Những Ngày Tháng Cũ (Nhật Tiến)
Feb 7, 2023 3:32:23 GMT -6
Post by sheen on Feb 7, 2023 3:32:23 GMT -6
Nhà văn Nhật Tiến
20/7/1954 – 20/7/2017: Đọc để nhớ lại những ngày đầu tiên mới vô Nam
I.
Vậy là nhà giáo Trần Nhân Thế đã ăn cái tết thứ ba ở miền Nam kể từ sau ngày đất nước bị chia đôi, 20 tháng 7 năm 1954. Hai cái tết đầu tiên thì Thế còn ở ngay tại thủ đô Sài Gòn.
Nóng đến chẩy mỡ. Chẩy mỡ thứ thiệt chứ chả phải ví von gì. Thế còn nhớ căn buồng lụp sụp thuê ở gần chợ Bà Chiểu, cách Lăng Ông chỉ một thôi đường nếu ngồi trên xe thổ mộ. Buồng đã hẹp, lại mái lá lụp sụp tưởng như úp ngay trên đầu. Giơ cao tay lên là có thể sờ thấy những gióng tre, gióng nứa đan kết với nhau để đỡ lấy những mảng lá gồi.
Hôm hăm tám tết, đến chơi nhà thằng bạn, nó cho hẳn nửa ký lạp sường. Thế đem về treo ngay ở góc buồng (đồ đạc chẳng có, lấy gì có chạn để đồ ăn). Thế là dưới cái nắng chói chang của những ngày giáp tết, mỡ trong lạp sường cứ nhỏ tong tỏng xuống nền đất nứt nẻ. Khi Thế phát hiện ra thì mấy cái lạp sường đã teo quắt lại, lớp bao bên ngoài thì nhăn nhúm, có chỗ vênh lên như đóng thành vẩy. Ui chao là tiếc xót!
Nhưng cũng chính anh bạn này, tên Khang, đã dẫn dắt Thế ra khỏi thời kỳ túng quẫn. Một hôm Thế tới chơi nhà Khang ở đường Galliéni, cái đại lộ rộng thênh thang nối Sài gòn với Chợ Lớn hồi đó vẫn còn cả đường xe điện chạy ở chính giữa, nhìn vẻ mặt vêu vao hốc hác của Thế, Khang nheo mắt hỏi:
– Vẫn chưa có việc hả?
Thế nhún vai thở dài:
– Chả quen ai, chả nhờ được ai. Cái thế giới Sài Gòn rộng rãi và xô bồ đến rùng rợn này, mình chỉ như con kiến bò xoay quanh.
Khang cười:
– Vậy cậu có chịu bò đi xa không? Trong này người ta gọi là xuống miệt vườn đó. Dám đi không?
Thế nhìn Khang hơi nghi ngờ, nhưng chỉ là thoáng qua vì quen thân với hắn từ những ngày mài đũng quần ở trường Chu văn An Hà Nội, Khang tuy hay cười cợt, khôi hài nhưng chỉ là những thứ tào lao thôi. Chứ cái chuyện cơm áo chết người này, Khang đủ tế nhị để không đùa giỡn, nhất là trong hoàn cảnh cùng kiệt của Thế như bây giờ. Thấy Thế còn tần ngần, Khang giảng giải:
– Tao có thằng cháu họ xa, cũng mới di cư vào, được gia đình cấp cho ít vốn làm ăn. Nó định xuống Lục tỉnh mở trường. Mày chịu đi theo để dạy cho nó mấy lớp không?
Mắt của Thế sáng lên:
– Ô! Dạy học thì “chúa” quá rồi! Mấy năm làm précepteur (trợ giáo) ở Hà Nội tao cũng khối kinh nghiệm.
Khang tiếp:
– Trường của nó định mở mãi tuốt dưới miệt vườn Bến Tre cơ đấy.
Thế không ngạc nhiên:
– Thì mới … ra lò, làm sao mà dám chen chân ở ngay Sài Gòn được!
Khang cười:
– Cậu nghĩ đúng. Trường nhỏ thôi, chỉ có mỗi hai phòng, mở được bốn lớp. Sáng mở Ðệ Ngũ, Ðệ Tứ, chiều mở Ðệ Thất, Ðệ Lục.
Thế chưa thể hình dung ra ngôi trường chỉ có hai phòng học nó sẽ ra hế nào, nhưng cũng nói buông xuôi:
– Tính thế là phải. Tuần tự nhi tiến mà…
Khang hỏi:
– Nếu mày chịu thì đi. Mà chịu dạy nổi đủ các môn không?
Thế trố mắt:
– Trường chỉ có… một thầy thôi à?
Khang vội vã cải chính:
– Không…không…Cũng có thầy dạy từng môn như các trường khác chứ! Nhưng điều thằng Phú nó cần là phải có người thường trực để dạy trám. Trường ở xa, thầy ở Sài Gòn xuống dạy theo giờ sẽ có lúc nghỉ bất tử, không lẽ cho học trò ngồi chơi xơi nước.
Thế hiểu ra liền đáp:
– Tao … trám môn gì cũng được, trừ Anh văn!
Khang cười:
– Không! Nó chỉ kỳ vọng mày “chơi” được Sử Ðịa, Vạn Vật hay Công Dân Giáo Dục lăng nhăng thôi… Anh văn thì có đứa lo rồi.
Thế cười bẽn lẽn:
– Tao cứ nhớ thầy Hoạch hồi dạy Anglais Vivant cuốn Sixième Bleu. I am the master….you are the pupil....lưỡi của tao cứng như gỗ, bây giờ vẫn còn ngán!!!
Thế là sau mùa hè năm ấy, Thế khăn gói quả mướp xuống Rạch Xoài, Bến Tre mở đầu cho sự nghiệp nhà giáo của mình.
Người cháu họ xa của Khang tên Phú. Người cao ráo, khỏe mạnh, khá đẹp trai tuy trán hơi thấp và giọng nói quá rành rọt khiến cho những nét tình cảm bị làm cho nhẹ đi. Ðiểm đáng chú ý nhất nơi Phú là cặp mắt sắc như dao nhìn ai cũng lộ vẻ thẳng thắn, trực diện và cái cầm hơi bạnh ra khiến Phú mang đầy vẻ vừa cương quyết vừa sẵn sàng sốc tới. Sau nhiều tháng lui tới giao dịch với chức sắc và các hào phú địa phương, Phú đã dựng xong cho mình được một cơ ngơi tạm gọi là được mắt. Ðấy là ngôi trường trung học tư thục đầu tiên thuộc xã Tân Thới, Quận Trúc Giang, tỉnh Bến Tre sau đổi là Kiến Hòa.
Ngôi trường này nguyên là một gian nhà lồng chợ bị bỏ hoang lâu ngày vì dân buôn bán đổ hết ra bến phà Rạch Xoài nơi có đông khách qua lại, lui tới. Phú cho sửa sang lại, ngăn vách thành 3 căn rộng rãi, 2 căn làm phòng học, 1 căn ở rìa thì phía ngoài làm văn phòng nhà trường, phía trong là căn buồng rộng kê đủ bốn năm cái ghế bố cho các thầy ở Sài Gòn ăn ngủ khi về dạy một hai hôm luân phiên cho tới hết tuần. Ngay đằng sau trường là một đường mương, nước lên xuống theo thủy triều, mọi thứ nước ăn uống, tắm giặt đều từ đường mương ấy múc lên, đổ vào một cái thống thật to đặt sau một cái nhà tắm được quây bằng 4 vách gỗ. Cầu tiêu công cộng thì ở mãi đằng xa, vắt vẻo trên một tấm sàn gỗ cao lênh khênh do một cái cầu khỉ cheo leo gập ghềnh đưa tới. Phía dưới cầu là một cái ao nuôi cá tra. Những con cá mập mạp cứ bu quanh mấy gian chuồng cầu, thỉnh thoảng lại quẫy nước và tung mình lên, phô lớp da ướt nhẫy, trắng xóa. Sống lâu ở đây, riết rồi Thế cũng thấy cá tra là món ăn bình dân, rẻ tiền và khoái khẩu!
Tuy nhiên điều tuyệt vời nhất ở đây là cả một rừng dừa. Dừa hai bên lối đi, dừa bao quanh những mái nhà tranh nghèo nàn, lụp sụp, dừa lan tràn khắp những mảnh vườn có những lối đi quanh co, có những đường mương len lỏi chạy theo. Thì ra mương nước khắp nơi là để nuôi dừa. Hằng năm tới mùa nước lợ, do muối biển tan vào, nước múc ở mương lên dù đun sôi, pha trà cũng còn thấy vị ngang ngang, lợ lợ.
Học trò ở đây đa số là gia đình nghèo. Nhiều nữ sinh còn đi chân đất, bận áo bà ba, quần thâm, tóc kẹp ngang gần sát gáy. Nam sinh thì lam lũ đủ kiểu, lắm khi vào lớp chân tay còn dính bùn đất vườn ruộng. Nhưng tâm tình của chúng nó thì khỏi chê. Chân chất, thật thà và quý trọng thầy giáo hết mực. Thỉnh thoảng Thế lại được học trò dúi cho nửa chục trứng gà, một chùm chôm chôm hay có khi cả một nải chuối vàng rụm. Hôm gần giáp tết, có đứa chặt nguyên một cây mai vàng chi chít nụ khệ nệ khiêng tới, miệng ngỏn ngoẻn:
– Biếu thầy trưng Tết!!!
Thế la lên;
– Ui giời ơi! Sao mà phí thế! Cả cây mai này để nguyên gốc thì bao nhiêu là tiền.
Nó đáp thản nhiên:
– Nhà em có cả một vườn, hôm nào chúng em dẫn thầy vô con đường đi Quới Sơn. Mai cấp nầy nở bạt ngàn.
Cành mai to tát ấy, Thế đem chưng ngay ở cửa vào “văn phòng” nhà trường. Nhưng chắc tết nhất ở đây sẽ buồn so vì học trò sẽ nghỉ hết, còn bọn bạn bè dạy chung với Thế cũng đều về ăn tết ở Sài Gòn. Chỉ có mỗi mình Thế, bản thân không có gia đình thân thuộc là ở lại “thủ trường” mà thôi.
Từ hôm hai mươi Tết, Phú đã ra nhiều lần thông cáo tới các lớp là học trò phải đóng tiền trường sớm hơn mọi khi để cho các thầy ăn tết. Nhưng mỗi buổi chiều khi học trò về hết, mở cuốn biên lai học phí ra, thấy chỉ lác đác có vài đứa đóng tiền, còn thì gần như đa số chưa thấy có gì nhúc nhích. Người lo nhất là ông Cư, người địa phương được thuê làm Thư ký văn phòng. Ông Cư người thấp bé, da ngăm ngăm, năm nay dễ ngoài năm mươi rồi. Vậy mà ông mới cưới vợ và đã có một thằng Cu. Trong lúc rảnh rỗi, ngồi trò chuyện với Thế, ông cứ mơ ước:
– Tết này lãnh lương xong tôi phải qua chợ Mỹ Tho mua một bộ đồ mới cho thằng cu con. Nó lên một. Tôi đã nhắm rồi, có một bộ bán ở đường Hùng Vương, nó mà bận vô, nom ngộ lắm!
Niềm mơ ước của ông Cư cứ theo năm cùng tháng tận và với cuốn sổ biên lai học phí còn dầy cộm chưa xé được nhiều mà tan dần. Trong tình trạng đó, Phú cũng cứ tất tả ngược xuôi trên những chuyến xe lô Minh Chánh đường Sài Gòn-Mỹ Tho để lo chạy tiền trả lương nhân viên và các thầy giáo. Nhưng mọi khả năng của Phú đã đổ dồn vào tiền thuê mướn trường cùng với những chi phí đóng bàn ghế học trò, sửa sang phòng ốc hết rồi. Cho nên đến hôm có buổi học cuối cùng trước khi học trò nghỉ tết, Phú gọi riêng Thế ra một góc thì thào:
– Chả có thêm đứa chó nào chịu nộp tiền trường hết. Chúng nó nghèo mình cũng đành chịu vậy thôi. Tớ còn có gần trăm bạc phải đưa hết cho ông Cư để ông ấy đong gạo cho gia đình. Riêng phần cậu, để về Sài Gòn nếu vay đâu được, tớ sẽ cầm xuống ngay cho cậu tiêu tết.
Thế cười buồn, giọng thông cảm:
– Thôi không sao đâu, trong sạp còn gạo với chai nước mắm. Ðủ sống sót rồi.
Chiều hôm ấy, giáo chức cả trường đều đã về Sài Gòn, học trò cũng đã tản đi hết, chỉ còn trơ ngôi trường vắng lặng dưới bóng dừa xanh mát cùng với Thế và ông thư ký Cư. Thấy ông cứ tần ngần chưa chịu xếp dọn đồ đạc về nghỉ, Thế nói:
– Ông về sớm lo chuyện tết cho gia đình đi. Mọi thứ trông nom ở đây có tôi đủ rồi.
Ông Cư rơm rớm nước mắt:
– Tôi tưởng sẽ có tiền thì qua bên Mỹ Tho mua cho thằng nhỏ bộ quần áo mới. Nhưng bây giờ thì… chẳng cần qua nữa rồi.
Nghĩ đến ước mơ của một con người lớn tuổi, nó chẳng lớn lao gì, chỉ là một bộ quần áo mới cho đứa con đầu lòng, vậy mà vẫn lo chẳng xong, Thế bỗng mủi lòng nhìn ông:
– Sao lại không cần nữa. Cả năm bây giờ mới có dịp sắm cho thằng cu chút đỉnh, ông bỏ qua sao được! Tôi biết là ông Phú kẹt tiền, chưa trả lương cho ông. Nhưng đây này. Ông đem cái đồng hồ của tôi đi cầm ở bển, loại Oméga cơ đấy, chắc cũng được trăm bạc dư mua được bộ đồ với cả dưa hấu lẫn bánh tét.
Ông Cư hốt hoảng la lên:
– Chết! Làm vậy đâu được, thầy! Tôi đời nào dám thế.
Thế gạt phăng đi:
– Ui, ông chỉ vẽ vời. Tôi ở đây có một mình, học trò lại nghỉ, có cần giờ giấc gì đâu. Mai mốt học trò trả tiền trường, mình lại đi chuộc về có sao đâu.
Phải thuyết phục mãi ông Cư mới nhận chiếc đồng hồ do Thế tháo ra từ cổ tay của mình. Lúc ông ấy lủi thủi đi dưới rặng dừa ra đường cái dẫn tới bến phà, lòng Thế bỗng dâng lên một niềm vui khó tả khi nghĩ tới đứa con đầu lòng của ông chúm chím cười trong bộ đồ mới và vợ chồng ông hẳn cũng chan hòa vui sướng để đón một mùa xuân mới đang rộn rã trở về.
Hai mươi chín Tết, chỉ còn có mỗi mình Thế trấn thủ trong ngôi trường rộng thênh thang như cái nhà lồng chợ này. Khi Phú mới tiếp thu để sửa nó lại thành trường học thì bốn bề chung quanh chỉ có những cột gạch chống đỡ cái trần khá cao với những rui kèo gỗ được lợp thêm những tấm tôn lượn sóng làm mái che. Vào những ngày mưa, nước mưa dội lên mái thành thứ âm thanh rộn rã lắm khi to đến độ át cả tiếng giảng bài. Ấy vậy mà nay ngôi trường cũng đã kha khang trang với cái biển gỗ treo ở phía mặt tiền nhìn ra sân cỏ trước cổng trường, cũng sừng sững những hàng chữ sơn đỏ kẻ trên nền trắng: “Trường Trung Học Cửu Long” nghe rất kêu và nom rất đồ sộ.
Do một sự tình cờ mà tổng số nhân viên thuộc ban giảng huấn lại cũng lên tới chín người, không kể ông Cư, viên thư ký già là người địa phương. Trong chín người đó đã có tới bẩy người là sinh viên đại học Sài Gòn. Có hai anh theo ngành Luật, một anh ngành Dược, một anh Toán Ðại Cương, ba anh còn lại là sinh viên Văn Khoa. Họ xuống trường dạy, có người chỉ một hôm, nhiều nhất là hai hôm là đã hết giờ và lại dông tuốt về Sài Gòn. Phú tuy không còn là sinh viên nhưng cũng chỉ lưu lại trường mỗi tuần có 5 buổi. Bao giờ cứ đến chiều thứ Sáu là anh ta cũng quay về Sài gòn với gia đình mãi đến sáng thứ Hai mới lại mò xuống.
Như thế, chỉ còn có mỗi mình Thế là gắn bó với ngôi trường hết ngày này qua tháng khác. Chàng chẳng có ai ở Sài Gòn để mà chờ mong, cũng chẳng ghi danh theo một phân khoa nào để có lớp phải tham dự. Sau hơn một năm lặn lội trên thành phố, Thế chẳng kiếm ra được việc gì. Chàng đã đủ xơ xác để phó mặc cho cuộc đời đưa đẩy mình như một thứ bèo giạt mây trôi.
Có lần một anh trong đám giảng dạy tẩn mẩn phát hiện ra cả bọn bao gồm tới chín tên, bèn róng lên một câu thơ:
Cửu Long có chín con rồng
Con nào con ấy chẳng khùng thì điên.
Rồi hắn tiếp:
– Có khùng thì mới nghe lời thằng Phú chịu mò xuống cái chốn khỉ ho cò gáy nàỵ
Thế nhún vai:
– Các cậu chẳng khùng đâu. Vài năm nữa ra trường rồi thì sức mấy còn nhớ tới ngôi trường hẻo lánh này. Chỉ có tớ là chôn chân ở đây thôi.
Phú an ủi:
– Con gái Bến Tre tuyệt lắm đó. Lại làm rể một ông điền chủ nữa thì còn hơn là trúng số.
Thế mỉm cười, tuy lòng chẳng vui mà cũng chẳng buồn. Kể từ khi rời Hà Nội để di cư vào Nam, Thế coi như một cuộc đổi đời tức là đi vào một ngã rẽ mới. Như vậy thì dù là cư ngụ ở Sài Gòn hay Bến Tre, hay bất cứ một nơi nào khác, đối với chàng cũng đều là mới như nhau cả. Hơn thế nữa, nhớ đến cái nắng miền Nam chói chang trên những đường phố Sài Gòn, Thế lại thấy thích thú bầu không khí mát mẻ với chung quanh là cả một rừng dừa bát ngát như ở đây.
Cho nên, mỗi khi các bằng hữu rút cả về Sài Gòn thì Thế ở lại coi trường và bầu bạn với những cuốn sách. Thỉnh thoảng lại có vài đứa học trò ghé vào ngồi chơi, chúng nó truyền đạt cho Thế đủ thứ chuyện mới lạ mà chỉ khi vào Nam, Thế mới được biết. Ngộ nghĩnh nhất là chúng nó nhận mình là người Việt, còn Thế và các thầy xuống đây dạy học đều là người Bắc cả!
Chẳng hiểu do nguồn cơn nào mà dân cư ở đây và ngay cả nhiều người ở những nơi khác, lại có cái sự phân biệt rạch ròi đến thế. Cứ như miền Bắc là một quốc gia khác vậy. Có lẽ cũng vì lý do đó mà Thế giành lấy môn Sử, Ðịa để dạy ở tất cả các lớp. Thế chép miệng tự nhủ:
– Tuy không coi Bắc kỳ di cư là người Việt nhưng cả miền Nam vẫn cứ mở rộng vòng tay ra đón tiếp những kẻ ồ ạt bỏ xứ mà đi. Vậy mới thấy dân trong Nam rộng rãi, hào sảng đến thế nào.
Những ngày còn ở Sài Gòn, Thế lại gặp một số người Nam không coi Bắc kỳ là một xứ khác. Nhưng họ lại hậm hực:
– Cả nước đã độc lập rồi, sao không ở ngoải, vô đây làm chi?
Thế mỉm cười:
– Thì di cư chạy nạn Cộng Sản mà.
Kẻ đối đáp chỉ ném cho Thế một cái nhìn thờ ơ, chứng tỏ họ chẳng biết Cộng Sản là gì và cũng chẳng cần quan tâm đến chuyện ấy. Ðiều quan trọng đối với họ chỉ là: Cả nước đã độc lập rồi, sao không ở ngoải, vô đây làm chi! Như vậy thì có tranh luận đến cả ngày thì cũng chẳng ai chịu ai.
Nói cho ngay, năm nay Thế mới chỉ hai mươi hai tuổi. Và chính chàng tự nguyện vô Nam cũng đâu chỉ vì quá sợ hãi Cộng sản. Thế chưa từng có chút kinh nghiệm nào đối với chế độ độc tài đảng trị. Chuyện đấu tố ở miền Bắc năm 1953 thì chàng có nghe nói tới, nhưng chưa đủ thực tế để mình quyết tâm khăn gói ra đi.
Ở cái tuổi trên dưới hai mươi, hễ cứ được đi là thích rồi. Xa Hà Nội thì Thế nhớ lắm chứ, nhưng đi hai năm rồi sẽ quay trở lại mà. Hiệp định Genève chẳng đã quy định qua năm 1956 thì có tổng tuyển cử để thống nhất đất nước đó sao. Lề lối suy nghĩ này có lẽ áp dụng được cho hầu hết giới trẻ bỏ miền Bắc chạy vô Nam. Chỉ có những người đã có thân nhân hay người quen thuộc chết trong những cuộc đấu tố thì mới nhìn rõ chân tướng Cộng Sản trong thời kỳ đó mà thôi!
***
Chiều Ba mươi Tết, đường trong thôn xóm đã vắng hoe bóng người. Lúc chập choạng tối, Thế lấy chiếc đèn măng-sông xuống để đốt. Ðây là thứ đèn ở miền Bắc chưa hề có. Nhưng chàng phát hiện dầu hôi bên trong đã hết, mà ngay đến cả cái ve đựng cồn 90 độ làm mồi châm cái tim đèn cũng đã cạn queo. Chàng bối rối chạy ra trước cổng trường, tính gọi cửa nhà thím Tư ở ngoài đầu đường cái, nhưng sau nghĩ lại, năm hết tết đến, chẳng nên vay mượn xin xỏ ở nhà người ta làm gì, nên chàng lại lầm lũi quay trở vào, mò mẫm trong mấy cái thùng gỗ dưới gậm ghế bố và moi ra được mấy mẩu nến cháy giở.
Thế là chàng cũng có đôi chút ánh sáng leo lét trong căn buồng chỉ trơ toàn vách gỗ, chẳng ban thờ tổ tiên, cha mẹ, chẳng hương hoa cúng bái, mà cái điệu này, với vài cây nến giở giang chẳng chắc gì đủ cháy cho đến lúc đón giao thừa. Cũng may mà Thế đã ăn đủ mấy bát cơm nguội từ hồi chiều. Giờ này, chắc chỉ vài cái quán bên bến phà còn mở cửa, nhưng Thế biết rõ tình trạng cái ví xẹp lép của mình. Hơn một tháng nay, Thế có nhận được đồng lương nào từ tay Phú trao cho đâu!
Chàng ngán ngẩm hết đi ra lại đi vào, mở cuốn sách ra tính đọc thì ánh lửa chập chờn leo lét khiến cho những hàng chữ cứ như nhẩy múa trên trang giấy, càng chăm chú đọc bao nhiêu càng thấy chóng mặt, nhức đầu bấy nhiêu. Cuối cùng, Thế leo leo ghế bố nằm duỗi dài, hai mắt nhắm nghiền để hình dung lại những ngày Tết rộn rã ở khung trời Hà Nội với những thiếu nữ mặc áo nhung đỏ, đeo kiềng vàng nở những nụ cười hồn nhiên trong khói pháo mờ mịt. Những thứ ấy bây giờ tưởng như đã xa lắc trong quá khứ.
Rồi bỗng Thế chợp đi từ lúc nào cho đến khi chàng chợt nghe thấy tiếng guốc gõ lóc cóc trên lớp sàn gạch bao quanh các lớp học, dưới mái hiên trường. Có tiếng của ai đó cao giọng gọi tên chàng làm mấy con chó ở khu xóm gần bên sủa lên ầm ĩ:
– Thầy Thế ơi! Thầy Thế ơi! Ui chu choa, sao đèn đóm gì mà tối thui như vầy nè.
Thế choàng dậy, chạy vội ra thì thấy một người đàn ông dáng dấp to béo bệ vệ, bận một bộ đồ pyjama bằng lụa trắng đang đứng ngay trước cửa văn phòng. Ông ta giới thiệu ngay:
– Tui là Ba Diêu ở xóm trỏng. Hồi chiều qua bắc, đi cùng với thầy Phú sang Mỹ Tho, nghe thầy Phú nói là học trò chậm đóng tiền trường nên các thầy hổng có lương lậu gì hết ráo. Ổng có nhờ tui nếu có tiền thì đem vô trường đưa thầy tiêu tết rồi qua Giêng ổng hoàn trả. Tui kẹt ở bển mãi giờ này mới về, vội mang chút đỉnh tới đưa thầy tiêu tết đây.
Vừa nói, ông ta vừa móc túi áo moi ra một sấp giấy bạc:
– Có hai trăm đây, thầy cầm giùm rồi khi gặp thầy Phú, nhớ nói là tui đã giữ lời hứa mang vô cho thầy rồi nha.
Thế giơ tay nhận tiền mà lòng chưa hết những xúc cảm bùi ngùi. Hai trăm bạc ở thời buổi này là khá to. Ông Ba Diêu lại chưa gặp Thế bao giờ. Vậy mà cứ nghe nói tới hai tiếng “thầy giáo” là ông ta tin cậy ngay, sốt sắng đem tiền tới, mặc dù chỉ căn cứ trên một lời nhắn vớt của Phú lúc đứng trên phà qua sông. Người miềm Nam, miệt vườn chân chất và hào sảng thế đấy!
Chàng cảm động, tần ngần nói:
– Xin cám ơn ông Ba Diêu nhiều lắm. Nhưng thế này thì chúng tôi làm phiền ông quá.
Ông Ba cười để lộ ra cả mấy chiếc răng vàng:
– Chi mà phiền. Chỉ có điều là quán hàng đóng cửa gần hết, chắc phải vài ba ngày nữa thì thầy mới có dịp xài tới. Thôi chúc thầy ăn tết vui vẻ, tui còn phải về kẻo má sấp nhỏ mong.
Nói rồi ông ta vội vã quay ra, biến nhanh vào bóng tối cũng lẹ làng như khi xuất hiện. Thế vội vã chạy theo tiễn chân ra tận cổng trường, mặc dù ông ta chẳng có dịp quay đầu ngó lại. Thuận chân, Thế bước ra ngoài đường cái và lần theo con đường khấp khểnh ấy để đi ra ngoài bến phà.
Vào giờ này, hầu hết các quán hàng đã đóng cửa để ăn tết. Bến phà vắng tanh, hai cái phà lớn đang im lìm trong bóng tối như nằm nghỉ ngơi nghe tiếng sóng vỗ róc rách ở hai bên mạn sườn. Chỉ có vài chiếc đò máy là thấy còn ánh đèn leo lét chờ khách về muộn qua sông. Thế len lỏi đi qua những dẫy sạp gỗ của khu chợ mới và nhìn thấy một tiệm tạp hóa còn đang mở hé cửa. Chàng vội vã tiến tới và len vào. Chị Tư chủ tiệm nhận ra thầy giáo Thế liền đon đả:
– Ui, sao trễ rồi mà thầy chưa về Xì Gòn ăn tết vậy cà?
Thế mỉm cười:
– Tôi đón tết ở đây, tiện thể coi trường luôn.
– Vậy chỉ có mỗi mình thầy, buồn chết!
– Chả sao đâu. Cũng quen rồi. Tiệm của chị còn gì bán không?
Chị Tư ngước lên nhìn các thứ lủng củng đủ thứ đủ loại, như túi đựng vàng hương, túi đựng hoa nylon giả, lon nhựa, gáo múc nước, rổ rá rế… treo lủng lẳng trên những cái xà bắc ngang, chiếm gần hết khoảng trống trên cao của cái tiệm. Chị nói với Thế:
– Mấy thứ bánh tét, dưa hấu, mứt kẹo thì thầy phải vô chợ mới có. Mà cấp này thì họ về hết cả rồi.
Thế tần ngần:
– Nhưng hột vịt muối thì chắc ở đây có chớ?
Mắt chị Tư sáng lên:
– Ui, hột vịt muối thì đây thiếu gì…mà điều tết nhất …ai ăn hột vịt muối?
Thế mỉm cười:
– Cho tôi nửa chục đi. Qua mồng bốn Tết ra chợ kiếm các thứ khác ăn bù.
Chị Tư thích thú cái cách nói chuyện của ông thầy giáo, mắt chị hơi sáng lên và miệng thì mỉm cười. Trong lúc chị lui cui gói trứng, Thế lại hỏi:
– Ở đây có giấy hồng điều với mực lỏng viết chữ nho không nhỉ?
Chị Tư gật đầu:
– Mấy thứ ấy bán chậm, chỉ mấy ông đồ nho còn ưa xài. Nhưng tui cũng có đủ.
– Vậy chị lấy cho tôi 10 tờ giấy đỏ với ve mực tầu, luôn cả vài cây bút nho.
Rồi như chợt nhớ ra, Thế lại nói tiếp:
– Suýt nữa thì tôi quên. Cái đèn măng-sông của tôi cạn ráo cả dầu hôi lẫn cồn đốt. Chị cho thêm 1 lít dầu với một ve cồn đốt.
Chỉ một thoáng sau Thế đã khệ nệ bưng ra một túi đầy ắp những thứ cần mua. Trên con đường tối tăm khấp khểnh trở về, chàng bắt đầu nghe thấy có vài tiếng pháo đì đẹt của lũ trẻ trong xóm đang lúi húi đốt chơi với nhau ở dưới những rặng dừa, phía đằng sau là những căn nhà le lói ánh đèn và đâu đó đã có thoang thoảng mùi nhang khói bay lên.
Về tới trường, việc trước tiên là Thế châm dầu để đốt sáng cái đèn măng sông. Ðèn này mang nhãn hiệu Solar, có một bình dầu mang một cái bơm giống như cái ống thụt. Ở chính giữa, sau cái thông phong bằng thủy tinh khá dầy dặn hình ống là một cái bấc nom khum khum như hình cái túi to độ chừng vài đốt ngón tay. Thoạt tiên Thế phải nhúng vào cồn 90 độ một cái que có bịt vải ở đầu làm mồi lửa, rồi vừa lùa cái mồi lửa vào bên cạnh bấc đèn vừa bơm liên tục ống thụt như ta bơm xe đạp cho hơi dầu bốc lên. Chẳng mấy chốc cái bấc phựt lên, chiếu sáng cả một căn buồng rộng thênh thang, tỏa cả ra phía bên ngoài lan tới tận bờ mương. Vào thời kỳ ấy, ở đây chưa có điện nên các tiệm ăn, tiệm buôn bán đều xài thứ đèn này nhưng thuộc loại lớn hơn, mang nhãn hiệu Aida, khiến cho cả bến phà sáng rực rỡ như đã có điện.
Có được ánh sáng chan hòa rồi, Thế đặt nồi lên bếp cồn để nấu cháo. Chạn đồ ăn còn dư một tô đầy cơm nguội, Thế dùng cơm thay cho gạo nấu thành cháo. Thứ cháo này trong Nam gọi là cháo trắng, ăn với hột vịt muối hay thịt giò có xịt nước tương Tầu Vị Yểu thì hết chỗ chê. Từ khi xuống đây, Thế hay ra bến phà ăn cháo thay cho cơm chiều. Cháo ngoài bến phà thì thật tuyệt. Nó không loãng như cháo hoa ngoài Bắc mà trái lại, ăn rất sánh, vừa sánh vừa nhuyễn nhừ. Hôm nào rủng rẻng thì Thế gọi thêm đĩa thịt giò, nếu không thì một tô cháo, một quả trứng vịt muối cũng đã thấy tuyệt rồi.
Ðến gần nửa khuya, vào cái lúc những tràng pháo bắt đầu đì đẹt nổ ở nhiều nơi thì Thế biết là đã qua giao thừa. Chàng trải rộng tấm giấy hồng điều xuống sàn, đổ lon mực tầu pha lỏng sẵn ra một cái đĩa nhỏ, rồi ngồi suy nghĩ để khởi sự khai bút đầu Xuân.
Biết viết cái gì đây nhỉ? Thôi thì ngoạch đại vài câu thơ gọi là khai bút lấy hên, mặc dù thường ngày, Thế không phải là người sính thơ văn gì. Ngẫm nghĩ một chút, Thế chấm bút vào đĩa mực rồi phóng những chữ thật to xuống tấm giấy dưới sàn, nét chữ khá gọi là bay bướm:
Ðón Xuân có giấy hồng điều
Có dòng mực thắm, có nhiều ý thơ
Xa xa tiếng pháo Giao Thừa
Rộn ràng báo hiệu Xuân vừa mới sang.
Phóng tay Khai Bút vài hàng
Cầu cho ai cũng….huy hoàng hơn xưa!
Ở dưới ký tên Giáo làng: Trần Nhân Thế
Vậy là xong “thủ tục”, Thế nghĩ vậy rồi trong lúc chờ cho mực thật khô để treo lên vách gỗ, chàng mở vung nồi cháo múc ra một tô thật đầy và bóc trứng vịt muối ra ăn cùng với cháo.
Bây giờ thì Thế tiếc là mình quên mua một xị rượu đế. Tuy không phải là bợm nhậu, nhưng vào cái giây phút này mà nhấm nháp một chén để gây cảm giác ngà ngà thì cũng hay ho và nhất là dễ ngủ.
II.
“Trong những ngày ồn ào, náo nhiệt của mùa Thu năm đó (1945), toàn thành phố khu nào cũng đều tổ chức một bữa cơm gọi là ‘Cơm Đoàn Kết’, trong đó các nhà ở hai dẫy phố đều đem bầy bàn ăn ra đường để mọi người ăn chung với nhau một bữa. Thực đơn có món Rau muống luộc được đặt tên là ‘Món Độc Lập’, món Giá xào là món ‘Tự Do’, món Muối vừng là món ‘Hạnh Phúc’. Ối chà chà, lòng người dân Hà Nội vào thời điểm đó, ai cũng hân hoan, phấn khích, và ai cũng đều tưởng như mình đã được ôm cả mớ Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc vào lòng mình”.
Sáng mồng Một, Thế ngủ dậy trễ. Chàng đã trải qua một cơn giấc ngủ dài đầy mộng mị. Có lúc Thế thấy mình đang đi trên con đường làng ở gần bến Trung Hà, nơi thuyền bè cập vào thị xã Vĩnh Yên. Con đường này dẫn từ tỉnh lỵ đi ra một cánh đồng mênh mông, hai bên đường có trồng những cây Gạo cao ngất trời, nở đầy hoa đỏ rực.
Hoa Gạo nhìn thì rất thô, cánh của nó thật dầy lại chẳng hề có mùi thơm. Nhưng mầu sắc của nó thì tuyệt vời. Trên những chòm cây cao chót vót, các chùm hoa Gạo nom như từng mảng mầu hồng tươi vạch những nét chấm phá trên mầu xanh trong vắt của nền trời. Khi hoa Gạo rụng xuống hai bên lề đường, mầu hoa trải thành những vạch đỏ dọc theo những mảng cỏ xanh mướt ở hai bên đường làm cho khung cảnh ở đấy càng thêm rực rỡ như trong bức tranh của một họa sĩ tài hoa.
Hình ảnh của những bông hoa Gạo trong giấc mơ có lúc biến thành nụ cười rất duyên dáng trên đôi môi đỏ hồng chúm chím của Cẩm Hà khi hai người ngồi thủ thỉ với nhau trong bóng chiều đang xuống ở ven bờ Hồ Tây.
Họ yêu nhau tha thiết, trao đổi với nhau nhiều chuyện vu vơ nhưng rộn rã tiếng cười và chưa bao giờ cả hai nhắc tới chuyện tương lai. Cuộc chiến tranh Pháp – Việt trên quê hương đang lụi tàn nhưng lại mở ra nhiều bất trắc. Rồi dân Hà Nội bắt đầu xầm xì chuyện di cư vào Nam. Vì vậy Thế cũng muốn đi. Chàng háo hức nghĩ đến một hành trình mới lạ đang chờ đón cái tuổi ưa phiêu lưu của mình. Nhưng Cẩm Hà thì khẳng định:
– Ba em thì dứt khoát không đi rồi. Cả một cơ ngơi như thế, đi rồi vứt bỏ cho aỉ
Thế lạc quan:
– Cũng chẳng lâu đâu. Sau hai năm là có tuyển cử rồi.
Cẩm Hà nắm chặt lấy tay Thế, ngước mắt hỏi:
– Còn anh nhất định đi hả?
Thế hỏi lại nàng thay vì câu trả lời:
– Em có chờ anh không?
Cẩm Hà buông không nắm lấy tay Thế nữa và im lặng không trả lời, trong khi ấy, đôi mắt của nàng chợt tối lại. Trong thâm tâm, Thế cũng đồng ý với nàng. Im lặng là phải, vì ở hoàn cảnh này chẳng ai có thể hứa hẹn với nhau được điều gì.
Ít lâu sau, Thế đáp xe tải đi Hải Phòng để xuống tầu vô Nam. Cẩm Hà tiễn chân chàng lần chót ở bến xe gần cầu Long Biên. Thế nhận thấy đôi mắt của nàng thâm quầng chứng tỏ đêm trước nàng mất ngủ, nhưng nàng vẫn mỉm cười, vui đùa:
– Ði sướng nhé! Tha hồ bay nhẩy!
Thế nắm chặt lấy tay nàng. Chàng cảm thấy làn da ấm áp, mịn màng mọi ngày của nàng hôm nay lạnh ngắt. Lòng tràn ngập xót xa, nhưng Thế vẫn cười:
– Anh sẽ mang nem rán Sài Gòn chính hiệu về cho em. Ráng chờ nhé.
Cẩm Hà cười khanh khách:
– Hai năm nữa mà không mang về là em nhờ người khác rán đấy!
Cuộc từ biệt sao mà nhẹ tênh, nhưng Thế biết cả hai đều đau như cắt ở trong lòng. Tuổi trẻ ở thế hệ hai người đã có sức chịu đựng như thế đó. Cũng dễ hiểu vì từ tấm bé, những đứa trẻ như Thế, như Hà đã phải sống trong nhiều cảnh mà đáng lẽ tuổi thơ như họ không phải chịu đựng.
Hai người đã từng trải qua những đêm ở Hà Nội tối om vì nhà nhà phải chụp những bóng đèn bằng những cái abat- jour (chụp đèn) bằng giấy mầu đen để tránh bom Ðồng Minh thả xuống chống Nhật. Rồi phải ban ngày cứ nghe còi báo động rú lên là chạy túa ra hết những “tăng sê” (tranchée: hầm trú ẩn) đã được đào ở khắp mọi nơi trong thành phố, thậm chí nhiều gia đình còn đào hầm ở ngay trong nhà để hễ nghe hú còi là chui xuống, khỏi mất công chạy đi xa.
Ở nhà Thế, cái hầm này được đào ngay giữa phòng ngủ, nắp che là tấm “ghế ngựa” tức hai tấm phản bằng gỗ lớn được ghép lại làm giường nằm. Khi có còi báo động thì mọi người trong nhà choàng dậy, khỏi chạy ra ngoài, cứ lục tục kéo nhau rút xuống gậm giường tức cái hầm trú ẩn. Mà thật ra nó cũng chẳng kiên cố gì ngoài sự đem lại cho mọi người cái cảm giác được an toàn. Đã thế, tuy vách và sàn hầm đã được trát vữa hẳn hoi, nhưng chỉ là loại vữa chứa xi- măng thì ít, cát trộn thêm thì nhiều nên nước ngầm phía dưới cứ rỉ vào hầm khiến có khi xuống hầm cứ phải lội nước lõng bõng. Ấy là thường xuyên, cứ vài ngày là cả nhà đã phải xúm lại hì hục múc nước từ hầm ra và chuyển từng xô ra ngoài đem đổ đi.
Vào thời gian Đồng Minh thả bom xuống Hà Nội dữ dội hơn thì nhiều nhà nhát gan đã phải mang cơm nắm muối vừng để “chạy loạn”, sáng đi, chiều tối quay về. Thường thì hàng xóm quanh nhà Thế vào đóng đô trong Văn Miếu, tức Quốc Tử Giám mà chung quanh đã đào sẵn rất nhiều hầm trú ẩn. Rồi có lúc lại nghe chừng ngay giữa thủ đô thì dễ bị ăn bom hơn là ở ngoại thành thì mọi gia đình lại kéo nhau hàng đoàn đi xuống Ô Kim Mã, leo qua Núi Bò để vào đền Voi Phục, gần ô Cầu Giấy bây giờ.
Núi Bò ở gần Ô Kim Mã thật ra chỉ là một mảnh đồi đã bị mòn vẹt, ở đó người ta xây rất nhiều lò nấu kẹo như kẹo Lạc, kẹo Vừng, kẹo Bột với mùi mật mía thơm phức tỏa khắp vùng chung quanh.
Đền Voi Phục là một khu đất rộng, cây cối um tùm, có nhiều khoảng trống riêng biệt ẩn dưới những tàn cây xum xuê, nhiều bóng mát. Vậy mà dưới những cái tàn cây lý tưởng đó, nhiều chú ba Tầu đã bầy ra những bàn Mạt Chược để sát phạt nhau từ sang đến chiều. Họ ăn uống nhồm nhoàm, cười nói xí xa xí xồ om sòm tíu tít trong những tiếng xoa bài kêu lách cách ở khắp mọi chỗ khiến cho cả khu chẳng còn có vẻ gì là nơi chốn để “chạy bom”, “chạy loạn” cả!
Mà bom hồi đó do đồng Minh thả xuống chống Nhật cũng chẳng ít gì. Chính mắt Thế đã nhìn thấy một quả bom nằm chình ình ngay cạnh cái “tăng- sê” nơi Thế đang trú ẩn bên tường Giám tức sau lưng nhà Văn Miếu. Quả bom rớt xuống nhưng tịt ngòi không nổ. Nó nằm im lìm như một con cá khổng lồ bằng vỏ nhôm đang phơi bụng dưới nắng, ánh lên một mầu trắng xóa! Trông nó mới bình yên, ngoan ngoãn làm sao, nhưng Thế đã nghe thấy nhiều người xì xào:
– Bom 50 cân! Nó mà phát nổ thì cả cái tăng- sê này biến thành hố chôn cả lũ!
Rồi nạn đói năm Ất Dậu với bao nhiêu là cảnh chết đói thảm thê diễn ra từng ngày trên khắp các hang cùng ngõ hẻm. Chính ba của Thế thời đó cũng đã tham gia việc phát cháo thí hàng ngày ở trại Giáp Bát ngay cạnh ven đô Hà Nội do Hội Uẩn- Hoa tổ chức.
Thế còn nhớ có hôm đang đứng ở cửa, mồm còn đang gặm một bắp ngô thì một bóng gầy gò đen đúa, chẳng phân biệt được đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ chợt xồ lại, xô phăng Thế xuống rãnh, cướp bắp ngô của Thế rồi ngồi sụp xuống đất ngay tại chỗ đó gặm lấy gặm để. Tuy mất cái ăn, nhưng Thế không nổi giận. Cậu bé hơn mười tuổi lúc đó chỉ trố mắt ra nhìn. Nhưng Thế có thấy gì đâu ngoài đôi mắt trắng dã nằm trong hai cái hốc thật sâu cứ lấp lánh sáng quắc lên với nỗi niềm hăm hở thống khoái mà suốt bao nhiêu năm sau này, Thế chưa bao giờ thấy lại cái vẻ sung sướng, hạnh phúc đến tận cùng như vậy.
Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt và Hà Nội đi vào một chu kỳ rực rỡ đủ thứ sắc cờ của các nước Đồng Minh. Hồi ấy hầu như nhà nào cũng đều treo ở trước cửa một dây dài mang đủ loại cờ, nào cờ Anh, cờ Mỹ, cờ Nga, cờ Pháp, cờ Ấn Độ, có cả cờ Tầu Tưởng Giới Thạch mầu đỏ với ngôi sao 12 cánh mầu trắng trên nền xanh đậm nằm ở góc trái trên cùng. Đó là những nước nằm trong phe “Đồng Minh” chiến thắng trục “Đức- Ý- Nhật”. Đó cũng là thời điểm đầu tiên Thế được nhìn thấy những hàng chữ viết bằng tiếng Anh viết trên những tấm biểu ngữ, hoặc lên vải, hoặc lên tường ở khắp mọi nơi: “Viet Nam to the Vietnamese!”.
Dân Hà Nội bình dân chẳng hiểu ất giáp gì bèn dịch ngay ra thành tiếng Việt và câu dịch này đã phổ biến rất sâu rộng hồi bấy giờ: “Việt Nam to thế, Việt Nam mẹ sề!”
***
Rồi đến ngày 19 tháng 8, Hà Nội tràn ngập cờ đỏ sao vàng mà dân chúng gọi là cờ Việt Minh. Chuyện chính trị diễn tiến thế nào, những âm mưu tiêu diệt người Quốc Gia thâm độc và tàn bạo ra sao, lũ trẻ như bọn Thế không hề quan tâm (vả lại biết gì mà quan tâm) nên chỉ thích tham dự những trò chơi mà theo ý Thế là rất mới mẻ và vui vẻ. Đặc biệt là “trống ếch” của nhi đồng. Thế không hiểu ai và vì lý do gì đã đặt ra cái tên như vậy nhưng có lẽ cậu nhỏ nhi đồng bé lắt choắt ôm cái trống lớn ở trước ngực nom giống con ếch ưỡn bụng lên mà gọi như vậy chăng?
Thực chất đó chỉ là một dàn trống bao gồm 1 cái trống lớn, hai cái trống con và một cái phèng la. Có thể nói không khu phố nào lại không có một dàn trống như thế do các đoàn viên Nhi đồng Cứu Quốc hay Thiếu Niên Tiền Phong tập gõ om sòm suốt ngày để sửa soạn cho những cuộc diễn hành, mít tinh, biểu tình xẩy ra như cơm bữa.
Và trong bầu không khí “vui vẻ, mới mẻ đó”, bọn Thế đã tham dự cuộc đánh trận giả bên Hồ Gươm vào đúng dịp tết Trung Thu năm đó (1945). Hai phe Ta và Địch ném nhau bằng vỏ quả bưởi khiến vỏ bưởi trôi lềnh bềnh trắng xóa cả một vùng nước hồ xanh biếc. Đó cũng là năm đầu tiên bọn trẻ lau nhau Hà Nội hát bài Trung Thu Chèo Thuyền của tác giả Phương Linh là người khi đó đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác Nhạc dành cho thiếu nhi. Lời bản nhạc ấy rất được đám trẻ thuộc lầu như sau:
Đồng một lòng chúng ta cố chèo
Thật nhịp nhàng tay bơi tay lái
Mặc cho sông trôi, sóng reo
Nghìn khó chớ núng lòng ai
Đập ngọn chèo chúng ta dấn đà
Vượt ngàn trùng mau như mây cuốn
Rồi ra lên sông Ngân Hà, ngắm sao đỡ buồn, nhìn trăng đỡ buồn.
(Ghi chú của người viết: Nhạc sĩ Phương Linh là một vị Linh mục, tên Trần Hữu Linh, sinh năm 1921 tại Ninh Bình, Bắc Việt. Ông thụ phong Linh mục tại Phát Diệm năm 1949. Di cư vào Nam năm 1954, ông là Hiệu trưởng trường Trung học Trí Đức, Đà Lạt. Năm 1963 đi du học ở Pháp. Năm 1973, về nước ông làm Giám đốc Tiểu chủng viện Vinh Sang, Tam Hiệp, Biên Hòa. Năm 1976, ông bị CS bắt đi tù 9 năm. Sau đó, ông định cư ở Túc Trưng, Định Quán tỉnh Đồng Nai và mất tại đây năm 1995).
***
Trong những ngày ồn ào, náo nhiệt của mùa Thu năm đó (1945), toàn thành phố khu nào cũng đều tổ chức một bữa cơm gọi là “Cơm Đoàn Kết”, trong đó các nhà ở hai dẫy phố đều đem bầy bàn ăn ra đường để mọi người ăn chung với nhau một bữa. Thực đơn có món Rau muống luộc được đặt tên là “Món Độc Lập”, món Giá xào là món “Tự Do”, món Muối vừng là món “Hạnh Phúc”. Ối chà chà, lòng người dân Hà Nội vào thời điểm đó, ai cũng hân hoan, phấn khích, và ai cũng đều tưởng như mình đã được ôm cả mớ Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc vào lòng mình.
Đó là lý do mà Tuần Lễ Vàng (khởi sự từ ngày 16- 9 chấm dứt ngày 23- 9- 1945) khi phát động đã được dân chúng hưởng ứng nhiệt liệt. Nhiều thương gia, kỹ nghệ gia, công tư chức, thậm chí đến cả những người bán rong hay những bà nội trợ cũng đều sốt sắng dốc ống, tháo đồ trang sức đang đeo để hưởng ứng cuộc quyên góp mà theo ước lượng của Bộ Tài Chính hồi đó, chính phủ đã thu được khoảng 370 kilô vàng và 20 triệu tiền Đông Dương mà tính theo thời giá bây giờ thì 20 triệu này cũng phải tương đương với trên 60 triệu đô la.
Còn thanh niên nam nữ thì lòng yêu nước cũng bùng lên sôi nổi. Họ đã nhất tề tham gia một cách nồng nhiệt vào những tổ chức quân sự như Vệ Quốc Quân, Công an Xung Phong, Tự vệ Thành. Sau này, các lực lượng đó khi rút ra khỏi Hà Nội thì trở thành Trung đoàn Thủ Đô, một danh xưng mà khi nhắc đến, lòng ai cũng đều ngưỡng mộ vì những chiến công cũng như vì những tấm gương tiết liệt thà chết để bảo vệ Tổ quốc khi cuộc chiến Việt Pháp bùng nổ vào tháng 12- 1946.
Riêng bọn nhỏ như Cẩm Hà và Thế thì âm nhạc hầu như đã thổi vào tâm hồn bầu không khí hào hùng của lịch sử dân tộc trong qua những bài hát mà bọn trẻ nghêu ngao suốt thời thơ ấu như những bài Anh Hùng Xưa, Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng, Hội Nghị Diên Hồng, Thăng Long Hành Khúc, Trưng Nữ Vương, Việt Nam Hùng Tiến… và còn biết bao nhiêu bài khác nữa.
Cho đến khi khôn lớn hơn chút nữa thì những gương anh hùng tiết liệt nhiều khi còn như ở ngay trước mắt như Nguyễn Thái Học, Phạm Hồng Thái, Phó Đức Chính, Cô Giang, Cô Bắc .v.v… tất cả hầu như đã là những cái nôi êm đềm bảo bọc và gây dựng cho thế hệ của Thế lòng yêu thương quê hương, đất nước.
***
Tiếp theo sau những ngày hò reo, ồn ào trong quang cảnh nạn đói kinh hoàng là 9 năm kháng chiến mà tin tức chiến sự chẳng ngày nào là không loan trên báo, trên đài: bom chỗ này, phục kích chỗ kia, bên này mở chiến dịch, bên kia mở rộng những cuộc hành quân mà những con số ta, địch tử trận cứ ngày một leo thang. Hồi đó gia đình nào mà chẳng có thân nhân chết trận chẳng bên này thì cũng bên kia.
Cuộc Kháng chiến toàn quốc ấy nổ ra vào đúng 8 giờ tối hôm 19- 12- 1946.
Trước đó, dân Hà Nội đã tản cư hết ra các làng quê lân cận.
Gia đình Thế cũng rời Hà Nội khá sớm sủa, vào khoảng gần cuối năm 1946, nhưng rồi cũng hồi cư khá mau, vào khoảng giữa năm 1947, tức rời Hà Nội để “chạy tản cư” mới chỉ trong vòng hơn 6 tháng.
Ấy thế mà trong 6 cái tháng nổi trôi ấy, Thế cũng đã đi qua biết bao nhiêu địa danh của vùng trung du Bắc Việt: Nào làng Vân Canh, rồi Sấu Giá, rồi lội qua sông Đào đi về Trúc Động, rồi lên Đất Đỏ, rồi ngồi thuyền đi ngược sông Hồng qua Cầu Trò, Sơn Tây, Việt Trì rồi lết bộ qua những vùng quê để vào tỉnh Hưng Hóa, rồi cũng lại đi bộ tới bến Trung Hà để qua phà sang thị xã Phú Thọ… Đám đồng hành tản cư khi đó gồm rất nhiều gia đình cũng là dân Hà Nội, tưởng sẽ còn lếch thếch đắt díu nhau đi xa lên mạn ngược hơn nữa, nhưng nào ngờ đã phải rã đám rã ngay tại thị xã Phú Thọ sau một cuộc dội bom của Pháp xuống thành phố này vào chỉ đúng một hôm sau khi cả đoàn tản cư đặt chân tới.
Bị trúng bom tan nát, gia đình Thế đã bỏ cuộc hành trình dự tính đi Thái Nguyên, Tuyên Quang mà quay ngược đường trở lại để “dinh tê” Hà Nội. (entrer = vào), sau khi đã cử hành một đám tang tập thể trong đó có 18 gia đình đã đi theo sau 18 cái xe bò chở những quan tài của các nạn nhân trong cuộc dội bom vừa rồi.
Hà Nội – năm 1947, ngày Thế trở lại – hãy còn nhiều chỗ chỉ có tàn than và những cái cột nhà cháy. Mọi người lớn di chuyển đều phải xài loại giấy tùy thân do Pháp cấp, gọi là giấy Laissez- Passer. Lính Pháp da đen, người Phi châu đầy nhan nhản. Họ đứng gác ở các công sở, họ kiểm tra giấy tờ ra vào thành phố ở các cửa Ô. Hà Nội như con bệnh vừa hồi sinh hãy còn thoi thóp thở và tất nhiên là vắng người.
Nhưng chỉ hơn một năm sau, mọi sự được phục hồi nhanh chóng. Tiếng xe điện leng keng đã bắt đầu rộn rã. Người hồi cư trở về buôn bán tấp nập. Và nhiều trường học đã mở cửa lại, nào Chu văn An, Nguyễn Trãi. Trưng Vương, Văn Lang, Văn Hóa, Minh Tân, Bách Việt… Chỉ trong vòng 5 năm sau đó, cho đến 1952, 1953 thì mọi sinh hoạt đã trở lại bình thường. Cẩm Hà gặp Thế trong một buổi liên hoan tất niên và họ yêu nhau từ đó.
Hầu như cả quãng đời thơ ấu của hai người đều có những nét giống nhau, tâm tình của họ đều cùng gắn bó với những nổi trôi của thời cuộc ngay từ tấm bé nên cuộc chia ly không làm cho họ phải nhỏ những giọt nước mắt. Họ chỉ rút cơn đau đớn vào sâu trong cõi lòng để lâu lâu trong cơn mộng mị, họ lại tìm thấy nhau trong thảng thốt như Thế vừa thảng thốt lúc chập chờn trong giấc ngủ vừa qua…
***
Thế cứ nằm mãi trên chiếc ghế bố trong phòng để ôn lại cái cảm giác êm đềm đã được nắm tay Cẩm Hà trong giấc mộng đêm qua, mãi cho tới lúc chợt nghe có tiếng ồn ào của đám đông ở phía trước sân trường. Thế vội nhỏm dậy và nghe có đứa réo:
– Thầy Thế ơi! Thầy Thế ơi!
Thế vội vàng nói to:
– Ở ngoài đó chờ nghe. Thầy ra bây giờ.
Chàng vội vã phóng ra hiên sau, chui vào cái khung gỗ nơi kê mấy cái chum vại cùng với những chậu thau và xô múc nước. Chàng xối nhanh mấy gáo cho tỉnh táo rồi mặc quần áo tề chỉnh xong xuôi mới bước ra ngoài.
Một đám chừng năm sáu đứa học trò đang đứng lố nhố chờ bên hiên trường. Thế nhận ra ngay chúng là học sinh của những lớp trường mình. Vì ở thôn quê việc học trễ nải, nên tuy là học trò Thất, Lục mà đứa nào đứa nấy đã lớn tướng như học sinh bậc Ðệ Nhị cấp. Trong đám lố nhố ba, bốn nữ sinh, Thế nhận ra Lang, Hoa, Thảnh là học trò lớp đệ Tứ, Thủy, Hoàn, Thôi lớp đệ Ngũ đệ Lục, lại có cả cô gái bé nhỏ nhất tên Hườn thuộc lớp đệ Thất nữa.
Cả đám hôm nay đã trút bỏ cái áo bà ba đen hay trắng để mặc toàn áo mầu dù vẫn chỉ là những tấm áo bà ba may cắt gọn ghẽ. Lang nổi nhất với áo mầu hoa lý, rồi Thủy với áo mầu đỏ cánh sen hôm nay lại còn đeo thêm một chuỗi hột mầu xanh biếc, tuy nhìn cũng biết là hột nhựa nhưng cũng thấy lấp lánh dưới ánh nắng của một ngày đẹp trời. Hườn thì xinh xắn, nhỏ thó trong chiếc áo vàng chóe có điểm những bông hoa đủ mầu. Con bé này học thông minh nhất lớp, nó rất quý thầy nên những hôm rảnh rỗi chính nó cũng hay tới phụ với Thế để làm công việc tổng vệ sinh căn buồng hết sức bề bộn của các ông thầy toàn là thứ độc thân, chưa biết việc nội trợ là cái gì.
Bên phía nam sinh thì lố nhố toàn học sinh lớp đệ Ngũ, đệ Tứ. Ðứa nào nom cũng cao lớn, vạm vỡ trong những chiếc quần tây với áo sơ mi dài tay bỏ ra ngoài quần. Thế là đã chỉnh tề lắm rồi, vì hàng ngày hầu hết chúng chỉ bận quần cụt với áo sơ mi cộc đã bạc mầu để đi học. Trong đám này, Thế chú ý nhất đến hai đứa: thằng Hoanh vừa giỏi toán lại rất có tài vặt. Nó biết sửa bếp cồn, sửa cái bơm trong đèn măng sông, thay được cả sợi dây cu- roa dùng để đổi đài trong cái radio chạy phin của thầy Phú vẫn để ở đầu giường. Còn đứa kia tên Phi thì chỉ thích nói với Thế về chuyện “học trò người Bắc” để so sánh trong Nam với ngoài Bắc khác biệt nhau thế nào.
Thế quý cả hai đứa, trường học khai giảng chưa đầy được vài tháng mà Thế đã coi chúng như học trò ruột của mình. Nhà hai đứa cũng không ở xa trường, đi một “thôi” là tới theo như Hoanh nói, nên ngoài giờ học, nhất là trong những ngày nghỉ, chúng thường ghé trường thăm Thế, cũng không quên mang theo có khi là nải chuối, khi thì vài trái Vú sữa hay chùm Chôm Chôm.
Thế kéo cả bọn vào một lớp học để quây quần chung quanh hai cái bàn học trò. Chàng nói:
– Tôi cám ơn các em tới chúc tết, có điều tối hôm qua, hàng quán đóng cửa hết nên chẳng kịp mua được mứt kẹo hay nước uống gì…
Và Thế cũng vội vàng giải thích ngay, chẳng giấu giếm gì:
– Các em biết không, mãi chiều tối hôm qua thầy Phú mới gởi tiền lương tết xuống, cho nên chẳng kịp xoay sở.
Lang vội vã nói:
– Vậy mà chúng em đâu có biết. Thôi để em chạy về đem tới thầy con gà luộc nha.
Thế vội vã xua tay:
– Ấy, thôi khỏi! Cứ ngồi chơi là vui rồi. Lát nữa thầy cũng qua bên Mỹ Tho, thiếu gì quán hàng bên đó vẫn mở cửa.
Bé Hườn bây giờ mới lôi trong bụng ra một bọc đặt lên bàn:
– Em mời thầy với các anh chị cắn hột dưa.
Cả đám vỗ tay:
– Có hột dưa thì Tết quá rồi!
Thế là cả bọn xúm lại vừa bốc hột dưa cắn tí tách vừa thi nhau nói um sùm. Thằng Phi chẳng bao giờ quên cái sở thích của nó nên lên tiếng ngay:
– Thầy kể cho chúng em nghe ở “ngoải” ăn tết ra sao? Có bánh tét không? Có dưa hấu không? Có hoa mai nở rộ như trong này không?
Thế mỉm cười:
– Những cái em vừa kể, ngày tết ở ngoài đó chẳng có thứ nào hết!
Cả bọn cùng ồ lên, có đứa trợn cả mắt:
– Ủa! Vậy chớ ngoài đó ăn tết bằng gì?
Thế giảng giải:
– Không có bánh tét nhưng lại có bánh chưng. Không có hoa mai thì lại có hoa đào. Còn dưa hấu thì chỉ mùa hè ngoài đó mới có thôi. Với lại tết lạnh cóng, ai mà ăn dưa hấu.
Phi tiếp:
– Ðúng rồi. Em nghe nói ở ngoải, về mùa đông lạnh lắm vì có mưa phùng gió bắc. Mưa phùng là mưa thế nào hả thầy.
Thế đáp:
– Mưa phùn chứ không phải mưa phùng. Đó là thứ mưa xuất hiện vào cuối mùa đông, đầu mùa Xuân. Hạt mưa thì nhỏ không lớn nhưng không thưa mà lại dầy, lại lai rai kéo dài hết ngày này qua ngày khác làm cho đường xá cứ nhão ra vì sinh bùn lầy lội. Còn gió bấc chứ không phải gió bắc. Gió bấc là một thứ gió mùa đông bắc, vừa ẩm vừa lạnh. Vào mùa đông kéo cả qua Tết, đã mưa phùn lại còn gió bấc thì ôi thôi, các cụ ngày xưa còn ví là rét cắt da cắt thịt.
Thủy, cô gái xinh nhất đám, khi cười vừa nhe cái răng khểnh vừa thêm hai bên má lúm đồng tiền, chen vào nói:
– Hèn chi mà Ba em đi tập kết có nhắn vào là Tết lạnh cóng người, nhưng mà dzui.
Thằng Hoanh bĩu môi nhìn Lang:
– Ổng nói là nói vậy thôi. Ba thằng Thời cũng có tin vô. Ổng nhắn đất nước đã độc lập thống nhất rồi thì cứ noi gương chú Thạnh mà lo công tác hết mình.
Rồi nó cười khẩy:
– Thầy biết không? Ổng nhắn theo lối mánh lới đó. Chú Thạnh nhà thằng Thời chết đuối hồi mấy năm trước, ngay từ hồi ổng còn ở nhà, chưa ra tập kết, còn đâu nữa mà noi gương chú Thạnh để lo công tác hết mình. Cả nhà nghe nhắn vậy ai cũng thấy là “hỡi ơi” rồi!
Vẻ mặt đang tươi rói của Lang bỗng đổi sang buồn so:
– Ừ, ở nhà tụi tui cũng nghe thím Thời than thở: “Chẳng biết dân tình ngoài đó ra sao mà ảnh nhắn vậy”. Làm má tui cũng lo.
Một đứa tiếp ngay thêm:
– Chẳng những lo mà còn mệt nữa đó. Bên quê tui, nhà có người đi tập kết cứ bị mấy ông hội đồng Xã kêu lên hỏi tới hỏi lui hoài.
Phi gạt ngay đi:
– Có gì mà mệt. Mấy ổng hỏi cho biết vậy thôi. Hòa bình rồi, ai nấy đều lo làm ăn sanh sống, còn mắc mớ gì tới ai.
Hoanh cãi:
– Mắc mớ chớ sao không. Ðã hòa bình rồi sao còn đi tập kết?
Phi đáp:
– Thì ai thích bên nào theo bên đó. Như mấy thầy ở đây cũng từ Bắc vô đó. Có sao đâu?
Thế vội vàng giải thích thêm:
– Hiệp Ðịnh Genève đã nói rõ rồi. Cả nước có tới 300 ngày để tùy nghi chọn lựa. Miền Bắc di cư. Miền Nam tập kết. Sau đó là thôi, chờ tới ngày tuyển cử thống nhất đất nước.
Miệng thì nói vậy nhưng chính trong lòng Thế cũng chẳng tin chút nào về điều đó sẽ có thể xẩy ra. Thời hạn tổng tuyển cử cũng đã gần kề mà có thấy bên nào nhúc nhích gì đâu. Cứ cung cách này thì hai miền sẽ chia cách vĩnh viễn mất thôi.
Lòng chàng chợt nhói lên khi nghĩ đến câu nói hôm nào của Cẩm Hà lúc chia tay ngoài bến xe:
– Hai năm nữa mà không mang nem Sài Gòn về là em nhờ người khác rán đấy!
Thế tự hỏi “Sắp hết hạn hai năm rồi, em đã tìm thấy người khác rán nem cho em chưa?”. Lòng Thế bỗng quặn thắt lại khi nghĩ tới hình ảnh Cẩm Hà nhí nhảnh đi bên người yêu mới, dạo quanh Hồ Gươm vào buổi chiều có gió mát. Ôi, Hà Nội của Thế với vô vàn kỷ niệm thân yêu bây giờ đã xa tắp mù khơi.
Không muốn tiếp tục vẩn vơ với những ý nghĩ đau lòng nữa, Thế vội vã lái câu chuyện qua một hướng khác:
– Năm nay vội vã chưa kịp chuẩn bị nên chẳng có gì vui. Nhưng năm tới, trường mình phải tổ chức đón Xuân thế nào cho thật xôm mới được.
Hoanh reo lên:
– Mình tổ chức ăn liên hoan tất niên hả thầy?
Hườn giọng hứng khởi:
– Phải đó. Tất niên phải góp lại ăn chung mới là vui. Mấy trường bên Mỹ Tho cũng làm vậy.
Thế mỉm cười:
– Ăn chung tất niên thì dĩ nhiên rồi. Nhưng phải có cái đại hội văn nghệ do cả trường tổ chức để mời các phụ huynh và bà con chòm xóm cùng tới dự nữa thì mới thật là vui.
Lang reo lên:
– Ui, làm được vậy thì còn chi bằng. Mình tổ chức ban văn nghệ có cả ca cải lương lẫn hát tân nhạc….Thầy biết không, anh Phi ca cải lương “độc” lắm đó.
Phi đỏ mặt nhìn cô gái rồi bĩu môi:
– Xí … Tui ca cải lương thì để nhát ai. Chớ có muốn ăn gắp bỏ cho người. Thưa thầy chị Lang nổi tiếng xóm trong là có giọng ca mùi lắm đó…
Lang dẫy nẩy lên:
– Ðừng có nói… giọng tui thì mùi nỗi gì. Tui chỉ thỉnh thoảng ca một mình cho chính tui nghe thôi. Má còn nói mầy tính nhát ai mà học đòi tập tành ca cẩm vậy. Lo học đi cho rồi.
Thế vui vẻ:
– Ban văn nghệ trường mình nếu có lập ra thì cũng là chơi kiểu tài tử thôi, đâu có cần chuyên nghiệp. Miễn là vui dịp cuối năm ấy mà.
Lang góp ý:
– Mình tổ chức đàn hát thầy trò vui với nhau trong trường thì được, em thấy mời cả phụ huynh lẫn chòm xóm thì không nên.
Thế hỏi:
– Sao vậy?
Lang mỉm cười, lần đầu tiên Thế mới để ý thấy hai hàm răng của cô bé đều như hạt lựu và trắng bóng:
– Tại mình hát dở lắm, thầy ơi! Mình bầy đặt tổ chức trình diễn, bà con cười chết.
Thấy mấy trò khác cũng biểu lộ vẻ đồng tình, Thế vội vã giải thích:
– Ăn thua là ở chỗ mình nêu rõ mục đích. Mình đâu có “tổ chức trình diễn” như Lang nói, mà đây chỉ là buổi họp mặt văn nghệ tất niên, chung vui với nhau trước khi chia tay về ăn Tết. Như vậy đâu có ai đặt vấn đề dở hay không dở. Chủ đích là vui. Bộ cả trường mình xúm lại góp sức mà không vui được sao?
Thấy cả đám ngấp ngứ không đứa nào tranh biện được với lập luận của mình, Thế liền nói tiếp:
– Ðể tôi kể một kỷ niệm làm văn nghệ tất niên của tôi ở ngoài Bắc cho các em nghe. Nghe xong thì mình…bỏ phiếu! Ða số đồng ý thì mình tổ chức, không thì thôi. Có ai bắt buộc mình đâu?
Thằng Phi vỗ tay:
– Thầy kể đi. Tụi em muốn nghe chuyện ngoài Bắc. Nghe xong sẽ bỏ phiếu đàng hoàng như thầy nói. Ðồng ý không tụi bay?
Cả đám nhao lên:
– Ðồng ý! Ðồng ý!
Sự ríu rít của lũ trẻ khiến cho Thế tưởng như mình cũng đang lùi lại quãng thời gian hồn nhiên, vui vẻ của những ngày còn cắp sách đi học. Chàng hào hứng kể lại cho chúng nó nghe những kỷ niệm tuổi thơ của mình, nhất là cái năm còn là cậu học sinh lớp Nhất ở trường tiểu học Nguyễn Du, phố Hàng Vôi Hà Nội.
Ðó là một ngôi trường có những cây bàng già cỗi tỏa bóng mát khắp sân trường với tòa nhà xinh xắn hai tầng mà đứng ở nóc chót tầng trên, Thế nhìn thấy được cả cây cầu Long Biên vắt ngang giải sông Hồng chẩy bên dưới nom như một giải lụa mầu.
Thầy giáo dạy Thế tên Quỳnh, một ông thầy nghiêm khắc, ít cười nhưng yêu thương, lo lắng cho học trò hết mực. Hồi ấy hãy còn duy trì kỳ thi Tốt nghiệp bậc Tiểu học có phát văn bằng dành cho học trò lớp Nhất, gọi là bằng Sơ Học Bổ Túc. Nhà thầy Quỳnh ở mãi ngoại ô, nhưng khi gần tới kỳ thi, thầy bắt học trò đi học sớm thêm một giờ để luyện 2 môn Toán và Luận. Ðã gần tới mùa hè, trời nóng như đổ lửa, thầy phải đạp xe đi dạy từ lúc hơn 12 giờ. Tới trường, các lớp chiều còn vắng hoe, vậy mà riêng lớp của thầy, bọn học trò gần 50 đứa đã cặm cụi ngồi làm bài, soạn bài, mọi người đều im phăng phắc, chỉ còn nghe tiếng ve sầu kêu rộn rã ngoài khung cửa sổ mang cái nôn nao, háo hức của những tháng hè nhưng đồng thời cũng chan chứa cả những cảm giác lo lắng hồi hộp vì kỳ thi sắp tới.
Cuốn 280 Bài Tính Ðố của thầy Nguyễn Vạn Tòng, cuốn sách quy tụ những bài toán Số học luyện thi từ dễ đến khó, bọn Thế đã giải gần hết. Còn môn Luận thì khỏi nói, thầy Quỳnh tập trung vào những đề tài bình giải các câu ca dao, tục ngữ như: “Hữu chí cánh thành”, “Học thầy không tầy học bạn”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “Có công mài sắt, có ngày nên kim“..v..v.. để cho bọn học trò tuy còn lau nhau nhưng quen thuộc với lối hành văn biện luận, bình giải. Công khó của thầy Quỳnh quả đã không phí uổng. Năm đó, đề thi môn văn khá hóc búa: ” Bình giải câu: Quân tử cầu ở mình, Tiểu nhân cầu ở người”, học trò các trường rớt la liệt, thế mà lớp của Thầy Quỳnh chỉ rớt có bốn đứa! Ðây là một thành tích vẻ vang do nỗ lực của cả thầy lẫn trò, nhất là thầy, vì ông luôn luôn mang cái tâm trạng lo lắng của một bà mẹ sắp sửa phải đẩy đàn con vào cuộc đời mà lòng vẫn áy náy sợ chúng chưa đủ lông đủ cánh. Vì thế, dù mệt mỏi, tốn sức bao nhiêu, thầy cũng không ngần ngại, miễn sao khi lũ học trò ra khỏi tầm tay của mình, đứa nào cũng phải có một căn bản vững vàng như thầy mong mỏi.
Nhưng kỷ niệm đáng ghi nhớ nhất của Thế trong năm học này là Buổi Văn Nghệ Tất Niên do bọn Thế có sáng kiến tổ chức nhân dịp đón Xuân về. Thế kể:
– Biết không, cả đám có hơn mười đứa nêu ý kiến với thầy Quỳnh về việc tổ chức Văn Nghệ Tất Niên. Thầy hoan hỉ bằng lòng ngay. Lại dặn rằng phải đưa cho thầy coi bảng ghi các tiết mục trước 10 ngày để thầy góp ý.
Ui, chương trình được mấy tên đầu sỏ trong lớp “vẽ” ra đủ thứ hết. Có chào cờ, mặc niệm, có diễn văn chúc xuân các thầy, có sớ táo quân, có kịch lại thêm các màn đồng ca, đơn ca xen kẽ nữa. Thầy Quỳnh chấp thuận hết và ra lệnh chỉ được tổ chức riêng trong lớp học, có mời đại diện các lớp khác nhưng không mời các phụ huynh. Quan khách, ngoài thầy Quỳnh sẽ còn có thêm Thầy Hiệu trưởng với hai thầy khác cũng dậy lớp Nhất trong năm học đó mà thôi.
Phi góp lời:
– Vậy cũng là xôm tụ quá rồi.
Thế mỉm cười:
– Xôm lắm chớ! Suốt cả tuần lễ trước ngày cả trường nghỉ Tết, bọn đầu têu ngót mười đứa lo chối chết, vừa soạn “diễn văn”, vừa tập kịch, tập hát. Tôi còn nhận làm Sớ Táo Quân nữa. Sáng sớm hôm khai mạc cả bọn còn chia nhau khuân cả chăn màn, thừng chão, đồ đạc ở nhà đi nữa để căng màn làm sân khấu và trang trí cho nội dung các vở kịch.
Lang hỏi:
– Kịch do các thầy hồi đó soạn lấy hả?
Thế đáp:
– Ðâu có! Kịch lửa trại Hướng Ðạo ấy mà.
Cả bọn không hiểu, đều nhao nhao:
– Là sao? Là sao hả thầy?
Thế giải thích:
– Hướng Ðạo là một tổ chức đoàn thể dành cho thanh thiếu niên. Lâu lâu đi cắm trại ngoài trời, qua đêm thì đốt lửa trại, diễn kịch thi đua với nhau. Mà không có chuyện chuẩn bị trước đâu nha. Sắp tới giờ khai mạc, các huynh trưởng điều hành mới ra chủ đề cho các vở kịch. Thí dụ như chủ đề đêm nay là “Làm việc thiện”. Thế là các đội xúm lại bàn với nhau tìm một câu chuyện gì đó cho hợp với chủ đề rồi cắt cử các vai ra sân khấu, cứ đóng phứa đi cốt sao diễn tả được chủ đề là xong. Kịch tuy thế mà rất vui, vui cả vì câu chuyện ngộ nghĩnh lẫn những cái ngô nghê, vụng về của diễn viên do lắm khi các cậu cứ đứng ngớ ra chờ nhau xem ai đến lượt phải nói. Và cũng nhờ thế mà Hướng Ðạo Sinh tập được tính nhanh nhẹn, tháo vát và dạn dĩ trước đám đông.
– Thế thì chúng em cũng thích vào Hướng Ðạo.
Thế đáp:
– Ở Sài Gòn thiếu gì đoàn có thể tham gia. Nhưng còn ở đây xa xôi thế này thì chưa biết đến bao giờ.
Hoa lên tiếng hỏi:
– Các thầy vào Hướng Ðạo tập tành giỏi thế, chắc buổi tổ chức Tất Niên thành công dữ!
Thế chợt kêu lên:
– Vậy mà thất bại hoàn toàn mới đau chớ!!
Cả bọn ùa lên ngạc nhiên:
– Sao vậy? Sao vậy?
Mặt Thế chợt tối đi. Chàng như thấy hình ảnh thân yêu của thầy Quỳnh hiện rõ trong trí nhớ và trong thâm tâm, chàng như muốn réo gọi: ” Thầy ơi! Bây giờ thầy ra sao rồi? Hà Nội sao lúc này xa quá là xa”. Ngừng một lát cho qua những cảm xúc bùi ngùi, Thế mới giải thích tiếp:
– Thất bại là vì không có người tới dự! Cả lớp có gần năm chục học sinh, mà vì ngày cận Tết, chúng nó chuồn ở nhà hết, chỉ trơ lại có hơn mười tên trong Ban tổ chức. Ðại diện các lớp khác cũng chả thấy mống nào hiện diện. Thế có giận không!
Phi hỏi:
– Vậy còn quan khách?
Mắt của Thế sáng lên:
– Ba thầy dậy các lớp Nhất A, B, C thêm thầy Hiệu trưởng nữa là bốn. Các thầy tới đông đủ hết. Mà lại tới đúng giờ nữa mới chết chứ!!!
Cả đám học trò quanh Thế đều có vẻ mặt buồn sìu đi, y như thể chúng nó cũng đang chia sẻ với Thế cái hoàn cảnh ngặt nghèo vào cái lúc mà giờ khai mạc đã tới nhưng khách tham dự thì vắng teo. Thế kể tiếp:
– Theo lịch trình thì buổi lễ khai mạc lúc ba giờ. Vậy mà quá ba rưỡi, cả lớp trống trơn chỉ loe ngoe có hơn mười đứa trong ban tổ chức với lại các thầy. Cả bọn hoảng quá, lén tới gặp thầy Quỳnh xin hủy bỏ, nhưng thầy Quỳnh quắc mắt lên: ‘Sao lại hoãn!”. Rồi thầy ra lệnh: ” Khai mạc đi!”.
Cả đám học trò ngồi quanh Thế đều lại lên tiếng suýt soa:
– Ui, vắng thế sao mà khai mạc?
Thế mỉm cười:
– Thì thế! Nhưng thầy đã ra lệnh thì cứ phải làm tưới đi. Thế là nào chào cờ, nào mặc niệm, nào “diễn văn chúc từ”, rồi kịch cọt, ca hát…ôi thôi đủ hết!
Hoa kêu lên:
– Mà chỉ có bốn thầy ngồi coi thôi hả thầy?
Thế gật đầu:
– Chỉ có bốn thầy ngồi ở hàng ghế khán giả thôi. Nhưng các thầy “điệu nghệ” lắm! Cũng cười, cũng vỗ tay, cũng ghé tai bàn tán với nhau ra điều nhận xét vở kịch hay vai diễn làm cho cả đám lên tinh thần, ra sức diễn xuất hết mình! Sau cùng, đến khi bế mạc, thầy Hiệu trưởng cũng lên cám ơn lũ học trò nhãi nhép, lại còn hứa năm tới sẽ cho các lớp cùng họp nhau chung việc tổ chức cho toàn trường nữa chớ!
Mấy đứa suýt soa:
– Vậy là thầy Hiệu trưởng “điệu nghệ” thứ thiệt đó, thầy!
Thế gật đầu:
– Nhưng chưa bằng thầy Quỳnh! Khi quan khách ra về hết rồi, thầy Quỳnh còn nán ở lại khen ngợi và nhắc nhở cả đám: “Sự cố gắng của các trò rất đáng khen. Lại cũng nên nhớ rằng ở đời không phải chuyện gì cũng suông sẻ theo như mình dự tính. Nhưng cái gì đã quyết định làm rồi thì hãy quyết tâm làm cho đến cùng, không nên nản chí, bỏ cuộc nửa chừng.” Lời của thầy khiến cả đám cảm động muốn phát khóc, bao nhiêu nỗi bàng hoàng, lo sợ lúc trước giờ khai mạc đều tan biến hết cả!
Rồi Thế đổi giọng ngậm ngùi:
“Lời khuyên của thầy Quỳnh là những lời vàng ngọc. Nhân đây, các trò cũng nên ghi nhớ lấy!”
Mấy đứa cùng nhao nhao:
– Vậy năm tới mình cũng sẽ làm. Làm cho đến cùng! Thầy nhé!
Thế nhìn lũ trẻ ngồi chung quanh, lòng bồi hồi cảm kích. Rồi chàng cất giọng vui vẻ:
– Làm chứ sao không!
Và chàng nhắc lại lời thầy Quỳnh như chính chàng đang hứa với Thầy:
– Và sẽ quyết tâm làm cho đến cùng, không nản chí, không bỏ cuộc nửa chừng.
Nhật Tiến (Trích Bản thảo Bèo Giạt Mây Trôi)
20/7/1954 – 20/7/2017: Đọc để nhớ lại những ngày đầu tiên mới vô Nam
I.
Vậy là nhà giáo Trần Nhân Thế đã ăn cái tết thứ ba ở miền Nam kể từ sau ngày đất nước bị chia đôi, 20 tháng 7 năm 1954. Hai cái tết đầu tiên thì Thế còn ở ngay tại thủ đô Sài Gòn.
Nóng đến chẩy mỡ. Chẩy mỡ thứ thiệt chứ chả phải ví von gì. Thế còn nhớ căn buồng lụp sụp thuê ở gần chợ Bà Chiểu, cách Lăng Ông chỉ một thôi đường nếu ngồi trên xe thổ mộ. Buồng đã hẹp, lại mái lá lụp sụp tưởng như úp ngay trên đầu. Giơ cao tay lên là có thể sờ thấy những gióng tre, gióng nứa đan kết với nhau để đỡ lấy những mảng lá gồi.
Hôm hăm tám tết, đến chơi nhà thằng bạn, nó cho hẳn nửa ký lạp sường. Thế đem về treo ngay ở góc buồng (đồ đạc chẳng có, lấy gì có chạn để đồ ăn). Thế là dưới cái nắng chói chang của những ngày giáp tết, mỡ trong lạp sường cứ nhỏ tong tỏng xuống nền đất nứt nẻ. Khi Thế phát hiện ra thì mấy cái lạp sường đã teo quắt lại, lớp bao bên ngoài thì nhăn nhúm, có chỗ vênh lên như đóng thành vẩy. Ui chao là tiếc xót!
Nhưng cũng chính anh bạn này, tên Khang, đã dẫn dắt Thế ra khỏi thời kỳ túng quẫn. Một hôm Thế tới chơi nhà Khang ở đường Galliéni, cái đại lộ rộng thênh thang nối Sài gòn với Chợ Lớn hồi đó vẫn còn cả đường xe điện chạy ở chính giữa, nhìn vẻ mặt vêu vao hốc hác của Thế, Khang nheo mắt hỏi:
– Vẫn chưa có việc hả?
Thế nhún vai thở dài:
– Chả quen ai, chả nhờ được ai. Cái thế giới Sài Gòn rộng rãi và xô bồ đến rùng rợn này, mình chỉ như con kiến bò xoay quanh.
Khang cười:
– Vậy cậu có chịu bò đi xa không? Trong này người ta gọi là xuống miệt vườn đó. Dám đi không?
Thế nhìn Khang hơi nghi ngờ, nhưng chỉ là thoáng qua vì quen thân với hắn từ những ngày mài đũng quần ở trường Chu văn An Hà Nội, Khang tuy hay cười cợt, khôi hài nhưng chỉ là những thứ tào lao thôi. Chứ cái chuyện cơm áo chết người này, Khang đủ tế nhị để không đùa giỡn, nhất là trong hoàn cảnh cùng kiệt của Thế như bây giờ. Thấy Thế còn tần ngần, Khang giảng giải:
– Tao có thằng cháu họ xa, cũng mới di cư vào, được gia đình cấp cho ít vốn làm ăn. Nó định xuống Lục tỉnh mở trường. Mày chịu đi theo để dạy cho nó mấy lớp không?
Mắt của Thế sáng lên:
– Ô! Dạy học thì “chúa” quá rồi! Mấy năm làm précepteur (trợ giáo) ở Hà Nội tao cũng khối kinh nghiệm.
Khang tiếp:
– Trường của nó định mở mãi tuốt dưới miệt vườn Bến Tre cơ đấy.
Thế không ngạc nhiên:
– Thì mới … ra lò, làm sao mà dám chen chân ở ngay Sài Gòn được!
Khang cười:
– Cậu nghĩ đúng. Trường nhỏ thôi, chỉ có mỗi hai phòng, mở được bốn lớp. Sáng mở Ðệ Ngũ, Ðệ Tứ, chiều mở Ðệ Thất, Ðệ Lục.
Thế chưa thể hình dung ra ngôi trường chỉ có hai phòng học nó sẽ ra hế nào, nhưng cũng nói buông xuôi:
– Tính thế là phải. Tuần tự nhi tiến mà…
Khang hỏi:
– Nếu mày chịu thì đi. Mà chịu dạy nổi đủ các môn không?
Thế trố mắt:
– Trường chỉ có… một thầy thôi à?
Khang vội vã cải chính:
– Không…không…Cũng có thầy dạy từng môn như các trường khác chứ! Nhưng điều thằng Phú nó cần là phải có người thường trực để dạy trám. Trường ở xa, thầy ở Sài Gòn xuống dạy theo giờ sẽ có lúc nghỉ bất tử, không lẽ cho học trò ngồi chơi xơi nước.
Thế hiểu ra liền đáp:
– Tao … trám môn gì cũng được, trừ Anh văn!
Khang cười:
– Không! Nó chỉ kỳ vọng mày “chơi” được Sử Ðịa, Vạn Vật hay Công Dân Giáo Dục lăng nhăng thôi… Anh văn thì có đứa lo rồi.
Thế cười bẽn lẽn:
– Tao cứ nhớ thầy Hoạch hồi dạy Anglais Vivant cuốn Sixième Bleu. I am the master….you are the pupil....lưỡi của tao cứng như gỗ, bây giờ vẫn còn ngán!!!
Thế là sau mùa hè năm ấy, Thế khăn gói quả mướp xuống Rạch Xoài, Bến Tre mở đầu cho sự nghiệp nhà giáo của mình.
Người cháu họ xa của Khang tên Phú. Người cao ráo, khỏe mạnh, khá đẹp trai tuy trán hơi thấp và giọng nói quá rành rọt khiến cho những nét tình cảm bị làm cho nhẹ đi. Ðiểm đáng chú ý nhất nơi Phú là cặp mắt sắc như dao nhìn ai cũng lộ vẻ thẳng thắn, trực diện và cái cầm hơi bạnh ra khiến Phú mang đầy vẻ vừa cương quyết vừa sẵn sàng sốc tới. Sau nhiều tháng lui tới giao dịch với chức sắc và các hào phú địa phương, Phú đã dựng xong cho mình được một cơ ngơi tạm gọi là được mắt. Ðấy là ngôi trường trung học tư thục đầu tiên thuộc xã Tân Thới, Quận Trúc Giang, tỉnh Bến Tre sau đổi là Kiến Hòa.
Ngôi trường này nguyên là một gian nhà lồng chợ bị bỏ hoang lâu ngày vì dân buôn bán đổ hết ra bến phà Rạch Xoài nơi có đông khách qua lại, lui tới. Phú cho sửa sang lại, ngăn vách thành 3 căn rộng rãi, 2 căn làm phòng học, 1 căn ở rìa thì phía ngoài làm văn phòng nhà trường, phía trong là căn buồng rộng kê đủ bốn năm cái ghế bố cho các thầy ở Sài Gòn ăn ngủ khi về dạy một hai hôm luân phiên cho tới hết tuần. Ngay đằng sau trường là một đường mương, nước lên xuống theo thủy triều, mọi thứ nước ăn uống, tắm giặt đều từ đường mương ấy múc lên, đổ vào một cái thống thật to đặt sau một cái nhà tắm được quây bằng 4 vách gỗ. Cầu tiêu công cộng thì ở mãi đằng xa, vắt vẻo trên một tấm sàn gỗ cao lênh khênh do một cái cầu khỉ cheo leo gập ghềnh đưa tới. Phía dưới cầu là một cái ao nuôi cá tra. Những con cá mập mạp cứ bu quanh mấy gian chuồng cầu, thỉnh thoảng lại quẫy nước và tung mình lên, phô lớp da ướt nhẫy, trắng xóa. Sống lâu ở đây, riết rồi Thế cũng thấy cá tra là món ăn bình dân, rẻ tiền và khoái khẩu!
Tuy nhiên điều tuyệt vời nhất ở đây là cả một rừng dừa. Dừa hai bên lối đi, dừa bao quanh những mái nhà tranh nghèo nàn, lụp sụp, dừa lan tràn khắp những mảnh vườn có những lối đi quanh co, có những đường mương len lỏi chạy theo. Thì ra mương nước khắp nơi là để nuôi dừa. Hằng năm tới mùa nước lợ, do muối biển tan vào, nước múc ở mương lên dù đun sôi, pha trà cũng còn thấy vị ngang ngang, lợ lợ.
Học trò ở đây đa số là gia đình nghèo. Nhiều nữ sinh còn đi chân đất, bận áo bà ba, quần thâm, tóc kẹp ngang gần sát gáy. Nam sinh thì lam lũ đủ kiểu, lắm khi vào lớp chân tay còn dính bùn đất vườn ruộng. Nhưng tâm tình của chúng nó thì khỏi chê. Chân chất, thật thà và quý trọng thầy giáo hết mực. Thỉnh thoảng Thế lại được học trò dúi cho nửa chục trứng gà, một chùm chôm chôm hay có khi cả một nải chuối vàng rụm. Hôm gần giáp tết, có đứa chặt nguyên một cây mai vàng chi chít nụ khệ nệ khiêng tới, miệng ngỏn ngoẻn:
– Biếu thầy trưng Tết!!!
Thế la lên;
– Ui giời ơi! Sao mà phí thế! Cả cây mai này để nguyên gốc thì bao nhiêu là tiền.
Nó đáp thản nhiên:
– Nhà em có cả một vườn, hôm nào chúng em dẫn thầy vô con đường đi Quới Sơn. Mai cấp nầy nở bạt ngàn.
Cành mai to tát ấy, Thế đem chưng ngay ở cửa vào “văn phòng” nhà trường. Nhưng chắc tết nhất ở đây sẽ buồn so vì học trò sẽ nghỉ hết, còn bọn bạn bè dạy chung với Thế cũng đều về ăn tết ở Sài Gòn. Chỉ có mỗi mình Thế, bản thân không có gia đình thân thuộc là ở lại “thủ trường” mà thôi.
Từ hôm hai mươi Tết, Phú đã ra nhiều lần thông cáo tới các lớp là học trò phải đóng tiền trường sớm hơn mọi khi để cho các thầy ăn tết. Nhưng mỗi buổi chiều khi học trò về hết, mở cuốn biên lai học phí ra, thấy chỉ lác đác có vài đứa đóng tiền, còn thì gần như đa số chưa thấy có gì nhúc nhích. Người lo nhất là ông Cư, người địa phương được thuê làm Thư ký văn phòng. Ông Cư người thấp bé, da ngăm ngăm, năm nay dễ ngoài năm mươi rồi. Vậy mà ông mới cưới vợ và đã có một thằng Cu. Trong lúc rảnh rỗi, ngồi trò chuyện với Thế, ông cứ mơ ước:
– Tết này lãnh lương xong tôi phải qua chợ Mỹ Tho mua một bộ đồ mới cho thằng cu con. Nó lên một. Tôi đã nhắm rồi, có một bộ bán ở đường Hùng Vương, nó mà bận vô, nom ngộ lắm!
Niềm mơ ước của ông Cư cứ theo năm cùng tháng tận và với cuốn sổ biên lai học phí còn dầy cộm chưa xé được nhiều mà tan dần. Trong tình trạng đó, Phú cũng cứ tất tả ngược xuôi trên những chuyến xe lô Minh Chánh đường Sài Gòn-Mỹ Tho để lo chạy tiền trả lương nhân viên và các thầy giáo. Nhưng mọi khả năng của Phú đã đổ dồn vào tiền thuê mướn trường cùng với những chi phí đóng bàn ghế học trò, sửa sang phòng ốc hết rồi. Cho nên đến hôm có buổi học cuối cùng trước khi học trò nghỉ tết, Phú gọi riêng Thế ra một góc thì thào:
– Chả có thêm đứa chó nào chịu nộp tiền trường hết. Chúng nó nghèo mình cũng đành chịu vậy thôi. Tớ còn có gần trăm bạc phải đưa hết cho ông Cư để ông ấy đong gạo cho gia đình. Riêng phần cậu, để về Sài Gòn nếu vay đâu được, tớ sẽ cầm xuống ngay cho cậu tiêu tết.
Thế cười buồn, giọng thông cảm:
– Thôi không sao đâu, trong sạp còn gạo với chai nước mắm. Ðủ sống sót rồi.
Chiều hôm ấy, giáo chức cả trường đều đã về Sài Gòn, học trò cũng đã tản đi hết, chỉ còn trơ ngôi trường vắng lặng dưới bóng dừa xanh mát cùng với Thế và ông thư ký Cư. Thấy ông cứ tần ngần chưa chịu xếp dọn đồ đạc về nghỉ, Thế nói:
– Ông về sớm lo chuyện tết cho gia đình đi. Mọi thứ trông nom ở đây có tôi đủ rồi.
Ông Cư rơm rớm nước mắt:
– Tôi tưởng sẽ có tiền thì qua bên Mỹ Tho mua cho thằng nhỏ bộ quần áo mới. Nhưng bây giờ thì… chẳng cần qua nữa rồi.
Nghĩ đến ước mơ của một con người lớn tuổi, nó chẳng lớn lao gì, chỉ là một bộ quần áo mới cho đứa con đầu lòng, vậy mà vẫn lo chẳng xong, Thế bỗng mủi lòng nhìn ông:
– Sao lại không cần nữa. Cả năm bây giờ mới có dịp sắm cho thằng cu chút đỉnh, ông bỏ qua sao được! Tôi biết là ông Phú kẹt tiền, chưa trả lương cho ông. Nhưng đây này. Ông đem cái đồng hồ của tôi đi cầm ở bển, loại Oméga cơ đấy, chắc cũng được trăm bạc dư mua được bộ đồ với cả dưa hấu lẫn bánh tét.
Ông Cư hốt hoảng la lên:
– Chết! Làm vậy đâu được, thầy! Tôi đời nào dám thế.
Thế gạt phăng đi:
– Ui, ông chỉ vẽ vời. Tôi ở đây có một mình, học trò lại nghỉ, có cần giờ giấc gì đâu. Mai mốt học trò trả tiền trường, mình lại đi chuộc về có sao đâu.
Phải thuyết phục mãi ông Cư mới nhận chiếc đồng hồ do Thế tháo ra từ cổ tay của mình. Lúc ông ấy lủi thủi đi dưới rặng dừa ra đường cái dẫn tới bến phà, lòng Thế bỗng dâng lên một niềm vui khó tả khi nghĩ tới đứa con đầu lòng của ông chúm chím cười trong bộ đồ mới và vợ chồng ông hẳn cũng chan hòa vui sướng để đón một mùa xuân mới đang rộn rã trở về.
Hai mươi chín Tết, chỉ còn có mỗi mình Thế trấn thủ trong ngôi trường rộng thênh thang như cái nhà lồng chợ này. Khi Phú mới tiếp thu để sửa nó lại thành trường học thì bốn bề chung quanh chỉ có những cột gạch chống đỡ cái trần khá cao với những rui kèo gỗ được lợp thêm những tấm tôn lượn sóng làm mái che. Vào những ngày mưa, nước mưa dội lên mái thành thứ âm thanh rộn rã lắm khi to đến độ át cả tiếng giảng bài. Ấy vậy mà nay ngôi trường cũng đã kha khang trang với cái biển gỗ treo ở phía mặt tiền nhìn ra sân cỏ trước cổng trường, cũng sừng sững những hàng chữ sơn đỏ kẻ trên nền trắng: “Trường Trung Học Cửu Long” nghe rất kêu và nom rất đồ sộ.
Do một sự tình cờ mà tổng số nhân viên thuộc ban giảng huấn lại cũng lên tới chín người, không kể ông Cư, viên thư ký già là người địa phương. Trong chín người đó đã có tới bẩy người là sinh viên đại học Sài Gòn. Có hai anh theo ngành Luật, một anh ngành Dược, một anh Toán Ðại Cương, ba anh còn lại là sinh viên Văn Khoa. Họ xuống trường dạy, có người chỉ một hôm, nhiều nhất là hai hôm là đã hết giờ và lại dông tuốt về Sài Gòn. Phú tuy không còn là sinh viên nhưng cũng chỉ lưu lại trường mỗi tuần có 5 buổi. Bao giờ cứ đến chiều thứ Sáu là anh ta cũng quay về Sài gòn với gia đình mãi đến sáng thứ Hai mới lại mò xuống.
Như thế, chỉ còn có mỗi mình Thế là gắn bó với ngôi trường hết ngày này qua tháng khác. Chàng chẳng có ai ở Sài Gòn để mà chờ mong, cũng chẳng ghi danh theo một phân khoa nào để có lớp phải tham dự. Sau hơn một năm lặn lội trên thành phố, Thế chẳng kiếm ra được việc gì. Chàng đã đủ xơ xác để phó mặc cho cuộc đời đưa đẩy mình như một thứ bèo giạt mây trôi.
Có lần một anh trong đám giảng dạy tẩn mẩn phát hiện ra cả bọn bao gồm tới chín tên, bèn róng lên một câu thơ:
Cửu Long có chín con rồng
Con nào con ấy chẳng khùng thì điên.
Rồi hắn tiếp:
– Có khùng thì mới nghe lời thằng Phú chịu mò xuống cái chốn khỉ ho cò gáy nàỵ
Thế nhún vai:
– Các cậu chẳng khùng đâu. Vài năm nữa ra trường rồi thì sức mấy còn nhớ tới ngôi trường hẻo lánh này. Chỉ có tớ là chôn chân ở đây thôi.
Phú an ủi:
– Con gái Bến Tre tuyệt lắm đó. Lại làm rể một ông điền chủ nữa thì còn hơn là trúng số.
Thế mỉm cười, tuy lòng chẳng vui mà cũng chẳng buồn. Kể từ khi rời Hà Nội để di cư vào Nam, Thế coi như một cuộc đổi đời tức là đi vào một ngã rẽ mới. Như vậy thì dù là cư ngụ ở Sài Gòn hay Bến Tre, hay bất cứ một nơi nào khác, đối với chàng cũng đều là mới như nhau cả. Hơn thế nữa, nhớ đến cái nắng miền Nam chói chang trên những đường phố Sài Gòn, Thế lại thấy thích thú bầu không khí mát mẻ với chung quanh là cả một rừng dừa bát ngát như ở đây.
Cho nên, mỗi khi các bằng hữu rút cả về Sài Gòn thì Thế ở lại coi trường và bầu bạn với những cuốn sách. Thỉnh thoảng lại có vài đứa học trò ghé vào ngồi chơi, chúng nó truyền đạt cho Thế đủ thứ chuyện mới lạ mà chỉ khi vào Nam, Thế mới được biết. Ngộ nghĩnh nhất là chúng nó nhận mình là người Việt, còn Thế và các thầy xuống đây dạy học đều là người Bắc cả!
Chẳng hiểu do nguồn cơn nào mà dân cư ở đây và ngay cả nhiều người ở những nơi khác, lại có cái sự phân biệt rạch ròi đến thế. Cứ như miền Bắc là một quốc gia khác vậy. Có lẽ cũng vì lý do đó mà Thế giành lấy môn Sử, Ðịa để dạy ở tất cả các lớp. Thế chép miệng tự nhủ:
– Tuy không coi Bắc kỳ di cư là người Việt nhưng cả miền Nam vẫn cứ mở rộng vòng tay ra đón tiếp những kẻ ồ ạt bỏ xứ mà đi. Vậy mới thấy dân trong Nam rộng rãi, hào sảng đến thế nào.
Những ngày còn ở Sài Gòn, Thế lại gặp một số người Nam không coi Bắc kỳ là một xứ khác. Nhưng họ lại hậm hực:
– Cả nước đã độc lập rồi, sao không ở ngoải, vô đây làm chi?
Thế mỉm cười:
– Thì di cư chạy nạn Cộng Sản mà.
Kẻ đối đáp chỉ ném cho Thế một cái nhìn thờ ơ, chứng tỏ họ chẳng biết Cộng Sản là gì và cũng chẳng cần quan tâm đến chuyện ấy. Ðiều quan trọng đối với họ chỉ là: Cả nước đã độc lập rồi, sao không ở ngoải, vô đây làm chi! Như vậy thì có tranh luận đến cả ngày thì cũng chẳng ai chịu ai.
Nói cho ngay, năm nay Thế mới chỉ hai mươi hai tuổi. Và chính chàng tự nguyện vô Nam cũng đâu chỉ vì quá sợ hãi Cộng sản. Thế chưa từng có chút kinh nghiệm nào đối với chế độ độc tài đảng trị. Chuyện đấu tố ở miền Bắc năm 1953 thì chàng có nghe nói tới, nhưng chưa đủ thực tế để mình quyết tâm khăn gói ra đi.
Ở cái tuổi trên dưới hai mươi, hễ cứ được đi là thích rồi. Xa Hà Nội thì Thế nhớ lắm chứ, nhưng đi hai năm rồi sẽ quay trở lại mà. Hiệp định Genève chẳng đã quy định qua năm 1956 thì có tổng tuyển cử để thống nhất đất nước đó sao. Lề lối suy nghĩ này có lẽ áp dụng được cho hầu hết giới trẻ bỏ miền Bắc chạy vô Nam. Chỉ có những người đã có thân nhân hay người quen thuộc chết trong những cuộc đấu tố thì mới nhìn rõ chân tướng Cộng Sản trong thời kỳ đó mà thôi!
***
Chiều Ba mươi Tết, đường trong thôn xóm đã vắng hoe bóng người. Lúc chập choạng tối, Thế lấy chiếc đèn măng-sông xuống để đốt. Ðây là thứ đèn ở miền Bắc chưa hề có. Nhưng chàng phát hiện dầu hôi bên trong đã hết, mà ngay đến cả cái ve đựng cồn 90 độ làm mồi châm cái tim đèn cũng đã cạn queo. Chàng bối rối chạy ra trước cổng trường, tính gọi cửa nhà thím Tư ở ngoài đầu đường cái, nhưng sau nghĩ lại, năm hết tết đến, chẳng nên vay mượn xin xỏ ở nhà người ta làm gì, nên chàng lại lầm lũi quay trở vào, mò mẫm trong mấy cái thùng gỗ dưới gậm ghế bố và moi ra được mấy mẩu nến cháy giở.
Thế là chàng cũng có đôi chút ánh sáng leo lét trong căn buồng chỉ trơ toàn vách gỗ, chẳng ban thờ tổ tiên, cha mẹ, chẳng hương hoa cúng bái, mà cái điệu này, với vài cây nến giở giang chẳng chắc gì đủ cháy cho đến lúc đón giao thừa. Cũng may mà Thế đã ăn đủ mấy bát cơm nguội từ hồi chiều. Giờ này, chắc chỉ vài cái quán bên bến phà còn mở cửa, nhưng Thế biết rõ tình trạng cái ví xẹp lép của mình. Hơn một tháng nay, Thế có nhận được đồng lương nào từ tay Phú trao cho đâu!
Chàng ngán ngẩm hết đi ra lại đi vào, mở cuốn sách ra tính đọc thì ánh lửa chập chờn leo lét khiến cho những hàng chữ cứ như nhẩy múa trên trang giấy, càng chăm chú đọc bao nhiêu càng thấy chóng mặt, nhức đầu bấy nhiêu. Cuối cùng, Thế leo leo ghế bố nằm duỗi dài, hai mắt nhắm nghiền để hình dung lại những ngày Tết rộn rã ở khung trời Hà Nội với những thiếu nữ mặc áo nhung đỏ, đeo kiềng vàng nở những nụ cười hồn nhiên trong khói pháo mờ mịt. Những thứ ấy bây giờ tưởng như đã xa lắc trong quá khứ.
Rồi bỗng Thế chợp đi từ lúc nào cho đến khi chàng chợt nghe thấy tiếng guốc gõ lóc cóc trên lớp sàn gạch bao quanh các lớp học, dưới mái hiên trường. Có tiếng của ai đó cao giọng gọi tên chàng làm mấy con chó ở khu xóm gần bên sủa lên ầm ĩ:
– Thầy Thế ơi! Thầy Thế ơi! Ui chu choa, sao đèn đóm gì mà tối thui như vầy nè.
Thế choàng dậy, chạy vội ra thì thấy một người đàn ông dáng dấp to béo bệ vệ, bận một bộ đồ pyjama bằng lụa trắng đang đứng ngay trước cửa văn phòng. Ông ta giới thiệu ngay:
– Tui là Ba Diêu ở xóm trỏng. Hồi chiều qua bắc, đi cùng với thầy Phú sang Mỹ Tho, nghe thầy Phú nói là học trò chậm đóng tiền trường nên các thầy hổng có lương lậu gì hết ráo. Ổng có nhờ tui nếu có tiền thì đem vô trường đưa thầy tiêu tết rồi qua Giêng ổng hoàn trả. Tui kẹt ở bển mãi giờ này mới về, vội mang chút đỉnh tới đưa thầy tiêu tết đây.
Vừa nói, ông ta vừa móc túi áo moi ra một sấp giấy bạc:
– Có hai trăm đây, thầy cầm giùm rồi khi gặp thầy Phú, nhớ nói là tui đã giữ lời hứa mang vô cho thầy rồi nha.
Thế giơ tay nhận tiền mà lòng chưa hết những xúc cảm bùi ngùi. Hai trăm bạc ở thời buổi này là khá to. Ông Ba Diêu lại chưa gặp Thế bao giờ. Vậy mà cứ nghe nói tới hai tiếng “thầy giáo” là ông ta tin cậy ngay, sốt sắng đem tiền tới, mặc dù chỉ căn cứ trên một lời nhắn vớt của Phú lúc đứng trên phà qua sông. Người miềm Nam, miệt vườn chân chất và hào sảng thế đấy!
Chàng cảm động, tần ngần nói:
– Xin cám ơn ông Ba Diêu nhiều lắm. Nhưng thế này thì chúng tôi làm phiền ông quá.
Ông Ba cười để lộ ra cả mấy chiếc răng vàng:
– Chi mà phiền. Chỉ có điều là quán hàng đóng cửa gần hết, chắc phải vài ba ngày nữa thì thầy mới có dịp xài tới. Thôi chúc thầy ăn tết vui vẻ, tui còn phải về kẻo má sấp nhỏ mong.
Nói rồi ông ta vội vã quay ra, biến nhanh vào bóng tối cũng lẹ làng như khi xuất hiện. Thế vội vã chạy theo tiễn chân ra tận cổng trường, mặc dù ông ta chẳng có dịp quay đầu ngó lại. Thuận chân, Thế bước ra ngoài đường cái và lần theo con đường khấp khểnh ấy để đi ra ngoài bến phà.
Vào giờ này, hầu hết các quán hàng đã đóng cửa để ăn tết. Bến phà vắng tanh, hai cái phà lớn đang im lìm trong bóng tối như nằm nghỉ ngơi nghe tiếng sóng vỗ róc rách ở hai bên mạn sườn. Chỉ có vài chiếc đò máy là thấy còn ánh đèn leo lét chờ khách về muộn qua sông. Thế len lỏi đi qua những dẫy sạp gỗ của khu chợ mới và nhìn thấy một tiệm tạp hóa còn đang mở hé cửa. Chàng vội vã tiến tới và len vào. Chị Tư chủ tiệm nhận ra thầy giáo Thế liền đon đả:
– Ui, sao trễ rồi mà thầy chưa về Xì Gòn ăn tết vậy cà?
Thế mỉm cười:
– Tôi đón tết ở đây, tiện thể coi trường luôn.
– Vậy chỉ có mỗi mình thầy, buồn chết!
– Chả sao đâu. Cũng quen rồi. Tiệm của chị còn gì bán không?
Chị Tư ngước lên nhìn các thứ lủng củng đủ thứ đủ loại, như túi đựng vàng hương, túi đựng hoa nylon giả, lon nhựa, gáo múc nước, rổ rá rế… treo lủng lẳng trên những cái xà bắc ngang, chiếm gần hết khoảng trống trên cao của cái tiệm. Chị nói với Thế:
– Mấy thứ bánh tét, dưa hấu, mứt kẹo thì thầy phải vô chợ mới có. Mà cấp này thì họ về hết cả rồi.
Thế tần ngần:
– Nhưng hột vịt muối thì chắc ở đây có chớ?
Mắt chị Tư sáng lên:
– Ui, hột vịt muối thì đây thiếu gì…mà điều tết nhất …ai ăn hột vịt muối?
Thế mỉm cười:
– Cho tôi nửa chục đi. Qua mồng bốn Tết ra chợ kiếm các thứ khác ăn bù.
Chị Tư thích thú cái cách nói chuyện của ông thầy giáo, mắt chị hơi sáng lên và miệng thì mỉm cười. Trong lúc chị lui cui gói trứng, Thế lại hỏi:
– Ở đây có giấy hồng điều với mực lỏng viết chữ nho không nhỉ?
Chị Tư gật đầu:
– Mấy thứ ấy bán chậm, chỉ mấy ông đồ nho còn ưa xài. Nhưng tui cũng có đủ.
– Vậy chị lấy cho tôi 10 tờ giấy đỏ với ve mực tầu, luôn cả vài cây bút nho.
Rồi như chợt nhớ ra, Thế lại nói tiếp:
– Suýt nữa thì tôi quên. Cái đèn măng-sông của tôi cạn ráo cả dầu hôi lẫn cồn đốt. Chị cho thêm 1 lít dầu với một ve cồn đốt.
Chỉ một thoáng sau Thế đã khệ nệ bưng ra một túi đầy ắp những thứ cần mua. Trên con đường tối tăm khấp khểnh trở về, chàng bắt đầu nghe thấy có vài tiếng pháo đì đẹt của lũ trẻ trong xóm đang lúi húi đốt chơi với nhau ở dưới những rặng dừa, phía đằng sau là những căn nhà le lói ánh đèn và đâu đó đã có thoang thoảng mùi nhang khói bay lên.
Về tới trường, việc trước tiên là Thế châm dầu để đốt sáng cái đèn măng sông. Ðèn này mang nhãn hiệu Solar, có một bình dầu mang một cái bơm giống như cái ống thụt. Ở chính giữa, sau cái thông phong bằng thủy tinh khá dầy dặn hình ống là một cái bấc nom khum khum như hình cái túi to độ chừng vài đốt ngón tay. Thoạt tiên Thế phải nhúng vào cồn 90 độ một cái que có bịt vải ở đầu làm mồi lửa, rồi vừa lùa cái mồi lửa vào bên cạnh bấc đèn vừa bơm liên tục ống thụt như ta bơm xe đạp cho hơi dầu bốc lên. Chẳng mấy chốc cái bấc phựt lên, chiếu sáng cả một căn buồng rộng thênh thang, tỏa cả ra phía bên ngoài lan tới tận bờ mương. Vào thời kỳ ấy, ở đây chưa có điện nên các tiệm ăn, tiệm buôn bán đều xài thứ đèn này nhưng thuộc loại lớn hơn, mang nhãn hiệu Aida, khiến cho cả bến phà sáng rực rỡ như đã có điện.
Có được ánh sáng chan hòa rồi, Thế đặt nồi lên bếp cồn để nấu cháo. Chạn đồ ăn còn dư một tô đầy cơm nguội, Thế dùng cơm thay cho gạo nấu thành cháo. Thứ cháo này trong Nam gọi là cháo trắng, ăn với hột vịt muối hay thịt giò có xịt nước tương Tầu Vị Yểu thì hết chỗ chê. Từ khi xuống đây, Thế hay ra bến phà ăn cháo thay cho cơm chiều. Cháo ngoài bến phà thì thật tuyệt. Nó không loãng như cháo hoa ngoài Bắc mà trái lại, ăn rất sánh, vừa sánh vừa nhuyễn nhừ. Hôm nào rủng rẻng thì Thế gọi thêm đĩa thịt giò, nếu không thì một tô cháo, một quả trứng vịt muối cũng đã thấy tuyệt rồi.
Ðến gần nửa khuya, vào cái lúc những tràng pháo bắt đầu đì đẹt nổ ở nhiều nơi thì Thế biết là đã qua giao thừa. Chàng trải rộng tấm giấy hồng điều xuống sàn, đổ lon mực tầu pha lỏng sẵn ra một cái đĩa nhỏ, rồi ngồi suy nghĩ để khởi sự khai bút đầu Xuân.
Biết viết cái gì đây nhỉ? Thôi thì ngoạch đại vài câu thơ gọi là khai bút lấy hên, mặc dù thường ngày, Thế không phải là người sính thơ văn gì. Ngẫm nghĩ một chút, Thế chấm bút vào đĩa mực rồi phóng những chữ thật to xuống tấm giấy dưới sàn, nét chữ khá gọi là bay bướm:
Ðón Xuân có giấy hồng điều
Có dòng mực thắm, có nhiều ý thơ
Xa xa tiếng pháo Giao Thừa
Rộn ràng báo hiệu Xuân vừa mới sang.
Phóng tay Khai Bút vài hàng
Cầu cho ai cũng….huy hoàng hơn xưa!
Ở dưới ký tên Giáo làng: Trần Nhân Thế
Vậy là xong “thủ tục”, Thế nghĩ vậy rồi trong lúc chờ cho mực thật khô để treo lên vách gỗ, chàng mở vung nồi cháo múc ra một tô thật đầy và bóc trứng vịt muối ra ăn cùng với cháo.
Bây giờ thì Thế tiếc là mình quên mua một xị rượu đế. Tuy không phải là bợm nhậu, nhưng vào cái giây phút này mà nhấm nháp một chén để gây cảm giác ngà ngà thì cũng hay ho và nhất là dễ ngủ.
II.
“Trong những ngày ồn ào, náo nhiệt của mùa Thu năm đó (1945), toàn thành phố khu nào cũng đều tổ chức một bữa cơm gọi là ‘Cơm Đoàn Kết’, trong đó các nhà ở hai dẫy phố đều đem bầy bàn ăn ra đường để mọi người ăn chung với nhau một bữa. Thực đơn có món Rau muống luộc được đặt tên là ‘Món Độc Lập’, món Giá xào là món ‘Tự Do’, món Muối vừng là món ‘Hạnh Phúc’. Ối chà chà, lòng người dân Hà Nội vào thời điểm đó, ai cũng hân hoan, phấn khích, và ai cũng đều tưởng như mình đã được ôm cả mớ Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc vào lòng mình”.
Sáng mồng Một, Thế ngủ dậy trễ. Chàng đã trải qua một cơn giấc ngủ dài đầy mộng mị. Có lúc Thế thấy mình đang đi trên con đường làng ở gần bến Trung Hà, nơi thuyền bè cập vào thị xã Vĩnh Yên. Con đường này dẫn từ tỉnh lỵ đi ra một cánh đồng mênh mông, hai bên đường có trồng những cây Gạo cao ngất trời, nở đầy hoa đỏ rực.
Hoa Gạo nhìn thì rất thô, cánh của nó thật dầy lại chẳng hề có mùi thơm. Nhưng mầu sắc của nó thì tuyệt vời. Trên những chòm cây cao chót vót, các chùm hoa Gạo nom như từng mảng mầu hồng tươi vạch những nét chấm phá trên mầu xanh trong vắt của nền trời. Khi hoa Gạo rụng xuống hai bên lề đường, mầu hoa trải thành những vạch đỏ dọc theo những mảng cỏ xanh mướt ở hai bên đường làm cho khung cảnh ở đấy càng thêm rực rỡ như trong bức tranh của một họa sĩ tài hoa.
Hình ảnh của những bông hoa Gạo trong giấc mơ có lúc biến thành nụ cười rất duyên dáng trên đôi môi đỏ hồng chúm chím của Cẩm Hà khi hai người ngồi thủ thỉ với nhau trong bóng chiều đang xuống ở ven bờ Hồ Tây.
Họ yêu nhau tha thiết, trao đổi với nhau nhiều chuyện vu vơ nhưng rộn rã tiếng cười và chưa bao giờ cả hai nhắc tới chuyện tương lai. Cuộc chiến tranh Pháp – Việt trên quê hương đang lụi tàn nhưng lại mở ra nhiều bất trắc. Rồi dân Hà Nội bắt đầu xầm xì chuyện di cư vào Nam. Vì vậy Thế cũng muốn đi. Chàng háo hức nghĩ đến một hành trình mới lạ đang chờ đón cái tuổi ưa phiêu lưu của mình. Nhưng Cẩm Hà thì khẳng định:
– Ba em thì dứt khoát không đi rồi. Cả một cơ ngơi như thế, đi rồi vứt bỏ cho aỉ
Thế lạc quan:
– Cũng chẳng lâu đâu. Sau hai năm là có tuyển cử rồi.
Cẩm Hà nắm chặt lấy tay Thế, ngước mắt hỏi:
– Còn anh nhất định đi hả?
Thế hỏi lại nàng thay vì câu trả lời:
– Em có chờ anh không?
Cẩm Hà buông không nắm lấy tay Thế nữa và im lặng không trả lời, trong khi ấy, đôi mắt của nàng chợt tối lại. Trong thâm tâm, Thế cũng đồng ý với nàng. Im lặng là phải, vì ở hoàn cảnh này chẳng ai có thể hứa hẹn với nhau được điều gì.
Ít lâu sau, Thế đáp xe tải đi Hải Phòng để xuống tầu vô Nam. Cẩm Hà tiễn chân chàng lần chót ở bến xe gần cầu Long Biên. Thế nhận thấy đôi mắt của nàng thâm quầng chứng tỏ đêm trước nàng mất ngủ, nhưng nàng vẫn mỉm cười, vui đùa:
– Ði sướng nhé! Tha hồ bay nhẩy!
Thế nắm chặt lấy tay nàng. Chàng cảm thấy làn da ấm áp, mịn màng mọi ngày của nàng hôm nay lạnh ngắt. Lòng tràn ngập xót xa, nhưng Thế vẫn cười:
– Anh sẽ mang nem rán Sài Gòn chính hiệu về cho em. Ráng chờ nhé.
Cẩm Hà cười khanh khách:
– Hai năm nữa mà không mang về là em nhờ người khác rán đấy!
Cuộc từ biệt sao mà nhẹ tênh, nhưng Thế biết cả hai đều đau như cắt ở trong lòng. Tuổi trẻ ở thế hệ hai người đã có sức chịu đựng như thế đó. Cũng dễ hiểu vì từ tấm bé, những đứa trẻ như Thế, như Hà đã phải sống trong nhiều cảnh mà đáng lẽ tuổi thơ như họ không phải chịu đựng.
Hai người đã từng trải qua những đêm ở Hà Nội tối om vì nhà nhà phải chụp những bóng đèn bằng những cái abat- jour (chụp đèn) bằng giấy mầu đen để tránh bom Ðồng Minh thả xuống chống Nhật. Rồi phải ban ngày cứ nghe còi báo động rú lên là chạy túa ra hết những “tăng sê” (tranchée: hầm trú ẩn) đã được đào ở khắp mọi nơi trong thành phố, thậm chí nhiều gia đình còn đào hầm ở ngay trong nhà để hễ nghe hú còi là chui xuống, khỏi mất công chạy đi xa.
Ở nhà Thế, cái hầm này được đào ngay giữa phòng ngủ, nắp che là tấm “ghế ngựa” tức hai tấm phản bằng gỗ lớn được ghép lại làm giường nằm. Khi có còi báo động thì mọi người trong nhà choàng dậy, khỏi chạy ra ngoài, cứ lục tục kéo nhau rút xuống gậm giường tức cái hầm trú ẩn. Mà thật ra nó cũng chẳng kiên cố gì ngoài sự đem lại cho mọi người cái cảm giác được an toàn. Đã thế, tuy vách và sàn hầm đã được trát vữa hẳn hoi, nhưng chỉ là loại vữa chứa xi- măng thì ít, cát trộn thêm thì nhiều nên nước ngầm phía dưới cứ rỉ vào hầm khiến có khi xuống hầm cứ phải lội nước lõng bõng. Ấy là thường xuyên, cứ vài ngày là cả nhà đã phải xúm lại hì hục múc nước từ hầm ra và chuyển từng xô ra ngoài đem đổ đi.
Vào thời gian Đồng Minh thả bom xuống Hà Nội dữ dội hơn thì nhiều nhà nhát gan đã phải mang cơm nắm muối vừng để “chạy loạn”, sáng đi, chiều tối quay về. Thường thì hàng xóm quanh nhà Thế vào đóng đô trong Văn Miếu, tức Quốc Tử Giám mà chung quanh đã đào sẵn rất nhiều hầm trú ẩn. Rồi có lúc lại nghe chừng ngay giữa thủ đô thì dễ bị ăn bom hơn là ở ngoại thành thì mọi gia đình lại kéo nhau hàng đoàn đi xuống Ô Kim Mã, leo qua Núi Bò để vào đền Voi Phục, gần ô Cầu Giấy bây giờ.
Núi Bò ở gần Ô Kim Mã thật ra chỉ là một mảnh đồi đã bị mòn vẹt, ở đó người ta xây rất nhiều lò nấu kẹo như kẹo Lạc, kẹo Vừng, kẹo Bột với mùi mật mía thơm phức tỏa khắp vùng chung quanh.
Đền Voi Phục là một khu đất rộng, cây cối um tùm, có nhiều khoảng trống riêng biệt ẩn dưới những tàn cây xum xuê, nhiều bóng mát. Vậy mà dưới những cái tàn cây lý tưởng đó, nhiều chú ba Tầu đã bầy ra những bàn Mạt Chược để sát phạt nhau từ sang đến chiều. Họ ăn uống nhồm nhoàm, cười nói xí xa xí xồ om sòm tíu tít trong những tiếng xoa bài kêu lách cách ở khắp mọi chỗ khiến cho cả khu chẳng còn có vẻ gì là nơi chốn để “chạy bom”, “chạy loạn” cả!
Mà bom hồi đó do đồng Minh thả xuống chống Nhật cũng chẳng ít gì. Chính mắt Thế đã nhìn thấy một quả bom nằm chình ình ngay cạnh cái “tăng- sê” nơi Thế đang trú ẩn bên tường Giám tức sau lưng nhà Văn Miếu. Quả bom rớt xuống nhưng tịt ngòi không nổ. Nó nằm im lìm như một con cá khổng lồ bằng vỏ nhôm đang phơi bụng dưới nắng, ánh lên một mầu trắng xóa! Trông nó mới bình yên, ngoan ngoãn làm sao, nhưng Thế đã nghe thấy nhiều người xì xào:
– Bom 50 cân! Nó mà phát nổ thì cả cái tăng- sê này biến thành hố chôn cả lũ!
Rồi nạn đói năm Ất Dậu với bao nhiêu là cảnh chết đói thảm thê diễn ra từng ngày trên khắp các hang cùng ngõ hẻm. Chính ba của Thế thời đó cũng đã tham gia việc phát cháo thí hàng ngày ở trại Giáp Bát ngay cạnh ven đô Hà Nội do Hội Uẩn- Hoa tổ chức.
Thế còn nhớ có hôm đang đứng ở cửa, mồm còn đang gặm một bắp ngô thì một bóng gầy gò đen đúa, chẳng phân biệt được đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ chợt xồ lại, xô phăng Thế xuống rãnh, cướp bắp ngô của Thế rồi ngồi sụp xuống đất ngay tại chỗ đó gặm lấy gặm để. Tuy mất cái ăn, nhưng Thế không nổi giận. Cậu bé hơn mười tuổi lúc đó chỉ trố mắt ra nhìn. Nhưng Thế có thấy gì đâu ngoài đôi mắt trắng dã nằm trong hai cái hốc thật sâu cứ lấp lánh sáng quắc lên với nỗi niềm hăm hở thống khoái mà suốt bao nhiêu năm sau này, Thế chưa bao giờ thấy lại cái vẻ sung sướng, hạnh phúc đến tận cùng như vậy.
Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt và Hà Nội đi vào một chu kỳ rực rỡ đủ thứ sắc cờ của các nước Đồng Minh. Hồi ấy hầu như nhà nào cũng đều treo ở trước cửa một dây dài mang đủ loại cờ, nào cờ Anh, cờ Mỹ, cờ Nga, cờ Pháp, cờ Ấn Độ, có cả cờ Tầu Tưởng Giới Thạch mầu đỏ với ngôi sao 12 cánh mầu trắng trên nền xanh đậm nằm ở góc trái trên cùng. Đó là những nước nằm trong phe “Đồng Minh” chiến thắng trục “Đức- Ý- Nhật”. Đó cũng là thời điểm đầu tiên Thế được nhìn thấy những hàng chữ viết bằng tiếng Anh viết trên những tấm biểu ngữ, hoặc lên vải, hoặc lên tường ở khắp mọi nơi: “Viet Nam to the Vietnamese!”.
Dân Hà Nội bình dân chẳng hiểu ất giáp gì bèn dịch ngay ra thành tiếng Việt và câu dịch này đã phổ biến rất sâu rộng hồi bấy giờ: “Việt Nam to thế, Việt Nam mẹ sề!”
***
Rồi đến ngày 19 tháng 8, Hà Nội tràn ngập cờ đỏ sao vàng mà dân chúng gọi là cờ Việt Minh. Chuyện chính trị diễn tiến thế nào, những âm mưu tiêu diệt người Quốc Gia thâm độc và tàn bạo ra sao, lũ trẻ như bọn Thế không hề quan tâm (vả lại biết gì mà quan tâm) nên chỉ thích tham dự những trò chơi mà theo ý Thế là rất mới mẻ và vui vẻ. Đặc biệt là “trống ếch” của nhi đồng. Thế không hiểu ai và vì lý do gì đã đặt ra cái tên như vậy nhưng có lẽ cậu nhỏ nhi đồng bé lắt choắt ôm cái trống lớn ở trước ngực nom giống con ếch ưỡn bụng lên mà gọi như vậy chăng?
Thực chất đó chỉ là một dàn trống bao gồm 1 cái trống lớn, hai cái trống con và một cái phèng la. Có thể nói không khu phố nào lại không có một dàn trống như thế do các đoàn viên Nhi đồng Cứu Quốc hay Thiếu Niên Tiền Phong tập gõ om sòm suốt ngày để sửa soạn cho những cuộc diễn hành, mít tinh, biểu tình xẩy ra như cơm bữa.
Và trong bầu không khí “vui vẻ, mới mẻ đó”, bọn Thế đã tham dự cuộc đánh trận giả bên Hồ Gươm vào đúng dịp tết Trung Thu năm đó (1945). Hai phe Ta và Địch ném nhau bằng vỏ quả bưởi khiến vỏ bưởi trôi lềnh bềnh trắng xóa cả một vùng nước hồ xanh biếc. Đó cũng là năm đầu tiên bọn trẻ lau nhau Hà Nội hát bài Trung Thu Chèo Thuyền của tác giả Phương Linh là người khi đó đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác Nhạc dành cho thiếu nhi. Lời bản nhạc ấy rất được đám trẻ thuộc lầu như sau:
Đồng một lòng chúng ta cố chèo
Thật nhịp nhàng tay bơi tay lái
Mặc cho sông trôi, sóng reo
Nghìn khó chớ núng lòng ai
Đập ngọn chèo chúng ta dấn đà
Vượt ngàn trùng mau như mây cuốn
Rồi ra lên sông Ngân Hà, ngắm sao đỡ buồn, nhìn trăng đỡ buồn.
(Ghi chú của người viết: Nhạc sĩ Phương Linh là một vị Linh mục, tên Trần Hữu Linh, sinh năm 1921 tại Ninh Bình, Bắc Việt. Ông thụ phong Linh mục tại Phát Diệm năm 1949. Di cư vào Nam năm 1954, ông là Hiệu trưởng trường Trung học Trí Đức, Đà Lạt. Năm 1963 đi du học ở Pháp. Năm 1973, về nước ông làm Giám đốc Tiểu chủng viện Vinh Sang, Tam Hiệp, Biên Hòa. Năm 1976, ông bị CS bắt đi tù 9 năm. Sau đó, ông định cư ở Túc Trưng, Định Quán tỉnh Đồng Nai và mất tại đây năm 1995).
***
Trong những ngày ồn ào, náo nhiệt của mùa Thu năm đó (1945), toàn thành phố khu nào cũng đều tổ chức một bữa cơm gọi là “Cơm Đoàn Kết”, trong đó các nhà ở hai dẫy phố đều đem bầy bàn ăn ra đường để mọi người ăn chung với nhau một bữa. Thực đơn có món Rau muống luộc được đặt tên là “Món Độc Lập”, món Giá xào là món “Tự Do”, món Muối vừng là món “Hạnh Phúc”. Ối chà chà, lòng người dân Hà Nội vào thời điểm đó, ai cũng hân hoan, phấn khích, và ai cũng đều tưởng như mình đã được ôm cả mớ Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc vào lòng mình.
Đó là lý do mà Tuần Lễ Vàng (khởi sự từ ngày 16- 9 chấm dứt ngày 23- 9- 1945) khi phát động đã được dân chúng hưởng ứng nhiệt liệt. Nhiều thương gia, kỹ nghệ gia, công tư chức, thậm chí đến cả những người bán rong hay những bà nội trợ cũng đều sốt sắng dốc ống, tháo đồ trang sức đang đeo để hưởng ứng cuộc quyên góp mà theo ước lượng của Bộ Tài Chính hồi đó, chính phủ đã thu được khoảng 370 kilô vàng và 20 triệu tiền Đông Dương mà tính theo thời giá bây giờ thì 20 triệu này cũng phải tương đương với trên 60 triệu đô la.
Còn thanh niên nam nữ thì lòng yêu nước cũng bùng lên sôi nổi. Họ đã nhất tề tham gia một cách nồng nhiệt vào những tổ chức quân sự như Vệ Quốc Quân, Công an Xung Phong, Tự vệ Thành. Sau này, các lực lượng đó khi rút ra khỏi Hà Nội thì trở thành Trung đoàn Thủ Đô, một danh xưng mà khi nhắc đến, lòng ai cũng đều ngưỡng mộ vì những chiến công cũng như vì những tấm gương tiết liệt thà chết để bảo vệ Tổ quốc khi cuộc chiến Việt Pháp bùng nổ vào tháng 12- 1946.
Riêng bọn nhỏ như Cẩm Hà và Thế thì âm nhạc hầu như đã thổi vào tâm hồn bầu không khí hào hùng của lịch sử dân tộc trong qua những bài hát mà bọn trẻ nghêu ngao suốt thời thơ ấu như những bài Anh Hùng Xưa, Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng, Hội Nghị Diên Hồng, Thăng Long Hành Khúc, Trưng Nữ Vương, Việt Nam Hùng Tiến… và còn biết bao nhiêu bài khác nữa.
Cho đến khi khôn lớn hơn chút nữa thì những gương anh hùng tiết liệt nhiều khi còn như ở ngay trước mắt như Nguyễn Thái Học, Phạm Hồng Thái, Phó Đức Chính, Cô Giang, Cô Bắc .v.v… tất cả hầu như đã là những cái nôi êm đềm bảo bọc và gây dựng cho thế hệ của Thế lòng yêu thương quê hương, đất nước.
***
Tiếp theo sau những ngày hò reo, ồn ào trong quang cảnh nạn đói kinh hoàng là 9 năm kháng chiến mà tin tức chiến sự chẳng ngày nào là không loan trên báo, trên đài: bom chỗ này, phục kích chỗ kia, bên này mở chiến dịch, bên kia mở rộng những cuộc hành quân mà những con số ta, địch tử trận cứ ngày một leo thang. Hồi đó gia đình nào mà chẳng có thân nhân chết trận chẳng bên này thì cũng bên kia.
Cuộc Kháng chiến toàn quốc ấy nổ ra vào đúng 8 giờ tối hôm 19- 12- 1946.
Trước đó, dân Hà Nội đã tản cư hết ra các làng quê lân cận.
Gia đình Thế cũng rời Hà Nội khá sớm sủa, vào khoảng gần cuối năm 1946, nhưng rồi cũng hồi cư khá mau, vào khoảng giữa năm 1947, tức rời Hà Nội để “chạy tản cư” mới chỉ trong vòng hơn 6 tháng.
Ấy thế mà trong 6 cái tháng nổi trôi ấy, Thế cũng đã đi qua biết bao nhiêu địa danh của vùng trung du Bắc Việt: Nào làng Vân Canh, rồi Sấu Giá, rồi lội qua sông Đào đi về Trúc Động, rồi lên Đất Đỏ, rồi ngồi thuyền đi ngược sông Hồng qua Cầu Trò, Sơn Tây, Việt Trì rồi lết bộ qua những vùng quê để vào tỉnh Hưng Hóa, rồi cũng lại đi bộ tới bến Trung Hà để qua phà sang thị xã Phú Thọ… Đám đồng hành tản cư khi đó gồm rất nhiều gia đình cũng là dân Hà Nội, tưởng sẽ còn lếch thếch đắt díu nhau đi xa lên mạn ngược hơn nữa, nhưng nào ngờ đã phải rã đám rã ngay tại thị xã Phú Thọ sau một cuộc dội bom của Pháp xuống thành phố này vào chỉ đúng một hôm sau khi cả đoàn tản cư đặt chân tới.
Bị trúng bom tan nát, gia đình Thế đã bỏ cuộc hành trình dự tính đi Thái Nguyên, Tuyên Quang mà quay ngược đường trở lại để “dinh tê” Hà Nội. (entrer = vào), sau khi đã cử hành một đám tang tập thể trong đó có 18 gia đình đã đi theo sau 18 cái xe bò chở những quan tài của các nạn nhân trong cuộc dội bom vừa rồi.
Hà Nội – năm 1947, ngày Thế trở lại – hãy còn nhiều chỗ chỉ có tàn than và những cái cột nhà cháy. Mọi người lớn di chuyển đều phải xài loại giấy tùy thân do Pháp cấp, gọi là giấy Laissez- Passer. Lính Pháp da đen, người Phi châu đầy nhan nhản. Họ đứng gác ở các công sở, họ kiểm tra giấy tờ ra vào thành phố ở các cửa Ô. Hà Nội như con bệnh vừa hồi sinh hãy còn thoi thóp thở và tất nhiên là vắng người.
Nhưng chỉ hơn một năm sau, mọi sự được phục hồi nhanh chóng. Tiếng xe điện leng keng đã bắt đầu rộn rã. Người hồi cư trở về buôn bán tấp nập. Và nhiều trường học đã mở cửa lại, nào Chu văn An, Nguyễn Trãi. Trưng Vương, Văn Lang, Văn Hóa, Minh Tân, Bách Việt… Chỉ trong vòng 5 năm sau đó, cho đến 1952, 1953 thì mọi sinh hoạt đã trở lại bình thường. Cẩm Hà gặp Thế trong một buổi liên hoan tất niên và họ yêu nhau từ đó.
Hầu như cả quãng đời thơ ấu của hai người đều có những nét giống nhau, tâm tình của họ đều cùng gắn bó với những nổi trôi của thời cuộc ngay từ tấm bé nên cuộc chia ly không làm cho họ phải nhỏ những giọt nước mắt. Họ chỉ rút cơn đau đớn vào sâu trong cõi lòng để lâu lâu trong cơn mộng mị, họ lại tìm thấy nhau trong thảng thốt như Thế vừa thảng thốt lúc chập chờn trong giấc ngủ vừa qua…
***
Thế cứ nằm mãi trên chiếc ghế bố trong phòng để ôn lại cái cảm giác êm đềm đã được nắm tay Cẩm Hà trong giấc mộng đêm qua, mãi cho tới lúc chợt nghe có tiếng ồn ào của đám đông ở phía trước sân trường. Thế vội nhỏm dậy và nghe có đứa réo:
– Thầy Thế ơi! Thầy Thế ơi!
Thế vội vàng nói to:
– Ở ngoài đó chờ nghe. Thầy ra bây giờ.
Chàng vội vã phóng ra hiên sau, chui vào cái khung gỗ nơi kê mấy cái chum vại cùng với những chậu thau và xô múc nước. Chàng xối nhanh mấy gáo cho tỉnh táo rồi mặc quần áo tề chỉnh xong xuôi mới bước ra ngoài.
Một đám chừng năm sáu đứa học trò đang đứng lố nhố chờ bên hiên trường. Thế nhận ra ngay chúng là học sinh của những lớp trường mình. Vì ở thôn quê việc học trễ nải, nên tuy là học trò Thất, Lục mà đứa nào đứa nấy đã lớn tướng như học sinh bậc Ðệ Nhị cấp. Trong đám lố nhố ba, bốn nữ sinh, Thế nhận ra Lang, Hoa, Thảnh là học trò lớp đệ Tứ, Thủy, Hoàn, Thôi lớp đệ Ngũ đệ Lục, lại có cả cô gái bé nhỏ nhất tên Hườn thuộc lớp đệ Thất nữa.
Cả đám hôm nay đã trút bỏ cái áo bà ba đen hay trắng để mặc toàn áo mầu dù vẫn chỉ là những tấm áo bà ba may cắt gọn ghẽ. Lang nổi nhất với áo mầu hoa lý, rồi Thủy với áo mầu đỏ cánh sen hôm nay lại còn đeo thêm một chuỗi hột mầu xanh biếc, tuy nhìn cũng biết là hột nhựa nhưng cũng thấy lấp lánh dưới ánh nắng của một ngày đẹp trời. Hườn thì xinh xắn, nhỏ thó trong chiếc áo vàng chóe có điểm những bông hoa đủ mầu. Con bé này học thông minh nhất lớp, nó rất quý thầy nên những hôm rảnh rỗi chính nó cũng hay tới phụ với Thế để làm công việc tổng vệ sinh căn buồng hết sức bề bộn của các ông thầy toàn là thứ độc thân, chưa biết việc nội trợ là cái gì.
Bên phía nam sinh thì lố nhố toàn học sinh lớp đệ Ngũ, đệ Tứ. Ðứa nào nom cũng cao lớn, vạm vỡ trong những chiếc quần tây với áo sơ mi dài tay bỏ ra ngoài quần. Thế là đã chỉnh tề lắm rồi, vì hàng ngày hầu hết chúng chỉ bận quần cụt với áo sơ mi cộc đã bạc mầu để đi học. Trong đám này, Thế chú ý nhất đến hai đứa: thằng Hoanh vừa giỏi toán lại rất có tài vặt. Nó biết sửa bếp cồn, sửa cái bơm trong đèn măng sông, thay được cả sợi dây cu- roa dùng để đổi đài trong cái radio chạy phin của thầy Phú vẫn để ở đầu giường. Còn đứa kia tên Phi thì chỉ thích nói với Thế về chuyện “học trò người Bắc” để so sánh trong Nam với ngoài Bắc khác biệt nhau thế nào.
Thế quý cả hai đứa, trường học khai giảng chưa đầy được vài tháng mà Thế đã coi chúng như học trò ruột của mình. Nhà hai đứa cũng không ở xa trường, đi một “thôi” là tới theo như Hoanh nói, nên ngoài giờ học, nhất là trong những ngày nghỉ, chúng thường ghé trường thăm Thế, cũng không quên mang theo có khi là nải chuối, khi thì vài trái Vú sữa hay chùm Chôm Chôm.
Thế kéo cả bọn vào một lớp học để quây quần chung quanh hai cái bàn học trò. Chàng nói:
– Tôi cám ơn các em tới chúc tết, có điều tối hôm qua, hàng quán đóng cửa hết nên chẳng kịp mua được mứt kẹo hay nước uống gì…
Và Thế cũng vội vàng giải thích ngay, chẳng giấu giếm gì:
– Các em biết không, mãi chiều tối hôm qua thầy Phú mới gởi tiền lương tết xuống, cho nên chẳng kịp xoay sở.
Lang vội vã nói:
– Vậy mà chúng em đâu có biết. Thôi để em chạy về đem tới thầy con gà luộc nha.
Thế vội vã xua tay:
– Ấy, thôi khỏi! Cứ ngồi chơi là vui rồi. Lát nữa thầy cũng qua bên Mỹ Tho, thiếu gì quán hàng bên đó vẫn mở cửa.
Bé Hườn bây giờ mới lôi trong bụng ra một bọc đặt lên bàn:
– Em mời thầy với các anh chị cắn hột dưa.
Cả đám vỗ tay:
– Có hột dưa thì Tết quá rồi!
Thế là cả bọn xúm lại vừa bốc hột dưa cắn tí tách vừa thi nhau nói um sùm. Thằng Phi chẳng bao giờ quên cái sở thích của nó nên lên tiếng ngay:
– Thầy kể cho chúng em nghe ở “ngoải” ăn tết ra sao? Có bánh tét không? Có dưa hấu không? Có hoa mai nở rộ như trong này không?
Thế mỉm cười:
– Những cái em vừa kể, ngày tết ở ngoài đó chẳng có thứ nào hết!
Cả bọn cùng ồ lên, có đứa trợn cả mắt:
– Ủa! Vậy chớ ngoài đó ăn tết bằng gì?
Thế giảng giải:
– Không có bánh tét nhưng lại có bánh chưng. Không có hoa mai thì lại có hoa đào. Còn dưa hấu thì chỉ mùa hè ngoài đó mới có thôi. Với lại tết lạnh cóng, ai mà ăn dưa hấu.
Phi tiếp:
– Ðúng rồi. Em nghe nói ở ngoải, về mùa đông lạnh lắm vì có mưa phùng gió bắc. Mưa phùng là mưa thế nào hả thầy.
Thế đáp:
– Mưa phùn chứ không phải mưa phùng. Đó là thứ mưa xuất hiện vào cuối mùa đông, đầu mùa Xuân. Hạt mưa thì nhỏ không lớn nhưng không thưa mà lại dầy, lại lai rai kéo dài hết ngày này qua ngày khác làm cho đường xá cứ nhão ra vì sinh bùn lầy lội. Còn gió bấc chứ không phải gió bắc. Gió bấc là một thứ gió mùa đông bắc, vừa ẩm vừa lạnh. Vào mùa đông kéo cả qua Tết, đã mưa phùn lại còn gió bấc thì ôi thôi, các cụ ngày xưa còn ví là rét cắt da cắt thịt.
Thủy, cô gái xinh nhất đám, khi cười vừa nhe cái răng khểnh vừa thêm hai bên má lúm đồng tiền, chen vào nói:
– Hèn chi mà Ba em đi tập kết có nhắn vào là Tết lạnh cóng người, nhưng mà dzui.
Thằng Hoanh bĩu môi nhìn Lang:
– Ổng nói là nói vậy thôi. Ba thằng Thời cũng có tin vô. Ổng nhắn đất nước đã độc lập thống nhất rồi thì cứ noi gương chú Thạnh mà lo công tác hết mình.
Rồi nó cười khẩy:
– Thầy biết không? Ổng nhắn theo lối mánh lới đó. Chú Thạnh nhà thằng Thời chết đuối hồi mấy năm trước, ngay từ hồi ổng còn ở nhà, chưa ra tập kết, còn đâu nữa mà noi gương chú Thạnh để lo công tác hết mình. Cả nhà nghe nhắn vậy ai cũng thấy là “hỡi ơi” rồi!
Vẻ mặt đang tươi rói của Lang bỗng đổi sang buồn so:
– Ừ, ở nhà tụi tui cũng nghe thím Thời than thở: “Chẳng biết dân tình ngoài đó ra sao mà ảnh nhắn vậy”. Làm má tui cũng lo.
Một đứa tiếp ngay thêm:
– Chẳng những lo mà còn mệt nữa đó. Bên quê tui, nhà có người đi tập kết cứ bị mấy ông hội đồng Xã kêu lên hỏi tới hỏi lui hoài.
Phi gạt ngay đi:
– Có gì mà mệt. Mấy ổng hỏi cho biết vậy thôi. Hòa bình rồi, ai nấy đều lo làm ăn sanh sống, còn mắc mớ gì tới ai.
Hoanh cãi:
– Mắc mớ chớ sao không. Ðã hòa bình rồi sao còn đi tập kết?
Phi đáp:
– Thì ai thích bên nào theo bên đó. Như mấy thầy ở đây cũng từ Bắc vô đó. Có sao đâu?
Thế vội vàng giải thích thêm:
– Hiệp Ðịnh Genève đã nói rõ rồi. Cả nước có tới 300 ngày để tùy nghi chọn lựa. Miền Bắc di cư. Miền Nam tập kết. Sau đó là thôi, chờ tới ngày tuyển cử thống nhất đất nước.
Miệng thì nói vậy nhưng chính trong lòng Thế cũng chẳng tin chút nào về điều đó sẽ có thể xẩy ra. Thời hạn tổng tuyển cử cũng đã gần kề mà có thấy bên nào nhúc nhích gì đâu. Cứ cung cách này thì hai miền sẽ chia cách vĩnh viễn mất thôi.
Lòng chàng chợt nhói lên khi nghĩ đến câu nói hôm nào của Cẩm Hà lúc chia tay ngoài bến xe:
– Hai năm nữa mà không mang nem Sài Gòn về là em nhờ người khác rán đấy!
Thế tự hỏi “Sắp hết hạn hai năm rồi, em đã tìm thấy người khác rán nem cho em chưa?”. Lòng Thế bỗng quặn thắt lại khi nghĩ tới hình ảnh Cẩm Hà nhí nhảnh đi bên người yêu mới, dạo quanh Hồ Gươm vào buổi chiều có gió mát. Ôi, Hà Nội của Thế với vô vàn kỷ niệm thân yêu bây giờ đã xa tắp mù khơi.
Không muốn tiếp tục vẩn vơ với những ý nghĩ đau lòng nữa, Thế vội vã lái câu chuyện qua một hướng khác:
– Năm nay vội vã chưa kịp chuẩn bị nên chẳng có gì vui. Nhưng năm tới, trường mình phải tổ chức đón Xuân thế nào cho thật xôm mới được.
Hoanh reo lên:
– Mình tổ chức ăn liên hoan tất niên hả thầy?
Hườn giọng hứng khởi:
– Phải đó. Tất niên phải góp lại ăn chung mới là vui. Mấy trường bên Mỹ Tho cũng làm vậy.
Thế mỉm cười:
– Ăn chung tất niên thì dĩ nhiên rồi. Nhưng phải có cái đại hội văn nghệ do cả trường tổ chức để mời các phụ huynh và bà con chòm xóm cùng tới dự nữa thì mới thật là vui.
Lang reo lên:
– Ui, làm được vậy thì còn chi bằng. Mình tổ chức ban văn nghệ có cả ca cải lương lẫn hát tân nhạc….Thầy biết không, anh Phi ca cải lương “độc” lắm đó.
Phi đỏ mặt nhìn cô gái rồi bĩu môi:
– Xí … Tui ca cải lương thì để nhát ai. Chớ có muốn ăn gắp bỏ cho người. Thưa thầy chị Lang nổi tiếng xóm trong là có giọng ca mùi lắm đó…
Lang dẫy nẩy lên:
– Ðừng có nói… giọng tui thì mùi nỗi gì. Tui chỉ thỉnh thoảng ca một mình cho chính tui nghe thôi. Má còn nói mầy tính nhát ai mà học đòi tập tành ca cẩm vậy. Lo học đi cho rồi.
Thế vui vẻ:
– Ban văn nghệ trường mình nếu có lập ra thì cũng là chơi kiểu tài tử thôi, đâu có cần chuyên nghiệp. Miễn là vui dịp cuối năm ấy mà.
Lang góp ý:
– Mình tổ chức đàn hát thầy trò vui với nhau trong trường thì được, em thấy mời cả phụ huynh lẫn chòm xóm thì không nên.
Thế hỏi:
– Sao vậy?
Lang mỉm cười, lần đầu tiên Thế mới để ý thấy hai hàm răng của cô bé đều như hạt lựu và trắng bóng:
– Tại mình hát dở lắm, thầy ơi! Mình bầy đặt tổ chức trình diễn, bà con cười chết.
Thấy mấy trò khác cũng biểu lộ vẻ đồng tình, Thế vội vã giải thích:
– Ăn thua là ở chỗ mình nêu rõ mục đích. Mình đâu có “tổ chức trình diễn” như Lang nói, mà đây chỉ là buổi họp mặt văn nghệ tất niên, chung vui với nhau trước khi chia tay về ăn Tết. Như vậy đâu có ai đặt vấn đề dở hay không dở. Chủ đích là vui. Bộ cả trường mình xúm lại góp sức mà không vui được sao?
Thấy cả đám ngấp ngứ không đứa nào tranh biện được với lập luận của mình, Thế liền nói tiếp:
– Ðể tôi kể một kỷ niệm làm văn nghệ tất niên của tôi ở ngoài Bắc cho các em nghe. Nghe xong thì mình…bỏ phiếu! Ða số đồng ý thì mình tổ chức, không thì thôi. Có ai bắt buộc mình đâu?
Thằng Phi vỗ tay:
– Thầy kể đi. Tụi em muốn nghe chuyện ngoài Bắc. Nghe xong sẽ bỏ phiếu đàng hoàng như thầy nói. Ðồng ý không tụi bay?
Cả đám nhao lên:
– Ðồng ý! Ðồng ý!
Sự ríu rít của lũ trẻ khiến cho Thế tưởng như mình cũng đang lùi lại quãng thời gian hồn nhiên, vui vẻ của những ngày còn cắp sách đi học. Chàng hào hứng kể lại cho chúng nó nghe những kỷ niệm tuổi thơ của mình, nhất là cái năm còn là cậu học sinh lớp Nhất ở trường tiểu học Nguyễn Du, phố Hàng Vôi Hà Nội.
Ðó là một ngôi trường có những cây bàng già cỗi tỏa bóng mát khắp sân trường với tòa nhà xinh xắn hai tầng mà đứng ở nóc chót tầng trên, Thế nhìn thấy được cả cây cầu Long Biên vắt ngang giải sông Hồng chẩy bên dưới nom như một giải lụa mầu.
Thầy giáo dạy Thế tên Quỳnh, một ông thầy nghiêm khắc, ít cười nhưng yêu thương, lo lắng cho học trò hết mực. Hồi ấy hãy còn duy trì kỳ thi Tốt nghiệp bậc Tiểu học có phát văn bằng dành cho học trò lớp Nhất, gọi là bằng Sơ Học Bổ Túc. Nhà thầy Quỳnh ở mãi ngoại ô, nhưng khi gần tới kỳ thi, thầy bắt học trò đi học sớm thêm một giờ để luyện 2 môn Toán và Luận. Ðã gần tới mùa hè, trời nóng như đổ lửa, thầy phải đạp xe đi dạy từ lúc hơn 12 giờ. Tới trường, các lớp chiều còn vắng hoe, vậy mà riêng lớp của thầy, bọn học trò gần 50 đứa đã cặm cụi ngồi làm bài, soạn bài, mọi người đều im phăng phắc, chỉ còn nghe tiếng ve sầu kêu rộn rã ngoài khung cửa sổ mang cái nôn nao, háo hức của những tháng hè nhưng đồng thời cũng chan chứa cả những cảm giác lo lắng hồi hộp vì kỳ thi sắp tới.
Cuốn 280 Bài Tính Ðố của thầy Nguyễn Vạn Tòng, cuốn sách quy tụ những bài toán Số học luyện thi từ dễ đến khó, bọn Thế đã giải gần hết. Còn môn Luận thì khỏi nói, thầy Quỳnh tập trung vào những đề tài bình giải các câu ca dao, tục ngữ như: “Hữu chí cánh thành”, “Học thầy không tầy học bạn”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “Có công mài sắt, có ngày nên kim“..v..v.. để cho bọn học trò tuy còn lau nhau nhưng quen thuộc với lối hành văn biện luận, bình giải. Công khó của thầy Quỳnh quả đã không phí uổng. Năm đó, đề thi môn văn khá hóc búa: ” Bình giải câu: Quân tử cầu ở mình, Tiểu nhân cầu ở người”, học trò các trường rớt la liệt, thế mà lớp của Thầy Quỳnh chỉ rớt có bốn đứa! Ðây là một thành tích vẻ vang do nỗ lực của cả thầy lẫn trò, nhất là thầy, vì ông luôn luôn mang cái tâm trạng lo lắng của một bà mẹ sắp sửa phải đẩy đàn con vào cuộc đời mà lòng vẫn áy náy sợ chúng chưa đủ lông đủ cánh. Vì thế, dù mệt mỏi, tốn sức bao nhiêu, thầy cũng không ngần ngại, miễn sao khi lũ học trò ra khỏi tầm tay của mình, đứa nào cũng phải có một căn bản vững vàng như thầy mong mỏi.
Nhưng kỷ niệm đáng ghi nhớ nhất của Thế trong năm học này là Buổi Văn Nghệ Tất Niên do bọn Thế có sáng kiến tổ chức nhân dịp đón Xuân về. Thế kể:
– Biết không, cả đám có hơn mười đứa nêu ý kiến với thầy Quỳnh về việc tổ chức Văn Nghệ Tất Niên. Thầy hoan hỉ bằng lòng ngay. Lại dặn rằng phải đưa cho thầy coi bảng ghi các tiết mục trước 10 ngày để thầy góp ý.
Ui, chương trình được mấy tên đầu sỏ trong lớp “vẽ” ra đủ thứ hết. Có chào cờ, mặc niệm, có diễn văn chúc xuân các thầy, có sớ táo quân, có kịch lại thêm các màn đồng ca, đơn ca xen kẽ nữa. Thầy Quỳnh chấp thuận hết và ra lệnh chỉ được tổ chức riêng trong lớp học, có mời đại diện các lớp khác nhưng không mời các phụ huynh. Quan khách, ngoài thầy Quỳnh sẽ còn có thêm Thầy Hiệu trưởng với hai thầy khác cũng dậy lớp Nhất trong năm học đó mà thôi.
Phi góp lời:
– Vậy cũng là xôm tụ quá rồi.
Thế mỉm cười:
– Xôm lắm chớ! Suốt cả tuần lễ trước ngày cả trường nghỉ Tết, bọn đầu têu ngót mười đứa lo chối chết, vừa soạn “diễn văn”, vừa tập kịch, tập hát. Tôi còn nhận làm Sớ Táo Quân nữa. Sáng sớm hôm khai mạc cả bọn còn chia nhau khuân cả chăn màn, thừng chão, đồ đạc ở nhà đi nữa để căng màn làm sân khấu và trang trí cho nội dung các vở kịch.
Lang hỏi:
– Kịch do các thầy hồi đó soạn lấy hả?
Thế đáp:
– Ðâu có! Kịch lửa trại Hướng Ðạo ấy mà.
Cả bọn không hiểu, đều nhao nhao:
– Là sao? Là sao hả thầy?
Thế giải thích:
– Hướng Ðạo là một tổ chức đoàn thể dành cho thanh thiếu niên. Lâu lâu đi cắm trại ngoài trời, qua đêm thì đốt lửa trại, diễn kịch thi đua với nhau. Mà không có chuyện chuẩn bị trước đâu nha. Sắp tới giờ khai mạc, các huynh trưởng điều hành mới ra chủ đề cho các vở kịch. Thí dụ như chủ đề đêm nay là “Làm việc thiện”. Thế là các đội xúm lại bàn với nhau tìm một câu chuyện gì đó cho hợp với chủ đề rồi cắt cử các vai ra sân khấu, cứ đóng phứa đi cốt sao diễn tả được chủ đề là xong. Kịch tuy thế mà rất vui, vui cả vì câu chuyện ngộ nghĩnh lẫn những cái ngô nghê, vụng về của diễn viên do lắm khi các cậu cứ đứng ngớ ra chờ nhau xem ai đến lượt phải nói. Và cũng nhờ thế mà Hướng Ðạo Sinh tập được tính nhanh nhẹn, tháo vát và dạn dĩ trước đám đông.
– Thế thì chúng em cũng thích vào Hướng Ðạo.
Thế đáp:
– Ở Sài Gòn thiếu gì đoàn có thể tham gia. Nhưng còn ở đây xa xôi thế này thì chưa biết đến bao giờ.
Hoa lên tiếng hỏi:
– Các thầy vào Hướng Ðạo tập tành giỏi thế, chắc buổi tổ chức Tất Niên thành công dữ!
Thế chợt kêu lên:
– Vậy mà thất bại hoàn toàn mới đau chớ!!
Cả bọn ùa lên ngạc nhiên:
– Sao vậy? Sao vậy?
Mặt Thế chợt tối đi. Chàng như thấy hình ảnh thân yêu của thầy Quỳnh hiện rõ trong trí nhớ và trong thâm tâm, chàng như muốn réo gọi: ” Thầy ơi! Bây giờ thầy ra sao rồi? Hà Nội sao lúc này xa quá là xa”. Ngừng một lát cho qua những cảm xúc bùi ngùi, Thế mới giải thích tiếp:
– Thất bại là vì không có người tới dự! Cả lớp có gần năm chục học sinh, mà vì ngày cận Tết, chúng nó chuồn ở nhà hết, chỉ trơ lại có hơn mười tên trong Ban tổ chức. Ðại diện các lớp khác cũng chả thấy mống nào hiện diện. Thế có giận không!
Phi hỏi:
– Vậy còn quan khách?
Mắt của Thế sáng lên:
– Ba thầy dậy các lớp Nhất A, B, C thêm thầy Hiệu trưởng nữa là bốn. Các thầy tới đông đủ hết. Mà lại tới đúng giờ nữa mới chết chứ!!!
Cả đám học trò quanh Thế đều có vẻ mặt buồn sìu đi, y như thể chúng nó cũng đang chia sẻ với Thế cái hoàn cảnh ngặt nghèo vào cái lúc mà giờ khai mạc đã tới nhưng khách tham dự thì vắng teo. Thế kể tiếp:
– Theo lịch trình thì buổi lễ khai mạc lúc ba giờ. Vậy mà quá ba rưỡi, cả lớp trống trơn chỉ loe ngoe có hơn mười đứa trong ban tổ chức với lại các thầy. Cả bọn hoảng quá, lén tới gặp thầy Quỳnh xin hủy bỏ, nhưng thầy Quỳnh quắc mắt lên: ‘Sao lại hoãn!”. Rồi thầy ra lệnh: ” Khai mạc đi!”.
Cả đám học trò ngồi quanh Thế đều lại lên tiếng suýt soa:
– Ui, vắng thế sao mà khai mạc?
Thế mỉm cười:
– Thì thế! Nhưng thầy đã ra lệnh thì cứ phải làm tưới đi. Thế là nào chào cờ, nào mặc niệm, nào “diễn văn chúc từ”, rồi kịch cọt, ca hát…ôi thôi đủ hết!
Hoa kêu lên:
– Mà chỉ có bốn thầy ngồi coi thôi hả thầy?
Thế gật đầu:
– Chỉ có bốn thầy ngồi ở hàng ghế khán giả thôi. Nhưng các thầy “điệu nghệ” lắm! Cũng cười, cũng vỗ tay, cũng ghé tai bàn tán với nhau ra điều nhận xét vở kịch hay vai diễn làm cho cả đám lên tinh thần, ra sức diễn xuất hết mình! Sau cùng, đến khi bế mạc, thầy Hiệu trưởng cũng lên cám ơn lũ học trò nhãi nhép, lại còn hứa năm tới sẽ cho các lớp cùng họp nhau chung việc tổ chức cho toàn trường nữa chớ!
Mấy đứa suýt soa:
– Vậy là thầy Hiệu trưởng “điệu nghệ” thứ thiệt đó, thầy!
Thế gật đầu:
– Nhưng chưa bằng thầy Quỳnh! Khi quan khách ra về hết rồi, thầy Quỳnh còn nán ở lại khen ngợi và nhắc nhở cả đám: “Sự cố gắng của các trò rất đáng khen. Lại cũng nên nhớ rằng ở đời không phải chuyện gì cũng suông sẻ theo như mình dự tính. Nhưng cái gì đã quyết định làm rồi thì hãy quyết tâm làm cho đến cùng, không nên nản chí, bỏ cuộc nửa chừng.” Lời của thầy khiến cả đám cảm động muốn phát khóc, bao nhiêu nỗi bàng hoàng, lo sợ lúc trước giờ khai mạc đều tan biến hết cả!
Rồi Thế đổi giọng ngậm ngùi:
“Lời khuyên của thầy Quỳnh là những lời vàng ngọc. Nhân đây, các trò cũng nên ghi nhớ lấy!”
Mấy đứa cùng nhao nhao:
– Vậy năm tới mình cũng sẽ làm. Làm cho đến cùng! Thầy nhé!
Thế nhìn lũ trẻ ngồi chung quanh, lòng bồi hồi cảm kích. Rồi chàng cất giọng vui vẻ:
– Làm chứ sao không!
Và chàng nhắc lại lời thầy Quỳnh như chính chàng đang hứa với Thầy:
– Và sẽ quyết tâm làm cho đến cùng, không nản chí, không bỏ cuộc nửa chừng.
Nhật Tiến (Trích Bản thảo Bèo Giạt Mây Trôi)