Malala Yousafsai – Viên Đạn Và Lòng Dũng Cảm (Sơn Nghị)
Feb 14, 2023 4:34:03 GMT -6
Post by sheen on Feb 14, 2023 4:34:03 GMT -6
Chuyến xe van chở các nữ sinh từ trường về Thung lũng Swat, một trong những vùng đất bảo thủ nhất ở Pakistan, như thường lệ sau những giờ học. Thình lình, xuất hiện ba tên thanh niên chận xe lại. Chúng lên xe, sùng sục hỏi tìm cho được Malala. Vừa nhận dạng xong, chúng nã đạn vào người em ngay không một lời khuyến cáo. Một viên đạn ghim vào cổ, nhưng viên đạn chí tử nhất xuyên từ trán bên trái đi ngang tai và cắm xuống vai. Đường đi của viên đạn chứng tỏ em đang ngồi và tên sát nhân đứng bắn chênh chếch từ trên xuống. Hầu như chúng dí sát mũi súng vào trán Malala và bóp cò. Cô nữ sinh Malala lúc bị bắn chỉ mới hơn 15 tuổi.
Hôm đó là ngày thứ Ba, mùng 9 tháng 10 năm 2012.
Malala là ai mà ba tên thanh niên cố giết cho bằng được trong lúc em chỉ ở độ tuổi 15? Tên của em là Malala Yousafzai, con gái trong một gia đình có 3 chị em. Tội “đáng chết” của em là tranh đấu cho quyền được học hành của các em gái ở Pakistan. Vài ngày sau, nhóm cực đoan Taliban ở Pakistan tự nhận ra tay “trừng phạt” cô bé Malala vì ngoan cố cổ võ sự học hành của các em gái. Hành động dã man này của nhóm cực đoan Taliban dẫn đến một thắc mắc là kinh Koran có cấm các em gái đến trường học hay không.
Câu trả lời là không. Dĩ nhiên, không có cưỡng bách giáo dục như ở các nước khác. Các em gái, tùy mỗi trường hợp, có thể đến trường hoặc ở nhà, nhưng không nhất thiết phải đến trường hấp thụ một trình độ học vấn tối thiểu nào đó. Nhóm cực đoan Taliban quan niệm khác. Chúng cấm các em gái đến trường học hành. Theo quan niệm của chúng, giới phụ nữ phải ở nhà lo công việc nội trợ, sinh con đẻ cái, và dĩ nhiên (không có học vấn) không được tham gia một công việc gì ngoài xã hội. Tóm lại, thế giới của phụ nữ là ở trong 4 bức tường, lo phục vụ chồng con cho một kiếp đời.
Malala không muốn như thế. Em muốn giới phụ nữ phải được học hành như nam giới. Em viết nhật ký, em viết blog loan truyền sứ điệp, “Sự Học Hành cho Các Em Gái”, và điều này đụng đến “giới răn cấm” của nhóm Taliban. Chúng đã gửi thư hăm dọa gia đình em nhiều lần. Nhưng Malala vẫn hiên ngang cổ võ quyền được học hành của các em gái và cả giới phụ nữ. Chuyện gì đến phải đến. Em đã bị bắn trọng thương.
Ngay khi em vừa ngã xuống, dân chúng khắp Pakistan bày tỏ sự phẫn nộ về sự tàn ác của nhóm Taliban đối với một em gái chỉ mới 15 tuổi. Chỉ hơn một tuần sau, cả thế giới mạnh mẽ lên án nhóm cực đoan và lên tiếng ủng hộ hết lòng sứ điệp của Malala. Em đã trở thành một biểu tượng chính thống cho sứ mạng tạo dựng và bảo vệ một nền giáo dục căn bản cho trẻ em, trai cũng như gái, trên toàn thế giới. Liên Hiệp Quốc thậm chí còn tuyên bố ngày 10 tháng 11, Ngày Malala, là một ngày hành động tập trung vào sứ mạng “Malala và 32 triệu trẻ em gái như Malala không đến trường.”
Người ta chợt tự hỏi, “Cái gì đã thúc đẩy một em gái 15 tuổi không sợ chết để đòi hỏi một quyền căn bản của con người cho các em gái?” Nhóm cực đoan Hồi giáo khống chế nhiều khu vực, phổ biến những tư tưởng không hề nằm trong kinh Koran. Chúng bóp méo tư tưởng, diễn dịch sai lạc, và luôn gieo rắc sợ hãi đến những tín đồ Hồi giáo, nhất là ở những làng mạc xa xôi, hẻo lánh. Malala nhận ra sự bất công, nhận thấy quyền căn bản của con người, đặc biệt giới phụ nữ bị cướp đoạt trắng trợn. Người ta cảm phục Malala không phải về cái nhìn về sự bất công của em vì trước đây đã có những phụ nữ đứng lên tranh đấu đòi quyền lợi, nhưng chính là sự can đảm của em. Lòng dũng cảm của một cô gái ở tuổi 15 hiếm lắm. Ở tuổi này, ăn chưa no lo chưa tới, lấy gì nhìn thấy bất công trong cuộc đời, làm sao nghĩ đến chuyện thế giới cần phải thay đổi để bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Tâm hồn của em thật cao quý. Viễn tưởng của em thật đáng khâm phục. Lòng can đảm của em thật là một tấm gương soi.
Em đã sống đúng nghĩa một con người, vì không thể chỉ ăn, ngủ, vui chơi, hưởng thụ… là đủ một kiếp người nhưng hãy phóng mắt nhìn xa hơn, để mưu tìm một xã hội tốt đẹp hơn, một thế giới đáng sống hơn, mà trong đó quyền căn bản của một con người cần phải được tôn trọng ở bất cứ một nơi nào trên hành tinh mang tên Trái đất này.
Malala, sau những tháng điều trị tại Pakistan, đã được chuyển đến bệnh viện Birmingham, Anh quốc. Viên đạn may mắn không đi vào sọ, nhưng sự chấn động đã làm bể lớp vỏ xương ngoài cùng nhằm bảo vệ não, màng nhĩ bị phá thủng và xương chung quanh tai cũng bị nát vụn. Các bác sĩ dùng một miếng titanium để thay thế lớp vỏ xương; gắn bộ máy nhận âm thanh và một hệ thống khuếch âm để phục hồi chức năng thính giác. Sau nhiều tháng điều trị, Malala đã bình phục và nhân ngày sinh nhật thứ 16 của em, trong buổi họp thường kỳ tại trụ sở của Liên hiệp quốc, Malala đã dõng dạc gửi lại thông điệp của em với lời lẽ đanh thép, nhưng đầy tình thương mến. Bài phát biểu hùng hồn có tác dụng sâu xa đến cảm nghĩ của những nhà lãnh đạo trên thế giới. Hy vọng từ đó, họ sẽ ngồi lại và làm một cái gì đó thiết thực như niềm khát vọng của Malala.
Pakistani girl celebrates her 16th birthday on day she speaks to United Nations' student delegates.
Nhân danh Thượng đế, Đấng Toàn năng, Đấng Xót thương vô biên,
Kính thưa Ô. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon,
Kính thưa Ô. Chủ tịch Đại hội đồng Vuk Jeremic,
Phái viên Chương trình giáo dục toàn cầu LHQ, ông Gordon Brown,
Kính thưa các bậc trưởng thượng, và thân chào quý anh chị,
Ngày hôm nay thật vinh dự cho tôi được dịp thưa chuyện cùng quý vị sau một thời gian dài. Đứng trước những vị đáng kính bây giờ là một khoảnh khắc tuyệt vời trong cuộc đời của tôi.
Tôi không biết phải bắt đầu thế nào đây. Tôi không biết mọi người mong đợi tôi sẽ nói điều gì. Nhưng trước hết, xin cho tôi dâng lời cảm tạ Thượng đế, vì Người mà tất cả chúng ta đều bình đẳng và xin cảm ơn tất cả mọi người đã cầu nguyện để tôi phục hồi nhanh chóng và bắt đầu một cuộc sống mới. Tôi không ngờ lòng yêu thương nồng nàn mọi người dành cho tôi nhiều đến thế. Tôi đã nhận được hàng nghìn tấm thiệp với lời chúc chân thành và quà tặng từ khắp nơi trên thế giới. Xin cảm tạ tất cả. Cảm ơn các bạn trẻ với lời lẽ ngây thơ đã khuyến khích tôi. Xin cảm tạ các bậc cha chú mà lời cầu nguyện của họ đã củng cố tôi.
Tôi muốn cảm ơn các y tá, các bác sĩ và tất cả các nhân viên của bệnh viện ở Pakistan và Vương quốc Anh và Chính phủ UAE đã giúp sức khỏe tôi tốt hơn và giúp tôi phục hồi sức lực. Tôi hoàn toàn ủng hộ ông Ban Ki-moon, Tổng thư ký trong chương trình Global Education First Initiative và công việc của ông Gordon Brown, Special Envoy Liên Hiệp Quốc. Và tôi cảm tạ sự lãnh đạo của cả hai ông trong quá khứ và vẫn tiếp tục trong tương lai. Quý vị không ngừng truyền niềm cảm hứng đến cho tất cả chúng tôi để biến thành hành động.
Thưa anh chị em, hãy nhớ điều này: Ngày Malala không phải là ngày của tôi. Hôm nay là ngày của mỗi một phụ nữ, mỗi một trẻ em, trai cũng như gái, là những người đã lên tiếng cho quyền lợi của mình. Hiện có hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền và các nhân viên xã hội không chỉ nói về nhân quyền, nhưng họ đang đấu tranh để đạt được những mục tiêu về giáo dục, hòa bình và bình đẳng. Hàng ngàn người đã bị giết bởi những kẻ khủng bố và hàng triệu người đã bị thương tổn. Tôi chỉ là một trong số những người đó.
Vì vậy, tôi đứng đây… một cô gái trong số những cô gái xấu số.
Tôi nói – không phải cho bản thân mình, nhưng cho tất cả các trẻ em, trai cũng như gái.
Tôi cất to giọng – không phải chỉ để hét lên, nhưng là để cho những người không có tiếng nói có thể được nói.
Cho những người đã tranh đấu cho những quyền căn bản:
Quyền được sống trong hòa bình.
Quyền được đối xử tương xứng với phẩm giá.
Quyền bình đẳng về cơ hội.
Quyền được học hành.
Các bạn thân mến, vào ngày 9 tháng Mười năm 2012, Taliban đã bắn vào bên trái của trán tôi. Họ bắn cả bạn bè của tôi nữa. Họ nghĩ rằng những viên đạn đó sẽ khiến chúng tôi im lặng. Nhưng họ đã thất bại. Và rồi, vượt lên trên im lặng là hàng ngàn tiếng nói. Những kẻ khủng bố nghĩ rằng họ sẽ làm chúng tôi thay đổi mục tiêu của cuộc sống và ngăn chặn khát vọng của chúng tôi nhưng rốt cuộc chẳng có gì thay đổi trong cuộc sống của tôi, ngoại trừ điều này: nhược điểm, sợ hãi và tuyệt vọng đã chết; năng lực, sức mạnh và lòng can đảm đã sinh ra. Tôi vẫn là Malala. Khát vọng của tôi vẫn vậy. Hy vọng của tôi trước sau như một. Giấc mơ của tôi vẫn không thay đổi.
Thưa anh chị em, tôi không chống lại bất cứ ai. Tôi cũng không đến đây để nói về sự trả thù cá nhân chống lại Taliban hay bất cứ nhóm khủng bố nào khác. Tôi chỉ đến đây để lên tiếng cho quyền được học hành của mọi trẻ em. Tôi muốn sự học hành cho cả con cái của tất cả các phần tử cực đoan, đặc biệt là Taliban.
Tôi thậm chí không ghét bỏ Talib, kẻ đã bắn tôi. Thậm chí nếu có một khẩu súng trong tay và nếu anh ta đang đứng trước mặt tôi, tôi vẫn không bắn anh. Đây là lòng từ bi mà tôi đã học được từ Muhammad, vị tiên tri của lòng thương xót, từ Chúa Giêsu Kitô và từ Đức Phật. Đây là di sản của sự thay đổi mà tôi kế thừa từ Martin Luther King, Nelson Mandela và Muhammad Ali Jinnah. Đây là triết lý bất bạo động mà tôi học được từ Gandhi Jee, Bacha Khan và Mẹ Teresa. Và đây là sự tha thứ mà tôi đã học được từ cha mẹ tôi. Đây là những gì lương tâm tôi nói cho tôi, bình an và yêu thương tất cả mọi người.
Thưa anh chị em, chúng ta nhận ra tầm quan trọng của ánh sáng khi nhìn thấy bóng tối. Chúng ta nhận thấy tầm quan trọng của tiếng nói khi chúng ta bị bịt miệng. Cùng một cung cách, khi chúng tôi ở Swat, phía bắc của Pakistan, chúng tôi cũng nhận ra tầm quan trọng của bút mực và sách vở khi nhìn thấy những khẩu súng.
Thật đúng đắn khi một nhà khôn ngoan nói, “Cây bút sắc hơn cây kiếm.” Những kẻ cực đoan sợ sách vở và bút mực. Sức mạnh của sự học hành làm họ sợ. Họ sợ phụ nữ. Sức mạnh của tiếng nói phụ nữ làm họ sợ. Và đó là lý do tại sao họ đã giết chết 14 sinh viên y khoa vô tội trong vụ tấn công gần đây tại Quetta. Và đó là lý do tại sao họ đã giết những nữ giáo viên và nhân viên trị bại liệt tại Khyber Pukhtoon Khwa và FATA. Đó là lý do tại sao họ cho nổ tung trường học mỗi ngày. Vì họ đã và đang sợ sự thay đổi, sợ sự bình đẳng mà chúng ta sẽ đưa vào xã hội.
Tôi nhớ có cậu bé trong trường học của chúng tôi được một nhà báo hỏi, “Tại sao Taliban chống việc học hành?” Cậu trả lời rất đơn giản. Tay chỉ vào cuốn sách, cậu nói, “Một Talib không biết những gì được viết trong cuốn sách này.” Họ nghĩ rằng Thượng đế có đầu óc bảo thủ sẽ đày đám con gái xuống địa ngục chỉ vì đi học. Những kẻ khủng bố đang lạm dụng danh nghĩa Hồi giáo và xã hội Pashtun cho lợi ích cá nhân của họ. Pakistan là một quốc gia dân chủ yêu chuộng hòa bình. Pashtun muốn con cái được đến trường học hành. Và Hồi giáo là một tôn giáo của hòa bình, của nhân bản và của tình huynh đệ. Hồi giáo nói rằng không những đó là quyền được đi học, mà đó còn là nhiệm vụ và trách nhiệm của mỗi một đứa trẻ.
Thưa Ông Tổng thư ký, hòa bình cần thiết cho việc học. Ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt tại Pakistan và Afghanistan, khủng bố, chiến tranh và xung đột đã ngăn cản trẻ em đến trường học. Chúng tôi thực sự mệt mỏi về những cuộc chiến này. Phụ nữ và trẻ em đang chịu đau khổ ở nhiều nơi trên thế giới dưới nhiều hình thức. Tại Ấn Độ, những trẻ em non nớt nghèo nàn là nạn nhân của sự cưỡng bức lao động. Nhiều trường học đã bị phá hủy ở Nigeria. Người dân Afghanistan đã bị ảnh hưởng trầm trọng chỉ vì hàng rào cản của chủ nghĩa cực đoan trong nhiều thập niên. Những cô gái trẻ phải lao công việc nhà và buộc phải kết hôn ở độ tuổi thơ. Nghèo đói, dốt nát, bất công, phân biệt chủng tộc và sự tước quyền căn bản là những vấn đề bức thiết mà con người phải đối diện.
Bạn hữu thân mến, hôm nay tôi chú tâm vào các quyền của phụ nữ và quyền được hưởng sự giáo dục của các em gái vì họ đã chịu đau khổ nhiều nhất. Trong quá khứ, có lúc các nhà hoạt động xã hội phụ nữ yêu cầu giới đàn ông đứng lên đòi hỏi quyền lợi cho chính họ. Nhưng, lần này, chúng tôi sẽ tự mình đòi hỏi quyền lợi cho chúng tôi, chẳng cần ai yêu cầu. Tôi không có ý nói giới đàn ông không cần phải lên tiếng bênh vực quyền lợi phụ nữ dùm chúng tôi nhưng tôi chỉ xin chú tâm vào giới phụ nữ để họ được độc lập trong việc đấu tranh cho chính bản thân họ.
Chị em thân mến và anh em, bây giờ là lúc phải lên tiếng.
Vì vậy, ngày hôm nay, chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cần thay đổi chính sách chiến lược của họ có lợi cho hòa bình và thịnh vượng.
Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới rằng tất cả các thỏa thuận hòa bình phải đặt trên căn bản bảo vệ phụ nữ và quyền trẻ em. Một thỏa thuận đi ngược lại phẩm giá của phụ nữ và quyền của họ là điều không thể chấp nhận được.
Chúng tôi kêu gọi tất cả các chính phủ bảo đảm sự giáo dục bắt buộc miễn phí cho tất cả trẻ em trên toàn thế giới.
Chúng tôi kêu gọi tất cả các chính phủ chống lại chủ nghĩa khủng bố và bạo lực, để bảo vệ trẻ em thoát khỏi sự tàn bạo và nguy hiểm.
Chúng tôi kêu gọi các nước phát triển hỗ trợ việc mở rộng các cơ hội giáo dục cho trẻ em gái ở các nước đang phát triển.
Chúng tôi kêu gọi tất cả các cộng đồng có lòng khoan dung – loại bỏ thành kiến dựa trên khuôn mẫu, tín ngưỡng, giáo phái, màu da, tôn giáo hay giới tính, bảo đảm tự do và bình đẳng cho phụ nữ để họ có thể phát triển. Chúng ta không thể xem đó là thành công khi một nửa giới phụ nữ bị kìm giữ ở phía sau lưng.
Chúng tôi kêu gọi chị em trên toàn thế giới hãy dũng cảm – hãy giữ lấy sức mạnh nội tâm và nhận thức đầy đủ tiềm năng của mình.
Thưa anh chị em, chúng tôi muốn trường lớp và sự học hành cho tương lai tươi sáng của mọi đứa trẻ. Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc hành trình đi đến điểm đích của nền hòa bình và sự giáo dục cho tất cả mọi người. Không ai có thể ngăn cản chúng tôi. Chúng tôi sẽ nói về quyền lợi của chúng tôi và chúng tôi sẽ mang lại thay đổi thông qua tiếng nói của chúng tôi. Chúng ta phải tin vào năng lực và sức mạnh của lời nói. Lời nói có thể thay đổi thế giới.
Bởi vì tất cả chúng ta liên đới với nhau, đoàn kết cho sự nghiệp giáo dục. Và nếu chúng ta muốn đạt được mục tiêu, chúng ta tự trang bị cho chính mình bằng vũ khí của kiến thức và tự bảo vệ qua sự đoàn kết và liên đới mật thiết với nhau.
Thưa anh chị em, chúng ta không được quên hàng triệu người đang chịu đau khổ vì nghèo đói, bất công và thất học. Chúng ta không được quên hàng triệu trẻ em đang đứng chầu chực bên ngoài cổng trường. Chúng ta không được quên anh chị em của chúng ta đang chờ đợi một tương lai hòa bình tươi sáng.
Vì vậy, chúng ta hãy tiến hành một cuộc đấu tranh toàn cầu chống nạn mù chữ, đói nghèo và khủng bố và chúng ta hãy cầm lấy sách vở và bút mực trong tay. Đó là vũ khí mạnh mẽ nhất của chúng ta.
Một trẻ em, một giáo viên, một cây bút và một cuốn sách… chỉ cần từng ấy để có thể thay đổi thế giới.
Học hành là giải pháp duy nhất. Học Hành Đầu Tiên.
SƠN NGHỊ