Xe chưa về bến (Hoàng Công Danh)
Dec 4, 2022 12:17:36 GMT -6
Post by phongvien007 on Dec 4, 2022 12:17:36 GMT -6
Xe chưa về bến
Truyện ngắn HOÀNG CÔNG DANH
Chuyến xe cuối ngày khởi hành khi trời sắp tắt nắng. Người lên xe ai cũng mừng vì suýt nữa lỡ chuyến. Bến xe vắng teo, còn bao nhiêu người thì gom hết mà lên. Đừng có ai hỏi giá cả lúc này kẻo tài xế nó đóng sập cửa cho ở lại bến thì khốn.
Xe ôtô mười hai chỗ đời cũ nhưng nhét được hai mươi con người ngon ơ, chưa kể bác tài xế và chú lơ xe kiêm thu tiền chễm chệ ngồi riêng dãy ghế đầu tiên. Cuối ngày rồi, chẳng ai thèm bắt xe giữa đường mà lơ với láo cho mệt, thế là chú lơ xe chỉ còn mỗi nhiệm vụ thu tiền vé.
- Mỗi bác cho em năm chục nhé!
Biết là bị chém đắt thêm cả chục ngàn nhưng chẳng ai muốn mặc cả làm gì. Ai cũng nghĩ mình may mắn vì đã bắt được xe. Không thì ở lại chỗ nhà trọ gần bến cũng mất mỗi đêm thêm năm chục, đấy là chỉ nhắm mắt mà ngủ thôi, còn nếu anh nào buồn buồn kêu thêm em út vui vẻ lại chẳng đi đứt hai trăm ngàn như chơi.
Vị khách đầu tiên của chuyến xe này là cái... lồng chim. Lồng tre vuông, phía trong nhốt một con chim sáo biết nói mấy chữ tục tằn. Con chim này của người ta gửi theo xe về tới bến dừng sẽ có người đến nhận. Phí gửi bằng hai phí người. Chắc chủ nhân nuôi nó là một tay giang hồ ất ơ nên mới dạy cho nó chửi thề ghê vậy. Hễ có khách lên xe là con sáo lại chửi thề hai chữ “đ. mạ”. Ba bốn người ngoái đầu về sau nhìn con chim bật cười. Xem ra chuyến xe có thêm một kẻ chỉ biết nói tục cũng vui vui.
Bác nào ngồi sau thì giữ con chim hộ cái. Bác tài xế tay ôm vôlăng, mắt đăm đăm nhìn trước, nói câu nhờ vả mà chẳng thèm quay mặt lui. Ai cũng biết ở trên xe bác tài là người quan trọng nhất. Thì giữ chiếc lồng giúp cho nó yên tâm lái an toàn.
Lúc đầu khách còn thưa thì cái lồng chim choán một chỗ ngồi. Sau xe chật, cái lồng được đặt lên chân người mới vào. Giống như một sự phân công tự ý, đứa nào vô sau đứa đó lo mà giữ, nhé! Thấy người mới lên xe là cái vị hành khách đang giữ lồng chim hớn hở chuyển cái lồng qua ngay, thanh thản như mới trút được một gánh nặng.
Vị khách thứ hai mươi của chuyến xe là một cô gái, mới chừng hai mươi tuổi thôi nhưng da mặt có vẻ dày nên phải bôi phấn trát son hơi nhiều. Tóc uốn cong nhuộm vàng xức nước hoa nồng nặc. Cùng cái mùi ấy mà xung quanh có người phẩy tay xua xua, lại có người hít hít thưởng thức. Thì ra cái người xua xua là một bà tuổi năm mươi đã qua thời xuân sắc còn trách trời sao nỡ để trên đời không có phụ nữ xấu, chỉ có người đến tuổi làm hoài vẫn không đẹp. Còn cái người hít hít thích thú kia là một ông chừng sáu mươi ngồi sau, chồm cái đầu tới trước một chút mà ngửi. Cô gái mặc quần bò bó sát đùi, áo choàng kéo lên kín cổ vì trời se se lạnh. Choàng áo ngoài nhưng ngực vẫn lồi ra hai bụm, biết ngay tướng đẫy đà. Và dù choàng áo kín cổ nhưng mùi thơm vẫn ào ào tuôn ra bạt mùi xăng xe.
Cái lồng đã yên vị trên đầu gối cô gái thì cánh cửa đóng sập. Dĩ nhiên cô gái là người ngồi cạnh cửa lên xuống xe. Học trò đến lớp chàng nào thích ngồi bên cửa sổ đều được gán cho biệt danh tâm hồn treo ngược cành cây, máu me thơ phú. Còn hành khách trên xe, ai ngồi bên cửa sổ thường bị nghi là hạng dễ say xe. Ngồi sát cửa sổ lỡ mồm miệng có phun ra thứ gì thì chui đầu qua cửa xả cho tiện. Chú lơ xe chuyền lui một thếp túi nilông đen có quai xách. Bác nào say xe nhớ tống vào đây rồi ném qua cửa giùm nhé. Cứ thế mà ném, mặc xác thằng nào bên đường hứng phải. Cùng lắm nó chửi một câu. Còn hơn cứ giữ khư khư cái túi trên xe, chỉ tổ khiến thêm vài người đòi nôn theo. Gọi là hội chứng nôn dây chuyền, hay hiệu ứng đôminôn.
Bây giờ vị khách ngồi bên cửa lên xuống còn nhận thêm một nhiệm vụ bất khả kháng là giữ cái lồng chim sáo.
Không ai khác, chính là cô gái hai mươi tuổi phấn son phơm phức.
Giá như ở một nơi khác, người ta biết trân trọng cái đẹp, biết nâng niu hoa tươi thì sự galăng của vài gã đàn ông đã bê giúp cái lồng chim cho cô. Đằng này đây là một chuyến xe. Chẳng ai quen ai và chẳng ai nghĩ đến sự galăng hay nâng niu trân trọng. Vậy là cô gái trẻ nhất, đẹp nhất, xứng đáng là hoa khôi chuyến xe cuối ngày buộc phải giữ con chim.
Bác tài xế quay lui nhắc khéo: “Giữ cho cẩn thận nhé! Đừng để nó toe lông”. Phía sau có tiếng một chàng cười hí hí, a dua hùa thêm một câu: “Cô gì ơi giữ chim đừng để nó vùng lên mà toe lông nhé”. Bà năm mươi tuổi lại quay sang nhắc nhở cái cậu nọ: “Chim chú không lo giữ cứ quan tâm chim người ta làm chi?”. Ông sáu mươi tuổi lại chọc kháy bà kia: “Xem ra bà cũng máu me chim chóc ghê nhỉ?”. Bà vỗ đét vào vai ông một cái. Cứ như thể người thân nhau chứ chẳng phải xa lạ mới chung chuyến xe. Thành ra hành khách trên xe cứ chọc ghẹo nhau chỉ từ chuyện chim với lông. Riêng cô gái thì vẫn ngồi im, ngán ngẩm cái của nợ đang nằm trên đùi, chẳng thiết góp chuyện.
Giữa lúc mọi người rôm rả cà kê chuyện trên trời dưới đất thì ôtô đạp thắng. Có người bắt xe giữa đường. Một chàng thanh niên đoán chừng ba mươi tuổi. Chàng mặc chiếc áo khoác màu đen trùm kín đầu như nhân vật trong các bộ phim siêu nhân. Chỉ mất chừng năm giây để cánh cửa xe kéo ra, chàng trai chui lên, cánh cửa xe đóng lại. Năm giây thôi rồi xe lại chạy và câu chuyện trên xe vẫn tiếp diễn.
Cô gái nãy giờ giữ cái lồng chim tưởng ngán đến tận cổ hóa ra vẫn không sao, thích nữa là đằng khác. Tại cứ thi thoảng con chim sáo lại chửi tục. Cô có cảm giác nó thay cô chửi những người nhiều chuyện xung quanh. Mượn gió bẻ măng mượn chim chửi người. Khéo khen ai dạy con chim biết nói tục, rồi cũng đến lúc cái sự vô giáo dục trở nên hữu ích. Chí ít là đối với những người vô tâm. Người sao người nỡ để cho cô gái trẻ trung xinh xắn phải bê cái lồng chim. Cũng may hai cái hộp đựng thức ăn nước uống của chim đã cạn đồ nên nó không rỉa mỏ bắn tóe. Và may hơn nữa cho cô đó là chàng trai - vị khách thứ hai mốt đã nhập chuyến. Hai mươi cộng một. Dĩ nhiên cái số một thừa ra ấy phải tự mình cộng thêm cái lồng chim.
Anh trai ngoài ba mươi ngó tướng mạo cũng khôi ngô, ngồi ngay ngắn, cẩn trọng vuốt phủi ít bụi bặm dính trên áo, làm như kiểu ta đây người ăn ở sạch sẽ, không chấp nhận bưng cái lồng chim ấy đâu. Đừng có mà chờ. Cô gái thì đợi cho chàng làm đẹp xong mới đưa mắt qua nhìn chằm chằm. Chàng cũng đáp lại một cái nhìn chằm chằm. Bốn mắt nhìn nhau sao chẳng thốt nên lời. Cuối cùng đành nói toạc ra luôn, với người chậm hiểu là cứ phải vỗ vào mặt mới được:
- Anh bê cái lồng giúp em.
Chàng trai miễn cưỡng nhận nhiệm vụ mà nhẽ ra theo nguyên tắc của chuyến xe và phép tắc lịch sự tối thiểu thì chàng phải làm trước khi cô gái mở lời. Thoáng trong đầu cô gái nảy sinh một nhận định: đây là một anh đần. Có khi họ khôn đấy, khôn mới không tự tiện xởi lởi ôm cái của nợ kia.
Cái lồng chim đã chuyển sang đặt trên chân chàng trai, hành khách thứ hai mốt, đúng theo luật.
***
Họ, những hành khách trên xe, tranh nhau kể chuyện rôm rả. Chuyện đường sá chuyện chợ búa, nhớ đâu kể đấy. Kể chán chuyện người lại quay về chuyện mình. Họ không khoe khoang của cải con cái giống như những cuộc giao hữu tiệc tùng, không nói chuyện thời sự chính trị để tỏ ra mình có chút kiến thức xã hội. Họ kể về nỗi khổ của bản thân. Ơ hay lạ chưa, chẳng hề quen biết nhau mà cứ trút bầu tâm sự một cách thoải mái. Con người là loài xấu che tốt khoe giỏi nhất. Cái xấu chỉ được phơi bày ở nơi chẳng ai biết mình.
Bà năm mươi tuổi mở màn cuộc kêu ca bằng việc kể tật xấu của chồng. Tôi cứ đi buôn chuyến thế này cho nó khuây khỏa chứ về nhà chán ông nhà lắm. Bố nó tới tháng lĩnh lương xong ném vào các sòng bạc, nhiều hôm đi tới tận sáng trời mới thất thểu về nhà. Thử hỏi vui chi cái trò đỏ đen ấy mà ham, già rồi nghỉ ngơi có phải khỏe không?
Bà khác cũng là dân buôn nói chen vào. Như thế còn đỡ. Ông nhà tôi mới buồn cười. Lụ khụ gần sáu chục rồi mà buổi sáng cứ thích chạy thể dục với mớ nạ dòng cụt đọt. Bọn ấy cứ phây phẩy lăng lắc thế thì chẳng biết ông ấy thể dục tay chân hay thể dục bằng mắt. Thôi mình phận đàn bà hết tuổi xuân, bõ bèn gì nữa mấy cái của nợ của các ông mà giữ với chả gìn. Như tuổi mình cứ trông vào con cái, thấy nó trưởng thành khôn lớn mà mừng, còn các ông thì bỏ đi.
Con cái cũng chán lắm chứ bác tưởng. Bà tiếp theo xen vào. Tôi đây được thằng con một, cưng nó từ bé thành ra nó ỷ lại, nghề ngỗng học ba bữa bỏ, lại theo bè bạn phượt phạt gì đó mà cũng đi suốt. Thỉnh thoảng kéo một con bé về nằm trong nhà. Tôi vào nhà, con bé chui cái đầu ra khỏi màn chào bác rồi lại chui vào trong. Cứ như nó đã thành chủ cái nhà. Mình không dạy con nên đành ngậm tăm. Đi buôn lãi lời chẳng thiết, chỉ mong được ra khỏi cái nhà ấy thôi.
***
Cô gái nãy giờ ôm cái lồng chim không hứng thú bắt chuyện, bây giờ có người bưng giúp cảm giác nhẹ nhàng như trút được một gánh nặng, liền quay sang chàng trai mỉm cười thay lời cảm ơn. Cô cởi nút áo khoác bên ngoài, phanh ngực ra. Chiếc áo pull màu đỏ phía trong hiện ra rõ rệt, cổ áo trễ xuống, chỉ cần đưa mắt liếc qua là chàng trai thấy được một phần da thịt phơi phới trên vòm ngực.
Xe chật. Dãy ghế ép chặt năm người. Vai chàng dính sát vai nàng. Xe lắc lư qua phần đường xóc xỉa hố gà, hai vai càng được dịp cọ xát. Mắt chàng vô tình lọt tõm vào trong ngực áo nàng mấy giây. Chàng ngoái đầu sang phải nhìn qua cửa kính xe, cố gắng giữ cái hướng nhìn ấy. Được một lúc mỏi cổ quá lại đảo đầu sang cho mắt rơi xuống chỗ ngực áo. Thì biết nhìn đâu được nữa, phía trước cái lồng chim đã choán hết. Phần thưởng dành cho kẻ đến sau như thế cũng là hậu hĩ.
- Cô cũng về tới bến luôn à?
Chàng trai đã chịu mở miệng bắt chuyện với cô gái. Không nói chuyện thì biết làm gì. Nói chuyện cũng là một cách để đỡ say xe và quên đi cảm giác ngóng chờ tới nơi.
- Em cũng chẳng biết nữa, cứ đi rồi hẵng hay.
Chàng lờ mờ hiểu ra có một chuyện gì đó đang xảy ra với cô gái ngồi cạnh mình. Một cuộc chạy trốn chẳng hạn. Trẻ như thế thì có thể là bị thất tình, cô muốn tránh xa cái người bấy lâu nay nói lời ngon ngọt. Lúc này chàng chỉ có một sự suy đoán đó mà thôi. Chẳng biết nói thêm gì thì bày chuyện hỏi han công việc.
- Cô làm nghề gì?
- Anh có hay đi tàu không?
- Cô bán vé hay là nhân viên phục vụ trên tàu?
Cô gái cúi xuống cười rúc rích. Từ lúc lên xe đến giờ cô mới nở một nụ cười.
- Không. Ý em là tàu nhanh tàu chậm ấy.
- À, à.
Chàng trai xem chừng đã hiểu ra nghề của cô. Một cái nghề không hẳn nghề. Đấy chỉ là bước lỡ chân của nàng Kiều.
- Có đi không? - cô hỏi.
Chàng đánh mắt nhìn qua cửa xe tảng lờ. Chàng không trả lời thì nàng vẫn còn hi vọng, ít ra có thể lúc này vị khách đang đắn đo về giá cả chứ nàng tin rằng đàn ông ai cũng máu me. Kinh nghiệm của người trong nghề, nhìn qua mắt đàn ông là cô nàng đoán biết có thể dụ dỗ mời mọc được hay không. Và ngay từ lúc chàng trai mới chui lên cửa, nàng đã thầm nghĩ mối này ngon ăn.
- Hai trăm nhé! Xuống bến em dẫn tới phòng luôn.
Chàng trai vẫn im phắc, không gật đầu chẳng từ chối. Nghề của các cô thật lắm chiêu. Giữa cái thời nhà nghỉ mọc lên như nấm sau mưa, gái sa cơ như lúa được mùa. Chợ đời trăm người bán vạn người mua, chợ người thì ngược lại. Nên chi cô nào lỡ vào nghề này mà ngồi một chỗ thì đói meo. Thế là cô nhảy lên một chuyến xe, bắt khách luôn dọc đường. Việc này cô đã thử và thấy có hiệu quả. Nếu trên xe không bắt được khách thì xuống bến. Học theo cách bán hàng dạo, loanh quanh bến chứ không chịu đứng đường để cho công an tóm về trại.
***
Theo yêu cầu của chàng trai vị khách thứ hai mốt, xe dừng lại ở một ngã ba. Cửa mở, chàng trả cái lồng chim lại cho vị khách thứ hai mươi, là cô gái tươi trẻ nãy giờ đang ngồi bên cạnh. Rồi chàng thong thả bước xuống xe. Khi chui đầu qua cửa, chiếc mũ áo choàng bị vướng phải khung xe khiến cái đầu chàng phơi ra.
Một cái đầu trọc của vị sư trẻ.
Hành khách trên xe bất ngờ. Tất cả im lặng lạ thường. Dường như ai nấy đều cảm thấy áy náy cho vị khách đặc biệt kia. Chú lơ xe luống cuống nhận ra tội lỗi tày trời của mình: nhẽ ra không nên để thầy bê cái lồng chim. Người nhà chùa vốn không sát sanh và không giam giữ sự tự do của muôn loài. A di đà Phật, mong thầy lượng thứ cho sự vô ý của con.
Cô gái được một phen. Làm gái đã ba năm rồi nhưng hôm nay là lần đầu tiên cô bắt nhầm một vị khách. Cô cũng muốn sám hối nên nhẩm thầm một câu A di đà Phật mặc dù chẳng biết câu này có ý nghĩa gì, thấy người ta nói thì nói theo vậy thôi, giống con chim sáo bập bẹ.
Chuyến xe từ đó về tới bến chìm trong bầu không khí trầm lắng. Dường như có một cơn gió nhiệm mầu. Họ cảm thấy một thoáng chốc lánh đời, khỏi phải nói chuyện chồng già còn hư, con trẻ đã hỏng, khỏi phải cám cảnh bôn ba ngược xuôi ô nhục kiếm miếng ăn. Khổ của muôn đời kể mãi cũng không cùng không tận.
Một hành khách chép miệng rồi thở hắt ra, bật lên câu nói nửa đùa nửa thật: Thôi đi tu cho rảnh việc các bà.
Ờ ờ...
***
Riêng nhà sư trẻ, vị khách thứ hai mốt thì lụi cụi một mình trên con đường vắng sau khi tách khỏi chuyến xe và bỏ lại cái lồng tù túng con chim sáo. Người ta đâu có biết rằng đối với vị sư thì đấy là chuyến xe chạy trốn khỏi chùa, mang ý định thoát cõi thiền về lại cuộc sống thế tục. Lúc ngồi trên xe, chàng chỉ còn cái đầu trọc là kỷ niệm cho mối duyên nợ với tam bảo.
Bây giờ thì chàng đang đi một mình trên con đường vắng, vẩn vơ nghĩ chẳng biết nên về đâu giữa buổi này?
Truyện ngắn HOÀNG CÔNG DANH
Xe ôtô mười hai chỗ đời cũ nhưng nhét được hai mươi con người ngon ơ, chưa kể bác tài xế và chú lơ xe kiêm thu tiền chễm chệ ngồi riêng dãy ghế đầu tiên. Cuối ngày rồi, chẳng ai thèm bắt xe giữa đường mà lơ với láo cho mệt, thế là chú lơ xe chỉ còn mỗi nhiệm vụ thu tiền vé.
- Mỗi bác cho em năm chục nhé!
Biết là bị chém đắt thêm cả chục ngàn nhưng chẳng ai muốn mặc cả làm gì. Ai cũng nghĩ mình may mắn vì đã bắt được xe. Không thì ở lại chỗ nhà trọ gần bến cũng mất mỗi đêm thêm năm chục, đấy là chỉ nhắm mắt mà ngủ thôi, còn nếu anh nào buồn buồn kêu thêm em út vui vẻ lại chẳng đi đứt hai trăm ngàn như chơi.
Vị khách đầu tiên của chuyến xe này là cái... lồng chim. Lồng tre vuông, phía trong nhốt một con chim sáo biết nói mấy chữ tục tằn. Con chim này của người ta gửi theo xe về tới bến dừng sẽ có người đến nhận. Phí gửi bằng hai phí người. Chắc chủ nhân nuôi nó là một tay giang hồ ất ơ nên mới dạy cho nó chửi thề ghê vậy. Hễ có khách lên xe là con sáo lại chửi thề hai chữ “đ. mạ”. Ba bốn người ngoái đầu về sau nhìn con chim bật cười. Xem ra chuyến xe có thêm một kẻ chỉ biết nói tục cũng vui vui.
Bác nào ngồi sau thì giữ con chim hộ cái. Bác tài xế tay ôm vôlăng, mắt đăm đăm nhìn trước, nói câu nhờ vả mà chẳng thèm quay mặt lui. Ai cũng biết ở trên xe bác tài là người quan trọng nhất. Thì giữ chiếc lồng giúp cho nó yên tâm lái an toàn.
Lúc đầu khách còn thưa thì cái lồng chim choán một chỗ ngồi. Sau xe chật, cái lồng được đặt lên chân người mới vào. Giống như một sự phân công tự ý, đứa nào vô sau đứa đó lo mà giữ, nhé! Thấy người mới lên xe là cái vị hành khách đang giữ lồng chim hớn hở chuyển cái lồng qua ngay, thanh thản như mới trút được một gánh nặng.
Vị khách thứ hai mươi của chuyến xe là một cô gái, mới chừng hai mươi tuổi thôi nhưng da mặt có vẻ dày nên phải bôi phấn trát son hơi nhiều. Tóc uốn cong nhuộm vàng xức nước hoa nồng nặc. Cùng cái mùi ấy mà xung quanh có người phẩy tay xua xua, lại có người hít hít thưởng thức. Thì ra cái người xua xua là một bà tuổi năm mươi đã qua thời xuân sắc còn trách trời sao nỡ để trên đời không có phụ nữ xấu, chỉ có người đến tuổi làm hoài vẫn không đẹp. Còn cái người hít hít thích thú kia là một ông chừng sáu mươi ngồi sau, chồm cái đầu tới trước một chút mà ngửi. Cô gái mặc quần bò bó sát đùi, áo choàng kéo lên kín cổ vì trời se se lạnh. Choàng áo ngoài nhưng ngực vẫn lồi ra hai bụm, biết ngay tướng đẫy đà. Và dù choàng áo kín cổ nhưng mùi thơm vẫn ào ào tuôn ra bạt mùi xăng xe.
Cái lồng đã yên vị trên đầu gối cô gái thì cánh cửa đóng sập. Dĩ nhiên cô gái là người ngồi cạnh cửa lên xuống xe. Học trò đến lớp chàng nào thích ngồi bên cửa sổ đều được gán cho biệt danh tâm hồn treo ngược cành cây, máu me thơ phú. Còn hành khách trên xe, ai ngồi bên cửa sổ thường bị nghi là hạng dễ say xe. Ngồi sát cửa sổ lỡ mồm miệng có phun ra thứ gì thì chui đầu qua cửa xả cho tiện. Chú lơ xe chuyền lui một thếp túi nilông đen có quai xách. Bác nào say xe nhớ tống vào đây rồi ném qua cửa giùm nhé. Cứ thế mà ném, mặc xác thằng nào bên đường hứng phải. Cùng lắm nó chửi một câu. Còn hơn cứ giữ khư khư cái túi trên xe, chỉ tổ khiến thêm vài người đòi nôn theo. Gọi là hội chứng nôn dây chuyền, hay hiệu ứng đôminôn.
Bây giờ vị khách ngồi bên cửa lên xuống còn nhận thêm một nhiệm vụ bất khả kháng là giữ cái lồng chim sáo.
Không ai khác, chính là cô gái hai mươi tuổi phấn son phơm phức.
Giá như ở một nơi khác, người ta biết trân trọng cái đẹp, biết nâng niu hoa tươi thì sự galăng của vài gã đàn ông đã bê giúp cái lồng chim cho cô. Đằng này đây là một chuyến xe. Chẳng ai quen ai và chẳng ai nghĩ đến sự galăng hay nâng niu trân trọng. Vậy là cô gái trẻ nhất, đẹp nhất, xứng đáng là hoa khôi chuyến xe cuối ngày buộc phải giữ con chim.
Bác tài xế quay lui nhắc khéo: “Giữ cho cẩn thận nhé! Đừng để nó toe lông”. Phía sau có tiếng một chàng cười hí hí, a dua hùa thêm một câu: “Cô gì ơi giữ chim đừng để nó vùng lên mà toe lông nhé”. Bà năm mươi tuổi lại quay sang nhắc nhở cái cậu nọ: “Chim chú không lo giữ cứ quan tâm chim người ta làm chi?”. Ông sáu mươi tuổi lại chọc kháy bà kia: “Xem ra bà cũng máu me chim chóc ghê nhỉ?”. Bà vỗ đét vào vai ông một cái. Cứ như thể người thân nhau chứ chẳng phải xa lạ mới chung chuyến xe. Thành ra hành khách trên xe cứ chọc ghẹo nhau chỉ từ chuyện chim với lông. Riêng cô gái thì vẫn ngồi im, ngán ngẩm cái của nợ đang nằm trên đùi, chẳng thiết góp chuyện.
Giữa lúc mọi người rôm rả cà kê chuyện trên trời dưới đất thì ôtô đạp thắng. Có người bắt xe giữa đường. Một chàng thanh niên đoán chừng ba mươi tuổi. Chàng mặc chiếc áo khoác màu đen trùm kín đầu như nhân vật trong các bộ phim siêu nhân. Chỉ mất chừng năm giây để cánh cửa xe kéo ra, chàng trai chui lên, cánh cửa xe đóng lại. Năm giây thôi rồi xe lại chạy và câu chuyện trên xe vẫn tiếp diễn.
Cô gái nãy giờ giữ cái lồng chim tưởng ngán đến tận cổ hóa ra vẫn không sao, thích nữa là đằng khác. Tại cứ thi thoảng con chim sáo lại chửi tục. Cô có cảm giác nó thay cô chửi những người nhiều chuyện xung quanh. Mượn gió bẻ măng mượn chim chửi người. Khéo khen ai dạy con chim biết nói tục, rồi cũng đến lúc cái sự vô giáo dục trở nên hữu ích. Chí ít là đối với những người vô tâm. Người sao người nỡ để cho cô gái trẻ trung xinh xắn phải bê cái lồng chim. Cũng may hai cái hộp đựng thức ăn nước uống của chim đã cạn đồ nên nó không rỉa mỏ bắn tóe. Và may hơn nữa cho cô đó là chàng trai - vị khách thứ hai mốt đã nhập chuyến. Hai mươi cộng một. Dĩ nhiên cái số một thừa ra ấy phải tự mình cộng thêm cái lồng chim.
Anh trai ngoài ba mươi ngó tướng mạo cũng khôi ngô, ngồi ngay ngắn, cẩn trọng vuốt phủi ít bụi bặm dính trên áo, làm như kiểu ta đây người ăn ở sạch sẽ, không chấp nhận bưng cái lồng chim ấy đâu. Đừng có mà chờ. Cô gái thì đợi cho chàng làm đẹp xong mới đưa mắt qua nhìn chằm chằm. Chàng cũng đáp lại một cái nhìn chằm chằm. Bốn mắt nhìn nhau sao chẳng thốt nên lời. Cuối cùng đành nói toạc ra luôn, với người chậm hiểu là cứ phải vỗ vào mặt mới được:
- Anh bê cái lồng giúp em.
Chàng trai miễn cưỡng nhận nhiệm vụ mà nhẽ ra theo nguyên tắc của chuyến xe và phép tắc lịch sự tối thiểu thì chàng phải làm trước khi cô gái mở lời. Thoáng trong đầu cô gái nảy sinh một nhận định: đây là một anh đần. Có khi họ khôn đấy, khôn mới không tự tiện xởi lởi ôm cái của nợ kia.
Cái lồng chim đã chuyển sang đặt trên chân chàng trai, hành khách thứ hai mốt, đúng theo luật.
***
Họ, những hành khách trên xe, tranh nhau kể chuyện rôm rả. Chuyện đường sá chuyện chợ búa, nhớ đâu kể đấy. Kể chán chuyện người lại quay về chuyện mình. Họ không khoe khoang của cải con cái giống như những cuộc giao hữu tiệc tùng, không nói chuyện thời sự chính trị để tỏ ra mình có chút kiến thức xã hội. Họ kể về nỗi khổ của bản thân. Ơ hay lạ chưa, chẳng hề quen biết nhau mà cứ trút bầu tâm sự một cách thoải mái. Con người là loài xấu che tốt khoe giỏi nhất. Cái xấu chỉ được phơi bày ở nơi chẳng ai biết mình.
Bà năm mươi tuổi mở màn cuộc kêu ca bằng việc kể tật xấu của chồng. Tôi cứ đi buôn chuyến thế này cho nó khuây khỏa chứ về nhà chán ông nhà lắm. Bố nó tới tháng lĩnh lương xong ném vào các sòng bạc, nhiều hôm đi tới tận sáng trời mới thất thểu về nhà. Thử hỏi vui chi cái trò đỏ đen ấy mà ham, già rồi nghỉ ngơi có phải khỏe không?
Bà khác cũng là dân buôn nói chen vào. Như thế còn đỡ. Ông nhà tôi mới buồn cười. Lụ khụ gần sáu chục rồi mà buổi sáng cứ thích chạy thể dục với mớ nạ dòng cụt đọt. Bọn ấy cứ phây phẩy lăng lắc thế thì chẳng biết ông ấy thể dục tay chân hay thể dục bằng mắt. Thôi mình phận đàn bà hết tuổi xuân, bõ bèn gì nữa mấy cái của nợ của các ông mà giữ với chả gìn. Như tuổi mình cứ trông vào con cái, thấy nó trưởng thành khôn lớn mà mừng, còn các ông thì bỏ đi.
Con cái cũng chán lắm chứ bác tưởng. Bà tiếp theo xen vào. Tôi đây được thằng con một, cưng nó từ bé thành ra nó ỷ lại, nghề ngỗng học ba bữa bỏ, lại theo bè bạn phượt phạt gì đó mà cũng đi suốt. Thỉnh thoảng kéo một con bé về nằm trong nhà. Tôi vào nhà, con bé chui cái đầu ra khỏi màn chào bác rồi lại chui vào trong. Cứ như nó đã thành chủ cái nhà. Mình không dạy con nên đành ngậm tăm. Đi buôn lãi lời chẳng thiết, chỉ mong được ra khỏi cái nhà ấy thôi.
***
Cô gái nãy giờ ôm cái lồng chim không hứng thú bắt chuyện, bây giờ có người bưng giúp cảm giác nhẹ nhàng như trút được một gánh nặng, liền quay sang chàng trai mỉm cười thay lời cảm ơn. Cô cởi nút áo khoác bên ngoài, phanh ngực ra. Chiếc áo pull màu đỏ phía trong hiện ra rõ rệt, cổ áo trễ xuống, chỉ cần đưa mắt liếc qua là chàng trai thấy được một phần da thịt phơi phới trên vòm ngực.
Xe chật. Dãy ghế ép chặt năm người. Vai chàng dính sát vai nàng. Xe lắc lư qua phần đường xóc xỉa hố gà, hai vai càng được dịp cọ xát. Mắt chàng vô tình lọt tõm vào trong ngực áo nàng mấy giây. Chàng ngoái đầu sang phải nhìn qua cửa kính xe, cố gắng giữ cái hướng nhìn ấy. Được một lúc mỏi cổ quá lại đảo đầu sang cho mắt rơi xuống chỗ ngực áo. Thì biết nhìn đâu được nữa, phía trước cái lồng chim đã choán hết. Phần thưởng dành cho kẻ đến sau như thế cũng là hậu hĩ.
- Cô cũng về tới bến luôn à?
Chàng trai đã chịu mở miệng bắt chuyện với cô gái. Không nói chuyện thì biết làm gì. Nói chuyện cũng là một cách để đỡ say xe và quên đi cảm giác ngóng chờ tới nơi.
- Em cũng chẳng biết nữa, cứ đi rồi hẵng hay.
Chàng lờ mờ hiểu ra có một chuyện gì đó đang xảy ra với cô gái ngồi cạnh mình. Một cuộc chạy trốn chẳng hạn. Trẻ như thế thì có thể là bị thất tình, cô muốn tránh xa cái người bấy lâu nay nói lời ngon ngọt. Lúc này chàng chỉ có một sự suy đoán đó mà thôi. Chẳng biết nói thêm gì thì bày chuyện hỏi han công việc.
- Cô làm nghề gì?
- Anh có hay đi tàu không?
- Cô bán vé hay là nhân viên phục vụ trên tàu?
Cô gái cúi xuống cười rúc rích. Từ lúc lên xe đến giờ cô mới nở một nụ cười.
- Không. Ý em là tàu nhanh tàu chậm ấy.
- À, à.
Chàng trai xem chừng đã hiểu ra nghề của cô. Một cái nghề không hẳn nghề. Đấy chỉ là bước lỡ chân của nàng Kiều.
- Có đi không? - cô hỏi.
Chàng đánh mắt nhìn qua cửa xe tảng lờ. Chàng không trả lời thì nàng vẫn còn hi vọng, ít ra có thể lúc này vị khách đang đắn đo về giá cả chứ nàng tin rằng đàn ông ai cũng máu me. Kinh nghiệm của người trong nghề, nhìn qua mắt đàn ông là cô nàng đoán biết có thể dụ dỗ mời mọc được hay không. Và ngay từ lúc chàng trai mới chui lên cửa, nàng đã thầm nghĩ mối này ngon ăn.
- Hai trăm nhé! Xuống bến em dẫn tới phòng luôn.
Chàng trai vẫn im phắc, không gật đầu chẳng từ chối. Nghề của các cô thật lắm chiêu. Giữa cái thời nhà nghỉ mọc lên như nấm sau mưa, gái sa cơ như lúa được mùa. Chợ đời trăm người bán vạn người mua, chợ người thì ngược lại. Nên chi cô nào lỡ vào nghề này mà ngồi một chỗ thì đói meo. Thế là cô nhảy lên một chuyến xe, bắt khách luôn dọc đường. Việc này cô đã thử và thấy có hiệu quả. Nếu trên xe không bắt được khách thì xuống bến. Học theo cách bán hàng dạo, loanh quanh bến chứ không chịu đứng đường để cho công an tóm về trại.
***
Theo yêu cầu của chàng trai vị khách thứ hai mốt, xe dừng lại ở một ngã ba. Cửa mở, chàng trả cái lồng chim lại cho vị khách thứ hai mươi, là cô gái tươi trẻ nãy giờ đang ngồi bên cạnh. Rồi chàng thong thả bước xuống xe. Khi chui đầu qua cửa, chiếc mũ áo choàng bị vướng phải khung xe khiến cái đầu chàng phơi ra.
Một cái đầu trọc của vị sư trẻ.
Hành khách trên xe bất ngờ. Tất cả im lặng lạ thường. Dường như ai nấy đều cảm thấy áy náy cho vị khách đặc biệt kia. Chú lơ xe luống cuống nhận ra tội lỗi tày trời của mình: nhẽ ra không nên để thầy bê cái lồng chim. Người nhà chùa vốn không sát sanh và không giam giữ sự tự do của muôn loài. A di đà Phật, mong thầy lượng thứ cho sự vô ý của con.
Cô gái được một phen. Làm gái đã ba năm rồi nhưng hôm nay là lần đầu tiên cô bắt nhầm một vị khách. Cô cũng muốn sám hối nên nhẩm thầm một câu A di đà Phật mặc dù chẳng biết câu này có ý nghĩa gì, thấy người ta nói thì nói theo vậy thôi, giống con chim sáo bập bẹ.
Chuyến xe từ đó về tới bến chìm trong bầu không khí trầm lắng. Dường như có một cơn gió nhiệm mầu. Họ cảm thấy một thoáng chốc lánh đời, khỏi phải nói chuyện chồng già còn hư, con trẻ đã hỏng, khỏi phải cám cảnh bôn ba ngược xuôi ô nhục kiếm miếng ăn. Khổ của muôn đời kể mãi cũng không cùng không tận.
Một hành khách chép miệng rồi thở hắt ra, bật lên câu nói nửa đùa nửa thật: Thôi đi tu cho rảnh việc các bà.
Ờ ờ...
***
Riêng nhà sư trẻ, vị khách thứ hai mốt thì lụi cụi một mình trên con đường vắng sau khi tách khỏi chuyến xe và bỏ lại cái lồng tù túng con chim sáo. Người ta đâu có biết rằng đối với vị sư thì đấy là chuyến xe chạy trốn khỏi chùa, mang ý định thoát cõi thiền về lại cuộc sống thế tục. Lúc ngồi trên xe, chàng chỉ còn cái đầu trọc là kỷ niệm cho mối duyên nợ với tam bảo.
Bây giờ thì chàng đang đi một mình trên con đường vắng, vẩn vơ nghĩ chẳng biết nên về đâu giữa buổi này?