NGÀY XƯA CÓ MỘT THẰNG NHÓC…
Sept 2, 2022 17:57:21 GMT -6
Post by phongvien007 on Sept 2, 2022 17:57:21 GMT -6
Ngày xưa có một thằng nhóc… – Phần 1 và 2 (Quang Nguyên)
Publié le 2 mai 2022
Thầy cô và các bạn thân mến, ngày xưa khi còn là học sinh, nói đến đi Sài Gòn thì chắc là cậu học sinh nào cũng thích và muốn đi…, tuy nhiên phải đi với cha mẹ hay người thân trong gia đình, chứ rỏ ràng là không cậu học trò nào dám đi Sài Gòn một mình,…nhất là ở cái tuổi trên dưới 10 tuổi…Thế mà trong câu chuyện hồi ký dưới đây, tác giả Quang Nguyên sẽ kể lại cho chúng ta từng chi tiết một, không bỏ thiếu một giai đoạn nào về chuyến đi « phiêu lưu » từ Hà Tiên lên đến tận Sài Gòn, một thân một mình, trong túi thì chỉ có mớ giấy tờ đơn từ mà thôi chứ không có một đồng hay một tờ giấy bạc nào để chuyến đi được vẻ thú vị, thoải mái…Thật vậy, được người mẹ trao cho một « sứ mệnh » là đi lên Sài Gòn tìm Bác Ba để người bác chứng vào giấy tờ bảo lãnh cho người cha ra khỏi trại về nhà sớm, khỏi phải đi lên đến tận ngoài Bắc tiếp tục học tập…!! Vì hoàn cảnh gia đình không thể có ai đi để làm công việc đó được, tác giả – lúc đó chỉ là cậu bé (và cũng có tên gọi ở nhà là Bé) – khoảng trên dưới 10 tuổi,…phải liều lĩnh nhận lấy công việc nầy. Thật ra nói liều lĩnh nhận việc cũng chưa hoàn toàn đúng vì cậu bé nầy cũng rất « khoái » đi một mình như vậy mặc dù là không biết rồi sự việc sẽ diễn ra làm sao,…, chính cậu ta gật đầu chịu đi Sài Gòn một mình theo như mẹ cậu giao công việc, mà trong lòng cậu bé nầy nửa rộn ràng nửa lo âu…
Thế rồi không phải chỉ có cậu ta lo âu mà quả thật là chúng ta – độc giả – cũng phải lo âu và hồi họp theo dõi câu chuyện nầy vì dù cho người ta có tính toán, sắp xếp chương trình đi đứng cẩn thận vẹn toàn đến đâu mà nếu giao dự án đó cho cậu bé nầy thì do tính chất « vô tư lự » trẻ con, cậu ta sẽ không ngần ngại « chế biến » chương trình tính toán đường đi nước bước trở thành hoàn toàn khác hết cả những dự tính…, và rồi từ đó, cậu bé chỉ còn có cái an ủi là « sự việc sẽ tới đâu tính tới đó », cầu mong vào sự may mắn, tháo vát dù chỉ là do suy nghĩ của một đứa trẻ hơn 10 tuổi…Thân mời thầy cô và các bạn đọc tập hồi ký dưới đây, có rất nhiều chi tiết, nhiều sự cố đến liên tiếp mà mình không thể nói trước ra đây vì muốn trao cho quý vị sự thích thú, bất ngờ khi đọc bài. Đó là một câu chuyện cũng như mọi câu chuyện kể ra trên Blog nầy, có thật mà tác giả đã trải nghiệm qua, đã sống từng giây từng phút các chi tiết có thú vị có cay đắng mà may mắn thay hồi kết cuộc rồi cũng sẽ tốt đẹp. (Paris, 02/05/2022 Trần Văn Mãnh viết lời giới thiệu).
NGÀY XƯA CÓ MỘT THẰNG NHÓC…
Phần 1/ ĐƯỢC ĐI THĂM NUÔI:
Ba nó đi cải tạo vậy là đã hơn một năm, năm đó má chỉ mới 36 tuổi, má một mình chăn một bầy 8 đứa con và một đứa cháu, tất cả những đứa đủ tuổi đều được đi học, bà quả nhiên là một bà mẹ anh hùng. Có người cũng thương cảm mà khuyên má sao không cho mấy con nghỉ học để người ta chỉ công việc cho làm kiếm cơm – có nghĩa người ta nuôi cơm mình và mình làm việc cho họ, cũng là cách để giảm áp lực cho bà, nhưng má quyết tâm cho con mình ăn học đàng hoàng trong mọi hoàn cảnh, bà là giáo viên nên bà hiểu rất rõ chuyện học quan trọng thế nào.
Đã rất nhiều lần thằng Bé xin nghỉ học, nhưng thật may cho nó khi bà luôn kiên quyết: “không!”
Thật ra không có bà mẹ nào muốn con mình cực khổ, nhất là khi chúng nó còn quá nhỏ. Thằng Bé vô tư không biết rằng hằng đêm bà nuốt nước mắt vào lòng khi nghe tiếng rao bánh mì lanh lảnh trong đêm khuya của hai anh em nó. Bà là người mẹ cứng rắn, anh chị em thằng Bé không bao giờ có ký ức về sự dịu dàng của má, bà không thể hiện ra ngoài bao giờ, nhưng phải thấy sự hy sinh, gồng gánh của má khi đó – trong hoàn cảnh một gánh 9 đứa nhỏ và chồng thì đang “ở trỏng” – thì mới thấy bà cao cả như thế nào! Với thằng Bé, má là tổng tư lệnh nên má muốn gì hay không muốn gì thì nó phải nghe. Đơn giản vậy thôi!
…Ba cải tạo ở U Minh, (nghe cái tên đã thấy không lối thoát rồi) sau đó được chuyển về Cần Thơ. Được người ta cho phép đi thăm nuôi, má dẫn cả nhà đi thăm ba lần đầu tiên và duy nhất.
Còn nhớ sau khi đi xe chuyền ba bốn chặng từ Hà Tiên đến Trà Nóc, xe đò bỏ cả gia đình thằng Bé ở ngoài lộ Trà Nóc, má bèn dẫn một bầy con nít lủ khủ, lôi thôi lếch thếch, đồ đạc linh tinh, đứa nọ bồng đứa kia, dắt dây dưa, kéo rồng rắn đi bộ hơn 1km để vào trại tập trung của ba đang ở. Đó là một phần đất rất rộng của sân bay Trà Nóc. Đột nhiên, nó thấy một chiếc xe nhà binh chở một đám người trên đó, có người nhận ra má vẩy tay chào, đó là những người mà hơn một năm trước họ là những sĩ quan quân đội của một chính quyền khác biệt lý tưởng.
Người ta chưa cho vợ gặp ngay chồng, cha gặp ngay con để họ thỏa lòng mong ước… Các gia đình đi thăm nuôi đông lắm, tất cả được lùa vào một hội trường bự chảng, thằng Bé tìm ba trong đám đông các ông đang ngồi dưới đất mặc đồ lính VNCH (?) (Thật ra sau này ba nói, má đốt đồ lính đi là quá uổng phí, vì khi đi cải tạo, mấy ông cán bộ mở kho quân nhu của Mỹ phát áo quần lính cho đi lao động chứ họ làm gì có điều kiện bao cấp khoảng đó?). Ba đã thấy cả nhà và hình như ba đã khóc, vì khi ba đi thằng Út đang trong cái bụng ‘chà bá’ của má, còn bây giờ nó đã đứng chựng được rồi, thằng Út với cái đầu ba vá đang chập chững bi bô với mọi người quanh nó.
Tuy nhiên cuộc trùng phùng đáng mong đợi vẫn chưa xảy ra vì cán bộ phải giảng cho một bài chính trị trước khán giả là hàng mấy trăm tù nhân đang ngồi dưới đất, còn vợ con họ đang được tách ra đằng kia. Một ông chính uỷ lên nói rất là dài, là rất dai, những giáo điều thuộc lòng, là lý sự của kẻ chiến thắng… Sau một hồi thật lâu mà khiến đám con nít các nhà phải mỏi mòn chờ đợi, khiến cho cơ thể phản ứng chuyển sang trạng thái bền vững từ ngồi tới nằm thì ông nọ mới nói xong. Nhưng chưa! Ông bắt đầu bắt nhịp hát bài “Bác Đang Cùng Chúng Cháu Hành Quân”, bắt tất cả các ông sĩ quan chế độ cũ trong hội trường hát theo. Tay ông ấy bắt nhịp bằng cách chém những đường rất dứt khoát, rất mạnh vào không khí như nhà nông đốn mía, mặt thì nghiêm trọng, trông rất ấn tượng hung hăng. Mọi người phải hát trong ánh mắt đảo quanh của những cán bộ quản giáo. Sau khi hành quân rồi thì bác đại thắng vì sau bài hát đó là bài “Như Có Bác Trong Ngày Vui Đại Thắng”!
Thật tội cho mấy ông sĩ quan khác biệt lý tưởng đang sa cơ lỡ vận, với họ đó là một sự sỉ nhục, một hoàn cảnh thật lố bịch, bi và hài.
Ba hôn từng đứa (đương nhiên có cả má!), đứa nào cũng khóc vì quá nhớ ba, tụi nó có nói chuyện gì với ba được đâu vì ba má phải tranh thủ thời gian chứ? Thời gian không có nhiều, hai người phải bù đắp cho hơn một năm vắng nhà đã khiến ba má thiệt thòi trăm bề. Ba má biến đi đâu lâu lắm, anh em nó chờ đợi mấy tiếng đồng hồ luôn. Sau này lớn lên thằng Bé mới nghĩ ra là người ta cũng nhân đạo bố trí những nơi riêng tư của vợ chồng, để ở đó họ tâm sự, bầy nhỏ chút chít con nít này mà bu vào chắc ba má cắn lưỡi tự tử còn sướng hơn!
Rồi ba tặng cho mấy con những món quà làm bằng nhôm máy bay, tự ông mài gọt dũa rất đẹp, là lược lớn, lược nhỏ, là kẹp, là các mô hình cho mấy thằng con trai. Còn má được ba tặng cái gì tụi nhỏ này không thể nào biết được? Đó là “chuyện hai người”!
Chuyến đi thăm ba là một ký ức đẹp và nó “ghim” vào đầu đứa nhỏ nhiều điều khiến thằng Bé suy nghĩ đến cả đời vẫn chưa thông về các phạm trù đối nghịch: được – mất, đúng – sai, thịnh vượng – suy tàn …
Không biết hôm gặp ba trong trại cải tạo ba má đã trao đổi với nhau những gì vì đó là chuyện người lớn, chỉ biết rằng má đã rất lo lắng về tương lai của ba. Có những lời đồn về chuyện họ sẽ chuyển mấy ông sĩ quan ra Bắc (mà thật sự là dân VN mình “đồn đâu đúng đó”), mà đi ra đó thường là “mút mùa” luôn!
Cuộc chiến hai mươi năm huynh đệ tương tàn để lại trong từng gia đình VN những vấn đề xã hội mà thật sự không biết đâu là điều đúng đắn. Ba có người anh ruột trước 1954 ông dạy học tại Hà Tiên, ông đi tập kết, rồi sau là thầy giáo dạy Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông đang bị tai biến mạch máu não và về hưu sớm, sau tháng 4/75 ông được về Sài Gòn, nghe nói là học trò của ông rất nhiều và làm lớn phía Cách mạng, má chợt nảy sinh ý định là nhờ ông bảo lãnh cho ba về sớm.
Có lẽ má đã suy nghĩ mấy hôm liền sau khi đi thăm ba về, một hôm má hỏi thằng Bé.
- Mày đi Sài Gòn (SG) được không?
Nghe đi Sài gòn là nó mê tơi rồi, nó khoái đi xe đò, chỉ vậy thôi, nó hỏi:
- Đi với ai vậy má?
Má nói:
- Một mình mày chứ ai vô đây?
- Đi SG làm gì vậy má?
- Kiếm nhà bác Ba, anh của ba.
- Sao mà con biết nhà bác?
- Thì có địa chỉ! Đường đi ở trong miệng chứ đâu!
Cũng như mọi khi, thằng Bé hay hỏi, nó hỏi linh tinh. SG thì nó đã từng đến nhưng là do ba má dắt đi không thôi và mấy năm mới đi một lần, nó nhớ khu nhà bà ngoại ở gần cổng xe lửa số 9 đường Hoàng Văn Thụ. Nơi mà ngày xưa cứ mỗi mùa hè má dắt anh em nhà nó đi thăm ngoại và mấy bà dì, nhớ cái đường ray mang nhiều kỷ niệm quậy phá của cái đám con nít trong xóm hẻm Lê Hữu Từ, nhớ về cái tên “sư cọ đầu bang” mà tụi con nít trong xóm đạo đặt cho nó vì chỉ có nhà ngoại là đạo Phật trong cái xóm Công giáo, hơn nữa đầu do nó thường hớt cua như lính Mỹ vậy.
Nó nhớ mấy thằng bạn trong xóm thường nghịch ngợm “ị” vào trong cái bọc nilon rồi để trên đường ray để khi xe lửa chạy ngang văng tung toé, xú uế thối inh cả một xóm, và rồi sẽ nghe mấy bà mẹ chửi đổng, chửi nháo nhào cả xóm lên rằng con nít nhà nào mất dạy, mà mấy bà Bắc kỳ đã chửi thì khỏi phải nói, đạt đủ cả cường độ, tốc độ và độ nặng của ngôn từ bằng những câu thơ văn vẻ. Cũng cái đường ray đó mà anh em nó “lợi dụng” một cách nhẹ nhàng hơn, chúng lấy cây đinh sáu phân để lên trên mặt ray để khi xe lửa chạy ngang sẽ cán nát bét dẹp lép như con tép, rồi tụi nó làm dụng cụ chơi trò dích hình ăn hình với con nít trong xóm, hình thì mua ở các sạp báo, các tấm hình cỡ trang vở in loè loẹt các phim hoạt hình về siêu anh hùng thời đó như Batman, hình các chuyện cổ tích Việt Nam v.v… Tụi nó cắt ra từng ô nhỏ theo khuôn hình có sẵn, xong nhập vào mỗi thằng chơi là 10 hình, hay tuỳ giao hẹn, trải ra sao cho có hình văng ra, đoạn dích tấm này chồng lên tấm kia, chồng được thì ăn và đi tiếp, còn không được thì tới thằng khác, cứ thế… Nó nhớ chuyện này chuyện kia rồi liều mạng trả lời má một cách dứt khoát “dạ được!”.
Kể từ đó nó đã không biết cái gì chờ đợi nó ở phía trước, nó chỉ biết là được một chuyến đi SG, đơn giản thế thôi. Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy!
Phần 2/ SAI LẦM TIẾP NỐI SAI LẦM:
Má dặn dò nó rất nhiều, có lẽ bà rất lo vì nó chỉ mới hơn 10 tuổi một chút, đường đi ngày xưa gian nan lắm chứ không như bây giờ, những ngày ấy xe cộ không còn hoạt động nhiều vì thiếu phụ tùng, nhiên liệu hiếm hoi, hoạt động giao thông hạn chế vô cùng, muốn đi từ Hà Tiên lên Sài Gòn phải qua rất nhiều chặn, thì hẳn nó phải đối diện bao nhiêu điều nguy hiểm ngoài xã hội mà thằng nhỏ này phải băng qua? Thằng Bé thấy má lo lắng nó cũng trấn an má rằng sẽ không sao, tới đâu tính tới đó (nói vậy chứ nó cũng không biết sẽ tới đâu và tính cái gì!).
Bây giờ thì nó hiểu má không có sự chọn lựa, má không đi được vì má mới đi thăm ba, nghỉ dạy nữa người ta để ý, người ta “ghim”. Hơn nữa, ngày xưa đi đâu cũng phải xin giấy phép của chính quyền, còn thằng con nít như nó sẽ không ai để ý và không phải đi xin giấy. Thằng Bé có chị có anh, má không thể để chị nó đi SG một mình vì chị mới 13 tuổi, con gái đang hồi dậy thì, cạm bẫy và rủi ro thì ẩn lậu khắp nơi, hiểm nguy cho chị sẽ nhiều hơn cho nó. Má không thể để anh của nó đi vì anh nó “hiền”quá, chỉ có nó là thằng có thể “đơn giản những vấn đề phức tạp” và là đứa có nhân tố “hành động” nên má đánh liều chọn nó.
Phải nói là má “nuôi gà biết (nhìn) cựa!”.
Nhưng tiền đâu cho nó đi? Nhà nó dạo đó “làm ngày nào xào ngày đó”, vả lại cả nhà vừa mới đi thăm ba nên không còn tiền để cho nó đi SG, má bèn gom tiền bán bánh mì của ngày hôm trước của hai anh em sau khi để lại tiền chợ thì còn đủ để cho nó qua tới Rạch Giá, dặn nó qua Rạch Giá phải tìm đến nhà người bạn của má để hỏi đường đi tiếp, mà nó thì không ngại chuyện không biết đường vì má đã nói với nó « đường ở trong miệng mày! ».
Bà bạn của má có tiệm chụp hình lớn lắm tại thị xã Rạch Giá là tiệm Tấn Hưng, má có viết cho bà vài chữ để mượn cho nó ít đồng mua vé đi SG, hồi đó không có điện thoại, muốn thông tin nhanh chỉ bằng điện tín, mà điện tín thì đếm ký tự mà tính tiền, nên liên lạc rất khó khăn chứ chẳng như bây giờ, nên má chẳng liên lạc với ai được. Má dặn tới SG nó phải bắt xe buýt (bus) từ Xa Cảng Miền Tây để về tới chợ cá Trần Quốc Toản, rồi hỏi đường Nguyễn Tri Phương, tới đó sẽ thấy cái bùng binh có một cái cột cao có cái tượng ông Nguyễn Tri Phương đứng trên đầu cột, ở đó nó phải hỏi đường Minh Mạng (nay là Ngô Gia Tự) và kiếm cái địa chỉ ghi trên giấy là nhà của Bác, “nhớ đừng làm mất giấy tờ!”- má dặn nó. Đó là các giấy tờ gửi lên cho Bác của nó gồm đơn từ, chứng nhận đang cải tạo ở trại, chứng nhận hộ khẩu v.v… để bác nó làm bảo lãnh cho ba, má dặn dò kỹ đường đi nước bước…
Thế nhưng, do thằng Bé hay làm những chuyện tệ hại nên cuối cùng mọi chuyện đều đảo lộn, và nó có một chuyến đi “lịch sử” để nhớ suốt cuộc đời.
Nó đã làm đúng theo lời má được ¼ đoạn đường, tới Rạch Giá nó gặp đuợc dì Tấn Hưng bạn của má, bà cho tiền ăn và cẩn thận mua vé cho nó đi SG, dạo ấy đường Vàm Cống là con đường Hà Tiên (HT) – SG ngắn nhất, nhưng con đường này dạo ấy rất xấu, do nước lũ, do chiến tranh, và do sau 1975 không có điều kiện sửa chữa nên xe phải đi đường Cần Thơ tốt hơn một chút.
Xe mới chạy chút xíu là nó bắt đầu làm chuyện tệ hại đầu tiên: ăn (nó rất ham ăn!), hai ba trái bắp luộc rồi tới củ ấu, rồi ăn cà rem bán dạo, rồi chuối chiên, chả chiên v.v… Khoái cái gì là nó ăn ngay cái đó, mà đồ ăn chất lượng bến cóc xe dù mà, nên chỉ độ khoảng 2 tiếng là bụng nó bắt đầu đau, nó hỏi anh lơ xe chừng nào xe ngừng được, ảnh bảo “ tới bắc!” (là phà Cần Thơ), nó bèn hỏi bao lâu thì ảnh nói “3 tiếng nữa!” (hồi đó xe chạy rất chậm), nghe tới đó nó thấy hơi lo, nhưng vẫn hy vọng có thể chịu (nhịn) được.
Nhưng đâu phải cái gì cũng như ý mình muốn đâu! Xe chạy thì chậm và đường sá hồi đó thì xấu, mà nó lại ngồi phía sau xe, chiếc xe cà tưng, cà tưng mỗi lần qua cầu (đường miền Tây cầu rất nhiều) là nó lại hót đít lại, bụng thì sôi ùng ục, nó cố nhịn, lắm khi mồ hôi ướt lưng, ướt trán… Bụng nó đau có cơn chứ không liên tục, và hết cơn đau nó lại mừng thầm, thế nhưng cái sự mừng của nó không lâu, cơn đau chốc chốc lại bùng lên và nhặt hơn, tới hồi chịu hết nổi nó nói với anh lơ:
- Cho tui xuống!
- Chút nữa tới bắc (bến phà) rồi!
- Hổng được, chịu hết xiết rồi!
- Mày cứ đái đại đây đi! – anh ấy chỉ nó cái bục cửa lên xuống
Nó nhăn mặt nói với anh lơ:
- Hông được, tui đau bụng mà!
- Thì đâu có sao, mày cứ ỉa đại xuống đường, tao vịn cho, mày con nít mà, mắc cỡ gì?
- Tui mà ngồi đưa đít ra đường là đái lên chưn anh đó! – trong đầu nó nhớ tới chuyện Trạng Quỳnh (ị mà cấm đái!)
- Vậy mày ráng nhịn chút đi! Hổng lẽ cả xe chờ mày à?
- Tui nói hổng được đâu nhe, “nó” sắp ra rồi!
Mặt nó lúc đó chắc xanh lắm, và độ chừng thằng này sẽ gây “hậu quả nghiêm trọng” nên anh lơ xe la lên:
- Xuống đê ê ê ê ê!
Bác tài bực quá la:
- “Đ.M. xuống cái con C., có một thằng nhỏ mà mày cũng không xử được?
(Xin lỗi độc giả về những ngôn từ đường phố trong bài này, có thể phản cảm đôi chút nhưng chỉ là tác giả mô tả chân thật cái tính cách và phương ngữ của người miền Nam. Sẽ có vài câu chữ hơi thô tục nhưng hoàn toàn không có ý xấu hay dã tâm độc địa trong ngôn từ người miền Nam thường sử dụng).
- Ừ! Ông giỏi thì xuống đây mà xử cái đống của nó!
Anh lơ này cũng lớn gan dám cãi lại tài xế, và có lẽ ổng cũng sợ thằng nhỏ làm bầy hầy xe ổng nên “K.K.K..E..E.E..TTT !!!”, chiếc xe cà giựt, cà giựt, cuối cùng cũng thắng lại, hành khách người thì cười, kẻ càu nhàu. Quá mừng, nó xách quần nhảy đại xuống xe, không có thời gian đi xa, nó chui vào lùm cây bên vệ đường làm một “bản trường ca”đầy âm thanh, màu sắc, có cả trống, kèn, và nhạc du dương!
Nó đang lim dim tận hưởng cái thứ tư trong bài “tứ khoái” thì bỗng nghe tiếng chó sủa ầm ầm sau lưng, ngoái lại thấy có một bầy chó lao ra, lúc đó nó mới định thần là mình đang ngồi trước nhà người ta; hoảng hồn, nó bứt đại nắm lá cây (lúc nãy nó quên xin ai đó trên xe một chút giấy), quẹt vội vàng, vừa chạy vừa kéo nhanh cái quần xà lỏn thót lên xe, làm anh lơ xe và hành khách một phen cười muốn bể bụng! Xe cà rịch cà tang lên đường, ngoái lại nó thấy có 3 con chó đang dọn cái mớ bầy hầy của nó.
Nó học thêm các bài học sau những lần gặp “tai nạn” kiểu như vậy.
Xe chạy tới khoảng gần Thốt Nốt đột nhiên bị hư, nó nghe nói là bị hư nặng phải cho người về nhà Rạch Giá lấy đồ sửa xe. Nó chưa liên hệ được chuyện này hệ trọng thế nào, nó nghĩ sửa xong sẽ chạy tiếp chứ có gì đâu? Nó thấy người ta rục rịch bỏ xe, tới chiều tối thì trên xe chỉ còn nó và anh lơ giữ xe, bác tài thì cũng đã đi mất vì bác làm nghề lái xe thì đâu thiếu chỗ ngủ “êm ấm” dọc đường? Anh lơ hỏi nó sao không bỏ xe đi tiếp, nó bảo nó lỡ ăn hết tiền rồi chỉ còn mấy đồng đi xe buýt thôi, ảnh nói rằng sẽ không sao, xe sửa xong thì đón khách đi SG tiếp mà như vậy ông tài xế ổng thích hơn vì bây giờ xe trống hoác, đỡ hao dầu mà còn đón được thêm nhiều khách.
Khuya có người ở Rạch Giá đến nói phải đi SG mua đem phụ tùng về và như vậy thì mai xe cũng sẽ không xong, đêm đó nhờ anh lơ xe mà nó biết những địa danh mà nó sẽ qua khi đến SG. Ảnh hỏi nó đi làm chi, nó nói nó đi đưa đơn để má nó bảo lãnh ba nó bị đi cải tạo, người Miền Tây dạo ấy nghe nói đến “người cải tạo” họ dễ sinh lòng trắc ẩn, thương tình ảnh nói “để mai tao đón xe quen để gởi mày đi cho!”.
Đêm đó lần đầu tiên trong đời nó ngủ ngoài đường rất xa nhà, chứ ở Hà Tiên khi đi bán bánh mì nó ngủ bụi ngoài thớt thịt của bà Út Cà Mau thì cũng thường, giờ nó ở trong tình trạng “một mình một ngựa một khẩu súng…nước” với một anh lơ xe xa lạ tốt bụng, nên nó yên tâm ngủ. Tới khoảng 9-10 giờ sáng hôm sau anh ta đón được chiếc xe, mà xe này chỉ đi tới Vĩnh Long thôi, ảnh nói:
Đi hay ở tuỳ mày thôi chứ tao hổng biết chừng nào sửa xe xong, đi thì tới đó mày xin quá giang tiếp!
Anh mua cho nó ổ bánh mì không và nó ăn ngấu nghiến, mặc cho anh lơ xe đang nói giúp với tài xế xe quen anh ấy cho nó đi quá giang đến bến xe Vĩnh Long.
Đường xa lại đói bụng quá nên nó ăn hết những đồng tiền cuối cùng. Khát nước thì nó xin nước uống, không ai nỡ không cho một thằng nhóc trắng trẻo dễ thương như nó một cốc nước lạnh, bụng nó đã đỡ rồi vì đêm qua khi nó nằm đường với anh lơ xe nó đã tranh thủ tháo hết cái mớ hỗn độn trong bụng; tuy vậy, giờ dù nó đói nó chưa dám xin ăn, bởi lẽ nó biết người khác cũng đói như nó, cái ăn là vấn đề rất quan trọng.
Nó hỏi thăm mọi người từ Vĩnh Long về tới SG còn bao nhiêu cây số người ta nói còn khoảng 150 cây; lúc này nó thấy thật sự hoang mang, vì bây giờ nó không còn một xu dính túi, nhiệm vụ thì chưa hoàn thành, nó xin đi quá giang thì người ta không cho, cũng dễ hiểu vì trong điều kiện kiếm tiền cực khổ và đi lại khó khăn thì một chỗ đu đeo trên xe – dù là một thằng nhóc – cũng là cơm là gạo.
Chưa bao giờ một mình mà nó đi xa như vậy, nó không có khái niệm SG xa như thế nào.
Phải nhắc lại rằng mấy năm đó xe cộ rất hiếm vì hiếm nhiên liệu, hiếm phụ tùng, các chủ xe đều không còn xe mà phải xung công, hoặc “công tư hợp doanh” với hình thức khoán để ăn chia với nhà nước, nhà nước cấp nhiên liệu, họ phải chịu làm để còn được kiếm ăn. Nhà xe nào cũng phải tranh thủ mà chở, chen chúc, chồng chất, chật chội, đu đeo bám víu cả ngoài thùng xe, nhìn từ xa chiếc xe như một con vật di động chậm chạp lề mề. Tài xế và lơ xe quyền lưc vô biên, họ là vua, là cha, là mẹ, họ muốn chửi là chửi, muốn đuổi khách là đuổi, muốn cho đi thì được đi – mà phải trả tiền nhiều (vì vé nhà nước bán lấy tiền trước rồi, sau đó mới chia lại), nhà xe chỉ sống được khi đón nhiều khách dọc đường vãng lai, mà xe thì hiếm chứ khách vãng lai thì không hiếm – chỗ đâu cho nó quá giang?
Trời đã ngã về chiều, thằng Bé hết đứng lại ngồi trong bến xe Vĩnh Long chưa biết mình sẽ ra sao, nó cũng hoang mang lắm. Hết tiền, mà nó mau đói, nó đói lắm, uống thì xin được, chứ nó vẫn chưa dám xin ăn, nó ngồi nghĩ vẩn vơ, nó hy vọng đêm nay nó sẽ ngủ ở bến xe, sáng mai biết đâu nó xin quá giang đi tiếp được?
Chợt phép mầu đến với nó. Tim nó nhói lên và trong bụng khấp khởi, nó đã tìm ra lối thoát trong cơn cùng cực…
Quang Nguyên (Viết vào năm 2010 – hiệu chỉnh 4/2022)
Trương Minh Quang Nguyên hay chú nhóc tên Bé, cậu bé từng đi Sài Gòn một thân một mình ở cái tuổi trên 10 tuổi một chút…(Chúng ta sẽ hình dung gương mặt lúc 10 tuổi ở khoảng giữa hai gương mặt trên). Hình: TMQN
Tiếp theo tập 3 & 4: trunghochatienxua.wordpress.com/2022/05/03/ngay-xua-co-mot-thang-nhoc-phan-3-va-4-quang-nguyen/?fbclid=IwAR1cqKsrHhKlN1qxKi70wJVqz5No2riJYyYg__T_Q3W8wfMIYsB1gdN61-E