Nha Trang: Săn tôm hùm con kiếm hàng chục triệu mỗi ngày
Jan 7, 2021 18:25:00 GMT -6
Post by phongvien007 on Jan 7, 2021 18:25:00 GMT -6
Săn tôm hùm nhí kiếm hàng chục triệu mỗi ngày
TTO - Tôm hùm giống (tôm hùm nhí) đang xuất hiện nhiều tại khu vực biển Khánh Hòa, nhiều hộ ngư dân và bạn tàu đã bỏ túi hàng chục triệu đồng sau một ngày đi bắt.
Ngư dân Khánh Hòa tất bật chuẩn bị dụng cụ đi bắt tôm hùm nhí - Ảnh: MINH CHIẾN
Ngày 29-12, tại cảng cá Hòn Rớ (xã Phước Đồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa), hàng chục ngư dân chèo thuyền thúng mang theo chai, lọ chứa những con tôm hùm nhí đưa vào bờ.
Đây là loại tôm có kích thước nhỏ bằng đầu đũa, thân hình trong suốt như thủy tinh. Tôm hùm nhí sau khi được khai thác sẽ đem bán cho các hộ nuôi thương phẩm.
Theo các ngư dân, mùa khai thác tôm hùm nhí bắt đầu từ tháng 11 âm lịch kéo dài đến tháng 3 hoặc tháng 4 năm sau.
Tôm hùm nhí không chỉ xuất hiện nhiều ở khu vực biển Nha Trang mà còn có ở khu vực biển bãi Dài thuộc huyện Cam Lâm và TP Cam Ranh.
Ông Nguyễn Văn Lên (43 tuổi) - chủ tàu KH 067-TS - cho biết: "Năm nay tôm hùm nhí xuất hiện sớm lại nhiều nên nhà tôi chuẩn bị đồ nghề để kiếm tiền tiêu tết. Trung bình mỗi ngày tàu tôi bẫy được từ 30-60 con, có khi may mắn trúng hơn trăm con, đa phần là tôm hùm nhí xanh".
Những chiếc bẫy bằng san hô đục lỗ là công cụ để bắt tôm hùm nhí - Ảnh: MINH CHIẾN
Dọc con đường dẫn vào cảng Hòn Rớ, hàng trăm mét ngư cụ được ngư dân chuẩn bị để "săn" tôm hùm con.
Theo quan sát của chúng tôi, bẫy nhử làm từ tấm lưới xanh dài khoảng 60cm được gấp lại hai, ba lần thành búi rồi cột với dây dài hơn 1m với cục san hô phía dưới (gọi là đùm). San hô được khoan nhiều lỗ nhỏ.
Các bẫy được cột vào một sợi dây dài hàng trăm mét, ở vị trí mỗi bẫy được gắn các phao nổi từ vỏ chai nhựa.
Ông Lên giải thích khi thả bẫy xuống biển, tôm sẽ bám vào lưới, sau đó men theo lưới di chuyển xuống chui vào cục san hô để ẩn nấp. Khi kéo bẫy lên, ngư dân chỉ cần tháo đùm khỏi sợi dây rồi giũ nhẹ, tôm con sẽ rơi ra. Sau đó bỏ tôm vào thùng nước biển có sục khí để đem vào bờ.
Tôm hùm giống khi bắt lên bờ sẽ được đựng trong chai lọ - Ảnh:MINH CHIẾN
Anh Nguyễn Văn Công (39 tuổi), người có nhiều năm đi "săn' tôm hùm nhí, cho biết đến nay vẫn chưa "sản xuất" nhân tạo được tôm hùm giống, vẫn phụ thuộc vào khai thác tự nhiên.
Mỗi ngày anh Công cùng 3 bạn thuyền mang theo bẫy tôm rời bến lúc 2h sáng, khoảng 4-5h, anh cùng mọi người có mặt ở biển Cam Ranh để thả bẫy mới.
Lúc này, những con tôm hùm con sẽ chui vào trong các lỗ đá được đục sẵn trên các bẫy để ẩn nấp. Sau đó ngư dân chỉ việc tháo đùm giũ nhẹ để tôm con rơi ra.
Đặc biệt nguồn nước chứa tôm hùm con phải thật sạch vì tôm hùm con còn yếu, rất dễ chết nếu nước có váng dầu hoặc thiếu oxy. Đến 15-16h, ngư dân có thể mang chiến lợi phẩm về.
"Tôi bắt tôm hùm nhí gần 21 năm nay. Năm nào mưa gió, biển động, rong mơ nhiều, tôm hùm sẽ sinh sản mạnh do có chỗ trú ẩn. Đợt trước thuyền tôi bắt được hơn 100 con tôm hùm bông, thu về hơn chục triệu chỉ trong một lần đi. Nhìn chung ghe thuyền nào có dây càng dài và nhiều thì đánh bắt được càng nhiều", anh Công nói.
Do được mùa tôm hùm nhí, mỗi vựa thu mua đạt sản lượng hàng ngàn con mỗi ngày - Ảnh: MINH CHIẾN
Chị Trần Thị Hương, chủ vựa thu mua mua tôm hùm nhí, cho hay nhờ bà con khai thác tôm hùm nhí trúng đậm nên mỗi ngày chị thu mua với sản lượng từ 2.000 - 4.000 con.
Hiện giá tôm được mua từ 30.000 đồng (1.30 US)/con (tôm hùm xanh) thấp hơn năm ngoái gần 10.000 đồng/con và từ 100.000-120.000 đồng (4.34 - 5.21 US)/con tôm hùm bông, thấp hơn 40.000 đồng/con.
"Nhà tôi mua tôm chủ yếu xuất bán cho mấy tỉnh lân cận như Bình Thuận, Phú Yên... vì họ thiếu con giống để nuôi. Hộ nào chăm, có nhiều bẫy nhử kiếm hơn chục triệu mỗi ngày là chuyện thường", chị Hương nói.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, tôm hùm là hải sản nuôi trọng điểm của tỉnh. Năm 2020, bà con thả nuôi trên 60.000 ô, lồng, sản lượng trên 1.500 tấn.
Hiện nay nguồn giống tôm hùm khai thác ngoài biển chỉ đáp ứng được 25-30% nhu cầu, số còn lại được mua từ các tỉnh lân cận hoặc nhập khẩu. Tôm hùm nhí khai thác tại chỗ được người nuôi đánh giá nuôi hiệu quả nhất, tỉ lệ hao hụt thấp bởi tôm đã thích nghi với môi trường hiện tại.