DÌ VÀ CHÁU
Oct 17, 2021 15:02:24 GMT -6
Post by phongvien007 on Oct 17, 2021 15:02:24 GMT -6
DÌ VÀ CHÁU (tác giả: Unknown)
Ảnh minh họa
Dì và cháu cách nhau chỉ một tuổi, nhưng lại sinh cùng năm.
Dì sinh đầu năm, cháu sinh cuối năm.
Ông ngoại đặt tên dì, đứa con gái út ít sau cùng của ông là Niệm - Hoài Niệm - như lưu luyến, dính dấp chút kỷ niệm đẹp, đẹp đến lóng lánh cuối đời.
Dì là con gái của bà ngoại ba. Bà ngoại ba là đào non hát bội nổi tiếng một thời của tỉnh lỵ. Khi bà ngoại ba bỏ sân khấu về làm vợ lẽ cho ông ngoại, ông đã ngoài 60 tuổi, bà ngoại ba vừa bằng tuổi của mẹ cháu.
Người ta nói đời đào hát vốn lận đận, lận đận từ trên sân khấu, một mình đã sắm mấy vai tuồng khóc cười lẫn lộn, lận đận cho đến việc đẻ con, từ trong bụng mẹ đã mang nhiều điều tiếng. Người ta nói dì không phải là con ruột của ông ngoại, người ta nói dì là mối tình ngắn ngủi của anh kép chánh và cô đào non nớt. Có người còn nói dì đích thị là con gái ruột của ông bầu gánh hát, chỉ vì bà vợ quá ghen mà ông bạn thân là ngoại phải gánh vác nhơn nghĩa giữa đàng.
Mặc những ồn ào xôn xao tỉnh lỵ, đầu năm dì cũng ra đời trong vòng tay của bà ngoại, bác sỹ chỉ cứu được dì, bà ngoại ba sức vóc đào hát mình hạc xương mai, không kham nổi một lần đi biển.
Cái nắm tay dài gần hết đời người.
Dì sinh đầu năm, cháu sinh cuối năm.
Bà ngoại nhắc hoài tên dì là Niệm, hoài niệm, tưởng niệm, như để dì đừng quên một thời cay đắng, đau thương.
Nhưng - dì không bao giờ muốn nhớ mình là con của một đào hát.
Dì âm thầm bỏ học ngày đầu tiên ở trường làng. Đêm đến lăn lộn trong chiếc mùng đôi, dì thì thầm với cháu:
- Đợi cháu mau lớn lên đi học chung với dì. Tụi nó không chơi với dì, nói dì là con gái đào hát.
- Đào hát thì sao chứ? Cháu sẽ cho tụi nó biết tay!
Vậy đó, cùng bú một dòng sữa mẹ nhưng tính cháu ngang ngược, mới sinh ra cái trán đã dô, hai con mắt đã sáng quắc, chưa kịp khóc đã cười. Ông ngoại qua đời sớm, không ai đặt tên cho cháu, hàng tá Công Tằng Tôn Nữ trong nhà đã quen được ông ngoại đặt tên theo gốc chữ Hán sang cả. Chỉ còn một mình cháu lạc loài. Bà gọi cháu, con Nặc nô, cha mẹ kêu Nhiên, "tự nhiên như nhiên", cha giải thích.
Cháu nằng nặc đòi đi học sớm hơn tuổi. Ngày đầu tiên vào trường, giờ ra chơi, cháu leo lên lên bàn thầy giáo, trộm cây thước bảng chống nạnh ngang hông, quần vo tròn tới gối, lầm lì:
- Đứa nào còn dám nói con gái đào hát, muốn giống cây thước kẻ này hôn?
Cháu mắm môi quật cây thước bảng vào tường. Cây thước vỡ làm hai. Mông cháu lằn ngang lằn dọc tối đó, mông dì cũng hứng oan vài đường lúc lăn vào xin cho cháu. Nhưng mà tụi con nít sợ thiệt, không còn ai dám gọi dì là con gái đào hát. Có cũng chỉ len lét gọi sau lưng.
Qua được một năm, bà ngoại bán hết ruộng đất, dắt cả nhà vào Sài gòn sống để cách xa tỉnh lỵ ồn ào, tránh xa cái tiếng con gái đào hát cho dì. Lúc xe đò chuyển bánh rồi bụi mù mịt trời, không còn thấy mộ bà ngoại ba đào hát nằm trên đồi cao lẻ loi. Lúc đó dì mới bật khóc.
Cháu nắm chặt tay dì. Cái nắm tay từ biệt tuổi thơ.
Sinh cùng năm nhưng dì và cháu khác nhau như mặt trời, mặt trăng.
Mặt dì sáng như trăng rằm, hai mắt đen dài, ướt rượt hay nhìn xuống, tóc thề để thẳng chấm eo lưng.
Cháu cắt tóc búp bê lớt phớt đến gáy, mắt to tròn hơi xếch, con gái chưa nói đã nghe tiếng cười, chưa kịp đi đã dợm chân chạy.
Dì tay mềm mỏng, thon trắng, hoa tay tròn vành vạnh trên mười đầu ngón tay, từ bé đã khéo léo chuyện bếp núc vá may, nữ công gia chánh.
Cháu quần xắn tới đầu gối, áo cột chéo hai vạt vào nhau, cả ngày tắt mắt đầu trên xóm dưới, không có trò nghịch giặc nào mà không có tiếng cháu reo hò.
Dì mười ba tuổi đã thay mẹ quán xuyến mọi chuyện trong nhà. Cháu mười ba tuổi còn phải nằm sấp trên phản ăn chổi lông gà lằn lưng lấm mông, trận nào dì cũng nhào vào thế cho cháu mấy roi hữu nghị.
Dì chưa từng đọc một quyển tiểu thuyết, cũng không dám rờ đến truyện Kiều. Mỗi lần cả nhà rủ nhau í ới ngồi xem vở cải lương mới nào đó, dì cắm đầu cắm cổ, lúc thì đan, khi thì thêu, hai bờ vai muốn bắt chéo vào nhau thiệt tội. Mười đầu ngón tay, mũi kim loạc choạc đâm nát lỗ chỗ...
Năm mười ba tuổi, một đêm, nằm úp mặt vào lưng cháu, dì chợt thở dài:
- Tưởng bỏ tỉnh lỵ mà đi, rồi sẽ quên cái tiếng con gái đào hát...
- Đứa nào lại chọc dì con gái đào hát? - cháu quay ngoắt lại, cắn môi trong đêm.
- Không đứa nào, mà trong mắt mọi người, trong đầu, trên từng cây cột nhà, trong không khí, đâu đâu cũng vang vang nghe rõ mồn một: "con gái đào hát"...
- Dì chỉ tưởng tượng là tài!
- Lúc nào dì cũng nghe, cẩn thận, coi chừng người ta biết mình là con gái đào hát. Phải giỏi bếp núc, không thôi người ta nói con gái đào hát chẳng biết làm ăn gì. Phải đoan trang nói cười, kẻo rồi người ta chửi con gái đào hát lẳng lơ. Cấm không đọc truyện diễm tình, nghe cải lương mùi mẫn, thế nào rồi con gái đào hát cũng lâm vào phận xướng ca vô loài... dì rấm rứt khóc.
- Đào hát thì sao chứ? Đào hát cũng dăm bảy đường đào hát. Coi kìa đào hát bây giờ có fan, có người hâm mộ, làm ra tiền rần rần! Lên xe xuống ngựa, nói ra 1 câu là đăng lên báo một câu, tiếng tăm như cồn!
Dì lật đật quay người cháu lại, bịt mồm cháu bằng mười đầu ngón tay thơm phảng phất mùi vỏ chanh:
- Cháu nói bậy bạ, đừng để má hay chị Hai nghe mà bị ăn đòn.
Cháu ngồi bật dậy trong mùng:
- Hát cho cháu nghe 1 câu thôi, cháu thề không nói cho ai nghe.
Dì cũng ngồi bật dậy, hai mắt lóng lánh:
- Thiệt nghe, một câu thôi nghe.
"Sao vong ân tráo trở phũ phàng,
vi Tiết lang năm tháng lệ tràn,
phục Ứng Luông tá trợ Đường hoàng,
chàng gieo rắc kinh hoàng hờn ghen.
Nghĩa vợ chồng mà hành động bất nhân."
- Điệu này là điệu Văn thiên tường, trích tuồng Phàn Lê Huê bị chàng Tiết Đinh San ruồng rẫy - dì run run giải thích thêm.
Cháu ôm ngang bụng dì thầm thì
- Trời, dì hát hay còn hơn đào chánh nữa. Dì hát thêm cho cháu nghe đi. Năn nỉ dì mà!
- Thiệt hông? - dì run run giọng sung sướng- cái này dì nghe lén thôi mà thuộc nằm lòng. Còn câu này nữa nè
..."Từ khi thành hôn lệ thắm tuôn rơi đoạn trường từng lời,
hàng gian lìa xa muôn thủơ chia ly duyên tình nồng nàn,
lời trên sư Mẫu, tình hòa duyên tròn tiền khiên, chỉ mong qua bao nghiệt cay."
Cháu ngủ thiếp đi rồi mà đêm đó dì thức trắng.
Năm 18 tuổi, cháu rộn rịp chuẩn bị chọn trường thi đại học, nguyện vọng 1, nguyện vọng 2, Kinh tế, Ngân hàng, Ngoại thương xoay mòng mòng suốt ngày tíu tít cháu nói. Dì lặng im ngồi đờ đẫn suốt bữa ăn im lặng. Bà ngoại hắng giọng:
- Sao không thấy con Niệm hắn chuẩn bị chọn trường. Tướng con nhu mì dịu dàng, tao thấy hợp với trường Sư Phạm. Làm cô giáo dễ lấy chồng mà lại dễ nuôi con.
- Làm cô giáo an nhàn cả đời, mà người ta ai cũng nể, cũng thương - má lật đật thêm vào.
- Con muốn thi vào trường Nghệ thuật Sân khấu - Dì run giọng, nói thật khẽ, mặt trắng bệch không còn chút máu.
Cả nhà chết trân. Cháu buông tay đánh vỡ cái chén kiểu sứ trung quốc. Mẹ trở ngay đầu đũa quất vào ngón tay của cháu, vừa quất vừa rít lên như khóc:
- Con gái con đứa, hư thân, mất nết. Dạy hết hơi mà mày chứng nào tật nấy không chừa!
Dì bật khóc. Chỉ có cháu ngồi trợn mắt, bậm môi, trơ trơ không hề khóc.
Tháng sau có người đến coi mắt dì. Cả nhà rộn ràng từ sáng, mẹ chồng tương lai người Bắc, răng đen sin sít, tóc quấn khăn nhung cũng đen mượt, môi nhai trầu đỏ lằn đường cắn chỉ, mắt khi cười vẫn sắc lạnh. Nghe nói mẹ chồng có năm anh con trai, anh nào cũng là doanh nhân thành đạt, dưới quê ruộng đất thẳng cánh cò bay, trên này cũng có dăm cái nhà cho thuê, dăm mảnh đất nông nghiệp xây xưởng cho thuê, dì không biết sẽ gả về cho anh nào.
Dì rón rén bưng khay nước trà ra đặt trước mặt mẹ chồng, tóc dài buông thẳng, áo ba ba chít eo màu cỏ úa, mắt nín lặng, nhìn xuống, như con tằm đang ngủ. Mẹ chồng làn lạt cười:
- Đàn bà thắt đáy lưng ong, tướng này vừa khéo chìu chồng, vừa khéo nuôi con. Tôi sợ nhất là rước về mấy cô lưng cong, eo cong, uốn éo, uốn éo mình xà, trong nhà hại nhà, ra ngoài hại nước.
Cháu ngồi trước thềm câng câng mặt:
- Có mấy người tâm xà, chứ ai mà mình xà!
Từ ngày đó, anh chàng chồng tương lai bắt đầu lui tới thường xuyên. Tóc thường xuyên láng mướt bôi gel, áo chemise thường xuyên thẳng thớm đóng hộp trong quần tây ủi li bén ngót, giày tây thường xuyên mang thẳng vào phòng khách, đầu gối thường xuyên rung lắc đánh nhịp như đang ngồi trong quán bar, những câu chuyện thường xuyên quay quanh cái vũ trụ nhỏ như cái rún của anh chồng và thị trường chứng khoán lúc xanh lúc đỏ. Anh ta hành nghề môi giới chứng khoán nhưng được phát âm kiêu kỳ, đỏm dáng bằng đầu lưỡi đánh cong tận vòm họng để rung hết cỡ nhả ra một chữ:
- Broker! Stock broker!
Và dì thường xuyên ngồi chịu đựng, mắt nhìn xuống, hai bờ vai trĩu xuống khung thêu chữ thập chịu đựng, bàn tay xanh xao xỏ chỉ dừng lại ở mãi con chim bồ câu xếp cánh méo mó trên mặt lụa.
Bà ngoại đi ra đi vào, thủng thỉnh:
- Nhà người ta giàu, lấy về rồi tha hồ mưa không tới mặt, nắng không tới đầu. Ngồi không thu tiền thuê đất cũng đủ sướng.
Mẹ thở dài:
- Con trai nhà người ta gia giáo, ngoan ngoãn, nhất nhất nghe lời mẹ. Mà đàn ông nghe lời mẹ là thương vợ.
Một chiều cuối tuần, cháu chặn anh chồng tương lai ngay đầu ngõ:
- Dượng út, chở cháu đi học thêm.
Cháu mặt áo lụa hai dây, phất phơ bay cố ý khoe trọn tấm lưng mịn màng và cái gáy trắng ngần. Môi thoa chút son hồng nũng nịu không thể từ chối. Ông dượng ngẩn người ra một chút, chỉ một chút thôi, rồi quay xe lập tức ra đường, run giọng:
- Đi mau kẻo người ta thấy.
Cháu phì cười, thót lên trên yên, ôm ngay vòng eo dượng tương lai chặt cứng, kề môi sát tai thì thào:
- Chạy nhanh lên dượng, cháu thích tốc độ.
Dượng tương lai rùng mình, tay lái chợt lảo đảo. Xe chạy một lát, cháu áp người vào sát dượng, giọng trong veo như chim:
- Hôm nay nghỉ học mà cháu quên. Hay mình đi ăn kem. Cháu thèm kem 31 mùi.
Dượng tương lai nhũn người chỉ còn biết lắc hay gật, và đáp lại là một cái gật hầu như ngay lập tức. Rời tiệm kem, cháu thè lưỡi liếm cặp môi đỏ chót, nghẹo đầu vào sát vai dượng nằn nì:
- Có phim mới hay lắm, dượng chở...em đi coi. Ở nhà mấy bà già nhất định không cho coi, người ta lớn 18 tuổi tuổi rồi mà còn làm như con nít.
Dượng cứng người, mặt đỏ rần, dường như cố suy nghĩ thẳng thớm trong một thoáng. Cháu kề mặt sát lại hơi thở ngọt như kẹo:
- Một lần này thôi mà ... anh! Mai mốt có dịp được tự do như vầy nữa đâu mà!
Rạp phim đông nghẹt người ngày khai trương phim bom tấn mới, cháu tỉnh bơ cười nói với đứa em họ quen bán ở phòng vé, hai tay quàng ngang eo ông dượng tương lai.
Vào rạp hát, trong bóng đêm, bàn tay dượng tương lai đã run rẩy vòng qua vai và hơi thở nóng hôi hổi phả vào tóc mai nhồn nhột:
- Rạp lạnh quá, ngồi gần cho ấm.
Cháu đứng phắt dậy, phì cười:
- Cháu hết muốn xem phim rồi, mình về đi!
Xe vừa xịch xuống trước cửa nhà, ngoài hàng rào hoa bìm bìm tím, đã lố nhố người đứng mong ngóng. Một cái tát tai bất thần làm cháu khụy người choáng váng. Tiếng mẹ gào lên:
- Ai cho mày làm chuyện đổ đốn?
Anh dượng tương lai đứng chết trân, không thốt nổi một lời, mặc dù lưỡi đã uốn cong sát vòm họng. Bà ngoại còn bình tĩnh:
- Anh đi về đi. Từ nay nhà này không tiếp anh nữa.
Dì đứng lẫn sau đám lá bìm bìm mờ tối, mặt cúi xuống không rõ khóc hay cười.
Cháu vẫn câng câng mặt không một giọt nước mắt đi thẳng vào phòng ngủ. Cả đêm vẫn còn nghe tiếng mẹ rên rỉ, than vãn, tiếng bà ngoại trầm trầm thì thầm can gián.
Nửa đêm, một vòng tay dịu dàng quàng qua bụng cháu, cháu giật mình thức dậy, vầng trăng mười sáu lên cao ngang giữa trời, ánh sáng trong trẻo như sau cơn mưa. Cháu sụt sịt khóc, tức tưởi:
- Cháu không có làm gì sai hết. Dì tin cháu không?
Dì khúc khích cười, tiếng cười trong veo hơn trăng:
- Dì cảm ơn cháu.
Và vòng ôm chặt hơn, thoang thoảng mùi hương chanh dìu dịu:
- Dì đã nộp đơn vào trường rồi. Bài diễn thi của dì được vỗ tay và thầy cô khen quá trời. Tiếc không có cháu đi xem. Dì được chọn vào khoa Đạo diễn rồi.
Cháu cắn vào vai dì, cười thành tiếng:
- Vậy mà không nói ngay cho cháu mừng. Dì hát đi, hát cho cháu nghe. Cái đoạn gì mà Trường tương tư của tuồng Tô Ánh Nguyệt đó!
Dì ngồi lên, vuốt lại mái tóc, ngửa đầu nhìn vầng trăng, khuôn mặt ngời ngợi giữa một giòng màu sữa chảy loang loáng:
- "Trái tim vỡ nát buổi ban đầu, tình là sầu,
Đời là mộng, mẹ đây mới thêu đôi cánh uyên ương.
Giữa tiếng nhạn kêu sương.
Nghĩ lại phận mình càng thương.
Ôi hỡi con ơi! suốt mười mấy năm qua,
Mẹ cam khổ sở biết mấy từng, chờ đợ̣i ngày con lớn khôn."
./.