Ngày cùng tháng tận (Hoàng Công Danh)
Dec 4, 2022 12:12:46 GMT -6
Post by phongvien007 on Dec 4, 2022 12:12:46 GMT -6
Ngày cùng tháng tận
Truyện ngắn HOÀNG CÔNG DANH
Minh Họa: Sà Và Ná
Từ sáng, lúc đi ngang chùa đã thấy sư thầy đặt cái ghế gỗ cũ dưới gốc bàng ngồi uống trà. Tán bàng mơn mởn chồi non như một bầy chim đậu trên những nhánh cây khỏe khoắn. Cảnh ấy có vẻ thư thả, đối nghịch với xóm chợ nháo nhác này. Lúc đó sư kêu Tễu dừng lại uống chén trà cuối năm cho ấm cái đã, vội chi.
Tễu muốn lắm, thèm nữa là đằng khác, nhưng trước quán vài người khách đã chờ. Ngó lên biển hiệu, chỉ ba chữ: Hớt tóc Tễu. Kiểu viết chân phương, hơi nghiêng. Nét chữ đỏ, có bóng đổ màu xanh. Một tấm biển hiệu nhìn vào thấy đầy vẻ hoài niệm, như được vẽ từ những năm chín mươi thế kỷ trước.
Cái quán hớt tóc ấy dựng lên từ hồi mới giải phóng, chẳng mấy chốc trở nên tiếng tăm trong vùng. Sau ông chủ đi định cư bên Mỹ, giao quán lại cho chàng thợ học việc. Chàng trẻ lưu lạc xứ xa tới đây, ập vào quán xin học nghề, ngờ đâu thành truyền nhân của quán. Người ta không biết tên thật cậu học việc truyền nhân, không cần thiết phải biết làm gì cho mất công, cứ lấy trên biển mà gọi. Thì Tễu.
Truyền nhân giữ được tiếng thơm, giữ được khách cũ lâu bền. Lúc nào trên cái băng ghế cũng có khách ngồi chờ tới lượt. Cuối năm càng đông, mặc cho cái sự chộn rộn gấp gáp ấy, Tễu cứ túc tắc lướt tôngđơ, từ tốn nhấp cây kéo tỉa, cẩn trọng liếc từng đường lưỡi lam. Nghề này không làm ẩu được.
Chín giờ đêm, vài quầy quán bán hàng tạp hóa đã lục tục sắp xếp đóng cửa. Vẫn còn những tiếng xe máy tấp ghé vào mua nhang đèn giấy áo, chắc vì khách cũng lúi búi quên. Lẫn trong đó có vài tiếng người nhà phân phối đòi nợ. Rồi tiếng chủ quán kêu cho khất sang năm. Chèo kéo đon đẩy qua lại một hồi mới thôi.
Tễu đang tay kéo tay lược chắn tỉa, nghĩ giờ này chắc chỉ còn hai loại người bận bịu ngoài đường ngoài quán: thứ nhất là những tay đòi nợ, thứ hai là thợ hớt tóc, như mình.
Tễu tính xong vị khách này, quét dọn thu gom, thắp vài cây nhang rồi về chắc kịp giao thừa. Điện thoại từ đầu hôm đến giờ vợ gọi mấy cuộc hỏi khách vãn chưa, gắng về sớm, em xong xuôi hết rồi. Tễu tủm tỉm cười, nghĩ, gì cũng kịp tắm rửa và một phát tất niên chứ.
Nhưng một người khách vừa xuất hiện trước cửa. Khách trung niên, đáng bậc cha chú của Tễu chứ không ít. Khách không gấp gáp gì, không một lời nào, nhón đít ngồi ở băng ghế gỗ đợi. Cứ như thể cái băng ghế này là của khách. Và Tễu có nhiệm vụ lát nữa phải cắt cho khách, bất chấp giờ chót ngày cùng tháng tận.
Khách lột mũ len, lộ ra cái đầu râu tóc xồm xoàm. Nhìn qua biết gã này làm biếng với chính bản thân, trách gì giờ này mới chịu đi cắt tỉa. Tễu nhận ra gã khách ngay, khuôn mặt hai chục năm trước.
***
Gã thường tìm mẹ Tễu những ngày cuối năm để đòi nợ. Mẹ Tễu có sạp hàng bán rau cải ở chợ làng. Không rõ chơi hụi hay lô đề gì đấy, mẹ cắm nợ khá nhiều nơi. Mà đâu riêng gì mẹ Tễu, đàn bà buôn bán ở chợ phân nửa đều phải nợ, khi cần tiền gấp gửi cho con học trọ, lúc thiếu thốn đáo nợ ngân hàng.
Chủ cho vay cũng đàn bà trong cái chợ ấy thôi. Ai khá giả ngoi lên được hạng chủ cũng hám lời, cho vay nặng lãi, vay cắt cổ. Những con nợ như mẹ Tễu đôn đáo, lãi mẹ đẻ lãi con, lãi sau chồng lãi trước. Đau một ngày cũng gắng lết ra chợ kiếm tiền trả lãi, không nó tính quá hạn.
Cuối năm, những chủ nợ thuê gã đi gom tiền.
Tễu khi ấy mới lên mười, thường ra chợ phụ mẹ sắp dọn hàng cất.
Gã lúc đó cũng còn trẻ trung sức vóc, giang hồ ất ơ. Trưa lướt một vòng quanh chợ. Khều khều cái chân vào mấy sạp hàng, hất mặt ngửa tay. Những người đàn bà móc túi, chìa ra những tờ tiền lẻ. Gã đếm, lôi bút vạch một vài con số vào cuốn sổ bỏ túi, kêu còn thiếu chừng này còn nợ chừng này.
Sạp hàng mẹ Tễu nằm cuối chợ, khi gã tới nơi chợ đã tan gần hết. Mặt mẹ tái nghét, kêu hàng ế ẩm quá, cho khất vài bữa. Gã đưa tay quệt vào mông, vào ngực mẹ, hình như có bóp bóp, mặc kệ thằng cu mười tuổi là Tễu đứng cạnh sạp.
Ba mươi Tết năm đó, mẹ Tễu dọn hàng về sớm. Tưởng tránh được gã, nhưng chỉ nửa buổi chiều gã đã vào tận nhà tìm. Gã thủng thẳng xỏ hai tay túi quần, tự nhiên đi vào buồng ngủ của mẹ con Tễu. Không một lời nói, gã quờ tay gạt cái màn che xuống.
Trước đó ít phút, nhác thấy bóng gã, mẹ Tễu đã lủi trốn trong giường, dặn Tễu đứng ngoài canh và đừng nói gì đừng làm gì. Và Tễu đứng ngoài sân, nghe lời mẹ, im miệng.
Tễu có một mối thù từ đó. Năm mười tuổi. Tễu đứng nép sau tấm phên tre, chờ gã đi ra tít ngoài ngõ mới chửi một câu học được từ mấy người đàn bà quê: “Có ngày tao cạo trọc đầu mày”.
***
Giờ thì Tễu đang có cơ hội rất lớn để giải quyết ân oán.
Không ngờ mẹ con Tễu đã bỏ đi một nơi thật xa, đến cả trăm cây số chứ không ít, mà hai chục năm sau Tễu gặp được gã chỗ này. Như cơ trời sắp đặt không bằng.
Ngày cùng tháng tận. Vị khách cuối cùng là gã đang ngồi lên ghế, soi mặt vào tấm gương. Tễu cũng nhìn thẳng mặt gã qua tấm gương lớn này. Không thể nhầm được. Chỉ có gã hai chục năm quên Tễu, gã không thể nhớ được một khuôn mặt trẻ con từ mười tuổi cho đến một chàng trai ba mươi. Còn mặt gã Tễu làm sao quên, khuôn mặt ấy chỉ già đi chút thôi.
- Trước tôi có lần cắt tóc ở đây. Hai chục năm quán không thay đổi gì nhiều. Chú em với ông chủ đây chắc có liên quan gì mới được ông giao cho cái tiệm này.
Tễu không trả lời. Chỉ hỏi cắt kiểu gì.
Gã đáp:
- Xủi trụi luôn.
Tễu đưa tôngđơ lướt từ ót lên, hả hê với ý nghĩ rồi cũng tới ngày mình được cạo trọc đầu kẻ này.
Tuột cổ áo gã khách xuống một chút để đặt tôngđơ, Tễu thấy mấy chữ mực xăm màu xanh: Kiếp chung thân. Tễu hơi run tay chút. Không rõ gã được ân xá hay thoát tù.
Tôngđơ lướt một lúc mái tóc xồm xoàm đã trụi, chỉ còn quả đầu chôm chôm. Tễu lắp lưỡi lam vào dao cạo, đưa lên như có ý hỏi khách để chôm chôm hay cạo nhẵn bóng. Khách gật đầu, chơi láng, nhẵn luôn.
Miết lưỡi dao cạo lên đầu khách, Tễu có chút ngần ngại và cẩn trọng. Gã từ cái chỗ ấy chui ra, ai biết máu gã có sạch hay không, cạo lỡ xước vẹt một đường tướm máu thì nguy. Nghề hớt tóc đôi lần bất cẩn Tễu đã rút ra được kinh nghiệm, nếu phân tâm sơ sẩy chút xíu lưỡi lam lẹm ngay. Khoảnh khắc đó, ý nghĩ cạo trọc đầu kẻ thù đã không còn là một sự khoái chí.
Ém ngửa mặt gã xuống tấm tựa đầu, Tễu cạo râu cằm cho gã. Bắt đầu từ ngấn cổ trên cùng, Tễu gí dao, mép lưỡi lam ấn vào da một cái vết hoắm. Nếu là hai chục năm trước, cục hận thù ức chế có thể xúi Tễu giải quyết rất nhanh bằng một nhát cứa đẹp. Tễu chần chừ một chút để khỏi manh động, nhất là giờ máu gã đằng sau lớp chữ “Kiếp chung thân” chẳng biết thế nào.
Ngày cùng tháng tận gặp lại gã chẳng những không giải quyết được ân oán mới khơi dậy, mà Tễu càng thấy lo lo. Gã vào đây cắt thật, hay chỉ là cái cớ? Ai tin được một kẻ từng giang hồ ất ơ.
Thỉnh thoảng Tễu ngừng cạo, đưa tay sờ cái ví sau túi quần. Mấy ngày cuối năm khách đông, tiền thu vào chưa kịp đếm, chỉ hôm qua có rút một ít đưa cho vợ đi mua sắm. Tễu để thế chờ đến lúc về nhà, qua giao thừa ngồi đếm cho hên, coi như cái lộc đầu năm. Cái ví dày, cộm lên. Tễu thấy lo lo, xung quanh hàng quán đã đóng hết, đường sá vắng vẻ. Tễu còn muộn hơn cả những tay đòi nợ. Mà không, Tễu đang ở đây với một tay đòi nợ. Và Tễu nắm cẩn thận cái dao cạo, vừa tránh làm đầu gã trợt máu, vừa để phòng vệ bất trắc.
Ngay mép dưới mặt gương là tấm đá hoa cương bày đủ thứ đồ nghề nào kéo, dao, nhíp bấm móng tay. Toàn những món nhọn hoắt có thể biến thành vũ khí trong giây lát, gã khách có thể nhanh tay chụp một cái để khống chế Tễu dễ như chơi. Nên Tễu không chắc cây dao cạo đang nắm giữ này giúp mình có lợi thế hơn.
Không một đội tuần tra nào qua đây để Tễu đon đả mời vào ngồi chơi chút. Biết đâu họ phát hiện ra cái gã trốn trại đang bị truy lùng cũng nên. Chắc sẽ có một chút khó khăn khi tìm dấu vết, vì chính Tễu đã giúp gã làm điều đó. Cắt trụi mái tóc thì khuôn mặt khác hẳn, phải quen biết mới nhận ra chứ nhìn qua ảnh đừng hòng. Và Tễu đinh ninh gã khách đang trốn trại thật, chỉ có kẻ như thế mới tìm đến quán muộn và lại cạo sạch như một sự hóa trang đánh lừa.
- Có hút thuốc không. Cho anh mượn cái bật lửa.
Cái bật lửa nằm trên án thờ. Gã khách hỏi mượn, vì gã đã nhìn thấy nửa cái bật lửa màu xanh chìa ra khỏi tấm ván. Tễu không thể nói dối được, đành kéo cái ghế nhựa tới, trèo lên với tay lấy bật lửa. Lúc đó lưng Tễu quay về khách, và cái ví cộm lên ở túi sau chắc đập vào mắt gã khách rõ ràng nhất.
Run run đặt chân xuống, cái ghế nhựa mềm oằn một bên, Tễu chới với suýt ngã. Gã khách chuồi tay qua đỡ được lưng Tễu và xéo xuống chỗ túi quần sau, bàn tay khách úp trúng cái ví.
Khi đã đứng vững trên nền nhà, Tễu quờ tay kiểm tra, cái ví vẫn ở trong túi quần, còn may là chỗ túi có nút gài, nên kẻ gian không dễ thó đồ.
Khách bật lửa, châm thuốc, kêu Tễu tiếp tục cạo phần sau gáy. Tễu căng bàn tay trái ôm lấy cái cổ của khách như túm được ót.
Tễu bỏ thuốc lâu rồi, giờ nghe mời cũng thèm, nhất là trong cái cảnh cuối năm se lạnh thế này. Nhưng phải cảnh giác cao độ, nó cho thuốc mê vào điếu thuốc thì khốn. Khách phun khói bay trắng mờ mặt kính.
Từ một cái ngã ba gần đấy, ai vừa tới thắp nhang, khói tỏa thơm lừng. Mùi ấy trong đêm vắng cảm giác ớn lạnh, còn trong cái đêm trừ tịch này nó ấm áp, nhắc Tễu vợ đang chờ ở nhà. Dường như quên cảm giác sốt ruột mong được về nhà, lúc này Tễu chỉ có một sự đề phòng cao độ. Tễu cũng quên luôn gã khách là kẻ thù hai chục năm trước. Giờ Tễu chỉ mong gã biến khỏi đây ngay.
Mười giờ. Cái đầu láng bóng. Không một vết vẹc bất cẩn nào. Gã rút túi chìa ra tờ một trăm đôla.
- Chú em thối giúp anh. Mấy cũng được.
Tễu thoáng tưởng tượng nếu rút ví ra sẽ là cơ hội tốt để gã khách giật chạy. Khốn nạn chưa, cái vị khách cuối năm rồi, chỉ có ba chục ngàn bạc mà đưa tờ trăm đô chẳng khác nào chơi đểu.
Tính toán rất nhanh, Tễu nghĩ trong ví thừa sức trả cho gã. Nhưng Tễu không dại, nếu gã không giật ví, thì biết đâu tờ đôla chẳng phải tiền thật, chẳng ngu lại bị lừa một cú cuối năm.
Không dám cầm tờ đôla vì sợ nhiễm một thứ thuốc lú nào đó, Tễu đáp nhanh:
- Thôi khỏi, lúc nào trả sau cũng được.
Gã khách kỳ nèo:
- Thế thì chú đổi giúp anh vậy. Tết nhất chẳng tiêu pha gì nhưng cũng có đôi đồng mừng tuổi.
Gã dai như đỉa, Tễu bắt đầu tỏ ra khó chịu bằng giọng nói mạnh hơn, như hét.
- Không đủ đâu.
- Ờ, mà cũng không cần nữa. Anh chỉ băn khoăn nợ tiền chú mày.
- Đáng mấy đồng.
Tễu đối đáp cụt lủn, ra vẻ không mặn mà nói chuyện để đuổi khách đi càng sớm càng tốt. Nhưng gã lì lợm, còn ngồi ở băng ghế, lại rút thuốc châm lửa, vẻ thủng thẳng như không biết chỉ còn hai tiếng đồng hồ nữa là giao thừa.
Không vì gã mà Tễu ngưng việc dọn dẹp. Thậm chí Tễu càng vội tay vội chân hơn. Lùa nhanh mớ đồ nghề vào cái hộp gỗ, lẫn lộn những sợi tóc, vài cái vỏ giấy bọc dao lam. Cầm chổi quét gom tóc vào một góc, rồi một tay giữ chổi, tay kia ém cái hốt rác vào. Chổi bây giờ xem ra là đồ vật phòng vệ hiệu quả hơn, trừ khi gã có súng. Tễu nghĩ vậy, chỉ cần khách tiến tới, Tễu sẽ vung chổi ngay, chổi là vật dài nhất lúc này giúp Tễu giữ khoảng cách an toàn với kẻ khác.
Gợn lên một chút đớn hèn, Tễu thấy bấy lâu mình đâu có yếu đuối thế này. Mồ côi cha, đời rèn cho Tễu cứng cáp hơn bọn cùng lứa. Và nhất là sau cái buổi chiều mười tuổi đứng canh cửa cho gã đòi nợ tự do trong nhà, Tễu đã bật vọt lên đầy rắn rỏi. Lạc tới xóm chợ này, dân tứ xứ hạng anh chị cũng nhiều, nhưng có ai dám làm chi Tễu. Sao giờ Tễu lại bủn rủn trước một kẻ đã qua thời bề trên.
- Chú em về đâu?
- Giờ về nhà chứ đâu nữa. Giao thừa tới sau đít rồi.
- Ý anh là nhà đoạn nào?
- Cũng xa xa, đi một lúc cũng tới.
- Có qua chợ không? Anh đi nhờ đổi tiền trả chú.
- Giờ có ai làm việc nữa đâu. Chỉ còn thằng hớt tóc và kẻ đòi nợ thôi.
Cuối cùng Tễu cũng buông được một câu chiêm nghiệm ngon lành. Mà lại hợp lý trong lúc này, đúng là giờ chỉ còn Tễu hớt tóc và gã từng đòi nợ.
Gã cười khậc, có lẽ cũng khoái câu này.
- Cả đời anh không nợ tiền ai. Giờ nợ chú, lại cuối năm cuối tháng. Cứ khó chịu.
Thôi ông ơi ông biến đi cho rồi. Tễu định nói câu đó, nhưng buột miệng ra chỉ làm cho tình hình căng thêm. Với lại, Tễu cũng đã định thần lại được. Và gã không có vẻ gì nguy hiểm nữa.
- Này. Chú em làm hớt tóc chắc biết chỗ xóa mấy cái vết xăm.
- Em không biết đâu.
- Chắc chú mày thấy mấy chữ sau gáy anh rồi. Mới xăm ba năm trước đấy, lúc lấy vợ, tưởng chung thân thật. Ngờ đâu được hai năm nó bỏ đi Đài Loan. Đành vậy, lấy vợ trẻ phải chấp nhận hên xui. Nó cũng còn chút nghĩa, gửi về cho anh mấy tờ đô ăn Tết.
Tự dưng Tễu thấy cảm thương. Mối thù đầu đời của thằng bé mười tuổi, sau hai chục năm tưởng nặng thêm, hóa ra cũng nhanh tan quá.
Một tiếng chuông chùa vang lên. Đêm trừ tịch nào sư thầy cũng bắt đầu thỉnh chuông từ lúc mười giờ đêm. Sau đấy chừng ba mươi phút lại đánh một tiếng. Tiếng chuông như cảnh báo mọi người đừng có ngủ gật, gắng tỉnh táo trong thời khắc chuyển giao này. Năm nào Tễu cũng nghe được tiếng chuông, phải nghe thì đúng hơn vì khách cứ nấn ná.
Gã đứng dậy, phủi mấy sợi tóc trên vai.
- Thôi anh sang ăn Tết với ông bạn đây. Tết nhất biết đi đâu nữa.
- Bạn anh ở đâu? - Tễu cũng mở được một câu hỏi quan tâm.
- Kia rồi. Sư vừa đánh chuông đấy. Lão ấy thâm lắm, bảo ở đời nợ gì trước sau rồi cũng phải trả, không thoát được đâu.
Khách ra khỏi quán, sau khi đặt lại cái bật lửa xuống băng ghế, bên gói thuốc lá. Tễu định kêu nhắc khách còn quên gói thuốc. Nhưng cách khách bước đi không có vẻ gì là quên, hình như cố ý để gói ấy lại, như một cách trả tiền cắt tóc cho Tễu. Và Tễu cũng không gọi nữa làm gì, khi mường tượng cái đầu trọc của gã chui vào chùa.
Chẳng biết với cái đầu ấy, gã chỉ hóa trang để ở đấy đôi ba ngày, hay ở lâu, thật lâu.
Truyện ngắn HOÀNG CÔNG DANH
Rồi cũng sắp cạn một ngày, cái ngày có lẽ rộn ràng, vội vàng, ồn ào nhất trong năm. Nói ba mươi tháng chạp nghe còn thủng thẳng chút. Chứ nói ba mươi Tết là thấy sự cập rập, ngày Tết đây rồi chứ đâu, sao bảo ba mươi chưa phải là Tết.
Minh Họa: Sà Và Ná
Từ sáng, lúc đi ngang chùa đã thấy sư thầy đặt cái ghế gỗ cũ dưới gốc bàng ngồi uống trà. Tán bàng mơn mởn chồi non như một bầy chim đậu trên những nhánh cây khỏe khoắn. Cảnh ấy có vẻ thư thả, đối nghịch với xóm chợ nháo nhác này. Lúc đó sư kêu Tễu dừng lại uống chén trà cuối năm cho ấm cái đã, vội chi.
Tễu muốn lắm, thèm nữa là đằng khác, nhưng trước quán vài người khách đã chờ. Ngó lên biển hiệu, chỉ ba chữ: Hớt tóc Tễu. Kiểu viết chân phương, hơi nghiêng. Nét chữ đỏ, có bóng đổ màu xanh. Một tấm biển hiệu nhìn vào thấy đầy vẻ hoài niệm, như được vẽ từ những năm chín mươi thế kỷ trước.
Cái quán hớt tóc ấy dựng lên từ hồi mới giải phóng, chẳng mấy chốc trở nên tiếng tăm trong vùng. Sau ông chủ đi định cư bên Mỹ, giao quán lại cho chàng thợ học việc. Chàng trẻ lưu lạc xứ xa tới đây, ập vào quán xin học nghề, ngờ đâu thành truyền nhân của quán. Người ta không biết tên thật cậu học việc truyền nhân, không cần thiết phải biết làm gì cho mất công, cứ lấy trên biển mà gọi. Thì Tễu.
Truyền nhân giữ được tiếng thơm, giữ được khách cũ lâu bền. Lúc nào trên cái băng ghế cũng có khách ngồi chờ tới lượt. Cuối năm càng đông, mặc cho cái sự chộn rộn gấp gáp ấy, Tễu cứ túc tắc lướt tôngđơ, từ tốn nhấp cây kéo tỉa, cẩn trọng liếc từng đường lưỡi lam. Nghề này không làm ẩu được.
Chín giờ đêm, vài quầy quán bán hàng tạp hóa đã lục tục sắp xếp đóng cửa. Vẫn còn những tiếng xe máy tấp ghé vào mua nhang đèn giấy áo, chắc vì khách cũng lúi búi quên. Lẫn trong đó có vài tiếng người nhà phân phối đòi nợ. Rồi tiếng chủ quán kêu cho khất sang năm. Chèo kéo đon đẩy qua lại một hồi mới thôi.
Tễu đang tay kéo tay lược chắn tỉa, nghĩ giờ này chắc chỉ còn hai loại người bận bịu ngoài đường ngoài quán: thứ nhất là những tay đòi nợ, thứ hai là thợ hớt tóc, như mình.
Tễu tính xong vị khách này, quét dọn thu gom, thắp vài cây nhang rồi về chắc kịp giao thừa. Điện thoại từ đầu hôm đến giờ vợ gọi mấy cuộc hỏi khách vãn chưa, gắng về sớm, em xong xuôi hết rồi. Tễu tủm tỉm cười, nghĩ, gì cũng kịp tắm rửa và một phát tất niên chứ.
Nhưng một người khách vừa xuất hiện trước cửa. Khách trung niên, đáng bậc cha chú của Tễu chứ không ít. Khách không gấp gáp gì, không một lời nào, nhón đít ngồi ở băng ghế gỗ đợi. Cứ như thể cái băng ghế này là của khách. Và Tễu có nhiệm vụ lát nữa phải cắt cho khách, bất chấp giờ chót ngày cùng tháng tận.
Khách lột mũ len, lộ ra cái đầu râu tóc xồm xoàm. Nhìn qua biết gã này làm biếng với chính bản thân, trách gì giờ này mới chịu đi cắt tỉa. Tễu nhận ra gã khách ngay, khuôn mặt hai chục năm trước.
***
Gã thường tìm mẹ Tễu những ngày cuối năm để đòi nợ. Mẹ Tễu có sạp hàng bán rau cải ở chợ làng. Không rõ chơi hụi hay lô đề gì đấy, mẹ cắm nợ khá nhiều nơi. Mà đâu riêng gì mẹ Tễu, đàn bà buôn bán ở chợ phân nửa đều phải nợ, khi cần tiền gấp gửi cho con học trọ, lúc thiếu thốn đáo nợ ngân hàng.
Chủ cho vay cũng đàn bà trong cái chợ ấy thôi. Ai khá giả ngoi lên được hạng chủ cũng hám lời, cho vay nặng lãi, vay cắt cổ. Những con nợ như mẹ Tễu đôn đáo, lãi mẹ đẻ lãi con, lãi sau chồng lãi trước. Đau một ngày cũng gắng lết ra chợ kiếm tiền trả lãi, không nó tính quá hạn.
Cuối năm, những chủ nợ thuê gã đi gom tiền.
Tễu khi ấy mới lên mười, thường ra chợ phụ mẹ sắp dọn hàng cất.
Gã lúc đó cũng còn trẻ trung sức vóc, giang hồ ất ơ. Trưa lướt một vòng quanh chợ. Khều khều cái chân vào mấy sạp hàng, hất mặt ngửa tay. Những người đàn bà móc túi, chìa ra những tờ tiền lẻ. Gã đếm, lôi bút vạch một vài con số vào cuốn sổ bỏ túi, kêu còn thiếu chừng này còn nợ chừng này.
Sạp hàng mẹ Tễu nằm cuối chợ, khi gã tới nơi chợ đã tan gần hết. Mặt mẹ tái nghét, kêu hàng ế ẩm quá, cho khất vài bữa. Gã đưa tay quệt vào mông, vào ngực mẹ, hình như có bóp bóp, mặc kệ thằng cu mười tuổi là Tễu đứng cạnh sạp.
Ba mươi Tết năm đó, mẹ Tễu dọn hàng về sớm. Tưởng tránh được gã, nhưng chỉ nửa buổi chiều gã đã vào tận nhà tìm. Gã thủng thẳng xỏ hai tay túi quần, tự nhiên đi vào buồng ngủ của mẹ con Tễu. Không một lời nói, gã quờ tay gạt cái màn che xuống.
Trước đó ít phút, nhác thấy bóng gã, mẹ Tễu đã lủi trốn trong giường, dặn Tễu đứng ngoài canh và đừng nói gì đừng làm gì. Và Tễu đứng ngoài sân, nghe lời mẹ, im miệng.
Tễu có một mối thù từ đó. Năm mười tuổi. Tễu đứng nép sau tấm phên tre, chờ gã đi ra tít ngoài ngõ mới chửi một câu học được từ mấy người đàn bà quê: “Có ngày tao cạo trọc đầu mày”.
***
Giờ thì Tễu đang có cơ hội rất lớn để giải quyết ân oán.
Không ngờ mẹ con Tễu đã bỏ đi một nơi thật xa, đến cả trăm cây số chứ không ít, mà hai chục năm sau Tễu gặp được gã chỗ này. Như cơ trời sắp đặt không bằng.
Ngày cùng tháng tận. Vị khách cuối cùng là gã đang ngồi lên ghế, soi mặt vào tấm gương. Tễu cũng nhìn thẳng mặt gã qua tấm gương lớn này. Không thể nhầm được. Chỉ có gã hai chục năm quên Tễu, gã không thể nhớ được một khuôn mặt trẻ con từ mười tuổi cho đến một chàng trai ba mươi. Còn mặt gã Tễu làm sao quên, khuôn mặt ấy chỉ già đi chút thôi.
- Trước tôi có lần cắt tóc ở đây. Hai chục năm quán không thay đổi gì nhiều. Chú em với ông chủ đây chắc có liên quan gì mới được ông giao cho cái tiệm này.
Tễu không trả lời. Chỉ hỏi cắt kiểu gì.
Gã đáp:
- Xủi trụi luôn.
Tễu đưa tôngđơ lướt từ ót lên, hả hê với ý nghĩ rồi cũng tới ngày mình được cạo trọc đầu kẻ này.
Tuột cổ áo gã khách xuống một chút để đặt tôngđơ, Tễu thấy mấy chữ mực xăm màu xanh: Kiếp chung thân. Tễu hơi run tay chút. Không rõ gã được ân xá hay thoát tù.
Tôngđơ lướt một lúc mái tóc xồm xoàm đã trụi, chỉ còn quả đầu chôm chôm. Tễu lắp lưỡi lam vào dao cạo, đưa lên như có ý hỏi khách để chôm chôm hay cạo nhẵn bóng. Khách gật đầu, chơi láng, nhẵn luôn.
Miết lưỡi dao cạo lên đầu khách, Tễu có chút ngần ngại và cẩn trọng. Gã từ cái chỗ ấy chui ra, ai biết máu gã có sạch hay không, cạo lỡ xước vẹt một đường tướm máu thì nguy. Nghề hớt tóc đôi lần bất cẩn Tễu đã rút ra được kinh nghiệm, nếu phân tâm sơ sẩy chút xíu lưỡi lam lẹm ngay. Khoảnh khắc đó, ý nghĩ cạo trọc đầu kẻ thù đã không còn là một sự khoái chí.
Ém ngửa mặt gã xuống tấm tựa đầu, Tễu cạo râu cằm cho gã. Bắt đầu từ ngấn cổ trên cùng, Tễu gí dao, mép lưỡi lam ấn vào da một cái vết hoắm. Nếu là hai chục năm trước, cục hận thù ức chế có thể xúi Tễu giải quyết rất nhanh bằng một nhát cứa đẹp. Tễu chần chừ một chút để khỏi manh động, nhất là giờ máu gã đằng sau lớp chữ “Kiếp chung thân” chẳng biết thế nào.
Ngày cùng tháng tận gặp lại gã chẳng những không giải quyết được ân oán mới khơi dậy, mà Tễu càng thấy lo lo. Gã vào đây cắt thật, hay chỉ là cái cớ? Ai tin được một kẻ từng giang hồ ất ơ.
Thỉnh thoảng Tễu ngừng cạo, đưa tay sờ cái ví sau túi quần. Mấy ngày cuối năm khách đông, tiền thu vào chưa kịp đếm, chỉ hôm qua có rút một ít đưa cho vợ đi mua sắm. Tễu để thế chờ đến lúc về nhà, qua giao thừa ngồi đếm cho hên, coi như cái lộc đầu năm. Cái ví dày, cộm lên. Tễu thấy lo lo, xung quanh hàng quán đã đóng hết, đường sá vắng vẻ. Tễu còn muộn hơn cả những tay đòi nợ. Mà không, Tễu đang ở đây với một tay đòi nợ. Và Tễu nắm cẩn thận cái dao cạo, vừa tránh làm đầu gã trợt máu, vừa để phòng vệ bất trắc.
Ngay mép dưới mặt gương là tấm đá hoa cương bày đủ thứ đồ nghề nào kéo, dao, nhíp bấm móng tay. Toàn những món nhọn hoắt có thể biến thành vũ khí trong giây lát, gã khách có thể nhanh tay chụp một cái để khống chế Tễu dễ như chơi. Nên Tễu không chắc cây dao cạo đang nắm giữ này giúp mình có lợi thế hơn.
Không một đội tuần tra nào qua đây để Tễu đon đả mời vào ngồi chơi chút. Biết đâu họ phát hiện ra cái gã trốn trại đang bị truy lùng cũng nên. Chắc sẽ có một chút khó khăn khi tìm dấu vết, vì chính Tễu đã giúp gã làm điều đó. Cắt trụi mái tóc thì khuôn mặt khác hẳn, phải quen biết mới nhận ra chứ nhìn qua ảnh đừng hòng. Và Tễu đinh ninh gã khách đang trốn trại thật, chỉ có kẻ như thế mới tìm đến quán muộn và lại cạo sạch như một sự hóa trang đánh lừa.
- Có hút thuốc không. Cho anh mượn cái bật lửa.
Cái bật lửa nằm trên án thờ. Gã khách hỏi mượn, vì gã đã nhìn thấy nửa cái bật lửa màu xanh chìa ra khỏi tấm ván. Tễu không thể nói dối được, đành kéo cái ghế nhựa tới, trèo lên với tay lấy bật lửa. Lúc đó lưng Tễu quay về khách, và cái ví cộm lên ở túi sau chắc đập vào mắt gã khách rõ ràng nhất.
Run run đặt chân xuống, cái ghế nhựa mềm oằn một bên, Tễu chới với suýt ngã. Gã khách chuồi tay qua đỡ được lưng Tễu và xéo xuống chỗ túi quần sau, bàn tay khách úp trúng cái ví.
Khi đã đứng vững trên nền nhà, Tễu quờ tay kiểm tra, cái ví vẫn ở trong túi quần, còn may là chỗ túi có nút gài, nên kẻ gian không dễ thó đồ.
Khách bật lửa, châm thuốc, kêu Tễu tiếp tục cạo phần sau gáy. Tễu căng bàn tay trái ôm lấy cái cổ của khách như túm được ót.
Tễu bỏ thuốc lâu rồi, giờ nghe mời cũng thèm, nhất là trong cái cảnh cuối năm se lạnh thế này. Nhưng phải cảnh giác cao độ, nó cho thuốc mê vào điếu thuốc thì khốn. Khách phun khói bay trắng mờ mặt kính.
Từ một cái ngã ba gần đấy, ai vừa tới thắp nhang, khói tỏa thơm lừng. Mùi ấy trong đêm vắng cảm giác ớn lạnh, còn trong cái đêm trừ tịch này nó ấm áp, nhắc Tễu vợ đang chờ ở nhà. Dường như quên cảm giác sốt ruột mong được về nhà, lúc này Tễu chỉ có một sự đề phòng cao độ. Tễu cũng quên luôn gã khách là kẻ thù hai chục năm trước. Giờ Tễu chỉ mong gã biến khỏi đây ngay.
Mười giờ. Cái đầu láng bóng. Không một vết vẹc bất cẩn nào. Gã rút túi chìa ra tờ một trăm đôla.
- Chú em thối giúp anh. Mấy cũng được.
Tễu thoáng tưởng tượng nếu rút ví ra sẽ là cơ hội tốt để gã khách giật chạy. Khốn nạn chưa, cái vị khách cuối năm rồi, chỉ có ba chục ngàn bạc mà đưa tờ trăm đô chẳng khác nào chơi đểu.
Tính toán rất nhanh, Tễu nghĩ trong ví thừa sức trả cho gã. Nhưng Tễu không dại, nếu gã không giật ví, thì biết đâu tờ đôla chẳng phải tiền thật, chẳng ngu lại bị lừa một cú cuối năm.
Không dám cầm tờ đôla vì sợ nhiễm một thứ thuốc lú nào đó, Tễu đáp nhanh:
- Thôi khỏi, lúc nào trả sau cũng được.
Gã khách kỳ nèo:
- Thế thì chú đổi giúp anh vậy. Tết nhất chẳng tiêu pha gì nhưng cũng có đôi đồng mừng tuổi.
Gã dai như đỉa, Tễu bắt đầu tỏ ra khó chịu bằng giọng nói mạnh hơn, như hét.
- Không đủ đâu.
- Ờ, mà cũng không cần nữa. Anh chỉ băn khoăn nợ tiền chú mày.
- Đáng mấy đồng.
Tễu đối đáp cụt lủn, ra vẻ không mặn mà nói chuyện để đuổi khách đi càng sớm càng tốt. Nhưng gã lì lợm, còn ngồi ở băng ghế, lại rút thuốc châm lửa, vẻ thủng thẳng như không biết chỉ còn hai tiếng đồng hồ nữa là giao thừa.
Không vì gã mà Tễu ngưng việc dọn dẹp. Thậm chí Tễu càng vội tay vội chân hơn. Lùa nhanh mớ đồ nghề vào cái hộp gỗ, lẫn lộn những sợi tóc, vài cái vỏ giấy bọc dao lam. Cầm chổi quét gom tóc vào một góc, rồi một tay giữ chổi, tay kia ém cái hốt rác vào. Chổi bây giờ xem ra là đồ vật phòng vệ hiệu quả hơn, trừ khi gã có súng. Tễu nghĩ vậy, chỉ cần khách tiến tới, Tễu sẽ vung chổi ngay, chổi là vật dài nhất lúc này giúp Tễu giữ khoảng cách an toàn với kẻ khác.
Gợn lên một chút đớn hèn, Tễu thấy bấy lâu mình đâu có yếu đuối thế này. Mồ côi cha, đời rèn cho Tễu cứng cáp hơn bọn cùng lứa. Và nhất là sau cái buổi chiều mười tuổi đứng canh cửa cho gã đòi nợ tự do trong nhà, Tễu đã bật vọt lên đầy rắn rỏi. Lạc tới xóm chợ này, dân tứ xứ hạng anh chị cũng nhiều, nhưng có ai dám làm chi Tễu. Sao giờ Tễu lại bủn rủn trước một kẻ đã qua thời bề trên.
- Chú em về đâu?
- Giờ về nhà chứ đâu nữa. Giao thừa tới sau đít rồi.
- Ý anh là nhà đoạn nào?
- Cũng xa xa, đi một lúc cũng tới.
- Có qua chợ không? Anh đi nhờ đổi tiền trả chú.
- Giờ có ai làm việc nữa đâu. Chỉ còn thằng hớt tóc và kẻ đòi nợ thôi.
Cuối cùng Tễu cũng buông được một câu chiêm nghiệm ngon lành. Mà lại hợp lý trong lúc này, đúng là giờ chỉ còn Tễu hớt tóc và gã từng đòi nợ.
Gã cười khậc, có lẽ cũng khoái câu này.
- Cả đời anh không nợ tiền ai. Giờ nợ chú, lại cuối năm cuối tháng. Cứ khó chịu.
Thôi ông ơi ông biến đi cho rồi. Tễu định nói câu đó, nhưng buột miệng ra chỉ làm cho tình hình căng thêm. Với lại, Tễu cũng đã định thần lại được. Và gã không có vẻ gì nguy hiểm nữa.
- Này. Chú em làm hớt tóc chắc biết chỗ xóa mấy cái vết xăm.
- Em không biết đâu.
- Chắc chú mày thấy mấy chữ sau gáy anh rồi. Mới xăm ba năm trước đấy, lúc lấy vợ, tưởng chung thân thật. Ngờ đâu được hai năm nó bỏ đi Đài Loan. Đành vậy, lấy vợ trẻ phải chấp nhận hên xui. Nó cũng còn chút nghĩa, gửi về cho anh mấy tờ đô ăn Tết.
Tự dưng Tễu thấy cảm thương. Mối thù đầu đời của thằng bé mười tuổi, sau hai chục năm tưởng nặng thêm, hóa ra cũng nhanh tan quá.
Một tiếng chuông chùa vang lên. Đêm trừ tịch nào sư thầy cũng bắt đầu thỉnh chuông từ lúc mười giờ đêm. Sau đấy chừng ba mươi phút lại đánh một tiếng. Tiếng chuông như cảnh báo mọi người đừng có ngủ gật, gắng tỉnh táo trong thời khắc chuyển giao này. Năm nào Tễu cũng nghe được tiếng chuông, phải nghe thì đúng hơn vì khách cứ nấn ná.
Gã đứng dậy, phủi mấy sợi tóc trên vai.
- Thôi anh sang ăn Tết với ông bạn đây. Tết nhất biết đi đâu nữa.
- Bạn anh ở đâu? - Tễu cũng mở được một câu hỏi quan tâm.
- Kia rồi. Sư vừa đánh chuông đấy. Lão ấy thâm lắm, bảo ở đời nợ gì trước sau rồi cũng phải trả, không thoát được đâu.
Khách ra khỏi quán, sau khi đặt lại cái bật lửa xuống băng ghế, bên gói thuốc lá. Tễu định kêu nhắc khách còn quên gói thuốc. Nhưng cách khách bước đi không có vẻ gì là quên, hình như cố ý để gói ấy lại, như một cách trả tiền cắt tóc cho Tễu. Và Tễu cũng không gọi nữa làm gì, khi mường tượng cái đầu trọc của gã chui vào chùa.
Chẳng biết với cái đầu ấy, gã chỉ hóa trang để ở đấy đôi ba ngày, hay ở lâu, thật lâu.