ĐÁM GIỖ ÔNG CỤT ĐẦU (Trương Chí Lực)
Jul 11, 2022 16:10:00 GMT -6
Post by phongvien007 on Jul 11, 2022 16:10:00 GMT -6
ĐÁM GIỖ ÔNG CỤT ĐẦU
1. “Dô đi! Đám giỗ ông Cụt đầu, ai dự cũng được. Ổng linh lắm. Nhiều người đi đám giỗ ổng về hên lắm đó. Có người trúng số nữa…” Tôi nghe lạ nhưng vẫn còn hơi ngần ngại vì mình chưa hề quen biết ai trong ấy, tự nhiên thấy nhậu lại nhào vô, mặt mũi đâu mà làm vậy. Thằng bạn tôi bổng quay vô nhà đang đông khách nói thật to “Ơi! Ai kêu tui đó, có tui đây!..” Nghe thằng bạn tôi nói, trong nhà có nhiều tiếng đáp ra “Ủa! Đâu có ai kêu …” Tưởng đâu hắn sẽ bị quê và thụt luôn. Nào dè hắn lại nắm kéo tay tôi “Dô đi! Lẹ lên, được rồi đó…” Vừa nói, hắn vừa đi nhanh vào, thoát một cái đã nhập được bàn thứ nhất
2. Vào mùa gió chướng cách đây khá lâu có một cái xác nổi lờ đờ và tấp vào đám cây mắm cạnh bến đò. Bến đò nầy có hai người đưa đò, Tư Mưa ở phía bờ trên và Ba Đen ở bến dưới. Sự phân chia đôi bờ nầy, là một sự thống nhất suông của hai bên từ bao đời không ai biết nhưng chính nó là lý do khiến hai chủ đò đỡ phải khổ sở giải quyết những phiền phức do người làm hoặc con cái gây ra vì tranh khách. Tư Mưa nói “Mỗi người một bên, nước sông không đụng nước giếng, bờ ai nấy rước, yên ổn…” Theo nhiều người trong bàn tiệc thì khi cái xác nổi lờ đờ, hình như con của Ba Đen là người phát hiện đầu tiên, nhưng hắn sợ quá và lên nhà báo với mẹ nó. Vợ Ba Đen mắng con “Mầy đưa đò thì lo đưa đò, chuyện đó lờ đi, đừng có ngu coi chừng ách giữa lại mang vô cổ… ” Nghe mẹ mắng, thằng con Ba Đen hiểu ý, làm thinh nhưng trong lòng vẫn lo thấp thỏm, không được yên. Đò của nó qua lại mấy lần nó đều nhìn và tim lại thình thịch đập khi thấy cái xác vẫn còn lững lờ. Không phải thằng con Ba Đen sợ ma hay sợ xác chết mà nó sợ cái khác. Ở Bến đò nầy, bao đời nay, người lớn, người nhỏ gì hễ thấy xác chết trôi là phải buộc lại và báo cho Công an. Ai thấy mà không làm như vậy thì làng xóm sẽ quở trách là không biết làm phước. Mà làm phước thì mới được phước, mới được phật trời phù hộ cho làm ăn khá giả. Thằng nhỏ lại lên thủ thỉ với ba nó. Ba Đen, thay vì lấy dây buộc cái xác như lệ thì đã lấy sào đẩy nó trôi dạt qua phía nhà Tư Mưa. Xong Ba Đen nói “Xong rồi! Cho khỏe, kéo dô mà chi, Công an họ tới rồi hỏi hạch đủ điều… mà mấy cha công an lần nào hỏi cũng quậm trợn, cứ làm như mình là tội phạm vậy…”
3. Bưng thau quần áo nặng trịch bước xuống cầu lủi để giặt, bất ngờ chân của vợ Tư Mưa chạm phải cái xác, vội trèo lên hớt hãi gọi chồng. Tư Mưa vừa trãi xong đáy vội quay ghe vào bờ. Tư Mưa soạn tìm trên ghe một sợi dây thích hợp rồi nhảy xuống nước cột vòng qua cái xác kéo lên bờ. Nhiều người khi nghe tiếng kêu của vợ Tư Mưa đã xúm xít lại xem khá đông và hốt hoảng khi thấy cái xác người do Tư Mưa vừa kéo vô đã bị mất cái đầu. Tư Mưa bảo vợ nhanh chóng điện báo cho Công an xã. Hơn ba giờ đồng hồ trôi qua, Công an xã, huyện, tỉnh đều có đến. Họ lập biên bản, lấy lời khai, chụp hình, giảo nghiệm tử thi… rùm beng lắm rồi mới cho Tư Mưa chôn. Vì không chôn thì chắc chắn sẽ không khỏi ô nhiễm. Tư Mưa dù không phải típ người lạc hậu, nhưng làm nghề sông nước ai cũng có trong lòng đức tin. Ngày chôn, Tư Mưa có làm một mâm cơm tươm tất, có bàn hương đèn nhang nghi ngút. Tư Mưa van vái người khuất mặt sống khôn, thát linh và xin đất đai, vương trạch, thổ địa, thành hoàng ở đây cho ông được an táng thuận lợi. Ông xin được gọi người quá cố là “Ông Cụt Đầu”. Một nấm mộ được đắp cao, dưới chân có cặm tấm bia, dù không ghi được họ tên nhưng khách đi đò ai cũng biết đó là mộ của “Ông Cụt Đầu”. Tư Mưa nguyện với người quá cố là ông sẽ lấy ngày nầy, tháng nầy làm ngày giỗ hàng năm cho ông ấy...
4. Không biết người khuất mặt ấy có thuận hay không nhưng việc chôn cất đã êm đẹp và những người giúp Tư Mưa sau khi chôn Ông Cụt Đầu xong đã nhậu một trận tưng bừng khói lửa, say xỉn tới bến nhưng đều về đến nhà an toàn. Ai cũng nói Ông Cụt Đầu rất linh và phù hộ Tư Mưa làm ăn lên vùn vụt. Đám giỗ Ông Cụt Đầu tại nhà Tư Mưa giờ đây đã thành “ngày nhậu” không quên của dân xóm Đáy và khu vực bến đò. Thấy vợ chồng Tư Mưa làm ăn ngày càng thêm phất còn nhà mình thì ì ạch, vợ Ba Đen không khỏi thầm ghen và tiếc rẻ một dịp mai đã mất. Bà nói với chồng “Đúng ra phần phước ấy thuộc về mình, nhưng ông và thằng…” Không để cho vợ nói hết lời, Ba Đen e hèm một tiếng, trong đầu lóe lên một toan tính…
5. Đêm mười sáu, vầng trăng thăm thẳm từ trên đỉnh đầu chiếu xuống. Bầu trời trong vắt như một khối thủy tinh. Gió chướng đẩy sóng đập vào bờ từng đợt, từng đợt nghe ầm ầm. Bóng những tàng cây mắm to lắc lay trộn vào ánh trăng vàng óng ẩn hiện những vệt đen lập lờ trong không gian vát vàng lộng lẫy. Ba Đen lắng nghe từng đợt sóng và cũng nghe rõ tiếng ầm ập của từng tảng đất ven bờ bị các lưỡi sóng gậm nhấm rơi dần, rơi dần và tan trong thủy triều trôi ra biển. Không còn bao lâu nữa chắc chắn sẽ lở tới mộ của “Ông Cụt Đầu”, Ba Đen đoán chắc như vậy. Và, với kinh nghiệm của một người từng sinh sống trên đầu sóng ngọn gió, Ba Đen tin mình sẽ còn cơ hội làm phước với “Ông Cụt Đầu”- tất nhiên là làm phước để được phước như Tư Mưa vậy! Từ hồi chiều, trong bàn tiệc cháo vịt cúng các đảng, Ba Đen đã cương quyết không nhậu say khi ông chỉ xin keo có một lần đã được keo - cái điều ông van vái. Nhưng ông không hề cho ai biết – kể cả vợ con ruột là ông đã van vái điều gì và ông sẽ làm gì. Ông biết việc ông sắp làm không phải và không bao giờ là chuyện nhỏ. Ông phải làm bởi ông đã xin keo được, đây là cơ hội, “Phúc bất trùng lai”, bỏ lỡ sẽ không thể nào còn được.
6. Dưới bóng trăng, Ba Đen hì hục đào bới. Tim hắn đập thình thịch. Gió chướng ngoài vàm lại thổi mạnh vào. Từng đợt sóng cứ hất nước lên đầu, lên lưng hắn. Bổng Ba Đen thấy rợn người. Một sợi lạnh từ đâu vắt vào cổ rồi chạy dài dọc theo sóng lưng hắn. Ba Đen cắn môi, đưa đầu ngón tay cái của bàn tay phải vào đúng chân của ngón áp út để bắt ấn tý. Hắn lâm râm khấn vái. Nhưng tự thân hắn cũng không rõ mình đang khấn vái điều gì. Hắn tin rằng khi gặp bất an, hắn tụng “nhất tâm bất loạn” với nhiều lần “Nam – Mô – A – Di – Đà – Phật” thì lòng hắn sẽ đỡ lo. Bổng hắn nghe như có ai đang lội trong nước lổn xổn từ sau lưng hắn. Hắn cắn môi, hít sâu, lấy lại bình tỉnh. Bất chợt hắn cảm nhận có một giọt mặn từ môi mình có mùi tanh của máu. “Không phải máu chứ! Có lẻ chỉ là nước biển thôi…” Hắn tự trấn an một lần nữa, nhưng lòng vẫn chưa an. Buông vá không đào nữa, hắn ngoái nhìn ra phía sau lưng. Bóng trăng vẫn chập chờn trên nước nhưng hình như có mây đen đang vần vũ kéo đến. Trời sắp mưa – “Cơn mưa chướng cuối cùng của mùa mưa, chắc sẽ không là mưa nhỏ, tiếp tục hay bỏ cuộc?” Ba Đen tự hỏi và cũng tự kiểm rằng từ xưa đến nay hắn chưa bao giờ run sợ và bỏ cuộc một đeo đuổi nào khi đang ở giữa đường. Trời lóe lên một tia chớp làm sáng rõ cả khu vực. Ba Đen nhìn thấy rõ từng tán cây lá vừa xanh vừa trắng ngà của mắm. Những trái mắm rụng, nẩy mầm nở bung ra như những quả tim nho nhỏ chập chờn trôi lờ đờ mặt nước. Sau tia chớp, trời như tối hơn. Ba Đen nghe thấy chiếc vá hắn đã buông từ chỗ đang đào khua sột soạt và như đang chuyển động. Hắn nhắm kín mắt lại rồi mở ra tập trung nhìn. Vẫn một màu đen. Hắn bạo gan đưa tay sờ sọang, chộp được cái cán vá rồi lần theo tới lưỡi. Bất chợt hắn giật tay ra, miệng thều thào “Con cua! Làm hết hồn…” Ba Đen tóm con cua một cách dễ dàng. Và, với kinh nghiệm hơn hai mươi năm sinh nhai từ rừng, biển… Ba Đen đoán được đây là một con cua đực sắp rủ, nhưng đúng là y đầu, chắc chắn lúc nầy đem bán phải được hơn trăm ngàn. Hắn quyết định tạm dừng, một tay cầm con cua to tướng, còn tay kia hắn cầm chiếc vá len lõi về nhà. Trời đổ mưa to. Hắn tin không ai phát hiện ra những gì hắn đã làm.
7. Đêm sau hắn quyết định tiếp tục công việc đào bới. Hắn quyết tâm lấy cho được hài cốt của “Ông Cụt Đầu” và cải táng về đất của hắn xong trước khi mãn tháng Mười âm lịch. Hắn tin, được cải táng và xây mồ yên mã đẹp lần nầy “Ông Cụt Đầu” nhất định sẽ phù hộ gia đình hắn làm ăn phát đạt. Hắn sẽ xây mồ xi măng, dán gạch men thật đẹp cho ông… nhưng cái khó là hắn sẽ ghi tên như thế nào trên phần bia ngôi mộ ấy!? Tết sắp đến nơi rồi. Từ đây tới đó là khoảng thời gian mà cha con hắn lao vào các cuộc chơi như đá gà, đánh bài… còn vợ hắn thì hình như ngày nào cũng vé số, số đầu, số đuôi, bao lô… chỉ cần “Ông Cụt Đầu” phù hộ một cái thì qua tết cả nhà hắn sẽ phất. Hắn đã nhớ ra và quyết định ghi trên bia mộ hai chữ “Thần Tài”, nhưng không ghi bằng chữ Quốc Ngữ mà là chữ Nho, chữ Nho ít người biết, ít người biết thì ít người bàn… Hắn mò tìm chỗ đào dỡ từ hôm qua và tiếp tục với một quyết tâm mới “Không xong, không về!”. Trăng vẫn sáng rực, trời trong vắt hơn cả hôm qua vì không hề có một dấu hiệu mưa. Ba Đen đưa từng nhát vá chuẩn xác luồn sâu dưới chân đất của ngôi mộ “Ông Cụt Đầu”. Hắn tự tin rằng cả cái xóm đáy nầy, kể cả những cựu binh đặc công chưa chắc có ai có thể thi đào đất đêm mà qua được hắn. Hơn nữa, vì có “Bà Thủy” hỗ trợ, nên hắn đào đến đâu là bùn đất được sóng đẩy đi tất tật. Dưới cái hốc được khoét càng lúc càng sâu trong lòng đất và vầng trăng mười bảy hắn cố lèn lách cái lưỡi vá vào sâu bên trong với hy vọng hoàn thành trước khi trăng khuất. Bổng “Cụp!!!”. Lưởi vá của hắn chạm vào một vật gì cứng như gáo dừa và một cái đầu lâu thật to nổi lên hiện hữu dưới bóng trăng. Hắn không tin vào mắt mình bởi hắn thừa biết từ lâu không có ai vớt được hay chôn thêm vào ngôi mộ ấy cái đầu nào!?? Hắn nghĩ có thể do hắn tập trung quá mức nên hoa mắt hay ảo giác gì đó như những lần quá say rượu??? Hắn cố định tâm bằng cách lấy từ trên nón một điếu thuốc rồi bật quẹt gaz rít ngay một hơi đủ đã. Nhưng trước mặt hắn, cái đầu lâu vẫn hiện hữu và còn từ từ trôi đến gần chân hắn. Càng lúc hắn thấy hình như cái đầu ấy muốn cố đứng lên, tóc mọc xòa ra, hai con mắt lóe chớp lên những tia lửa xanh lè. Hắn cố trấn an bằng mọi cách nhưng vô hiệu, chiếc đầu lâu cứ cọ cựa vào hai chân hắn, lạnh ngắt. Hắn nghe như có tiếng nghiến răng và có cả tiếng “Cú! Cú! Cú!... ” từ đâu cứ nhịp ba hòa vào… Hắn hốt hoảng, kéo hai bàn chân khỏi vũng bùn cát, chạy thụt mạng.
8. Tư Mưa hốt hoảng khi thấy mộ “Ông Cụt Đầu” bị ai đào. Những người hàng xóm cũng lục tục đến coi. Ông Bảy Lễ kêu Tư Mưa lại nói nhỏ “Tìm xung quanh coi có để lại dấu vết gì không? ” Tư Mưa bước xuống loay oai mò và phát hiện một cái vá. Một cái vá lưởi đúc, có cán bằng cây cầy. Ba Đen nhìn cây vá tái mặt, nói bông long “Dân xứ nầy, ai không biết cây cầy làm cán vá là hết kị…” Tư Mưa đưa cho ông Bảy cái vá. Ông Bảy cầm lên săm xoay cái cán, nói “Cái cán vá cây cầy nầy có hai cái mắc như hai con mắt… hình như được đốn ở voi rừng đầu tắc đây mà… ” Mọi người trố mắt, chờ nghe ông Bảy Lễ nói tiếp xem cây vá của ai, nhưng ông Bảy lại dừng.
TCL
Truyện của: TRƯƠNG CHÍ LỰC
“Ủa, hỏng có ai kêu tui ha..? Vậy mà … a… tui bậy quá…” nói đoạn hắn bưng lên một ly rượu đã rót sẵn trên bàn … “Dạ!… Xin… xin tự phạt mình một ly..” dứt câu thì nốc cạn. Như đã thuộc lòng cái tuồng ấy, một người trong bàn bưng ly lên “Tui làm chứng, vậy đóng dấu với ông nè!” Hắn liền đỡ ly rượu nốc phân nữa còn lại và gần như trở thành người trong cuộc, hắn cặp vai tôi nói với mọi người “Xin giới thiệu đây là người bạn mới quen của tui, nghe tui nói nay nhà Tư Mưa đám giỗ ông Cụt đầu, ổng theo tui đi dự luôn, nhưng không kịp mua quà cầm tay, không biết gia chủ có tiếp không?” Nghe hắn nói vậy, từ bàn bên kia, một người đàn ông nhỏ người đứng dậy “Đâu có gì mà không tiếp, xin mời hai anh qua đây luôn!”. Người đó chính là anh Tư Mưa – chủ nhà. Khi đã bình tâm ngồi xuống bàn với sự ân cần đón tiếp của chủ nhà tôi đã tự tin hơn và tò mò quan sát khung cảnh. Toàn khu nhà Tư Mưa đã toát lên một sự sung túc của gia chủ - tủ, bàn, ghế… thức ăn, rượu… bến ghe…. Trong đó gây ấn tượng nhất khi đập vào mắt tôi có lẻ là chiếc tủ thờ cẩn ốc xà cừ và bộ ngựa ván hương bốn tấm, mỗi tấm có bề gáy dày hơn một tấc. Tư Mưa niềm nỡ hỏi thăm tôi về nghề nghiệp gia quyến… Tôi phải đành trả lời theo kiểu nói láo vô hại rằng tôi đang đi khảo sát để mua đất nuôi trồng thủy sản. Thật ra từ trước đến nay, cái tôi chúa ghét là mới quen người lại không nói thật. Nhưng thằng bạn nói dân ở đây hể biết mình là nhà văn, nhà báo thì họ rất dè chừng, cảnh giác … tốt nhất là tìm cách nhập cuộc rồi thư thả khai thác. Nó cam đoan với tôi là thông tin trên bàn nhậu, tính chân thật luôn đạt trên mức sáu bảy mươi phần trăm. Thì “Ngộ biến tùng quyền” vậy. Với tư cách của một người “Ăn chực cấp hai”- thằng bạn tôi cấp một- tôi từ tốn “giao ly” với nhiều người trong bàn và khéo léo khơi gợi để được nghe kể về nguồn gốc của câu chuyện “Đám giỗ ông Cụt Đầu”…
“Vé số đây! Ai làm phước thì được phước. Thần Tài gõ cửa đây..!” Đó là tiếng rao của Tư Xì Ke- kêu vậy vì nó ốm nhách- người vẫn thường xuyên bán vé số tại nhà Tư Mưa trong đám giỗ của ông Cụt Đầu, nhiều người đã phát tài nhờ hắn. Ai cũng quay ra kêu mua vé số.
Bổng vợ Ba Đen nhí nhố kêu Ba Đen “Ông Ba về liền! Thằng nhỏ phát bệnh lại rồi nè!” Có vài người theo tới nhà Ba Đen. Thằng con trai duy nhất của ông đang cơn bệnh tâm thần tái phát vừa múa hát vừa nói nhảm “Ông Cụt Đầu ơi ! Xin phù hộ nhà con!... Xin phù hộ … à í a …à í a…”