Cách Yêu Của Nguyễn Nhật Ánh
Feb 25, 2022 18:31:16 GMT -6
Post by tammy on Feb 25, 2022 18:31:16 GMT -6
CÁCH YÊU CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH
“Điều quan trọng nhất của tình yêu là nó giúp bạn khám phá bản thân mình. Nó giống như một màn hình để bạn chiếu rọi mơ ước của mình lên đó” – đó là một câu văn, được in trang trọng trong thanh chặn sách cho cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, “Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng”.
Câu văn này lập tức làm tôi nhớ lại bữa ăn trưa với Bà Mèo vài tháng trước. Giữa nghi ngút thịt nướng Hàn Quốc, bả nói: “Khái niệm đi tìm một nửa trong tình yêu không phải là tìm một người lấp đầy những khiếm khuyết của mình mà là một người mà vì họ, ta có thể tự làm đầy những phần còn thiếu của bản thân”. Cái miệng đang nhồm nhoàm của tôi chợt ngừng nhai và bật lên hai chữ “Minh triết!”.
Chỉ có những người yêu nhiều mới có thể đúc kết nên những câu tuyệt vời như vậy. Ba mươi sáu năm sống trên đời, tôi nhận ra mình vẫn chỉ là kẻ chập chững trong tình yêu. Đọc một cuốn tiểu thuyết chính là mượn một mối tình vậy.
Một lần ngồi nhà của anh Ánh, tôi hỏi anh: “Anh có nghĩ là mọi nhà văn trên đời đều chỉ kể duy nhất một chuyện trong sự nghiệp?”. Anh nói ngay: “Đúng vậy”. Haruki Murakami chỉ kể về nỗi cô đơn, Kim Dung cả đời chỉ đi tìm định nghĩa về chủ nghĩa anh hùng, Cổ Long cả đời nhạo báng tình yêu và xưng tụng tình bằng hữu, Dan Brown viết cứ như sợ người ta không biết mình là người phản Ki Tô, hay Nguyễn Tuân dốc lòng hồi cố những gì đã một thời vang bóng.
Nguyễn Nhật Ánh cả đời cũng chỉ kể duy nhất một chuyện: tình yêu trong trẻo nhưng đã sớm sợ độ phai tàn sắp sửa. Đó có thể là mối tình của một cậu bé thiếu niên, của một thanh niên, một người đã có gia đình, một con chó, con mèo hay trong tác phẩm mới nhất là con gà. Và dù là mối tình thứ bao nhiêu trong đời họ đi nữa, khối tình ấy vẫn có sức nặng và sự trong veo như mối tình đầu. Có thể vì anh Ánh đã trải qua một mối tình đầu kinh tâm động phách đến nỗi hằn sâu vào vô thức, hoặc cũng có thể anh đã bước vào mọi cuộc tình như thể đó là lần đầu tiên trái tim mình rung động.
Nhiều người nói văn Nguyễn Nhật Ánh bị lặp lại. Tôi cũng đồng ý là trong chục năm trở lại đây, các tác phẩm của anh không còn sức nặng như trước. Nhưng “Cho tôi một vé đi tuổi thơ”, “Đảo Mộng Mơ” hay “Con chim xanh biếc bay về” với tôi vẫn là những kiệt tác, xứng đáng đứng ngang với “Mắt Biếc”, “Hoa hồng xứ khác”, “Cô gái đến từ hôm qua” hay “Trại hoa vàng” – tác phẩm mà tôi yêu nhất chỉ vì một câu duy nhất “Ai như là nhỏ Thảo”.
Nhỏ Thảo trong Trại Hoa Vàng là một trong những nhân vật đẹp nhất và cũng điển hình nhất của anh Ánh, vì nó yêu… đơn phương. Đọc sách của anh, tôi cảm nhận rõ một điều: với anh yêu thậm chí còn quan trong hơn được yêu. Vì chỉ cần nghe trái tim mình rung động, anh như sống lại tuổi trẻ nồng nàn và tha thiết. Hãy đọc những câu thơ sau trong tác phẩm mới nhất của anh:
“Đêm mọc giùm anh sợi tóc thời gian
Đêm chảy giùm em lệ của địa đàng
Dắt díu nhau qua những ngày nương náu
Gọi người ta yêu là người yêu dấu”.
Vừa có Đinh Hùng, Trịnh Công Sơn nhưng cũng rất Nguyễn Nhật Ánh. Tác phẩm mới nhất của anh cũng tràn ngập những liên văn bản như thế. Anh Ánh nói trong mấy trăm bài của Trịnh Công Sơn, anh yêu nhất là “Nhìn những mùa thu đi”. Tôi đồ rằng anh đã vô thức cảm tác hai chữ “Mắt biếc” trong câu “Hai mươi sầu dâng mắt biếc, thương cho người rồi lạnh lùng riêng” để tạo nên tác phẩm lừng danh của mình.
Nhưng hãy chú ý câu sau chữ “mắt biếc”:
- thương cho người rồi lạnh lùng riêng
Tôi nghĩ Trịnh Công Sơn và Nguyễn Nhật Ánh đã gặp nhau ở điểm này: cao thượng, hay cũng có thể gọi là… dân chơi trong tình yêu. Luôn “thương cho người” trước rồi mới lạnh lùng riêng mà thương cho mình. Nhưng nếu tình yêu trong Trịnh Công Sơn chán chường theo năm tháng, thậm chí về sau còn có hơi hướng trách nhẹ “trả nợ một đời không hết tình đâu” thì tình yêu của Nguyễn Nhật Ánh đã mãi mãi ở lại cái tuổi “hai mươi sầu dâng mắt biếc”.
Tức là mong lần yêu nào cũng là lần yêu cuối, với cảm xúc vẹn nguyên của lần yêu đầu, với “khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan” như câu thơ Nguyễn Du mà anh đã trích trong “Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng”.
Và tôi luôn hỏi mình, và lần sau nhất định hỏi anh: liệu còn có cách yêu nào khác hay sao?
ST
“Điều quan trọng nhất của tình yêu là nó giúp bạn khám phá bản thân mình. Nó giống như một màn hình để bạn chiếu rọi mơ ước của mình lên đó” – đó là một câu văn, được in trang trọng trong thanh chặn sách cho cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, “Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng”.
Câu văn này lập tức làm tôi nhớ lại bữa ăn trưa với Bà Mèo vài tháng trước. Giữa nghi ngút thịt nướng Hàn Quốc, bả nói: “Khái niệm đi tìm một nửa trong tình yêu không phải là tìm một người lấp đầy những khiếm khuyết của mình mà là một người mà vì họ, ta có thể tự làm đầy những phần còn thiếu của bản thân”. Cái miệng đang nhồm nhoàm của tôi chợt ngừng nhai và bật lên hai chữ “Minh triết!”.
Chỉ có những người yêu nhiều mới có thể đúc kết nên những câu tuyệt vời như vậy. Ba mươi sáu năm sống trên đời, tôi nhận ra mình vẫn chỉ là kẻ chập chững trong tình yêu. Đọc một cuốn tiểu thuyết chính là mượn một mối tình vậy.
Một lần ngồi nhà của anh Ánh, tôi hỏi anh: “Anh có nghĩ là mọi nhà văn trên đời đều chỉ kể duy nhất một chuyện trong sự nghiệp?”. Anh nói ngay: “Đúng vậy”. Haruki Murakami chỉ kể về nỗi cô đơn, Kim Dung cả đời chỉ đi tìm định nghĩa về chủ nghĩa anh hùng, Cổ Long cả đời nhạo báng tình yêu và xưng tụng tình bằng hữu, Dan Brown viết cứ như sợ người ta không biết mình là người phản Ki Tô, hay Nguyễn Tuân dốc lòng hồi cố những gì đã một thời vang bóng.
Nguyễn Nhật Ánh cả đời cũng chỉ kể duy nhất một chuyện: tình yêu trong trẻo nhưng đã sớm sợ độ phai tàn sắp sửa. Đó có thể là mối tình của một cậu bé thiếu niên, của một thanh niên, một người đã có gia đình, một con chó, con mèo hay trong tác phẩm mới nhất là con gà. Và dù là mối tình thứ bao nhiêu trong đời họ đi nữa, khối tình ấy vẫn có sức nặng và sự trong veo như mối tình đầu. Có thể vì anh Ánh đã trải qua một mối tình đầu kinh tâm động phách đến nỗi hằn sâu vào vô thức, hoặc cũng có thể anh đã bước vào mọi cuộc tình như thể đó là lần đầu tiên trái tim mình rung động.
Nhiều người nói văn Nguyễn Nhật Ánh bị lặp lại. Tôi cũng đồng ý là trong chục năm trở lại đây, các tác phẩm của anh không còn sức nặng như trước. Nhưng “Cho tôi một vé đi tuổi thơ”, “Đảo Mộng Mơ” hay “Con chim xanh biếc bay về” với tôi vẫn là những kiệt tác, xứng đáng đứng ngang với “Mắt Biếc”, “Hoa hồng xứ khác”, “Cô gái đến từ hôm qua” hay “Trại hoa vàng” – tác phẩm mà tôi yêu nhất chỉ vì một câu duy nhất “Ai như là nhỏ Thảo”.
Nhỏ Thảo trong Trại Hoa Vàng là một trong những nhân vật đẹp nhất và cũng điển hình nhất của anh Ánh, vì nó yêu… đơn phương. Đọc sách của anh, tôi cảm nhận rõ một điều: với anh yêu thậm chí còn quan trong hơn được yêu. Vì chỉ cần nghe trái tim mình rung động, anh như sống lại tuổi trẻ nồng nàn và tha thiết. Hãy đọc những câu thơ sau trong tác phẩm mới nhất của anh:
“Đêm mọc giùm anh sợi tóc thời gian
Đêm chảy giùm em lệ của địa đàng
Dắt díu nhau qua những ngày nương náu
Gọi người ta yêu là người yêu dấu”.
Vừa có Đinh Hùng, Trịnh Công Sơn nhưng cũng rất Nguyễn Nhật Ánh. Tác phẩm mới nhất của anh cũng tràn ngập những liên văn bản như thế. Anh Ánh nói trong mấy trăm bài của Trịnh Công Sơn, anh yêu nhất là “Nhìn những mùa thu đi”. Tôi đồ rằng anh đã vô thức cảm tác hai chữ “Mắt biếc” trong câu “Hai mươi sầu dâng mắt biếc, thương cho người rồi lạnh lùng riêng” để tạo nên tác phẩm lừng danh của mình.
Nhưng hãy chú ý câu sau chữ “mắt biếc”:
- thương cho người rồi lạnh lùng riêng
Tôi nghĩ Trịnh Công Sơn và Nguyễn Nhật Ánh đã gặp nhau ở điểm này: cao thượng, hay cũng có thể gọi là… dân chơi trong tình yêu. Luôn “thương cho người” trước rồi mới lạnh lùng riêng mà thương cho mình. Nhưng nếu tình yêu trong Trịnh Công Sơn chán chường theo năm tháng, thậm chí về sau còn có hơi hướng trách nhẹ “trả nợ một đời không hết tình đâu” thì tình yêu của Nguyễn Nhật Ánh đã mãi mãi ở lại cái tuổi “hai mươi sầu dâng mắt biếc”.
Tức là mong lần yêu nào cũng là lần yêu cuối, với cảm xúc vẹn nguyên của lần yêu đầu, với “khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan” như câu thơ Nguyễn Du mà anh đã trích trong “Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng”.
Và tôi luôn hỏi mình, và lần sau nhất định hỏi anh: liệu còn có cách yêu nào khác hay sao?
ST