đem về cho dù chưa có tài-liệu hoặc bằng chứng nào cho thấy Hoa-kỳ đã sắp đặt đưa ông Ngô-Đình Diệm lên làm Thủ-tướng vào năm 1954. Đó là chưa kể trong thời-gian mấy tháng đầu chấp-chính, Hoa-kỳ cũng đã có chủ-trương lật đổ ông Ngô-Đình Diệm để đưa người mà họ cho rằng có năng-lực hơn ra thay thế.
Ông Ngô-Đình Diệm mang lời thề lên đường về nước ngày 24-6-1954, ở tuổi 52. Đến Sài-gòn vào ngày 26-6-1954, để nhận một di-sản cay đắng và đầy thử-thách trong một bối-cảnh chính-trị phức-tạp và rối-ren của Đất Nước với cả thù trong lẫn giặc ngoài. Thù trong là Việt-minh cộng-sản đã đành, song phức-tạp hơn nữa là nhiều thành-phần nhân-sự và lực-lượng các phe nhóm do thực-dân Pháp làm hậu-thuẫn vẫn còn cố bám-víu cả quyền lẫn lợi. Thêm vào đấy là một số các người vừa vênh-vang là trí-thức khoa-bảng lại vừa tự-cao cho mình là chính-khách thời nào cũng nổi lềnh-bềnh như lục-bình trôi sông, song chẳng thời nào đắc-vị. Còn giặc ngoài là người Pháp, chưa cam lòng dứt bỏ những gì họ đã xây nền tại Miền Nam, có thêm sự tiếp tay của khối thần-dân vẫn còn bồi-hồi tiếc-nuối nếp sống đã một thời chịu ảnh-hưởng của Pháp. Có thể nói ông Ngô- Đình Diệm đã giao trắng thân-phận mình cho vận-mệnh đất nước và như một sự an-bài của số phận mà vua Bảo-Đại và ông cuối cùng lại phải liên-hợp khi vua Bảo-Đại không còn sự chọn lựa nào khác và ông Ngô-Đình Diệm đã đến lúc phải dấn-thân, phải nhập cuộc.
Vừa chính-thức chấp-chính ngày 07-7-1954 thì đến ngày 20-7-1954, ông Ngô-Đình Diệm phải đối-diện với hoàn-cảnh Đất Nước bị phân chia, với trách-nhiệm về nửa miền đất nước ngổn-ngang trong cái tàn-cuộc của một giai-đoạn lịch-sử nhiễu-nhương người Pháp để lại. Các giáo-phái, các phe nhóm từ trước vẫn đang hùng cứ từng vùng. Sài-gòn và Chợ-lớn hoàn-toàn do lực-lượng Bình-xuyên khuynh-loát. Nói trắng ra, giang-sơn và quyền-hạn mà hoàng-đế Bảo-Đại ủy-thác cho Thủ-tướng Ngô-Đình Diệm về chấp-chính không ra được tới chợ Bến Thành. Song trong cái giới-hạn phức-tạp này, Thủ-tướng Ngô-Đình Diệm đã từng bước tái-lập trật-tự xã-hội, khôi-phục uy-quyền quốc gia.
Rồi Phủ Tổng-uỷ Di-cư, Phủ Tổng Uỷ Dinh điền được thành-lập để ổn định cho gần một triệu người từ bên kia vĩ-tuyến 17 vào Miền Nam tỵ-nạn cộng-sản. Không bao lâu, Miền Nam đã được xây dựng trong thanh-bình, tự-do và no ấm thực sự, cho dù Miền Bắc vẫn còn để lại khoảng hơn một trăm ngàn cán-bộ Việt-minh nằm vùng tại miền Nam, sẵn sàng hoạt-động vũ-trang bất cứ lúc nào có cơ-hội.
Ngày 6-11-1955, chỉ sau ngày chuyến tầu cuối cùng chở người di-cư cập bến Sài-gòn chưa đầy ba tháng, dân-chúng Sài-gòn đã mừng đón các chiến-sĩ giẹp loan Bình-xuyên từ Rừng Sát trở về giữa tiếng hoan-hô, với điệu nhạc hùng và lời hát đẹp trong… Bài ca chiến thắng… của Minh Duy và… Anh về Thủ-đô… của Y-Vân. Ngay khi ấy, không ai dám ngờ ông Đại-tá Dương Văn Minh cùng các ông Trung-tá Nguyễn Khánh, Thiếu-tá Nguyễn Hữu Hạnh, Thiếu-tá Nguyễn Chánh Thi… trong “đoàn quân chiến thắng trở về” này, được Tổng-thống Ngô-Đình Diệm vinh-thăng mỗi người lên một cấp, lại chính là những con ong ông nuôi trong tay áo, cho đến gần 10 năm sau mới bay ra. Người thì co chân đạp-đổ nền Đệ-nhất Cộng-hoà, kẻ thì nằm vùng cho đến ngày 30-4-1975 mới ra mặt.
Nếu so-sánh các giai-đoạn từ 1945 tới 1975, thì phải nhận rằng trong 9 năm lãnh đạo, cho dù bị mai-phục bởi đủ cả thù trong giặc ngoài nhưng cố Tổng-thống Ngô-Đình Diệm và chính-quyền Đệ Nhất Cộng Hoà đã đưa Miền Nam Việt-Nam đi vào một thời kỳ thịnh-vượng đáng kể. Đặc biệt là ngăn chặn được làn sóng xâm-lăng của cộng sản Miền Bắc. Các chương-trình phát-triển xã-hội, cải-cách điền-địa, nhất là kế-sách bình-định nông thôn trong tình-trạng còn nhiều cán-binh cộng-sản không về Bắc. Cho đến năm năm sau, khi lực-lượng cộng-sản nằm vùng gia tăng đánh phá và vào ngày 23-3-1959 , Tổng-thống Ngô-Đình Diệm phải tuyên-bố đặt miền Nam “trong tình trạng chiến tranh” thì an-ninh quốc-gia vẫn được duy-trì. Vào thời đó, quân dân Miền Nam nhắc nhiều đến hai chữ “Bắc Tiến”. Sau ngày 30-4-1975, nhiều người Miền Bắc đã cho biết âm vang hai chữ này khi ra đến Miền Bắc thì thành niềm hy-vọng cho họ và khi biết tin về cuộc biến-loạn ngày 01-11-1963, họ thấy hụt-hẫng và tuyệt-vọng.
Hôm nay, đúng vào ngày 02-11-2024 này 61 năm trước, Tổng-thống Ngô-Đình Diệm và bào-đệ Ngô-Đình Nhu đã bị thảm-sát trong cơn bạo-loạn ngày 01-11-1963, kéo theo sự sụp-đổ hoàn-toàn nền Đệ-nhất Cộng-hoà tại Miền Nam Việt-Nam và hơn thế nữa biến-cố lịch-sử này với những hệ-quả của nó đã có tầm ảnh-hưởng và hệ-lụy cho cả Miền Nam lẫn toàn cuộc đất nước giữa khi đang ở vào thế tương-tranh giữa hai ý-hệ cộng-sản và quốc-gia. Thế nhưng, bằng kinh-nghiệm từ quá-khứ, khối người Việt quốc-gia vẫn còn bị chìm-ngập trong sự phân-hoá trầm-trọng được tạo ra từ cả bạn lẫn thù với đủ loại luận-cứ tuyên-truyền vô bằng, làm rạn nứt tình huynh-đệ theo đúng nghĩa của hai chữ “đồng bào” mà chỉ dân tộc Việt-Nam mới có theo huyền-sử được sinh ra từ một bọc trăm trứng Rồng Tiên. Người viết hy-vọng những thị-phi phát sinh bởi thiên-kiến sẽ dần-dà được giải-toả bằng sự nhận-xét và phê-phán công-minh hơn nơi những lương-tâm chính-trực, hầu bồi đắp lại tình đoàn-kết giữa những người Việt-Nam không cộng-sản. Có vậy mới mong còn đủ sức mạnh mà ngăn được nguy-cơ mất nước gần kề.
Bài viết này cũng không phải là để hoài-niệm về một thời đã qua song chính là để chúng ta hôm nay cùng nhau phân-định minh-bạch và công-bằng theo lý-lẽ chứ không theo thương ghét khách-quan hay chủ-quan thường tình như một sự gạn đục khơi trong. Theo tác-giả Nguyễn Văn Lục trong tác-phẩm “Một thời để nhớ” thì cuộc nổi-loạn ngày 01-11-1963 là một đại-hoạ và một sai-lầm lớn nhất trong lịch-sử cận-đại trên đất nước chúng ta. Bởi vì, nó không chỉ đơn-giản là cái chết của một vài nhân-vật chính-trị hay của một chế-độ, mà là sự khước-từ con đường chính-nghĩa dân-tộc, làm mất đi một điều-kiện tất-yếu để chiến-thắng cộng-sản.
Kể từ ngày ông Ngô-Đình Diệm bị sát hại đến nay, đã hơn nửa thế-kỷ, nhiều tài liệu liên-quan đến nền Đệ Nhất Cộng Hoà và cố Tổng-thống Ngô-Đình Diệm đã, đang và sẽ còn được giải-mật, được đem ra công-luận như những câu trả lời, những ánh lửa sáng rọi vào một thời quá-khứ đã từng bị xuyên-tạc và vẫn còn nhiều thị-phi trong dư luận bất-phân.
Ông Ngô-Đình Diệm, lúc vừa tròn 32 tuổi, đã tự chọn cho mình con đường nhiều gai-góc và hiểm-nguy là cùng lúc chống cả Việt-minh và Pháp. Vào năm 1933, qua việc Toàn-quyền Pasquier không chấp thuận kế-hoạch canh-tân đất nước của ông mà trong đó có cả việc đòi bãi-bỏ hai chức Thống-sứ Bắc-kỳ và Khâm-sứ Trung-kỳ, ông đệ đơn từ nhiệm chức-vụ Thượng-thư Bộ Lại, tương-đương chức Thủ tướng ngày nay, Cái chí-khí này đã được Tổng-thống Pháp, Vincent Auriol, ghi trong tập hồ-sơ lưu-trữ về giai-đoạn từ 1947-1954 gọi là Journal du Septennat rằng … Một lá bài chính đáng có thể một ngày nào đó phải được dùng đến là Diệm. Một người quốc-gia thuấn-tuý. Một người đã chống đối lại chúng ta một cách kịch-liệt. Một người rất khó để có thể điều-khiển nhưng trung-thực và liêm-khiết. Rất là đố-kỵ với “thối nát lúc nhúc”chung quanh Bảo-đại và là người có uy-tín lớn-lao…
Tổng-thống Hoa kỳ Lyndon Johnson đã thú-nhận… Tôi nghĩ chúng ta đã lầm khi không ủng hộ ông Ngô-Đình Diệm và tôi tin rằng việc sát hại ông Ngô-Đình Diệm đã tạo thêm nhiều vấn đề hơn là giải quyết chúng”. Tổng-thống Nixon nhận định… Tổng-thống Diệm ổn định Việt Nam, ví như viên Đá Đỉnh Vòm giữ vòm nhà đứng vững… Chỉ khi nào đá đỉnh vòm được lấy đi, người ta mới thấy là nó quan trọng. Thì cũng y hệt như vậy, chỉ khi Ông Ngô-Đình Diệm chết rồi, toàn thể hệ thống chính trị miền Nam Việt Nam sụp đổ tan tành, người ta mới nhận rõ vai trò sinh tử của ông ta…
Trong hơn nửa thế-kỷ qua, có rất nhiều tác-giả bình-luận, phân-tích và nhận-định về vị-thế lịch-sử của cố Tổng-thống Ngô-Đình Diệm cùng các sự việc liên-hệ. Lại cũng có những tiếng nói của các chứng-nhân đã cùng chung trách-nhiệm với cố Tổng-thống lúc đương thời như những chứng-từ. Song cho dù theo lăng-kính nào chăng nữa thì càng ngày người ta càng ghi nhận được những đặc-điểm không thể phủ-nhận và cũng khó có thể thay-thế của nền Đệ Nhất Cộng Hoà và người khai-sáng ra nó từ một lời ủy-thác của vua Bảo-đại... Ông hãy thề trước chân dung Chúa là gìữ vững đất nước mà người ta đã trao cho ông… Sự tồn vong của Việt Nam buộc ông như vậy… giống như một thầy tu, gánh trên vai cây thánh-giá Quê Hương đau khổ để rồi chịu tuẫn-đạo. Vậy mà chín năm sau, người ta đủ loại, cấu-kết với nhau bôi lem hình ảnh này thành mối hận-thù tôn-giáo đến không chừa một thủ-đoạn tồi-tệ nào để thoả-mãn tham, si, sân, hận…
Nhớ lại, một trong những luận-cứ mà cho đến giờ này, vẫn còn có người bất-chấp lý-lẽ như ông bà xưa dạy là “ăn phải nhai, nói phải nghĩ” để quy-kết cho cố Tổng-thống Ngô-Đình Diệm có chủ-trương “gia đình trị”.
Ông Ngô-Đình Diệm có tất cả bốn anh em trai. Người anh lớn là giám-mục Ngô-Đình Thục không tham-chính. Người em út là Ngô-Đình Luyện được Quốc-trưởng Bảo-đại bổ-nhiệm làm Đại-sứ Việt-Nam tại Anh-quốc trước khi ông Ngô-Đình Diệm về nước. Hai người em khác là các ông Ngô-Đình Nhu và Ngô-Đình Cẩn mang chức vị “khống” do người chung quanh, vì muốn lấy lòng hoặc xu-nịnh chế-độ, mà xưng tụng là “cố vấn”. Thực tế, cả hai đều không có văn-thư bổ nhiệm, không ở ngạch trật nào theo hệ-thống hành-chính thời đó và cũng không được đồng lương nào từ ngân-sách quốc-gia, cũng không có cả văn-phòng chính-thức. Hai ông Ngô-Đình Nhu và Ngô-Đình Cẩn chỉ tích-cực giúp người anh Tổng-thống của mình mà theo tác-giả Nguyễn Văn Minh trong tác-phẩm “Dòng họ Ngô Đình – Ước mơ chưa đạt” thì đó là di-nguyện của cụ ông Ngô-Đình Khả trối lại cho các con trước khi qua đời rằng ông Ngô-Đình Diệm là người có đủ đức-tính cần-thiết để trở thành người lãnh-đạo, nhưng… các con phải cùng với nó (nó đây là cố Tổng-thống Ngô-Đình Diệm) tranh-đấu dành lại cho được một nền độc-lập hoàn-toàn, thì mới thực-hiện công-cuộc cải-tạo xã-hội, xoá bỏ bất-công được… Do thế mà các em ông đã sát cánh với anh mình như hai phúc-tinh tả-phù, hữu-bật. Sao không nhìn sang chính-trường Hoa-kỳ, Tổng-thống Kennedy khi vừa nhận chức đã bổ-nhiệm người em trai là Robert Kennedy làm Bộ-trưởng Tư-pháp và tất cả gia-đình Kennedy vào thời đó chỉ thấy được người dân Hoa-kỳ cũng như thế-giới chú-mục vì anh em họ sáng chói mà không hề có dư-luận nào kẻ vạch rằng đó là gia-đình-trị. Thử hỏi, Tổng-thống Ngô-Đình Diệm không tin ông Ngô-Đình Nhu thì tin ai, khi vừa là em ruột lại vừa có tài, có học-thức và rất uyên-bác về nhiều lãnh-vực. Cụ-thể là gần đây, dư-luận xôn-xao về cuốn “Chính-đề Việt-Nam” do ông soạn ra làm tài-liệu lưu-hành nội bộ của Đảng Cần-lao Nhân-vị. Còn ông Ngô-Đình Cẩn, bên cạnh bổn-phận chính của ông là thay các anh chị em để ở nhà nuôi mẹ già; song vì hoàn-cảnh của Miền Trung lúc bấy giờ khá phức-tạp nên ông đã tự tổ-chức Đoàn Công-tác Đặc-nhiệm Miền Trung chuyên lo mặt truy-quét các cán-bộ cộng-sản xâm-nhập và các phần-tử làm đặc-công cho cộng-sản. Bên cạnh đó ông còn lập ra Phong-trào cách-mạng Quốc-gia để đầy mạnh việc tố cộng. Vậy phải chăng vì di-sản tinh-thần của gia-tộc như tác-giả Nguyễn Hữu Duệ nhận xét… Tất cả những người trong dòng họ Ngô đều có lòng yêu nước nồng-nàn. Cả dòng họ đều nuôi quyết tâm để giành lại độc lập cho quê hương và không khuất phục trước mọi khó khăn. Cụ Ngô-Đình Khả bị sa thải vì không hướng dẫn vua Thành Thái theo ý muốn của người Pháp và không ký tên vào tờ biểu yêu cầu vua Thành Thái thoái-vị theo lệnh của khâm-sứ Pháp. Ông Ngô- Đình Khôi bị mất chức vì có các hoạt-động chống Pháp và bị giết vì mưu-toan ngăn chặn sự thống-trị của cộng-sản trên đất nước. Ông Ngô-Đình Diệm và Ngô- Đình Nhu đã bị hạ sát vì chống lại việc Hoa-kỳ muốn can-thiệp trực-tiếp vào Miền Nam Việt-Nam… mà thành nỗi ám-ảnh về một “gia-đình-trị.
Sau ngày 01-11-1963, Miền Nam không còn là một xã-hội kỷ-cương. Đảo-chính và chỉnh-lý như cơm bữa. Từ 1964-1967 đã có bốn chính quyền. Chính sự xáo trộn này góp phần không nhỏ trong việc tạo thuận-lợi, mở đường cho cộng-sản Miền Bắc dễ-dàng hơn khi tiến chiếm Miền Nam. Nguyễn Hữu Thọ trong thành phần Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam nói với báo Nhân Dân… sự lật đổ Diệm là một món quà mà Trời ban cho chúng tôi…
Thành vậy, khi bất-cứ tập-thể người Quốc-gia nào tổ-chức nghi thức tưởng-niệm cố Tổng Thống Ngô-Đình Diệm và bào-đệ Ngô-Đình Nhu bị sát-hại trong biến cố 01-11- 1963 thì không hẳn chỉ mang ý nghĩa đơn-giản là một ngày giỗ, một ngày kỷ-niệm mà chính là hành-động dấn-thân để nhận phần trách-nhiệm trước dân-tộc trong nỗ-lực góp phần tìm kiếm, khám phá những sự thật về một giai-đọan lịch-sử phức-tạp, nhiều uẩn-khúc cùng với một nhân-vật lịch-sử có tầm cỡ là cố Tổng-thống Ngô-Đình Diệm, người đã khai-sinh ra nền Đệ Nhất Cộng Hoà; đã đưa Miền Nam Việt-Nam đi vào một thời-kỳ thịnh-vượng; nhất là ngăn chặn được làn sóng xâm-lăng của cộng sản Miền Bắc. Còn về nhân-cách của ông thì như Denis Warner – một học-giả người Úc – đã tặng cho ông biệt danh xứng đáng The Last Confucian – người hiền-triết Khổng-giáo cuối cùng.
Nhớ lại, vào những tháng ngày nền Đệ-nhất Cộng-hoà đang ổn-định, hình ảnh Tổng-thống Ngô-Đình Diệm mặc bộ quốc-phục khăn xếp và áo dài đen tề-chỉnh, trong các chuyến công-du, được các nguyên-thủ quốc-gia long-trọng đón-tiếp ngay tại các phi trường quốc-tế giữa 21 tiếng đại-bác nổ vang theo nghi-thức ngoại giao và lá Cờ Quốc-gia phất-phới trên bầu trời thế-giới, tung bay cùng quốc-kỳ các nước Hoa-kỳ, Úc-đại-lợi, Ấn-độ, Phi-luật-tân, Đại-hàn, Mã-lai, Đài-loan, Thái-lan… đã như một tấm gương cho tôi về niềm tự-hào dân-tộc. Thiển nghĩ, sự vẻ vang đó không phải là của cá-nhân ông mà là của Quốc-gia Việt Nam nên đúng ra cần được mọi người chung lòng, chung sức và tiếp tay duy-trì theo từng giai-đoạn lịch-sử. Còn nếu như có nghĩ đó là khả-năng và thành-quả của ông thì cũng không sai. Thực-tế đã chứng-minh, trước ông không có nhà lãnh-đạo Việt-Nam nào có vị-thế quốc-tế như thế và sau ông cũng chưa biết sẽ còn có ai đưa được lá cờ Quốc-gia này tung bay hiên-ngang trên thế-giới như vậy nữa hay không.
Tóm lại, chúng ta không thể chối bỏ được điều mà như luật-sư Phạm Kim Vinh nhận-định rằng chính-quyền Ngô Ðình Diệm là chính-quyền duy-nhất của người Việt Quốc-gia tạo được chính-danh, chính-thống và chính-nghĩa cho công cuộc chống cộng của người Việt-Nam.
Phạm Minh-Tâm Úc-châu đầu tháng 11-2024, cầu cho các linh-hồn.
|
|