guest1221
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau ...
|
Post by guest1221 on Sept 16, 2021 13:08:48 GMT -6
BÂY GIỜ THÁNG MẤY
(TỪ CÔNG PHỤNG)
Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em? Lênh đênh ngàn mây trôi êm đềm....
Lời bài hát thật đẹp. Tha thiết. Phiêu diêu.Lãng tử. Thật đúng với phong cách của Từ Công Phụng. Ông là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu cho tân nhạc Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975 cùng với Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương...là tác giả của các ca khúc trữ tình được nhiều người biết đến như Bây Giờ Tháng Mấy, Mắt lệ cho người, Giọt Lệ Cho Ngàn Sau. Nguồn gốc của ca khúc đầu tay này của Từ Công Phụng là một sáng tác với những mơ mộng của chàng học sinh mới lớn, tâm tư của một tên học trò đọc quá nhiều tiểu thuyết lãng mạn, cho nên "Bây Giờ Tháng Mấy" đã bắt được nhịp đập con tim của giới trẻ lúc bấy giờ. Lúc họ đang sống thấp thỏm trong hoàn cảnh chiến tranh, khao khát một tình yêu trong sáng lãng mạn và Từ Công Phụng đã mang lại cho họ món ăn tinh thần ấy.
Sự phổ thông mạnh mẽ của nó đã khiến tựa đề của nhạc phẩm này được truyền khẩu thành Bây giờ...mấy tháng rồi hỡi em ?. Từ Công Phụng cho biết đã không hài lòng lắm khi tên đứa con đầu đời của anh bị đổi tên một cách châm biếm như vậy. Nhưng dù sao anh cũng thừa nhận nhờ đó mà tác phẩm đầu tay của anh được nhắc nhở tới nhiều hơn. Câu tự vấn "Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em?" vẫn đủ sức làm lay động lòng người hơn 45 năm qua.
Nếu sự chia sẻ trong âm nhạc đạt mức cao nhất ở những lúc buồn thì âm nhạc của Từ Công Phụng là người bạn đồng hành tuyệt vời. Một cách âm thầm, từng lời hát của ông như chiếc chìa khóa bật mở những "hợp âm kỷ niệm", để mỗi khi giọng hát cất lên, cả người hát lẫn người nghe đều như sống lại một phần đời trong ký ức. Sự hụt hẫng nơi ông chưa bao giờ là đau đớn đến tuyệt vọng, bởi ông luôn quan niệm "Tình yêu là vĩnh cửu" và vẫn muốn sống trọn vẹn với chính mất mát của mình.
“Bây giờ là tháng mấy? mình xa nhau đây em Chiều nay trời mây đầy, cho lạnh buốt vai gầy Ngày cũ mình còn đôi, mà nay em hờn dỗi Thất hẹn một lần thôi, để mộng vỡ tan rồi
Bây giờ là tháng mấy? Chiều nay sao mưa bay Nhớ em mấy cho vừa đàn lạc phím ru hờ Chiều rơi nhẹ vào mắt, trời chớm đông lạnh ngắt Gió lay nhẹ hàng cây, dáng em mờ trên mây
Mai đây em đi về, có ai đưa chân mềm Hôn làn tóc lưng thềm, mà từng đêm anh đã trót Ngày đó có anh chờ và nay biết ai đợi Để đưa em đi về, khi cuộc vui đã tan
Bây giờ là tháng mấy? Mùa hoa đã phai chưa Tìm quên mùa thương này trong nhạc lắng cung đàn Màu mắt em còn đó, nhìn áng mây chiều gió Lướt bay về trời cũ, đâu nữa ngày mộng mơ
Bây giờ là tháng mấy? Chiều anh đi quên đường Tìm màu hoa hương cũ, em cài áo làm duyên.”
Tác giả bài thơ này qua lời thuật lại từ một nhân viên của một đài phát thanh: Đó là một người con gái. Cô gái ấy, sau khi nghe nhạc phẩm “Bây Giờ Tháng Mấy” lần đầu tiên được phát sóng trên đài, đã cảm tác một bài thơ có cùng tên: “Bây Giờ Tháng Mấy” và mang đến đài phát thanh nhờ trao tặng cho Từ Công Phụng. Từ đó đến nay, TCP luôn có ý chờ người con gái đó lộ diện để biết được tên thật của tác giả, nhưng đã hơn 30 năm trôi qua, chưa hề một lần nào ông nghe được bất kỳ tin tức gì từ cô gái ấy cả.
Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em? Hỏi nhưng không có câu trả lời. Có thể là tháng 12, hay tháng 1, 2,...gì đó. Tháng mấy, không quan trọng, chỉ biết rằng Mùa đông chết đi rồi mùa xuân đang đến ở đất trời, và trong lòng người! Bài tình ca tươi mát lãng mạn đã trở thành một bài ca thời thượng của những người trong tuổi đang yêu. Lời nhạc tình tứ đã vỗ về cuộc tình của cả một thế hệ thanh niên.
“Mai đây anh đưa em đi về, mưa giăng chiều nắng tàn, cho bớt lạnh chúng mình. Em ơi thôi đừng hờn anh nữa, nhìn nhau buồn vời vợi để mùa đông buốt giá bờ vai mềm.”
Đã ba thập niên trôi qua, lời nhạc chỉ làm mềm lòng người nghe mà thôi…
“Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em? lênh đênh ngàn mây trôi êm đềm Chiều nay nếu em đừng hờn dỗi, trách nhau một lời thôi Tâm hồn mình đâu lẻ loi Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em? Anh đi tìm màu hoa em cài.
Chiều nay nhớ em rồi và nhớ. Áo em đẹp màu thơ, Môi tràn đầy ước mơ. Mai đây anh đưa em đi về, Mưa giăng chiều nắng tàn cho buốt lạnh chúng mình.
Tôi không có đôi tai thẩm âm của một nhạc sĩ mà chỉ có một tâm hồn rộng mở đón nhận những dòng nhạc. Nhạc Từ Công Phụng như những ngọn suối ngọt ngào, như những dòng thác triền miên, như những triền sông bát ngát đưa tâm hồn ta tới một cõi nghệ thuật nào đó. Những khi chán nản với cuộc sống tầm thường, những lúc mỏi mệt với những thúc giục của cuộc đời, những lúc tâm hồn như một dải sa mạc cằn cỗi, tôi vẫn tìm về với những tình khúc Từ Công Phụng và tôi đã được đến một đỉnh an bình nào đó.
Tình ca không có tuổi. Khi trên đời còn những tình nhân thì tình ca vẫn vang vọng trong cuộc sống. Tình yêu không bao giờ cũ. Chính những tình nhân từ thế hệ này qua thế hệ khác luôn luôn làm mới tình yêu. Bởi vậy tình ca nói chung, tình khúc Từ Công Phụng nói riêng, không bao giờ phai mờ nét lấp lánh của chúng.
“Em ơi, thôi đừng hờn anh nữa, nhìn nhau buồn vời vợi, để mùa đông buốt giá bờ vai mềm.
Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em?
Anh đi tìm mùa xuân trên đời Mùa đông chết đi rồi mùa xuân mắt em đẹp trời sao cho mình thương nhớ nhau.”
|
|
guest1221
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau ...
|
Post by guest1221 on Sept 17, 2021 8:02:22 GMT -6
Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh về với Chân trời tímAnh hứa đưa em về nơi chân trời tím. Nghe gió êm qua trái tim từng hoàng hôn Anh chỉ muốn duyên tình hai chúng ta Như ánh sao cao vút cao xa trần gian.
Anh hứa đưa em về nơi chân trời tím. Gom hết mây hai đứa xây lâu đài yêu Xin không thiếu trăng vàng trên tóc em khi ánh sao trời đầy mắt người yêu
Anh vì lửa khói quê hương, đường hun hút biên cương, một mình ngắm trăng suông Anh về bên ấy thương mong Từng chiều rớt bên sông, em có mơ gì không?
Anh chắc em mơ về nơi chân trời tím. Nghe đáy tim mơ ước khi ta tròn đôi Xin yêu ái muôn đời không lẻ loi như sắc mây chân trời tím chiều rơi.----------
Như nhiều người đã biết Trần Thiện Thanh có hai tên: một tên thật cho sáng tác nhạc và một biệt danh Nhật Trường là ca sĩ khi đứng trên sân khấu. Bạn bè thường vẫn gọi anh là Nhật Trường, chứ ít ai gọi tên "cúng cơm."
Trong số những ca khúc của anh có "Chân trời tím," anh làm ngay sau khi đọc truyện dài đó của tôi và tôi nhớ không lầm thì người hát đầu tiên bài này là nữ danh ca Minh Hiếu và đó cũng là một ca khúc thành công nhất của cô. Nhưng tôi lại nhớ rất rõ là hồi đó, vào khoảng những năm 1966-67, mỗi khi tôi đi cùng các bạn lên vũ trường Paramount hoặc Đại Nam của ông chủ Tú Vopco thì Minh Hiếu thường hát bài này. Nhật Trường còn cẩn thận ghi thêm cả một đoạn tôi để ngay trang đầu của truyện dài "Chân trời tím" và Minh Hiếu cũng không bao giờ quên đọc lời giữa ca khúc như một lời nhắn gửi cho một cuộc tình không bao giờ đến đích:
"Anh yêu những chân trời tím; màu tím thắm thiết của yêu thương, của hai đứa chúng mình đi vào tình yêu, đi vào kỷ niệm. Anh sẽ đưa em tới đó, anh sẽ sống bên em như màu tím và chân trời, nhưng anh biết không bao giờ chúng mình tới đó. Nghe như tiếng thở dài của những người yêu nhau nhưng lại biết chắc rằng tất cả chỉ là vô vọng. Họ gặp nhau quá muộn hoặc... có hàng ngàn lý do để họ không bao giờ được ở bên nhau. Một thời bản nhạc đó cũng đã vẫy vùng trong làng ca nhạc của miền Nam VN. Nhưng có nhiều người hỏi tại sao một bản nhạc hay như thế lại không phải là nhạc chính cho phim. Vì Trần Thiện Thanh không bán ca khúc cho hãng phim hay vì một lý do nào khác?
Chuyện tréo ngoe
Khi Trần Thiện Thanh cho trình làng bản nhạc đó thì chưa bao giờ chúng tôi nghĩ đến chuyện làm phim "Chân trời tím." Một hai năm sau, hãng phim Liên Ảnh mới được ông Tổng giám đốc Quốc Phong tập hợp lại để làm phim. Bản nhạc của Trần Thiện Thanh ra đời được mấy năm nên đã trở thành cũ. Trong khi Liên Ảnh có tới 7 ông chủ hãng phim nên mỗi người một ý, nhiều ông muốn có một bản nhạc mới cho cuốn phim CinemaScope đầu tiên ở VN. Vì thế nên họ quyết định nhờ Phạm Đình Chương làm nhạc chính cho phim. Bởi vậy mới có chuyện tréo ngoe là bản nhạc Chân Trời Tím thì không phải là nhạc chính cho phim, thay vào đó là "Nửa hồn thương đau" của Phạm Đình Chương với câu mở đầu "nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt, chỉ thấy lòng nhớ thương chất ngất..." Tôi cho rằng Hoài Bắc cũng gửi tâm sự thật sâu kín nhất của mình vào ca khúc đó.
Với tôi, cả hai bản nhạc đều có giá trị rất riêng nhưng cùng một tâm sự và đều xứng đáng là nhạc chính của phim. Tuy nhiên, nếu tôi có toàn quyền chọn ca khúc cho phim thì tôi chọn "Chân trời tím" của Trần Thiện Thanh và người trình bày ca khúc là Minh Hiếu. Bởi dù sao bản nhạc đó cũng đánh dấu thời kỳ ra mắt của cuốn truyện và nó cũng đã góp phần vào việc làm cho cuốn truyện được nhiều người biết đến và nhắc đến hơn. Nhưng tôi không có quyền hành gì trong việc lựa chọn này. Tất nhiên nói như thế không phải không thích nhạc Phạm Đình Chương mà thật ra tôi "mê" nhạc của Chương hơn cả nhiều ca khúc tiền chiến khác. Trong đó tôi mê bài anh phổ nhạc thơ Đinh Hùng: "Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng, có người con gái đẹp như trăng. Tóc xanh ủ bóng dừa hoang dại, âu yếm nhìn tôi không nói năng..."
Còn nhạc Trần Thiện Thanh tôi lại thích "Khi người yêu tôi khóc." Lần đầu nghe bản nhạc này xong, tôi gặp Nhật Trường bèn gật gù ngay: "Bản nhạc của ông làm tôi buồn suốt buổi tối hôm qua đấy." Nhật Trường thủ thỉ: "Tôi còn buồn hơn ông." Suy nghĩ một chút anh "tổng kết" những cuộc tình: "Cái số tôi cứ đụng yêu là muộn ông ạ." Tôi "triết lý vụn:" "Yêu muộn cũng có cái thú của yêu muộn chứ ông tưởng cứ yêu sớm là hạnh phúc cả hay sao." Nhật Trường nhún vai: "Nhưng dù sao cũng đỡ vất vả, chứ tôi thấy cái thân tôi mỗi lần hẹn hò là một lần phải bày binh bố trận như sắp ra chiến trường. Chiến thuật chiến lược phải tinh thông. Hồi hộp lắm." Tôi hiểu Nhật Trường muốn ám chỉ điều gì. Tôi nháy mắt móc lò: "Suy cho cùng thì đôi khi chính anh cứ tìm lối đoạn trường mà đi."
Còn tôi, tôi thích phóng xe giữa xa lộ. Vì thế nên có ông bảo tôi "nhiều tàu" chứ các ông ấy cứ đàng hoàng dắt tay nhau đi giữa phố, phóng xe ra xa lộ cho mọi người cùng nhìn giữa thanh thiên bạch nhật, đừng có "múa võ trong bóng đêm" hay nói như nhà văn Tạ Quang Khôi là những anh chuyên đi "lái ké," chưa biết chừng có ông còn nhiều tàu gấp hai tôi."
Sự cảm thông
Khi tôi về làm việc tại Đài Phát tanh Quân Đội, Nhật Trường làm việc tại Phòng Văn Nghệ Cục TLC. Tôi gặp anh để ngỏ ý xin anh về Ban nhạc của Đài Phát Thanh cho đúng với khả năng của anh, nhưng anh từ chối với lý do "làm ở phòng Văn Nghệ dễ chịu hơn, giờ giấc không trói buộc." Sau đó anh nhỏ nhẹ nói tiếp: " Thật ra ông mới về nên chưa biết chứ ở bên Đài nhiều chuyện phức tạp lắm. Mà tôi thì không muốn dây dưa, không muốn cạnh tranh với ai cả." Tôi thông cảm ngay bởi hồi đó Phòng Văn Nghệ của Cục TLC chiếm một gian nhỏ ngay sát với Đài Tiếng Nói QĐ. Công việc của các nhân viên có phần nhàn nhã hơn, không cứng nhắc và đôi khi xô bồ tấp nập như không khí hàng ngày của Đài phát thanh. Tuy vậy tôi và Nhật Trường vẫn có nhiều dịp gặp nhau. Mỗi khi anh có một bản nhạc nào mới, anh thường sang khoe với tôi và tôi cũng có nhiều vấn đề về nhạc của Đài cần có ý kiến của anh. Dù không hay đi ăn đi chơi với nhau, nhưng tình cảm vẫn gần gụi.
Tôi nhớ vào một đêm rằm Trung Thu, xe tôi bị hư, Nhật Trường phải trực ngoài cổng cơ quan nên tôi mượn xe anh đi. Giữa đường, xe cũng hư nốt. Thế là nguyên một đêm Trung Thu tôi phải sửa luôn một lúc hai cái xe.
Một người thầm lặng
Có một thời kỳ Nhật Trường "được" biệt phái lên Quân đoàn 2 ở Pleiku. Anh lẳng lặng đi không nói với ai nửa lời dù biết rằng "đi là chết ở trong lòng một ít." Khi tôi biết thì mọi chuyện đã muộn. Cho đến nay tôi vẫn còn ân hận vì điều này. Nhưng bản tính Nhật Trường là như thế. Anh không bao giờ cần nhờ vả ai, không cần ai giúp mình bất kể về phương diện nào.
Cho đến khi tôi ở "trại cải tạo" ra, đó là năm 1987, Nhật Trường vẫn ở Sài Gòn. Anh nhắn vài người bạn và cho tôi số điện thoại nhà anh. Hồi đó dân Sài Gòn có được cái điện thoại là bảnh rồi. Tôi điện thoại cho Nhật Trường, anh cho biết là đang ở bên Bến Phạm Thế Hiển và ngỏ ý đón tôi sang chơi. Nhưng rồi tôi quá bận rộn vì mưu sinh nên chưa có thì giờ sang chơi với anh được. Lần thứ hai anh nói: "Tôi nhớ "Chân Trời Tím" lắm." Chúng tôi cùng hiểu anh nhớ những gì, không hẳn là chỉ có thế, còn cả một quãng đời chúng tôi sống cùng nhau. Lần sau cùng anh điện thoại cho tôi, không nói là mình đi Mỹ, anh có vẻ ngập ngừng rồi bùi ngùi: "Có lẽ còn lâu tôi mới gặp được ông, tôi về quê sống ông ạ." Tôi hỏi lại: "Nghe nói ông sống dễ chịu lắm mà." Nhật Trường buồn bã: "Chỉ là cái bề ngoài thôi, bây giờ thì chịu hết nổi rồi, tôi về quê cho khỏe, ông cứ biết thế thôi." Ừ thì biết thế, anh em lúc này mỗi người một hoàn cảnh riêng, làm sao biết được đằng sau cuộc sống là những gì. Song tôi vẫn cứ nghĩ là anh về Phan Thiết vì từ lâu tôi vẫn nghe nói "quê hương bản quán" của anh là xứ sản xuất ra nước mắm nổi tiếng này. Phải một thời gian sau tôi mới biết là anh đi Mỹ và ở lại đó.
Bẵng đi một thời gian dài, tôi không được tin tức của Nhật Trường và trong những cái CD "nhạc hải ngoại" bày bán ở Việt Nam cũng ít thấy anh xuất hiện. Đến nay thì được tin anh đã vĩnh viễn ra đi. Cái tin buồn ấy đến với tôi quá muộn và cũng chưa có gì là chắc chắn. Tôi điện thoại hỏi Trần Thiện Hiệp hiện đang ở Thủ Đức. Từ lâu nay tôi cứ yên trí Hiệp là anh ruột của Trần Thiện Thanh.
Hiệp xác nhận cái tin đó và cho biết thêm ngày 19-5 ở Mỹ mới làm lễ hỏa thiêu và sẽ đưa tro cốt về Lâm Đồng. Cho đến khi tôi viết bài này (ngày 22-5) Trần Thiện Thanh vẫn chưa trở lại với quê hương. Lúc này tôi mới biết thêm Hiệp là anh em thúc bá của Nhật Trường. Hiện nay bà mẹ Trần Thiện Thanh đã ngoài 80, vẫn còn đang sống ở Lâm Đồng bên cạnh nhà cô em gái anh là Như Thủy. Căn nhà đó do chính Nhật Trường đã làm ra từ thời xưa, đối diện với cái sở Nông Lâm Súc ngay đại lộ. Họ hàng nhà Trần Thiện hiện đã tề tựu đông đủ để nhờ chờ đón người con trở về đất mẹ.
Trần Thiện Hiệp kể lại về người em của mình: "Nó đào hoa từ nhỏ đấy ông ạ. Ngày xưa tôi với nó sống chung và học chung. Nhưng nó chỉ mê đàn địch suốt ngày. Đến nỗi ông chú tôi nện nó một trận vỡ bung cả cái thùng đàn guitar. Cho nên, anh em sau này mỗi người một chí hướng, nhưng rồi cũng gặp nhau ở cái duyên thơ nhạc. Nó phổ nhạc bài thơ "độc hành" của tôi và làm trong cassette đầu tiên khi đặt chân đến đất Mỹ. Gần đây nghe tin nó bệnh nhưng không ngờ nó "đi" nhanh thế. Chúng tôi cùng bùi ngùi nhớ hình ảnh một người nghệ sĩ hiền hậu, có cuộc sống gần như lặng lẽ, nhưng có những đợt sóng ngầm và đời sống nội tâm khá dữ dội. Tôi nghĩ đến bà mẹ già giờ này vẫn mong ngóng đón đưa con trở về, ngoan ngoãn, yên lặng, nằm lại trong vòng tay mẹ như tưổi ấu thơ, không bao giờ đi nữa.
|
|
guest1221
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau ...
|
Post by guest1221 on Sept 20, 2021 7:44:22 GMT -6
Trên dốc đá tôi tình cờ quen nàng
Cuộc gặp gỡ hy hữu giữa một nhóm nam và nữ ở thành phố biển Vũng Tàu đã làm nên tác phẩm độc đáo của một tác giả bí hiểm.
Từ năm 1966 - 1975, tại 102/8 Hai Bà Trưng (Tân Định, Sài Gòn) có lớp nhạc “Lê Minh Bằng” quy tụ hàng trăm học viên. Lớp nhạc này do 3 nhạc sĩ: Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng tổ chức và trực tiếp đứng lớp (Lê Minh Bằng là ghép từ tên của 3 người).
Chính “lò nhạc” này đã đào tạo được những ca sĩ nổi tiếng như: Kim Loan, Giáng Thu, Trang Mỹ Dung, Mạnh Quỳnh (tác giả ca khúc Gõ cửa hiện sống ở Sài Gòn, không phải ca sĩ trẻ Mạnh Quỳnh ở hải ngoại), Hải Lý, Nhật Thiên Lan, Thu Thủy... Ngoài dạy nhạc, Lê Minh Bằng còn là bút danh chung của nhóm 3 nhạc sĩ này ký dưới những bài hát rất quen thuộc như: Hai mùa mưa, Lẻ bóng, Sầu lẻ bóng, Chuyện hai chúng mình, Đôi bóng, Tình đời...
Gặp gỡ “Mai - Bích - Dung”
Một ngày cuối tuần của năm 1970, ba nhạc sĩ rủ nhau đi ô tô ra Vũng Tàu chơi. Khi xe đến Bãi Trước, họ thấy ba cô gái mặc áo dài đi giữa trưa nắng nóng. Khi ấy nhạc sĩ Anh Bằng lái xe, nhạc sĩ Minh Kỳ ngồi phía trước, nhạc sĩ Lê Dinh ngồi ghế sau. Bất ngờ Minh Kỳ nói với Anh Bằng: “Bằng ơi, dừng xe lại cho ba cô đó lên đi chung với mình. Nắng như vầy mà 3 cô đi bộ tội nghiệp quá!”. Do tính hơi nhát, Anh Bằng bảo: “Thôi, ông đi mời đi, tôi không đi đâu”. Thấy 2 người bạn cứ đùn đẩy nên nhạc sĩ Minh Kỳ nói: “Thôi, dừng xe lại để tôi đi cho”.
Nhạc sĩ Lê Dinh kể lại: “Anh Minh Kỳ xuống xe và không biết ảnh nói gì với 3 cô đó mà trông 3 cô rất vui vẻ và họ đồng ý lên xe. Vì phía băng trước có anh Minh Kỳ ngồi, nên 3 cô phải ngồi ở băng sau với tôi. Tôi hỏi tại sao 3 cô đi bộ dưới nắng trưa như vậy, thì được biết cả 3 cô đều là sinh viên, đi Vũng Tàu tìm con sứa để về trường thí nghiệm. Rồi họ tự giới thiệu tên lần lượt là Mai (ngồi kế bên nhạc sĩ Lê Dinh), Bích và ngồi ngoài cùng là Dung”.
Cuộc gặp gỡ tình cờ đó rất ngắn ngủi, nhóm nam mời 3 cô ra Bãi Sau dùng cơm trưa. Ăn xong, 3 cô xuống mé biển tiếp tục tìm sứa. Và rồi họ ra Bến xe Vũng Tàu để trở về Sài Gòn.
Linh hồn tượng đá...
Đêm đó về khách sạn, nhạc sĩ Anh Bằng là người đề xướng viết bài hát Linh hồn tượng đá, lấy tên tác giả là Mai Bích Dung (tên của 3 cô gái ghép lại). Ngay đêm đó ca khúc ra đời với những ca từ: “Trên dốc đá tôi tình cờ quen nàng. Ngồi bên nhau, gọi tên nhau để rồi yêu nhau. Em đã đến và đã đến, như áng mây bay, như cánh chim qua bầu trời, ôi hình hài một vài giờ vui... (rồi nức nở) Em ơi, em ơi... Thời gian gặp gỡ nào được bao nhiêu, mà khi rời gót lòng đầy cô liêu, nên xa em rồi, tôi nhớ em nhiều... Em ơi, em ơi... Thà không gặp gỡ, thà đừng quen nhau, đừng cho hình bóng, đừng nhìn nhau lâu, tôi không ôm ấp kỷ niệm đớn đau...”.
Sau khi nhạc phẩm được in ra, nhạc sĩ Anh Bằng đích thân mang đến ngôi trường các cô đang học, tặng mỗi người một bản Linh hồn tượng đá còn thơm mùi mực in và có chữ ký của cả 3 chàng nhạc sĩ hào hoa. Từ một cái duyên đưa đẩy mà một tình khúc lãng mạn đã ra đời... Cũng cần nói thêm, nhóm nhạc sĩ này còn lấy nhiều “tên chung” khác ký dưới nhiều bản nhạc như: Chuyện tình Lan và Điệp 1, 2, 3 (ký tên Mạc Phong Linh - Mai Thiết Lĩnh), Cô hàng xóm (Giang Minh Sơn), Đà Lạt hoàng hôn (Dạ Cầm), Mưa trên phố Huế (Tôn Nữ Thụy Khương) hoặc các tên khác như: Vũ Chương, Dạ Ly Vũ, Hoàng Minh, Trần An Thanh, Tây Phố, Trúc Ly, Phương Trà, Huy Cường, Mặc Vũ...
Tuy là ký tên chung Lê Minh Bằng nhưng hầu hết đều do Anh Bằng sáng tác, các nhạc sĩ Lê Dinh và Minh Kỳ chỉ góp ý, sửa sang một vài lời ca, thêm bớt vài chi tiết. Nhưng với sự thân thiết và tôn trọng lẫn nhau nên những sáng tác này đều được ký tên chung: Lê Minh Bằng.
Điều thú vị là 3 thành viên của nhóm này, mỗi người sinh trưởng từ một miền của đất nước (Bắc - Trung - Nam): Nhạc sĩ Anh Bằng tên thật là Trần An Bường, sinh năm 1925 tại Thanh Hóa (ông mất năm 2015 tại California, Mỹ). Nhạc sĩ Minh Kỳ tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, sinh năm 1930 tại Nha Trang (ông vốn thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn, ông mất năm 1976). Nhạc sĩ Lê Dinh tên thật Lê Văn Dinh, sinh năm 1934 tại Gò Công, hiện sinh sống tại Montreal, Canada.
Còn 3 cô gái ngày xưa? Được biết sau mấy mươi năm bây giờ cô Mai (tên thật Mai Xuân Lan) hiện đang ở tiểu bang Ohio (Mỹ). Cô Bích đang cư ngụ tại tiểu bang Arizona (Mỹ). Cô Dung (tên thật Lưu Dung Anh) đang sống ở TP.HCM, chơi rất thân với giới văn nghệ sĩ xưa. Người viết đã được hân hạnh gặp chị Lưu Dung Anh vài lần ở phòng trà Tiếng Xưa hoặc ở những buổi họp mặt mừng các danh ca Chế Linh, Kim Loan về thăm quê hương.
|
|
guest1221
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau ...
|
Post by guest1221 on Dec 24, 2021 15:37:03 GMT -6
Cuộc tình dưới mưa và Bài Thánh Ca Buồn khắc khoải 40 năm
Gần nửa thế kỷ trôi qua, giai điệu Bài Thánh ca đó còn nhớ không em của nhạc sĩ Nguyễn Vũ vẫn không ngừng ngân vang, len lỏi vào tâm thức từ người dân đô thị đến những vùng quê.
Kỷ niệm cuộc tình dưới mưa
Nhạc sĩ Nguyễn Vũ tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh, sinh năm 1944 tại Hà Nội nhưng suốt thời thơ ấu ông sống ở Đà Lạt. Những năm tháng tuổi thơ sống ở thành phố sương mù đã tác động nhiều đến bước đường nghệ thuật của ông trong đó có “Bài thánh ca buồn”. Không chỉ sáng tác nhạc, Nguyễn Vũ còn hát rất hay.
Từ nhỏ, ông đã chơi được nhiều nhạc cụ như guitar, harmonica, piano…và hát cho Ban thiếu nhi của Đài Phát thanh Đà Lạt. Năm 12 tuổi (1956), cậu bé Tuấn Khanh đã đoạt giải Nhất đơn ca thiếu nhi do Đài Phát thanh Đà Lạt tổ chức. Nhạc sĩ Nguyễn Vũ và nhạc sĩ Đức Huy là anh em con cô, con cậu. Khi còn nhỏ Nguyễn Vũ và Đức Huy cùng sinh hoạt “sói con” (hướng đạo sinh) với nhau. Nguyễn Vũ thường qua nhà Đức Huy hướng dẫn cho Đức Huy chơi đàn thuở Đức Huy 14-15 tuổi.
Năm 1965, Nguyễn Vũ có tác phẩm đầu tay là ca khúc “Loài chim biển”. Hai năm sau, tên tuổi nhạc sĩ mới được giới yêu nhạc biết đến nhiều qua loạt ca khúc có chữ “cuối”: “Lời cuối cho nhau”, “Nhìn nhau lần cuối” và “Bài cuối cho người tình”. Rồi sau đó, ấn tượng nhất là “Bài thánh ca buồn”.
Nhạc sĩ Nguyễn Vũ cho biết: “Tôi không nghĩ ca khúc này lại được nhiều khán giả yêu mến đến thế. Khi viết ca khúc ấy, đơn giản tôi đang hoài niệm quãng thời gian trai trẻ của mình.
Cái thời mà tôi chỉ dám ngắm nhìn người tôi mến, không dám mở lời làm quen…”
“Thuở tôi là một cậu bé 14 tuổi ngày đi lễ ở nhà thờ Con gà (TP.Đà Lạt), sở dĩ tôi “chịu khó” đi lễ bởi vì phát hiện ra một cô gái rất xinh và ngoan đạo mỗi ngày vẫn đi ngang qua ngõ nhà tôi để đến nhà thờ. Trái tim vụng dại của thằng con trai mới lớn đập loạn nhịp trước bóng hình thiếu nữ tóc bồng bềnh trong gió cao nguyên. Ngày qua ngày, suốt hơn ba tháng trời, tôi âm thầm, lầm lũi làm “cái đuôi” của cô ấy. Kẻ trước người sau, mỗi bận đi lễ về phải đi bộ hơn 3km đường đèo nhưng một lời bẻ đôi tôi không dám thốt. Lòng thành của tôi chỉ được hưởng một ân huệ cỏn con: Tôi được biết cô ấy tên Th., lớn hơn tôi 2 tuổi…”.
Thế rồi một buổi chiều gần lễ Giáng sinh, tan lễ thì trời đổ mưa to, cô ấy nép vào một mái hiên trú mưa, tôi cũng…trú tạm bên cạnh, hai người đứng cách nhau độ một gang tay.. Lẫn trong tiếng mưa vang lên giai điệu quen thuộc của bản thánh ca “Đêm thánh vô cùng” (Silent Night) vẳng ra từ ngôi nhà gần đấy:
“Đêm Thánh vô cùng/ Giây phút tưng bừng/ Đất với trời, se chữ đồng…”. Cô ấy đưa tay hứng những giọt nước mưa và khe khẽ hát theo. Tôi lặng người. Giọng hát cô ấy buồn da diết. Tự dưng tôi cảm thấy run, khẽ đưa tay vuốt nhẹ những hạt mưa bụi li ti bám bên ngoài chiếc áo của cô ấy. Cô ấy bất chợt quay sang tôi nhoẻn miệng cười: “Cảm ơn nghen!”.
Mưa tạnh, “người trong mộng” đã khuất dạng tự bao giờ mà thằng con trai 14 tuổi vẫn còn đứng ngẩn ngơ vì “Người đi một nửa hồn tôi mất/ Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”.
Ba ngày sau, gia đình tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Tâm trạng tôi lúc đó y như người vừa đánh mất một vật quý giá. Từ đó, mỗi khi chợt nghe bài “Đêm thánh vô cùng” lòng tôi lại tái tê với ánh mắt, nụ cười hồn nhiên, thánh thiện tựa thiên thần của “người ấy”.
Ôm hình bóng ấy cho đến mãi 14 năm sau, tình cờ nghe lại “Đêm thánh vô cùng” từ chiếc máy đĩa, bỗng dưng cảm xúc từ một mối tình thánh thiện, hồn nhiên như trẻ thơ – tưởng như đã vùi sâu dưới lớp bụi trần thời gian – chợt ùa về trong ký ức, thôi thúc tôi và “Bài thánh ca buồn” ra đời.
Chuyện tình buồn nhưng không bi lụy
Nhạc phẩm “Bài thánh ca buồn” được nhạc sĩ Nguyễn Vũ sáng tác trong hai tiếng vào một ngày tháng 10.1972 và được hãng đĩa Sơn Ca mua độc quyền, nam ca sĩ Thái Châu là người đầu tiên thể hiện và ngay sau đó, nó trở thành ca khúc “hot” nhất trong mùa Giáng sinh năm đó.
Cho đến nay có rất nhiều ca sĩ hát bài này nhưng ca sĩ Elvis Phương đã là người mặc định cho ca khúc một vị trí hoàn hảo, thổi vào đó dạt dào những cảm xúc từ khung trời kỷ niệm một chút gì tiếc nuối. Xa vắng, kết hợp xử lý giọng hát ở không gian cao, rộng, khoan thai, phát âm ca từ rõ ràng, lắng đọng, để rồi đẩy ca khúc lên. Biết bao nhiêu thế hệ người nghe, ca khúc vẫn không nhàm chán: “Cùng nhau quỳ dưới tượng Chúa cao sang/ Xin cho đôi mình suốt đời có nhau/ Vang trong đêm lành bài ca Thiên Chúa/ Khẽ hát theo câu: “Đêm thánh vô cùng”/ Ôi giọng hát em mênh mang buồn”.
“Bài thánh ca buồn” là một trong những ca khúc pop-ballad được nhiều người Việt ưa chuộng vào mỗi dịp Giáng sinh. Nó là ca khúc đã vượt qua sự thử thách của thời gian để trở thành hiện tượng văn hóa, chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật, nhân văn, thẩm mỹ, lịch sử khiến cho tác phẩm vì thế được cả những người Thiên Chúa giáo, lẫn những người ngoại đạo đều yêu thích.
Một câu chuyện tình lãng mạn nhưng tinh tế và chân thật của một mùa Noel kỷ niệm, hơi phảng phất buồn nhưng không bị lụy. Hơn 40 năm kể từ khi ca khúc “Bài thánh ca buồn” ra đời, đến nay nó vẫn được nhiều người nghe, thích và tiếp tục hát, thậm chí đang có xu hướng trẻ hóa dần.
Sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Vũ không lớn lao như nhiều nhạc sĩ khác nhưng “Bài thánh ca buồn” đã trở thành một trong những bản nhạc được yêu thích, nhất là trong các album nhạc giáng sinh.
“Bài thánh ca đó còn nhớ không em/ Noel năm nào chúng mình có nhau/ Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt/ Áo trắng em bay như cánh thiên thần/ Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân”.
Gần nửa thế kỷ trôi qua, cứ vào dịp lễ Giáng sinh, giai điệu bản tình ca “Bài thánh ca buồn” của nhạc sĩ Nguyễn Vũ, vẫn không ngừng ngân vang trong những đêm lành, len lỏi vào tâm thức từ người dân đô thị đến những vùng quê… Hơn 40 năm, “Bài thánh ca buồn” vẫn luôn được người nghe yêu thích. Thế là quá đủ đối với một nhạc sĩ.
|
|
|
Post by may4phuong on Dec 26, 2021 7:58:45 GMT -6
Đọc mấy bài này hay quá ...
|
|
guest1221
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau ...
|
Post by guest1221 on Jan 13, 2022 14:22:22 GMT -6
Đọc mấy bài này hay quá ... cảm o*n Mây ghé qua nha
|
|
guest1221
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau ...
|
Post by guest1221 on Jan 13, 2022 14:27:52 GMT -6
🌺 Hoa xuân và Phạm Duy 🌺Nét đặc trưng và sự diệu kỳ của mùa xuân chính là hoa. Thật vậy, mỗi khi xuân về thì hoa lại khoe sắc muôn màu muôn vẻ, hoa mang hương sắc cho đời, nhưng hoa cũng còn mang hương cho lòng người nữa. Lắm khi nâng niu một bông hoa đẹp, ta thấy hồn mình lắng xuống là vậy, và nếu đó là một đóa hoa xuân, thì sự quý giá được cảm nhận hơn lên nhiều lần.
Biết bao nhiêu năm rồi, nghe lại bài hát Hoa Xuân của Phạm Duy mãi vẫn không thấy chán, cho dù cái bài hát này ra đời lúc tôi chưa sinh ra, chưa có mặt trên dương thế này mà cảm nghiệm (1953). Nay đầu đã bạc, răng đã long, chỉ còn đôi ba cái rung rinh rủng rỉnh, thế mà nghe lại vẫn thích, điều ấy chứng tỏ sức sống mãnh liệt của bài hát trải qua năm tháng cũng như sự trường tồn của một ý nhạc đẹp như lời thơ. Cái nét nhạc dịu dàng như mùa xuân đang len qua kẻ lá mà về với nhân gian, về với lòng người nghe nó êm ái như tiếng ru vậy, mặc dù ông chỉ dùng những nốt nhạc rất đơn sơ, vô cùng đơn sơ, không cần cầu kỳ như Cung Tiến hay Phạm Đình Chương, thật dễ hát dễ nghe nhưng lại thật hay và vô cùng có hồn. Ai đã từng sáng tác thì chỉ cần cảm nghiệm mấy nốt nhạc trong dòng đầu này thôi thì cũng đủ tôn ông là bậc thầy rất phải phép. Thật vậy, có cao xa gì đâu? Chỉ bốn nốt nhạc dệt vào nhau tạo nên câu hát rất tuyệt vời: Mi đồ mi sol la, sol đố…
🌾 Xuân vừa về trên bãi cỏ non Gió xuân đưa lá vàng xuôi nguồn…
Đúng là chỉ cần 4 nốt nhạc Đô, mi, sol, la thôi là đã thấy xuân vừa mới về đây ngay lòng ta ạ! Những chiếc lá vàng rơi rụng xuôi theo nguồn mà đi, để cho mầm xanh chợt nhú lên mang sức sống mới cho đời, như muốn cho những con người trẻ vươn mình đứng dậy.
Nhưng cũng chẳng hiểu vì sao mà một bài hát về hoa xuân, mới câu thứ nhì thôi mà Phạm Duy đã đưa hình tượng chiếc lá vàng rơi rụng vào đây? Lạ thật, song để ý kỹ thì chúng ta sẽ thấy tác giả không cho chiếc lá vàng rụng rơi tơi tả mà lại cho chiếc lá xuôi theo làn gió xuân mà quay về nguồn cội. Cái tuyệt vời của Phạm Duy là ở chỗ đó. Mà quả là đúng như vậy, vì ngay sau đó, ông đã đưa những hình tượng rực rỡ của mùa xuân tuôn trào lên ý nhạc:
🌾🌹 hoa cười cùng tia nắng vàng son Lũ ong lên đường cánh tung ròn…🍃
Hoa cười trong nắng sớm, đón lấy lũ ong đang chập chờn bay đến hòa quyện với nhau trong bức tranh thiên nhiên sinh động của mùa xuân. Cái chữ ròn ở đây tôi thấy thật là lạ. Theo thiển nghĩ riêng tôi, có vẻ như đây là chữ “rờn” mới phải? hoặc là chữ “giòn” vậy? Hình như ông cố tình gieo chữ ròn cho đúng vần, nghe là lạ như rập rờn, giòn giã vậy. Cái chữ ròn ở đây được dệt nhạc thành hạ át âm nghe bâng khuâng náo nức để chuẩn bị quay về chủ âm của khổ nhạc sau…
🌾Hoa chẳng yêu lũ bướm lả lơi Muốn yêu anh vác cầy trên đồi Hay là yêu chiến sĩ nghìn nơi Thấy hoa tươi cười bỗng thương đời.
Hoa cười cùng tia nắng xuân, nhưng hoa lại chẳng yêu lũ bướm lả lơi ve vãn, vì hoa xuân đối với ông như phần thưởng của thiên nhiên cho dân tộc, cho con người Việt Nam đáng yêu, dù cho là anh dân cày nơi đồng xa hay anh chiến sĩ đang cầm súng đứng gác ở biên cương, hoa muốn được cười để mang niềm vui đến cho mọi người trong ngày xuân tươi mới, chứ không phải hoa khoe sắc lả lơi tình tứ ỏng ẹo với những kẻ đào hoa như lũ bướm dập dìu kia. Cái tình chung ông muốn gởi đến cho nhân thế là vậy.
Thường thì mỗi bài hát cứ đến điệp khúc thì dòng nhạc bỗng dậy lên thôi thúc, nhưng lạ thay cái bài viết về hoa xuân này, nó vẫn nhẹ nhàng dìu dặt mà không cần phải lên cao trào làm gì, vì thiết tưởng ai nghe qua những ý lời trong bài cũng thấy hoa xuân nhẹ theo làn gió e ấp vào lòng người, để nói lên cái ý tứ của hoa không chỉ để khoe sắc thôi, mà còn biết xây đắp cho đời, để nhân thế mãi vui vẻ sum vầy bên nhau nữa.
🌺🌿🌾Xuân ! Hoa còn tươi mãi Hoa vì nhân thế biết sum vầy cuộc vui. Xuân ! Hoa nở vì ai Tay nhịp bàn tay cùng đắp xây ngày mai.
Phiên khúc cuối của bài hát, Phạm Duy muốn đưa hoa xuân vào những hình tượng cụ thể chứ không nói chung chung là người người, là nhà nhà, là nhân thế nữa. Là nhạc sĩ, nhưng những hình tượng mà ông dệt nhạc đẹp như một bức tranh của một người họa sĩ hơn là một nhà soạn nhạc. Nét phác thảo đơn sơ của ông về hoa xuân dành cho người họa sĩ đồng quê ngắt bông hoa tặng cô gái xuân, cạnh đấy là mấy đứa mục đồng ôm sách lẩm nhẩm đánh vần, những chữ i tờ mà chúng đọc được cũng như những cánh hoa đẹp để làm món quà đón xuân sang, đó cũng là hoa, là hoa lòng, là hoa tâm hồn của trẻ thơ khi biết đánh vần được chữ i chữ tờ.
🌾Có một chàng thi sĩ miền quê Ngắt bông hoa biếu người xuân thì Có một đàn em bé ngoài đê Hát câu i, tờ đón xuân về.🎋
Quả thật, chỉ là những đóa hoa xuân bình thường, vì ở đây ông không đề cập đến hoa mai, hoa đào hay là một loài hoa nào khác, thế mà khi hát lên, ta vẫn thấy hương hoa bay man mác khắp nơi trong ngày xuân, nhẹ nhàng, dìu dặt, ru êm và sâu lắng.
Qua phần thứ nhì của bài hát, ông lại đưa hình tượng hoa xuân ra như là phép lạ để đưa người với người được gần nhau hơn, cùng quyến luyến với nhau hơn. Những lời nhạc đẹp và tượng hình đến nỗi nghe qua ta không còn dám có thêm lời nào để bình phẩm nữa, vì chính lời hát đã nói lên tất cả những gì muốn nói, phải là một bậc thầy trong âm nhạc thì mới có thể làm được những lời diệu kỳ như thế.
🌾Những đoàn người trên luống cầy nâu Thấy hoa xuân phép lạ ra mầu Bỗng nhủ lòng ra sức cầy sâu Tiếng ca như thể tiếng kinh cầu.
Hoa bèn yêu bóng dáng cần lao Bắt tay nhau tránh cuộc cơ cầu Người cùng mùa đã thoát vực sâu Sức hoa reo nở lúc Xuân đầu.
Xuân ! Hoa toả hương mới Nhân quần ân ái đã kêu đòi niềm vui Xuân ! Hoa là tình tôi Ðua nở cùng ai, cùng luyến yêu mọi nơi.
Có một bầy thôn nữ nhìn hoa Chúc cho Xuân vui vẻ thái hoà Có một vài tóc trắng thầm mơ Ước cho hoa nở mãi không già.🌿
Vâng, mãi đến đoạn kết thì ông mới nhớ đến tiếng thời gian, nhưng ông lại quyện trẻ già lại với nhau chung vào một khổ nhạc, để thầm mơ cho hoa lâu tàn như đời người. Niềm ước mơ ấy cũng bình dị và giản đơn như giai điệu bài hát vậy.
🌹🌸Ước cho hoa nở mãi không già… Ước cho lòng mỗi người chúng ta cũng thế nhé!🌾💐
|
|
|
Post by tammy on Feb 25, 2022 19:37:15 GMT -6
Ca khúc “Lời Đắng Cho Cuộc Tình” và chuyện tình tuyệt vọng của danh ca Duy Khánh
Trước năm 1975, ca nhạc sĩ Duy Khánh rất thân thiết với nhạc sĩ Nhật Ngân. Có thể họ không có sáng tác chung nào, nhưng Duy Khánh đã hát rất thành công nhiều ca khúc của nhạc sĩ Nhật Ngân và nhóm Trịnh Lâm Ngân sáng tác, tiêu biểu là Xuân Này Con Không Về, Qua Cơn Mê, Thư Xuân Trên Rừng Cao, Cám Ơn… và một bài đặc biệt hơn cả, đó là Lời Đắng Cho Cuộc Tình. Dù cho ca khúc này không phải là nổi tiếng nhất trong số những bài mà Duy Khánh đã từng hát, nhưng bài hát đặc biệt nhất là vì được nhạc sĩ Nhật Ngân viết cho một cuộc tình rất buồn của chính ca nhạc sĩ Duy Khánh:
Cuối cùng rồi mình vẫn thế Có sao đâu, khóc chi em Cho phai má hồng được gì Lời mở đầu của bài hát là câu tự tình buồn cho chuyện tình lứa đôi, như lời tự an ủi cho kết cuộc không tròn vẹn. Cố giữ cho lòng thản nhiên, nhưng nghe như có niềm chua xót khi nói với người yêu: “Có sao đâu, khóc chi em”. Lời thì nói là “có sao đâu”, mà trong lòng như chết nửa cõi lòng, vì mấy ai mà không buồn tan tác khi chia tay với người yêu. Vì vẫn còn yêu lắm nên sợ rằng người sẽ phai má hồng, tim người sẽ hiu hắt. Nỗi bi thương của cuộc tình tan vỡ như dồn nén trong câu hát: ”Giọt lệ này dành để mai đây. Về cùng người khóc giữa đêm vui”. Còn gì buồn hơn khi đoạn kết tình yêu là những giọt lệ buồn, còn gì xót xa hơn là những giọt lệ này đành để mai đây “khóc giữa đêm vui”.
Những ngày còn nồng ân ái Giữa đôi ta, Giữa đôi ta Bao nhiêu cách biệt trùng trùng “Con chim quý phải ở lồng son” – vẫn biết trước là như vậy, và cũng biết kết thúc chuyện tình của mình trước sau gì cũng cay đắng như vậy, nên “không trách là em bội bạc”. Thân gái mười hai bến nước ai cũng chọn tìm cho mình một nơi xứng đáng, và đắng cay chua xót có chăng chỉ dành cho người con trai ở lại còn trắng tay chưa có sự nghiệp, làm sao níu kéo được người yêu vào chung nỗi khổ nghèo khó với mình.
Hãy nhìn một lần sau cuối Chén ly bôi, uống đi em Sao em mắt lệ nhạt nhòa Cuộc tình nào rồi cũng đi qua Một đường tàu biết mấy sân ga Sao em xem anh như một ga nhỏ dọc đường “Hãy nhìn một lần sau cuối” để ngày mai đây đường anh anh đi, đường em em đi mỗi người mỗi ngả. Uống đi em “chén ly bôi” này lần sau cuối, để sau này người đầu sông kẻ cuối sông có nhớ nhau cũng chỉ biết đồng ẩm nước của dòng sông Tương ly biệt đến muôn sau.
Người nghe nhạc cảm nhận được nỗi đắng cay xót xa trong câu hát “Chén ly bôi, uống đi em” như chấp nhận uống chén đắng cay để chia tay nhau khi duyên số bẽ bàng ngăn cách nhau, trước lần chia tay sau cuối mấy ai mà mắt lệ không nhạt nhòa. Nói với em là “sao em mắt lệ nhạt nhòa” mà chính người con trai cũng đang khóc cho cuộc tình nhòa nhạt, rồi như tự an ủi tự lấp đi nỗi đắng cay của mình là “cuộc tình nào rồi cũng đi qua”. Cuộc tình rồi cũng đi qua nhưng nỗi đau bị tình phụ mãi ở lại, để nói lên, hát lên “Lời Đắng Cho Cuộc Tình” đầy chua xót: Vẫn biết “Cuối cùng rồi mình vẫn thế” mà cuối cùng vẫn trách móc người yêu “sao em xem anh như một ga nhỏ dọc đường” cho người nghe nhạc thương tình thương cảm đến những “ga xép” nằm nghèo hèn bơ vơ đợi chuyến tàu không bao giờ đến trên tuyến đường tình “nhạt nhòa mắt lệ”. Theo tiết lộ của ca sĩ Băng Châu trong chương trình Bước Chân Dĩ Vãng, lúc sinh thời nhạc sĩ Nhật Ngân đã nói với cô rằng ông sáng tác Lời Đắng Cho Cuộc Tình dành cho mối tình si của người bạn thân là ca sĩ Duy Khánh, và người nữ trong bài hát này không ai khác, mà chính là Băng Châu. Thực ra hoàn cảnh “mãi trắng đôi tay” thì không phù hợp lắm với hoàn cảnh của Duy Khánh, bởi vì lúc đó ông đã là một danh ca nhạc vàng nổi tiếng nhất Sài Gòn. Nhưng bù lại, câu hát đó rất đồng cảm với hoàn cảnh của muôn vàn chàng trai khác trên đời, vì vậy mà bài “thất tình ca” muôn thuở này vẫn luôn được nhiều thế hệ khán giả yêu thích. Có lẽ vì bài hát được viết cho mối tình ngậm ngùi, tuyệt vọng của Duy Khánh, nên ông đã hát bài này có thật nhiều cảm xúc, mời các bạn nghe lại:
-nhacxua.vn-
|
|