Post by phongvien007 on Jan 15, 2021 18:48:10 GMT -6
14/01/21 09:20 GMT+7
'Mặc dù được mang nửa dòng máu Nhật Bản, tôi vẫn không được coi là một trong số họ vì màu da và cái tên nước ngoài của mình', Sophie chia sẻ.
Trích dịch bài đăng từ VICE, đề cập đến nạn phân biệt chủng tộc đối với những con lai Nhật Bản hai dòng máu ở chính quê hương của họ.
Mùa hè năm 2020, cái chết của George Floyd và phong trào Black Lives Matter tại nước Mỹ đã truyền cảm hứng cho vô số cuộc trao đổi, tranh luận và hành động trên toàn thế giới, trừ Nhật Bản.
Một số cuộc biểu tình ở Osaka và thủ đô Tokyo thu hút được khoảng vài nghìn người tham gia hồi tháng 6.
Tuy nhiên, không có sự suy chuyển nào ở xứ hoa anh đào trong vấn đề phân biệt chủng tộc. Nó được xem như một vấn đề “ngoại quốc” bởi người dân Nhật Bản vốn không tin vào tính đa dạng bản sắc trong xã hội.
Một cuộc biểu tình ủng hộ phong trào Black Lives Matter ở Tokyo hôm 14/6 vừa qua. Ảnh: AP.
Màu da quyết định thái độ
Sophie, một cô gái mang hai dòng máu Ethiopia - Nhật Bản, từng tham gia biểu tình ủng hộ Black Lives Matter tại Tokyo. Phần lớn những người diễu hành cùng cô không phải người đến từ xứ hoa anh đào.
“Người dân Nhật Bản phớt lờ chúng tôi, chẳng thèm để tâm đến cuộc biểu tình. Điều đó làm tôi buồn phát khóc. Nếu nó không quan trọng với họ thì chúng tôi diễu hành để làm gì chứ?”, cô kể lại.
Sophie cho biết các kênh truyền hình Nhật Bản không nhắc đến phong trào Black Lives Matter. Bạn bè của cô cũng chẳng buồn quan tâm về hoạt động này, cho đến khi Sophie chủ động chia sẻ về câu chuyện cuộc đời mình trên mạng xã hội.
“Tôi không quen nói về chủ đề này. Nhưng đó là thời điểm thích hợp để cho họ biết tôi, một cô gái da đen sinh ra và lớn lên ở Nhật Bản, gặp nhiều khó khăn như thế nào. Tôi cảm thấy như được giải phóng”, Sophie chia sẻ.
Nói với VICE, Sophie cho biết mẹ cô là người Nhật Bản, còn bố là người Ethiopia. Khi cô lên 6, họ ly hôn và bố cô bỏ đi.
Sophie là một trong những hafu da màu bị phân biệt ngay tại quê hương. Ảnh: Hiroki Taniguchi.
“Mặc dù được sinh ra và lớn lên ở đất nước này, tôi vẫn không được coi là người Nhật Bản vì màu da và cái tên nước ngoài của mình. Tại thị trấn nơi tôi sống ở gần Osaka, mọi người nhìn chằm chằm vào tôi và chỉ chỏ rằng ‘nhìn này, một người ngoại quốc’. Lời nói đó làm tôi rất buồn, chán nản, chẳng thiết ra đường”, cô nói.
Sophie kể thêm: “Mọi chuyện thay đổi từ khi tôi chuyển đến thủ đô Tokyo vào năm 2020. Xã hội ở đây đa dạng và hội nhập quốc tế, khiến tôi cảm thấy dễ thở hơn nhiều. Tôi không cần cẩn trọng trong từng hành xử sao cho giống một ‘người Nhật Bản chính gốc’ nữa”.
Con lai da trắng được ưu ái hơn
Thái độ kỳ thị với các hafu, những công dân Nhật Bản mang hai hay nhiều dòng máu, hiện có những chuyển biến tích cực tại xứ hoa anh đào. Quốc gia này ngày càng đa dạng hơn, với nhiều người mẫu, ngôi sao hafu.
Tuy nhiên, chỉ các hafu có làn da trắng được ưu ái. Họ được tung hô vì đường nét lai tây, màu mắt xanh, mái tóc vàng, màu da sáng. Thậm chí, các ngôi sao, diễn viên, ca sĩ nếu lai da trắng luôn được truyền thông nhấn mạnh.
Ngược lại, những con lai da đen như Sophie đã quen với cảnh bị cảnh sát dừng lại chất vấn thông tin, hoặc nhà hàng, taxi từ chối phục vụ họ.
Tháng 6/2020, Naomi Saka (22 tuổi), tay vợt tennis người Nhật Bản da màu, đăng tweet ủng hộ phong trào Black Lives Matter tại Osaka. Ngay lập tức, cô bị chỉ trích vì dám công khai bàn luận về vấn đề này tại xứ Phù Tang.
Trong đó, một số người bao biện rằng Nhật Bản không tồn tại nạn phân biệt chủng tộc, họ chỉ không quen đối xử với những người da ngăm đen mà thôi.
Quá trình trưởng thành của Kyoko là những năm tháng bị trêu chọc, kỳ thị tại Nhật Bản. Ảnh: Hiroki Taniguchi.
Hầu hết hafu không có làn da trắng đều bị đối xử phân biệt công khai trong xã hội.
“Một người phụ nữ Nhật Bản da đen kể với tôi rằng hồi còn nhỏ, các bạn học cùng lớp đã đưa miếng bọt biển cho cô ấy để ‘rửa sạch làn da đen’. Điều đáng chú ý là các giáo viên cũng hùa theo”, Tetsuro Miyazaki, một nhiếp ảnh gia mang hai dòng máu Bỉ - Nhật Bản, chia sẻ.
Kyoko, một cô gái có bố là người Mỹ gốc Phi, mẹ là người Nhật Bản, kể lại: “Tại thành phố Chiba, tôi và các anh em trai là những đứa trẻ lai da đen duy nhất. Hồi 8 tuổi, một nhóm bạn cùng lớp nghĩ rằng thật thú vị khi gắn những cục tẩy vào mái tóc của tôi. Họ cười òa lên rằng ‘nhìn kìa, chúng không rơi xuống’. Tôi cảm thấy khó chịu nhưng không muốn to tiếng. Và đó cũng là cách duy nhất tôi có thể kết bạn với họ”.
Kyoko thừa nhận người dân xứ Phù Tang coi phong trào Black Lives Matter không liên quan đến họ, cũng như việc phân biệt chủng tộc không tồn tại. Có lẽ đó là do họ không tương tác mấy với người da đen trong cuộc sống hàng ngày.
Tay vợt Nhật Bản Naomi Osaka là trường hợp hafu da đen đặc biệt do được yêu mến. Ảnh: Forbes.
Trên thực tế, chỉ 2% dân số Nhật Bản là công dân mang hai dòng máu, theo số liệu thống kê năm 2018. Vì vậy, các hafu thường bị cô lập, dè chừng.
“Ngay cả bạn bè của tôi cũng không biết về vấn đề này có tồn tại ở quê hương. Tôi là người bạn da đen duy nhất của họ. Và Black Lives Matter không phải chủ đề phổ biến trong các cuộc trò chuyện hàng ngày”, Kyoko nói với VICE.
Kyoko cho biết mỗi khi cô lên tiếng vì cảm thấy bị xúc phạm, cô sẽ lại nhận được những lời phản hồi như “họ đâu cố ý đâu”, “họ chẳng có ý gì xấu” hoặc “dân tộc Nhật Bản vốn đồng nhất”.
“Ở xứ Phù Tang, phân biệt chủng tộc theo khuynh hướng chính trị thì hiếm thấy, nhưng phân biệt chủng tộc trong đời sống hàng ngày thì tồi tệ hơn thảy, dù tôi thấy sống ở Nhật Bản an toàn hơn Mỹ”, cô nói.
Hồng Chang