Tết nhà quê
Feb 1, 2022 13:14:03 GMT -6
Post by guest1221 on Feb 1, 2022 13:14:03 GMT -6
Tuổi càng cao càng có nhiều nỗi nhớ vu vơ. Tôi đang trong tình trạng đó. Nhớ cồn cào đến xao xuyến là mỗi dịp xuân về: Nhớ Tết quê tôi. Nhớ tuổi thơ tôi và nhiều nỗi nhớ khác nữa.
Quê tôi ngoài thành phố Huế không xa. Quanh năm, người dân một nắng hai sương bên con trâu và đồng lúa. Tết là dịp để được nghỉ ngơi và vui chơi. “Chẳng thong dong cũng ba ngày tết”. Có nhà thơ đã nói vậy không sai. Để được ba ngày Tết “thong dong”, suốt năm người dân quê tôi phải tích cóp từng đồng xu, cân gạo. Nhớ Tết là nhớ những vất vả, lo toan cả năm làm lụng của mẹ tôi để ngày Tết cho con tấm áo mới, để ngày Tết có nồi bánh tét nghi ngút khói cay mắt đêm ba mươi, có bánh quả dâng cúng ông bà, có mứt trà chiêu đãi bà con nội ngoại đến dâng hương nhà tổ phụ. Nhớ Tết là nhớ cái rét cắt da từ đầu tháng chạp khi lần đầu tiên tôi theo đoàn người trong bổn tộc chạp mộ tổ tiên. Năm ấy, ông trưởng tộc nhắc nhở tôi mấy ngày trước đó: “Mi đã lớn rồi, năm ni theo mấy chú đi chạp mả để biết mộ tổ tiên”. Mười ba tuổi đã lớn rồi sao? Tôi kinh hãi khi phải lội qua mấy vũng nước nhi nhít những con đỉa vũ điệu đung đưa nhịp nhàng, khi ẩn khi hiện trong làn nước đục ngầu màu đất nghĩa trang. Nhưng cũng do “đã lớn rồi”, lần đầu tiên tôi được ngồi vào mâm cỗ xôi thịt khi trở lại từ đường cúng tổ tiên. Năm ấy, tôi không còn phải nhận nắm xôi và “miếng thịt họ” mấy chú phát cho con cháu nhỏ nhân ngày chạp mộ để lẽo đẽo mang về nhà ngồi ăn một mình.
Trưa ba mươi Tết, mẹ tôi từ cánh đồng làng bươn chải trở về nhà. Nhà đã được mẹ dọn dẹp từ trước nên khi xếp gióng gánh lên giàn heo thì nhà đã khá tươm tất cho không khí Tết. Mẹ lễ mễ soạn ra nào nếp, nào đậu, nào thịt thà đã chuẩn bị trước, điều hành chị em tôi phụ mẹ chuẩn bị mâm cơm cúng Tết. Chị em tôi giúp mẹ khối việc và vào khoảng sắp tàn ngày thì trên bàn thờ nghi ngút khói hương đã bày biện đủ mâm cỗ cúng. Mẹ tôi cũng bảo tôi điệp khúc như ông trưởng tộc: “Mi đã lớn rồi, vô thắp hương cúng mời ba và ông bà về ăn Tết”. Đứng trên bức ngựa gõ mun gian giữa nhà tổ phụ, lâm lâm khấn vái, tôi tự nhủ “mình đã lớn rồi!”.
Mẹ tôi chuẩn bị nếp đậu, lá lạt cho nồi bánh tét trong khi tôi hầu ông bà dùng khói hơi mâm cơm cúng. Khi mâm cỗ nguội lạnh dọn xuống chõng tre trải chiếc chiếu hoa mới còn thơm mùi lát, bốn mẹ con tôi thưởng thức hương vị bữa cơm ngày Tết ấm cúng, chan hòa trong khi bên ngoài cái lạnh về đêm vờn vũ theo từng đợt gió bấc, mưa phùn xào xạc.
Gói bánh tét là khó khăn nhất trong công việc của ngày Tết. Không nhiều nhưng năm nào, từ cuối vụ gặt, mẹ cũng chuẩn bị lưng đấu nếp cái, vài lon đậu xanh cho nồi bánh tét. Tất cả mẹ đã sẵn sàng, chỉ chờ khi chị tôi giúp mẹ thu vén xong bữa cơm Tết là bắt tay vào việc. Tôi ngồi bên mẹ, xem mẹ đong nếp vào lá, trải nhân đậu, cuốn lá, bỏ nếp phủ đầu và buộc lạt. Mẹ chỉ cho tôi từng động tác và tôi giúp mẹ cột từng múi lạt, hoàn thành đòn bánh tét. Nồi nấu bánh tét nhà tôi chỉ là cái thùng dầu hỏa tận dụng làm thùng gánh nước mỗi ngày. Có năm, mẹ thêm vài lon nếp thì phải bắt thêm một cái soong cạnh bên. Đêm khuya, tiếng lửa nổ tí tách, nồi bánh sôi sùng sục, chị em tôi thay nhau châm củi thì mẹ tôi chuẩn bị chè bánh cho cỗ cúng giao thừa và dành sáng mai cúng mừng năm mới. Tôi thiếp đi, tỉnh dậy mấy lần trên tấm chiếu trải bên nồi bánh, trời vẫn chưa sáng. Và… và… khi tôi bừng dậy thì đã thấy bánh tét xếp la liệt trên chiếc nong tre. Ngày nguyên đán không có nắng, gốc mai vàng trước ngõ rung cánh lả lơi với ngọn gió xuân và đám mưa bụi mờ ảo mông lung. Tôi mặc áo mới làm “người lớn” cúng lễ đầu năm. Lúc này tôi mới thấy mẹ tôi “thư thái”. Ba gian nhà thờ nghi ngút hương hoa. Tôi xong lễ, mẹ tôi tiếp theo. Những năm trước, chỉ mẹ tôi cúng lễ, nhưng năm nay, mẹ cúng sau tôi. Cái ý thức “đích tôn thừa trọng”, luân lý “phụ quyền” và đạo lý tam tòng “phu tử tòng tử” hình thành trong nếp sống người dân quê tôi sâu đậm đến thế sao?
Dầu sao tôi cũng chỉ là một đứa bé mười ba tuổi còn ham vui với tiếng pháo xuân, với cái súng diêm sinh tự chế bằng van xe đạp và nhúm lông đuôi gà; còn mãi mê với thú chơi đu tiên, đu chùa; còn theo bạn bè nhẩn nha vào các rạp bài chòi, bài ghế nghe ông hiệu hô bài, vào sân đình chen chúc mấy hội bài vụ, nhất lục, bài thai; và đặc biệt năm ấy, mấy cụ bô lão làng tôi tổ chức trò chơi bói Kiều dưới cây sen trước tam quan chùa làng. Cây sen già xanh mướt mới nhú chồi non được treo lủng lẳng những bì giấy hoa màu sặc sỡ. Có đến hàng trăm bì giấy treo cao quá tầm đầu người. Một hương án kê dưới gốc sen, muốn đoán vận hạn năm mới thì khách hãy đến thắp nhang, trịnh trọng khấn vái “ông Kiều, bà Kiều” cho quẻ. Dang tay rút một quẻ Kiều, khách tìm xem thời vận trình phong thư cho người phụ trách diễn giải. Những câu thơ Kiều được diễn ngâm kèm theo lời bình vận hạn tốt đẹp suốt năm làm nức lòng người tìm niềm vui đầu xuân. Tứ thơ đẹp, lời thơ hay, lời bình tâm lý… có niềm vui nào hơn thế trong ngày mới nguyên đán linh thiêng
Tết năm nào nhà tôi cũng là nơi tụ hội của những người thích chơi bài tới. Mẹ tôi và chị tôi là những “con bạc máu me” với thú chơi dân dã này. Cái chõng tre giữa gian nhà dưới lúc nào cũng thừa tay cho một sòng bài. Sáu người trên chiếu còn vài người đứng nhìn bên ngoài. Thăm viếng nhau trong ngày Tết, mừng tuổi ông bà xong nếu rỗi rãi thì cùng ngồi vào chiếu, xoa bài, bốc mấy con ầm, tử, mỏ, đấu, đượng… rồi đi bài, tới bài… cười vui rôm rả ngày đầu năm thì ai mà bỏ qua cho được thú vui này. Thế mà mẹ tôi hay chị tôi đôi khi phải nhường chỗ cho khách để lo lễ vật cúng ba bữa Tết.
Mấy ngày Tết, mỗi ngày mỗi thức cúng, chủ yếu là những thứ mẹ tôi đã chuẩn bị sẵn. Bánh khô, bánh nổ, mứt gừng đã làm cuối tháng chạp. Xôi đường, bánh gói, bánh lá, bánh ít… chỉ việc mang nguyên liệu ra chế biến, nấu hấp là xong. Thời đó đường cát còn là thứ hàng xa xỉ, cao cấp đối với người dân quê. Từ tháng chạp, mẹ tôi đã tinh lọc từ đường bánh màu đen với chất phụ gia là một ít nước bùn, lòng trắng trứng thành một thứ nước đường vàng trong để làm bánh, ngào mứt và dành lại đầu năm hon xôi đường. Mứt gừng thơm cay ngửi đã thấy thèm mà tôi không sao nuốt nổi vì cay nồng quá. Tôi chỉ thích ăn những tảng đường đóng lại trong chảo hay có ăn mứt gừng thì cũng chỉ mút sạch đường rồi nhả gừng ra. Thế mà nay, mỗi lần Tết đến, sao cứ nhớ mãi hương vị cay nồng đó từ những lát mứt gừng ngày Tết của mẹ tôi. Bột làm bánh cũng là một kỳ công của mẹ tôi. Thời ấy đã có bột gạo, bột nếp chế biến sẵn, đóng gói bán ngoài chợ, nhưng mẹ tôi không dùng. Lý do mẹ tôi đưa ra là không ngon và mắc. Những đến cuối tháng chạp, trong giấc ngủ, tôi vẫn nghe tiếng chày tay của mẹ tôi thậm thịch vào cối giã bột. Rồi tiếng lừa bột tách tách trên trẹt tre..., rồi lại tiếng chày..., tiếng lừa bột tách tách... lặp đi lặp lại nhiều lần. Sáng ra, mẹ tôi đã cất kỹ bột đâu đó nhưng trên nền nhà đất, bụi bột còn vương trắng. Những năm gần đây tôi trở lại cảm giác thèm hương vị những cái bánh ít bột nếp. Tôi tìm mua được vài lần nhưng không có lần nào tìm lại được cảm giác như khi ăn những cái bánh ít bột nếp của mẹ tôi ngày xưa.
Thế đó! Tết về tôi lại nhớ vu vơ. Nhớ Tết là nhớ về tuổi thơ, nhớ mẹ tôi. Nhớ cả buổi cúng sao đầu năm ngoài sân, trước gốc mai già với những tranh nam, tranh nữ, tranh bổn mạng, tranh gia súc, tranh dụng cụ nhà nông… Mỗi thứ một thức có đề tên bằng chữ Hán cho người và vật được thế mạng. Trăng đêm đầu tháng giêng chưa đầy, gác nghiêng đọt tre trước ngõ là lúc mẹ tôi “hỏa phần” các tranh cúng và rải cháo thánh xuống gốc mai. Sáng ra, một ngày xuân có nắng ấm, cây mai đã tàn hoa, nhánh bung đầy lá xanh non mơn mởn là tín hiệu báo cho tôi biết không còn Tết nữa. Những lo toan nhà quê lại trở về với người dân quê tôi. Trên đường quê đã có nhiều người nhẩn nha ra đồng. Con trâu đen, sạch láng bóng, miệng nhai trệu trạo, ngúc nguẩy chiếc đuôi với nhúm lông, bước theo sau ông chủ.
Tuổi thơ thì ai cũng chỉ một lần, đã qua rồi, còn lại là hoài niệm. Mẹ xa tôi đã ba mùa Tết. Tôi nhớ những năm tháng cuối đời của mẹ, mỗi kỳ chuẩn bị Tết bên chiếu gói bánh tét, tay yếu nhưng mẹ vẫn mân mê những nút lạt. Quê hương giờ này đã xa vời vợi. Khoảng cách không phải không gian, không phải trở ngại dốc đèo mà chính ngay trong nỗi niềm hoài vọng. Tìm đâu? Biết tìm đâu bóng dáng tháng ngày? Nước chảy xuôi thì ai tắm được hai lần trên một bến sông. Tết lại về! Sờ mái tóc thấy còn mượt mà. Biết mình đã già nên không dám soi gương tìm sợi bạc. Thôi thì… hãy vui với xuân này. Ngày mai nhớ về hôm nay cũng là một hoài niệm. Trên bàn thờ mẹ tôi, hoa cúc vàng cùng khói hương mang Tết về...
Nguyễn Văn Uông
Quê tôi ngoài thành phố Huế không xa. Quanh năm, người dân một nắng hai sương bên con trâu và đồng lúa. Tết là dịp để được nghỉ ngơi và vui chơi. “Chẳng thong dong cũng ba ngày tết”. Có nhà thơ đã nói vậy không sai. Để được ba ngày Tết “thong dong”, suốt năm người dân quê tôi phải tích cóp từng đồng xu, cân gạo. Nhớ Tết là nhớ những vất vả, lo toan cả năm làm lụng của mẹ tôi để ngày Tết cho con tấm áo mới, để ngày Tết có nồi bánh tét nghi ngút khói cay mắt đêm ba mươi, có bánh quả dâng cúng ông bà, có mứt trà chiêu đãi bà con nội ngoại đến dâng hương nhà tổ phụ. Nhớ Tết là nhớ cái rét cắt da từ đầu tháng chạp khi lần đầu tiên tôi theo đoàn người trong bổn tộc chạp mộ tổ tiên. Năm ấy, ông trưởng tộc nhắc nhở tôi mấy ngày trước đó: “Mi đã lớn rồi, năm ni theo mấy chú đi chạp mả để biết mộ tổ tiên”. Mười ba tuổi đã lớn rồi sao? Tôi kinh hãi khi phải lội qua mấy vũng nước nhi nhít những con đỉa vũ điệu đung đưa nhịp nhàng, khi ẩn khi hiện trong làn nước đục ngầu màu đất nghĩa trang. Nhưng cũng do “đã lớn rồi”, lần đầu tiên tôi được ngồi vào mâm cỗ xôi thịt khi trở lại từ đường cúng tổ tiên. Năm ấy, tôi không còn phải nhận nắm xôi và “miếng thịt họ” mấy chú phát cho con cháu nhỏ nhân ngày chạp mộ để lẽo đẽo mang về nhà ngồi ăn một mình.
Trưa ba mươi Tết, mẹ tôi từ cánh đồng làng bươn chải trở về nhà. Nhà đã được mẹ dọn dẹp từ trước nên khi xếp gióng gánh lên giàn heo thì nhà đã khá tươm tất cho không khí Tết. Mẹ lễ mễ soạn ra nào nếp, nào đậu, nào thịt thà đã chuẩn bị trước, điều hành chị em tôi phụ mẹ chuẩn bị mâm cơm cúng Tết. Chị em tôi giúp mẹ khối việc và vào khoảng sắp tàn ngày thì trên bàn thờ nghi ngút khói hương đã bày biện đủ mâm cỗ cúng. Mẹ tôi cũng bảo tôi điệp khúc như ông trưởng tộc: “Mi đã lớn rồi, vô thắp hương cúng mời ba và ông bà về ăn Tết”. Đứng trên bức ngựa gõ mun gian giữa nhà tổ phụ, lâm lâm khấn vái, tôi tự nhủ “mình đã lớn rồi!”.
Mẹ tôi chuẩn bị nếp đậu, lá lạt cho nồi bánh tét trong khi tôi hầu ông bà dùng khói hơi mâm cơm cúng. Khi mâm cỗ nguội lạnh dọn xuống chõng tre trải chiếc chiếu hoa mới còn thơm mùi lát, bốn mẹ con tôi thưởng thức hương vị bữa cơm ngày Tết ấm cúng, chan hòa trong khi bên ngoài cái lạnh về đêm vờn vũ theo từng đợt gió bấc, mưa phùn xào xạc.
Gói bánh tét là khó khăn nhất trong công việc của ngày Tết. Không nhiều nhưng năm nào, từ cuối vụ gặt, mẹ cũng chuẩn bị lưng đấu nếp cái, vài lon đậu xanh cho nồi bánh tét. Tất cả mẹ đã sẵn sàng, chỉ chờ khi chị tôi giúp mẹ thu vén xong bữa cơm Tết là bắt tay vào việc. Tôi ngồi bên mẹ, xem mẹ đong nếp vào lá, trải nhân đậu, cuốn lá, bỏ nếp phủ đầu và buộc lạt. Mẹ chỉ cho tôi từng động tác và tôi giúp mẹ cột từng múi lạt, hoàn thành đòn bánh tét. Nồi nấu bánh tét nhà tôi chỉ là cái thùng dầu hỏa tận dụng làm thùng gánh nước mỗi ngày. Có năm, mẹ thêm vài lon nếp thì phải bắt thêm một cái soong cạnh bên. Đêm khuya, tiếng lửa nổ tí tách, nồi bánh sôi sùng sục, chị em tôi thay nhau châm củi thì mẹ tôi chuẩn bị chè bánh cho cỗ cúng giao thừa và dành sáng mai cúng mừng năm mới. Tôi thiếp đi, tỉnh dậy mấy lần trên tấm chiếu trải bên nồi bánh, trời vẫn chưa sáng. Và… và… khi tôi bừng dậy thì đã thấy bánh tét xếp la liệt trên chiếc nong tre. Ngày nguyên đán không có nắng, gốc mai vàng trước ngõ rung cánh lả lơi với ngọn gió xuân và đám mưa bụi mờ ảo mông lung. Tôi mặc áo mới làm “người lớn” cúng lễ đầu năm. Lúc này tôi mới thấy mẹ tôi “thư thái”. Ba gian nhà thờ nghi ngút hương hoa. Tôi xong lễ, mẹ tôi tiếp theo. Những năm trước, chỉ mẹ tôi cúng lễ, nhưng năm nay, mẹ cúng sau tôi. Cái ý thức “đích tôn thừa trọng”, luân lý “phụ quyền” và đạo lý tam tòng “phu tử tòng tử” hình thành trong nếp sống người dân quê tôi sâu đậm đến thế sao?
Dầu sao tôi cũng chỉ là một đứa bé mười ba tuổi còn ham vui với tiếng pháo xuân, với cái súng diêm sinh tự chế bằng van xe đạp và nhúm lông đuôi gà; còn mãi mê với thú chơi đu tiên, đu chùa; còn theo bạn bè nhẩn nha vào các rạp bài chòi, bài ghế nghe ông hiệu hô bài, vào sân đình chen chúc mấy hội bài vụ, nhất lục, bài thai; và đặc biệt năm ấy, mấy cụ bô lão làng tôi tổ chức trò chơi bói Kiều dưới cây sen trước tam quan chùa làng. Cây sen già xanh mướt mới nhú chồi non được treo lủng lẳng những bì giấy hoa màu sặc sỡ. Có đến hàng trăm bì giấy treo cao quá tầm đầu người. Một hương án kê dưới gốc sen, muốn đoán vận hạn năm mới thì khách hãy đến thắp nhang, trịnh trọng khấn vái “ông Kiều, bà Kiều” cho quẻ. Dang tay rút một quẻ Kiều, khách tìm xem thời vận trình phong thư cho người phụ trách diễn giải. Những câu thơ Kiều được diễn ngâm kèm theo lời bình vận hạn tốt đẹp suốt năm làm nức lòng người tìm niềm vui đầu xuân. Tứ thơ đẹp, lời thơ hay, lời bình tâm lý… có niềm vui nào hơn thế trong ngày mới nguyên đán linh thiêng
Tết năm nào nhà tôi cũng là nơi tụ hội của những người thích chơi bài tới. Mẹ tôi và chị tôi là những “con bạc máu me” với thú chơi dân dã này. Cái chõng tre giữa gian nhà dưới lúc nào cũng thừa tay cho một sòng bài. Sáu người trên chiếu còn vài người đứng nhìn bên ngoài. Thăm viếng nhau trong ngày Tết, mừng tuổi ông bà xong nếu rỗi rãi thì cùng ngồi vào chiếu, xoa bài, bốc mấy con ầm, tử, mỏ, đấu, đượng… rồi đi bài, tới bài… cười vui rôm rả ngày đầu năm thì ai mà bỏ qua cho được thú vui này. Thế mà mẹ tôi hay chị tôi đôi khi phải nhường chỗ cho khách để lo lễ vật cúng ba bữa Tết.
Mấy ngày Tết, mỗi ngày mỗi thức cúng, chủ yếu là những thứ mẹ tôi đã chuẩn bị sẵn. Bánh khô, bánh nổ, mứt gừng đã làm cuối tháng chạp. Xôi đường, bánh gói, bánh lá, bánh ít… chỉ việc mang nguyên liệu ra chế biến, nấu hấp là xong. Thời đó đường cát còn là thứ hàng xa xỉ, cao cấp đối với người dân quê. Từ tháng chạp, mẹ tôi đã tinh lọc từ đường bánh màu đen với chất phụ gia là một ít nước bùn, lòng trắng trứng thành một thứ nước đường vàng trong để làm bánh, ngào mứt và dành lại đầu năm hon xôi đường. Mứt gừng thơm cay ngửi đã thấy thèm mà tôi không sao nuốt nổi vì cay nồng quá. Tôi chỉ thích ăn những tảng đường đóng lại trong chảo hay có ăn mứt gừng thì cũng chỉ mút sạch đường rồi nhả gừng ra. Thế mà nay, mỗi lần Tết đến, sao cứ nhớ mãi hương vị cay nồng đó từ những lát mứt gừng ngày Tết của mẹ tôi. Bột làm bánh cũng là một kỳ công của mẹ tôi. Thời ấy đã có bột gạo, bột nếp chế biến sẵn, đóng gói bán ngoài chợ, nhưng mẹ tôi không dùng. Lý do mẹ tôi đưa ra là không ngon và mắc. Những đến cuối tháng chạp, trong giấc ngủ, tôi vẫn nghe tiếng chày tay của mẹ tôi thậm thịch vào cối giã bột. Rồi tiếng lừa bột tách tách trên trẹt tre..., rồi lại tiếng chày..., tiếng lừa bột tách tách... lặp đi lặp lại nhiều lần. Sáng ra, mẹ tôi đã cất kỹ bột đâu đó nhưng trên nền nhà đất, bụi bột còn vương trắng. Những năm gần đây tôi trở lại cảm giác thèm hương vị những cái bánh ít bột nếp. Tôi tìm mua được vài lần nhưng không có lần nào tìm lại được cảm giác như khi ăn những cái bánh ít bột nếp của mẹ tôi ngày xưa.
Thế đó! Tết về tôi lại nhớ vu vơ. Nhớ Tết là nhớ về tuổi thơ, nhớ mẹ tôi. Nhớ cả buổi cúng sao đầu năm ngoài sân, trước gốc mai già với những tranh nam, tranh nữ, tranh bổn mạng, tranh gia súc, tranh dụng cụ nhà nông… Mỗi thứ một thức có đề tên bằng chữ Hán cho người và vật được thế mạng. Trăng đêm đầu tháng giêng chưa đầy, gác nghiêng đọt tre trước ngõ là lúc mẹ tôi “hỏa phần” các tranh cúng và rải cháo thánh xuống gốc mai. Sáng ra, một ngày xuân có nắng ấm, cây mai đã tàn hoa, nhánh bung đầy lá xanh non mơn mởn là tín hiệu báo cho tôi biết không còn Tết nữa. Những lo toan nhà quê lại trở về với người dân quê tôi. Trên đường quê đã có nhiều người nhẩn nha ra đồng. Con trâu đen, sạch láng bóng, miệng nhai trệu trạo, ngúc nguẩy chiếc đuôi với nhúm lông, bước theo sau ông chủ.
Tuổi thơ thì ai cũng chỉ một lần, đã qua rồi, còn lại là hoài niệm. Mẹ xa tôi đã ba mùa Tết. Tôi nhớ những năm tháng cuối đời của mẹ, mỗi kỳ chuẩn bị Tết bên chiếu gói bánh tét, tay yếu nhưng mẹ vẫn mân mê những nút lạt. Quê hương giờ này đã xa vời vợi. Khoảng cách không phải không gian, không phải trở ngại dốc đèo mà chính ngay trong nỗi niềm hoài vọng. Tìm đâu? Biết tìm đâu bóng dáng tháng ngày? Nước chảy xuôi thì ai tắm được hai lần trên một bến sông. Tết lại về! Sờ mái tóc thấy còn mượt mà. Biết mình đã già nên không dám soi gương tìm sợi bạc. Thôi thì… hãy vui với xuân này. Ngày mai nhớ về hôm nay cũng là một hoài niệm. Trên bàn thờ mẹ tôi, hoa cúc vàng cùng khói hương mang Tết về...
Nguyễn Văn Uông