Cái Máy May Của Má Tôi! (Dong Trinh)
Feb 23, 2023 5:45:13 GMT -6
Post by sheen on Feb 23, 2023 5:45:13 GMT -6
Má nói:
- Anh Ba con bao nhiêu tuổi là cái bàn máy may này bấy nhiêu năm đó con!
Má vừa ngồi may áo dài cho tôi để chuẩn bị vô lớp đệ thất trường Nghĩa Phương, vừa nói chuyện.
Đó là cái máy may của gia đình tôi. Đầu máy màu đen, có chữ Singer và lấm tấm vài cái bông nho nho xung quanh cùng màu như mạ vàng, được đặt trên một cái bàn, có hai hộc nhỏ hai bên để đựng thước dây, kéo, phấn vẻ màu xanh, hồng. Còn có hộp đựng kim, suốt chỉ và mấy ống chỉ đủ màu. Một hộp nút bằng nhựa nhưng má tôi kêu là nút ốc, dùng để kết vô áo sơ mi. Mấy vĩ nút bóp nhỏ li ti hiệu ba số 5 sáng ngời.
Phía dưới, cái bàn đạp bằng sắt màu đen, xích lên trên một chút, phía bên mặt là cái bánh xe cùng màu với bàn đạp, có sợi dây trân nối với vòng tay quay trên đầu máy, cũng cùng một phía bánh xe.
Sau khi may xong, mình kéo dây trân dưới bánh xe ra, dở đầu máy bật ngược ra sau, mở cái miếng cây trên mặt bàn ra, rồi lật đầu máy xuống thùng, đậy cái nắp bàn lại, gọn gàng, sạch sẽ.
Tôi để ý thấy cứ mỗi lần đổi qua đường may khác, thì tay má để lên cái vòng tròn nhỏ chỗ đầu máy, kéo nhẹ xuống, chưn má đạp lên bàn đạp thì cây kim bắt đầu chạy lên chạy xuống miếng vải, đường chỉ trắng đều đặn, thẳng hàng.
Má kể tiếp:
- Hồi nhỏ, cậu Ba con vốn là thợ may, đã dạy cho má biết may áo quần. Sau đó, má với dì Sáu con xuống Sài Gòn ở với ông bà Năm là cậu mợ của má để bà Năm dạy má với dì Sáu học nấu ăn, làm bánh, thêu thùa, đan móc... ông Năm thì dạy má mấy bài học luân lý xưa. Ông Năm khó lắm, phải nói năng lễ phép, đi đứng dàng hoàng mới được.
Sau khi ba cưới má thì má về Thủ ở. Má có chị Hai con rồi tới anh Ba con. Sanh anh Ba con không bao lâu thì ba mua cho má cái máy này để may áo quần cho cả nhà đỡ tốn tiền đặt ở tiệm.
Con biết hôn, cái máy này nó đi ta bà dữ lắm đó...
Nghe má nói tới đây, tôi ngạc nhiên quá, mở lớn hai con mắt ra ngó má. Cái máy may tuy rằng có bốn chưn và bánh xe nhỏ để dễ đẩy nhưng mà nó đâu có biết đi, sao má nói nó đi ta bà dữ lắm?
Như hiểu ý tôi, má cắt nghĩa:
- Mua cái máy này được mấy năm, thì một bữa nọ có gánh hát Hoài Dung-Hoài Mỹ về đây. Chú Phước là Đại Uý Cảnh sát tên Nguyễn Huỳnh Phước, chú là soạn giả Nguyễn Huỳnh của gánh mà cũng là chồng của cô đào Hoài Dung. Chú là bạn thân với ba con nên hễ gánh hát về đây là vợ chồng chú ghé nhà mình chơi. Lần đó, thấy má cũng đang ngồi may áo cho chị Hai con, chú nói áo quần của đào kép lôi thôi quá mà hỏng có máy để sửa. Ba con nghe vậy lập tức nói:
- Nếu chú cần thì đem về đoàn xài đi, chừng nào xong thì đem lại cho nhà tui.
Chú Phước nghe nói mừng quá, lật đật kêu xe ngựa chở tuốt xuống rạp Trần Trung ở đầu chợ dưới.
Tôi ngắt lời má:
- Ủa? Má đương may mà chú mượn rồi má làm sao?
Má tôi chậm rãi nói:
- Thì má may bằng tay, lâu hơn nhưng mà cũng được, còn gánh hát họ cần may áo cho đào kép hát để kiếm tiền thì thôi mình giúp được cũng nên giúp chứ con.
Rồi má tôi nói cái máy không chỉ ở rạp hát mấy ngày, mà nó ta bà khắp nơi cả năm mới quay về.
Ở nhà không bao lâu, tới gánh Minh Chí về. Trong gánh có cô đào Tô Huệ là vợ của chú Hai Trĩ, bạn thân của ba tôi. Nhà chú ở sát sân banh Cộng Hoà. Mỗi lần dẫn mấy tụi này đi coi đá banh, ba đều ghé nhà chú. Chú và cô Ba Tô Huệ có đứa con gái tên Thu Phong trạc tuổi tôi, sau này là vợ của nam nghệ sĩ tài danh Diệp Lang.
Nhắc lại chuyện gánh hát Minh Chí lúc bấy giờ. Lần nào cũng vậy, hể về Thủ là cô Ba (chúng tôi gọi cô Tô Huệ là cô Ba) đều ghé nhà thăm ba má tôi.
Rồi cũng áo quần đào kép, gánh nghèo không có tiền mua bàn máy may, một lần nữa, má tôi lại vui vẻ mà cũng bùi ngùi, tiễn em ca sĩ (Singer) đầu đen trong nhà tụi này lên xe ngựa, theo chưn mấy cô chú giang hồ đó đây khi lục tỉnh, lúc tuốt ngoài Trung đèo heo hút gió, cả năm trời phiêu lãng, cô nàng mới chịu quay đầu về.
Nàng Singer giờ đây không còn xinh đẹp như xưa sau bao tháng ngày dong ruổi nắng mưa, khi ăn quán, lúc ngủ đình, hồi thì ngồi chễm chệ trên chiếc Camion xập xình kèn trống cùng tiếng hát của Minh Chí mỗi lần xuống giọng xàng xê nghe mùi tận mạng, hồi thì bập bềnh trên chiếc tam bản để đi tới mấy vùng quê sông nước, cùng góp phần làm đẹp trong những chiếc áo hào nhoáng đủ màu sắc cho đào kép đem tiếng hát, lời ca, đem niềm vui cho dân chúng đó đây.
Má tôi làm bạn bên cô nàng không được bao lâu thì tới dượng Hoàng Mai là em rễ của dượng Sáu tôi cần mở tiệm may nhưng không tiền mua máy. Má tôi lại xiêu lòng, cho ông mượn vô thời hạn, cho đến khi nào ông có tiền mua máy khác thì mới trả lại.
Cũng may, ông mướn tiệm sát vách nhà tôi nên mỗi lần cần may vá gì thì tôi đem qua cho ông làm giúp (lúc bấy giờ tôi cũng đã hơn mười tuổi).
Đâu được chừng hơn một năm, ông chưa đủ tiền mua máy khác thì xập tiệm vì ế khách quá. Ông là thợ xưa, không có khả năng chạy theo thời trang nên phải đóng cửa, dọn nhà đi chỗ khác sanh sống.
Lần này, em Singer đã bị trầy vi, tróc vảy khá nhiều. Màu đen tuyền bóng loáng đã sờn, dây trân bị đứt nối hai ba chỗ, mặt bàn trầy trụa tùm lum.
Má tôi hơi buồn khi thấy lại dung nhan tàn tạ đã bắt đầu tới với em nhưng cũng mừng vì đứa con yêu đã quay về bên cạnh. Má lại tiếp tục may cho chúng tôi từng cái áo, cái quần trong lúc rảnh rang.
Tôi, anh Thọ và Dũng bắt đầu vọc vô cái máy. Tôi đem đồ cũ ra cắt may làm áo cho con búp bế nhỏ có mái tóc quăn màu vàng óng, có hai mắt nhắm mở, cái miệng cười thấy mấy cái răng trắng tinh, môi son đỏ thắm, thiệt đẹp của anh Minh, bạn anh Sáu tôi tặng cho tôi.
Dũng với anh Thọ thì tập lên lai quần. Riêng mấy chị tôi thì khỏi nói, ai cũng may khéo như má tôi vậy đó. Lâu lâu, kẹt chỉ, rối nùi, gãy kim... tôi lại kêu má ơi um sùm. Tức thì má tới coi, tháo chưn vịt, tháo suốt chỉ ra, vô dầu, lau chùi... máy chạy êm ả như thường.
Rồi nạn đại hồng thủy kéo tới, tháng tư năm 1975 gia đình tôi bị lấy sạch từ nhà cửa đến tất cả tài sản trong nhà. Nàng Singer yêu dấu dĩ nhiên là cũng cùng chung số phận.
Bọn người vô danh tánh đeo băng đỏ trên cánh tay tự xưng là cách mạng 30, tóm thâu hết tất cả đồ đạc của toàn dân trong cư xá, đem chất đống trong ngôi biệt thự ngay đầu ngõ, họ ngồi xung quanh ăn nhậu, hét hò ăn mừng chiến thắng. Chúng tôi, những nạn nhân vô cớ, cứ đứng chầu chực ngoài cửa, đợi tên nào say thì năn nỉ để xin lại, được món nào mừng món nấy. Thật là phi lý vô cùng nhưng lúc đó, chúng tôi đang yếu thế, đành tức tối mà chịu lép.
Tôi cùng Dũng cũng bắt chước dân trong xóm, nài nỉ riết, một thằng chắc xiêu lòng nên gật đầu chỉ ngay cái bàn máy may. Thiệt tình mà nói, so với các món khác thì lúc bấy giờ cái máy đã cũ, giá trị vật chất chẳng đáng là bao nhưng tôi đã nói, chúng chịu trả lại món nào tụi tôi cũng mừng. Lập tức, tôi và Dũng chạy vô, mỗi đứa một đầu, vừa khiêng vừa chạy từ cư xá Ngô Quyền về sân Patin, đối diện bên hông nhà thờ, nơi chúng tôi được ba má chồng của chị tôi cho tạm trú, trong khi chờ tìm được chỗ ở khác.
Cái nàng Singer này coi vậy mà sao nặng quá, chị em tôi khiêng chạy mà thở hì hục, mệt, mõi tay quá, nhiều lần muốn rớt xuống đất mà vẫn cứ rán giữ cho chặt, chạy cho lẹ vì sợ họ đổi ý, đòi lại.
Đem bàn máy về, mừng thì mừng nhưng rồi cũng thành vô dụng. Lúc bấy giờ, chỗ ở không có, viễn ảnh đói nghèo đang hiện ra trước mắt, tiền đâu mà mua vải may mặc? Thôi thì cứ để một xó đó.
Từ từ, áo quần, chén kiểu ... còn sót lại sau khi bị cướp, cũng lần lượt theo nhau ra chợ trời để đổi lấy gạo mục, khoai khô đắp đỗi qua ngày. Vậy mà, hỏng hiểu vì sao không ai trong nhà nghĩ đến chuyện đưa Singer ra bán mình nuôi chủ, dù lúc đó, chúng tôi đã có những ngày bị đói meo, không một hột cơm dằn bụng. Chắc má tôi nghĩ dầu sao Singer cũng là kỷ vật duy nhất của ba tôi còn sót lại, nên má muốn giữ nó coi như để tưởng nhớ đến ba, đã cả đời tận tụy với vợ, với bầy con của ba.
Cái máy cứ nằm yên một góc trong nhà, cho đến năm 1984, trước khi rời khỏi quê hương, với số tiền bán nhà ít ỏi, má mua cho mỗi đứa hai bộ đồ, còn má thì chỉ vài xấp vải để may quần áo mặc đi đường.
Lúc đó, má tôi đã bị mù hết một mắt, đã bảy mươi ba tuổi, vậy mà má vẫn tự cắt may cho mình. Phải chăng má muốn lần cuối cùng được gần bên Singer, trước khi chia tay vĩnh viễn?
Tính đến ngày rời khỏi Việt Nam, cái máy may đã gắn bó với gia đình tôi bốn mươi bảy năm. Một thời gian khá dài, vậy mà nó vẫn còn tốt vì má tôi chăm sóc cẩn thận lắm.
Trước ngày đi, má tôi bịn rịn cho lại người cháu của ba tôi để vừa coi như là vật kỷ niệm và cũng để chị có may đồ cho các con.
Chưn ướt chưn ráo tới Mỹ được một tháng thì tôi sanh Bình. Không đi làm, con nhỏ, tiền bạc eo hẹp.
Tôi không đủ khả năng sắm áo quần ở tiệm cho các con, chỉ toàn đi garage sale mua lại đồ cũ cho tôi và cả mấy đứa nhỏ.
Một bữa cuối tuần nọ, Khánh, em trai kế chở chúng tôi đi chợ trời (Flea market) cho biết, nơi đây cũng buôn bán như bên mình, những cái sạp gỗ có mái che bằng nylon, hoặc để ngay phía sau xe truck. Thôi thì thượng vàng hạ cám, đủ thứ, áo quần, máy móc, bánh kẹo, trái cây, rau cải, chó mèo, chim chóc... tiếng rao hàng inh ỏi, người qua kẻ lại nhộn nhịp vui lắm. Tôi tò mò đi ngó từng gian hàng, có nhiều món rẽ rề, muốn mua mà anh Hai ($) không cho phép. Chợt mắt tôi sáng lên khi thấy có cái đầu máy may màu xanh nước biển lợt nằm bên cạnh mấy cái radio cassette cũ. Tôi đứng lại ngắm nghía, lòng nghe một chút cảm xúc khi ngó thấy chữ Singer trên máy... thấy để giá mười đồng, tôi làm gan trả năm đồng. Ông Mỹ đội nón rộng vành như mấy anh chàng cao bồi Texas dáng người dềnh dàng, làm tôi hơi run, nhưng giọng nói nhỏ nhẹ và nụ cười thân thiện của ông làm tôi bình tĩnh lại ngay. Ông nói: You người Việt Nam phải không? Ok tôi bán you giá đó dù sáng nay đã có người hỏi mua tôi tám đồng, vì tôi là một cựu chiến binh Hoa Kỳ, đã từng phục vụ trên quê hương you ba năm.
Nghe ông nói, tôi mừng quá trời, hỏi thăm ông vài câu, rồi lật đật trả tiền như sợ ông đỗi ý. Khương, con trai tôi khệ nệ giúp tôi bưng máy ra xe. Về tới nhà, tôi nôn nao, lật tới lật lui coi cái bàn máy tuy là đồ cũ nhưng nước sơn vẫn còn đẹp và rất sạch, chứng tỏ chủ nhân nó đã giữ gìn nó kỹ lắm. Nhìn thấy chữ Singer, tôi chợt nhớ đến cái bàn máy may năm nào của má, nó đã cho ra đời không biết bao nhiêu áo quần trong gia đình chúng tôi, nó đã góp phần làm đẹp cho các nghệ sĩ một thời, nó đã một thời gian giúp dượng Hoàng Mai có công việc để mưu sinh.
Tôi chưa bao giờ sử dụng bàn máy may điện nên cứ lúng ta, lúng túng, xoay tới, xoay lui. Thời may, anh Thọ tôi đi công chuyện vừa về tới. Thấy tôi cứ nhăn mặt, nhíu mày, anh lại coi và gắn dây điện vô ổ, tay thử ấn nhẹ lên mô tưa. Tiếng rè rè nhỏ nhỏ vang lên, cây kim chạy đều đặn. Tôi mừng quá xá cỡ, đi kiếm cái áo cũ, để lên rồi đạp chưn lên cái bàn đạp nhỏ xíu ... Ội nhẹ nhàng làm sao! Đùờng chỉ ngay ngắn từ từ xuất hiện, thật đẹp. Có điều nó may lẹ quá, đến nổi tôi hết hồn hết vía, buông chưn ra thiệt lẹ. Anh Thọ tôi nói:
- Chưa quen nên đạp cái motor nhẹ thôi.
Tôi lại tập lần nữa, cho đến khi thiệt là thuần thục. Từ đó, thỉnh thoảng đi chợ, thấy vải rẽ, có khi chỉ năm mươi xu một yard, tôi lại mua về may áo quần cho má và mẹ con tôi.
Đang xài ngon trớn, cũng cả hơn hai năm, bỗng một ngày kia, nó trở chứng, anh Thọ tôi làm cách nào cũng không được. Thôi thì tiếc rẽ cũng đành đem bỏ ra thùng rác.
Tôi đã bắt đầu ghiền may. Hết áo quần đến màn cửa, khăn trải bàn, mền, gối... Cái máy năm đồng theo tôi được hơn hai năm trời đã bỏ tôi thì tôi quyết lòng kiếm cái khác.
Lại đi chợ trời, garage sale lục lạo. Không có cái nào vừa ý mà giá cũng cao, anh Thọ tôi biểu mua đại máy mới, anh đứng tên mua giùm, mỗi tháng trả năm chục đồng.
Hôm đem về, tôi vui qua chừng khi nhìn cái máy may màu trắng như sửa với tên New Home đỏ sậm.
Máy này của Nhựt sản xuất giá khá cao, làm được nhiều việc lắm như là kết nút, làm khuy, thêu đủ các mủi ...
Từ ngày có cái máy này, hầu như tôi không bao giờ mua sắm quần áo cho tôi và Bình nữa. Một cái áo đầm chỉ tốn hai ba đồng vải mà thôi.
Hồi nhỏ, má may áo quần cho cả nhà, giờ qua đây, mắt má đã mờ, tôi lại may cho má từng mạnh quần tấm áo, trong lòng dâng nên một niềm vui khó tả mỗi khi nhìn thấy má mặc những bộ đồ do chính con gái má may.
Một hôm, tai nạn nghề nghiệp xãy ra, làm tôi một phen hết hồn, hết vía. Chẳng là trong lúc đang may, tôi hỏng biết sao lại thả hồn theo mây gió, máy đang chạy ngon trớn trên tấm vải màu trắng điểm mấy nhánh bông dã quỳ vàng nhỏ nhỏ, bỗng nhiên, một tiếng ‘cụp’ , ngón tay trỏ của tôi đau điếng. Giựt mình, ngó xuống... trời ơi là trời... máu từng giọt nhỏ ra chảy trên vải như tô điểm cho mấy cánh bông vàng, cây kim gãy hai, cắm thẳng từ móng xuyên qua tới mặt sau ngón tay.
Tôi điếng hồn, chụp cái điện thoại kêu cho Dũng, em trai tôi nhà ở kế bên. Dũng tới, tôi đưa ngón tay có cây kim xuyên qua, cho Dũng coi. Dũng lập tức nói:
- Hỏng được, hỏng được, phải đi nhà thương, lẹ lên tui chở đi.
Tôi tuy đang đau dữ dội nhưng vẫn cố bình tĩnh nói:
- Không sao, lấy cây kềm nhổ ra giùm đi!
Dũng cứ khăng khăng không chịu, tôi thì cứ kèo nài và cuối cùng thì thằng em chịu lấy kềm, run run léo cây kim ra. Tôi thì cứ hối:
- Nhổ cho mạnh ra đi ...
Dũng kéo một cái thiệt lẹ, lôi cây kim gãy ra, máu cũng phun theo ...
Vậy mà tôi vẫn không tởn, vẫn tiếp tục may vá, coi đó là một niềm vui trong đời của tôi.
Độ hai mươi lăm năm sau, bữa kia, cần may mấy cái áo gối, tôi vô phòng đẩy cái bàn nhỏ có cái máy may để ở trên. Ra gần tới phòng khách, chưn bàn bị vướng miếng thảm nhỏ ngay cửa, máy may rớt xuống đất một cái rầm, nằm bẹp dưới đất. Tôi hết hồn, bưng lên, đem để lên bàn cắm điện, đạp thử moteur... im ru bà rù, không nhúc nhích. Tôi rán riết cả tiếng đồng hồ, vẫn không động đậy! Thôi rồi, cái máy may của tôi!
Xách xuống tiệm sửa, hôm sau, người ta kêu cho tôi biết một bộ phận gì đó bị bể, muốn sửa thì vừa công vừa món đồ thay phải năm trăm đồng! (Cái máy này tôi mua tới một ngàn ba trăm đô la hai mươi lăm năm trước).
Thôi, dù có thương tiếc mấy cũng đành bỏ, tôi rất sợ xuất ra một số tiền lớn, sửa xong thì lại có thể đẻ ra món khác hư nữa thì khổ.
Sau này, Bình mua cho tôi một cái bàn máy khác, cũng là Singer nhưng không mắc, chỉ hơn hai trăm.
Bây giờ Bình đã có gia đình riêng tư, không còn mặc áo quần tôi may nữa. Tôi thì cũng không cần thiết may sắm thêm. Cái máy mới này tôi rất ít khi dùng tới, chỉ để đó may lại đường chỉ đã sút, sửa lại cái quần hơi dài ...
Tôi lại nghe nhớ da nhớ diết cái máy may của má. Năm nay nếu còn tại thế, anh Ba tôi đã tám mươi hai và cái Singer ngày nào cũng tám mươi hai! Không biết giờ này bà cụ đầu đen ra sao, một cục sắt vụn, rỉ sét nằm bù lăn bù lóc đó đây hay cũng tan nát mục rữa theo thời gian? Dầu sao đi nửa, thì nàng Singer thuở nào của chúng tôi cũng đã góp phần không nhỏ để cống hiến cho gia đình chúng tôi, cho mấy gánh hát, cho một gia đình nghèo khó những niềm vui, những ích lợi trong cuộc sống.
Dong Trinh Fort Smith, 06-30-2019