Tù Mỹ, Tù Việt (Nguyễn Văn Tới)
Feb 28, 2023 3:27:12 GMT -6
Post by sheen on Feb 28, 2023 3:27:12 GMT -6
Nhà tù county, bên trong trại giam
Tôi có một ông anh bà con xa, đang làm việc cho Pima County Sheriff Department với công việc là cảnh sát gác tù (Correctional Officer), mà tôi vẫn đùa gọi anh là Tù trưởng, còn tù nhân kêu anh là Xi-Ô (C.O).
Công việc, theo anh nói, so với việc làm trước đây, thì không cực nhọc tuy đôi khi căng thẳng vì tù nhân hay làm reo, nhưng lương lậu thì không tệ (bắt đầu khoảng $44,400/1 năm), hưu bổng, và quyền lợi thì không chê vào đâu được. Thêm nữa, việc này không cần có bằng cấp hay kinh nghiệm, họ sẽ huấn luyện mình.
Làm việc cho chính phủ tiểu bang thì rất bền, nhưng công việc gác tù này không phải ai cũng làm được vì cần đức tính kiên nhẫn và chăm chỉ. Cái này thì anh có thừa trong nghề gõ đầu trẻ trước đây. Chỉ mình đuổi việc chủ, chứ chủ chẳng bao giờ đuổi mình, anh tâm sự như thế.
Được gia đình bên vợ bảo lãnh qua Mỹ lúc tuổi xuân vừa tròn 4 bó. Qua xứ lạ, anh không còn được gọi là ông, mà thằng cũng chẳng ra thằng. Ngày còn trong nước, anh đi dạy, giờ bị “mất dạy”, thêm phần “bất lương” (không có lương) nên chẳng làm được trò trống gì. Sau mấy năm làm assembler trong một hãng kiếng ở địa phương, mỗi ngày dập mấy trăm cái khung sắt, xương cốt rã rời, về nhà, vợ thương quá, tối nào cũng cứ dầu nóng bóp cổ, bóp vai mãi mà “long thể” vẫn bất an, “long sàng” vẫn cứ có rệp.
Đêm nào cũng đấm bóp và an ủi nhau nên thằng út Ráng ra đời trong hoàn cảnh ấy. Anh kể: Ngày thằng cu chào đời, chẳng thấy vầng hào quang chói lọi, chẳng có một ngôi sao sáng nào xẹt vào nhà (như Kim Jong Un), chẳng hoa hồng ngát hương hay tiếng nhã nhạc du dương báo tin lành gì hết, mà chỉ thấy hai vợ chồng nổ đom đóm mắt vì tuổi già việc nặng mà lại thêm con nhỏ khóc đêm.
Thấy tương lai chắc sẽ tối như đêm 30 vì công việc bầm dập mà sức khỏe ngày một yếu đi, anh quyết định “ôm cầm sang thuyền khác” bằng cách ghi danh thi tuyển làm cảnh sát gác tù vì nghe nói nghề này nhàn nhã mà phúc lợi (benefits) cao, bảo hiểm sức khỏe tốt, không sợ bị đuổi việc, dù kinh tế lên hay xuống, cũng vẫn có đủ… tù để coi, thêm nữa, sẽ được vào ngạch chính thức là viên chức chính phủ tiểu bang (State government) chứ không phải thứ “dóp” loại cờ lờ mờ vờ ma dê in VN.
Anh khoe trước ngày đi Mỹ, một ông thày bói phán rằng hậu vận anh sẽ vô cùng sáng lạn vì anh sẽ cai quản cả mấy chục người dưới quyền của mình. Ôi, lời thày phán ứng nghiệm như thần!
Tôi và anh thân nhau, dù trẻ hơn tôi cả 10 tuổi và lớn lên trong thời “cắt mạng”, chúng tôi hay kể nhau nghe vui buồn nghề nghiệp trong những buổi trà dư tửu hậu: anh uống rượu, ít ăn mồi, còn tôi chuyên ăn mồi mà không uống rượu. Tuy khác nhau một trời một vực, nhưng vẫn là cặp tri kỷ vì rượu anh, anh uống, mồi tôi, tôi cứ ăn, người này không đụng chạm “quyền lợi” người kia nên tình anh em luôn bền vững như “môi hở răng lạnh”. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy sẽ… từ từ thay đổi. Bên đây sứt môi, họ vá được, mất hết hàng tiền đạo, họ vẫn làm cho một hàm răng mới, mỗi lúc cười lên là sáng cả một bầu trời. Tôi vẫn thường đùa với anh là ông nội anh với ông nội tôi là …hai ông nội, nên anh em mình họ hàng cũng còn gần lắm.
Sau khi trải qua 6 tuần quân trường thụ huấn về thể lực, bao gồm các lớp học về luật pháp cần thiết cho công việc, vài thế võ nghệ căn bản như Jiujitsu để đối phó với các tình huống hiểm nguy khi tù nhân nổi loạn, gian khổ gần như lính, anh tốt nghiệp được gắn huy hiệu ngôi sao tiểu bang. Anh than thở rằng sợ nhất là ngày phải đấu võ đài, có qua khỏi mới đủ điểm đậu làm cảnh sát gác tù. Họ bắt chúng tôi phải đánh nhau thật với huấn luyện viên.
Chú nghĩ coi thân tôi nhỏ bé thế này mà phải đối đầu với 1 thằng Mỹ to gấp đôi. Khỏi nói thì chú cũng biết kết quả ra sao rồi. Tôi bị một trận bầm dập nhưng cũng rồi cũng qua. Sau đó chúng tôi phải bắn súng điện lẫn nhau coi sức chịu đựng ra sao trong trường hợp giả định bị tù nhân nổi loạn, lỡ bắn nhầm vào nhau. Mà đâu phải 1 lần. Họ bắt chúng tôi, 4 người quàng vai nhau thành hàng ngang, một học viên khác bắn súng taser với 20,000 volts, làm cả 4 chúng tôi hét lên, cứng đơ cả người, rồi tất cả ngã vật xuống, có sẵn hai học viên khác đỡ trước khi chúng tôi té nằm ngay cán đơ cán cuốc trên sàn nệm. Mất vài chục giây sau, chúng tôi mới có thể lồm cồm bò dậy, rồi nhăn răng ra cười hềnh hệch, và đập tay (high-five) lẫn nhau.
Trận cuối cùng mới đáng sợ và không bao giờ quên: Chúng tôi cứ 2 người bắt cặp, người kia cầm hộp xịt hơi cay chĩa thẳng vào mặt tôi, trong khi tôi đứng thẳng, không nhúc nhích, mắt phải mở to, không được chớp mắt, để đối thủ xịt chất lỏng cay vào mắt. Sau tiếng kêu “fight” (đánh), cả hai phải lao vào nhau, dùng hết các thế võ đã học, để hạ địch thủ. Đây là cảnh giả dụ nếu chúng tôi lỡ tay xịt hơi cay vào mặt nhau trong lúc đánh nhau, khống chế tù nhân, thì chúng tôi phải chiến đấu tới cùng cho đến khi được cứu.
Trong lúc chúng tôi đánh thì họ quay phim. Sau này coi lại, tôi mắc cỡ quá chú ơi, vì người bạn kia, lao vào quật tôi ngã xuống sàn. Tôi lồm cồm bò dậy, nắm một chân anh ta, mà nước mũi, nước dãi của tôi chảy lòng thòng, nhiểu nhảo tùm lum, hơi thở hào hễn, tôi vẫn không chịu buông, dù mắt cay xè không mở ra được. Họ phải tách chúng tôi ra và hét “fight again”.
Qua làn nước mắt cay xè, tôi lờ mờ thấy địch thủ, tôi lại lao vào quần thảo với anh ta cho đến khi tiếng kêu “stop”, người ta kéo chúng tôi ra và một người dẫn tôi ra vòi nước xả lên đầu tôi cho đỡ nóng và đỡ cay. Sau bữa đó, về nhà, hai ngày weekend, mắt tôi sưng húp và cái nóng cay vẫn còn đó cho đến hết ngày hôm sau. Tôi thề rằng thà bị taser còn hơn bị pepper spray.
Chưa hết, đoạn đường “chiến binh” cuối cùng mà học viên nào cũng phải vượt qua trước khi được gắn lon. Tất cả mặc đồng phục cảnh sát, giầy, và mọi trang bị cần thiết, bắt đầu chạy bộ 15 dặm lên núi để được làm lễ gắn ngôi sao trên đó. Trong khi chạy, có vài học viên ngã gục, ói mửa tùm lum, họ cấp cứu, rồi bắt đứng dậy, đi tiếp, không cần chạy, cho tới khi chinh phục được đỉnh núi. Riêng tôi, tuy không khỏe nhưng dẻo dai, tôi cũng lết được lên đỉnh núi và tới đích. Bài học họ muốn chúng tôi nhớ nằm lòng là phải kiên nhẫn, bền bỉ, không bỏ cuộc, thì sẽ thành công. Từ đây, tôi chính thức được gọi là C.O., cảnh sát cải huấn, trực thuộc bộ cải huấn tiểu bang: DOC, Department Of Corrections.
Anh hay tò mò hỏi tôi về những tháng năm tôi nằm bắt rệp trong hô teo Chí Hòa ra sao để anh rút tỉa kinh nghiệm mà đối đãi với tù Tây.
Anh bắt đầu kể về công việc anh làm hằng ngày nơi trại giam. Sau đây là lời kể của anh và của tôi, xen kẽ nhau, để bạn đọc có thể hình dung ra được “sự ác độc, bất nhân” của chế độ tư bản đế quốc Mỹ đối đãi với tù nhân của họ ra sao khi so sánh với “sự khoan hồng, nhân đạo” của đảng và nhà nước với chính đồng bào của mình.
Chuyện nhà tù Mỹ
Đi làm mỗi ngày, tôi phải ăn mặc chỉnh tề như một cảnh sát thực thụ, chỉ khác là tất cả chúng tôi không được mang súng. Áo quần khaki vàng được ủi thẳng nếp, không một vết nhăn, áo bỏ trong quần với tên họ bên túi trái, giày bốt đen đánh xi-ra láng cóng, đầu đội nón baseball-cap với huy hiệu cảnh sát. Dây lưng quần được trang bị một cặp còng tay, một lọ Pepper-spray xịt chất lỏng cay, một súng điện Taser, và một máy radio liên lạc được nối qua cầu vai trái lên tới hai lỗ tai bằng một cặp tai nghe (ear-plugs) để khi liên lạc và hành động thì còn rảnh hai tay mà làm việc. Tác phong nghiêm chỉnh như trong quân đội.
Mỗi sáng đến nơi làm việc, phải điểm danh, chào cờ, và kiểm tra quân phục. Nếu ông xếp (captain) không hài lòng vì đường ủi không thẳng nếp, hay áo trong quần lệch một bên, giây giày thắt không đều thì bị bắt hít đất (Push-up). Xong xuôi, tan hàng, quẹt thẻ vào cửa trại, và một ngày làm việc bắt đầu bằng cuộc họp ngắn ngủi (brief) về tình hình chung của trại giam. Nếu không có gì mới cần chú ý thì ai về chỗ làm của người nấy.
Bắt tay người đồng nghiệp của ca làm việc trước, anh cho tôi biết vắn tắt về tình hình trong phòng giam. Tôi bước vào trong phòng làm việc của mình được bao quanh bằng kính dày để có thể quan sát tất cả mọi phòng (pods) của tù nhân được thiết kế như hình rẽ quạt gồm hai tầng. Sau khi đóng cánh cửa sắt sau lưng lại, tôi coi danh sách tù nhân có tổng cộng bao nhiêu người, phòng nào ở đâu, tên gì, và phòng nào chỉ có 1 người.
Lại dùng thẻ của mình mở cửa phòng từ bên trong, đi ra ngoài để tuần tra các phòng giam tù nhân để chính mắt mình điểm danh, và quan sát được tình hình, thái độ, sinh hoạt của họ. Phòng giam rộng 3 mét, dài 5 mét, gồm 2 tầng, mỗi tầng 15 phòng, Tất cả được xây bằng gạch, trang bị hệ thống điều hòa không khí, và cửa sắt có 2 tấm kiếng dầy theo chiều dọc để cảnh sát có thể nhìn vào bên trong. Một giường đôi hai tầng (bunk-bed) bên tay trái, gồm nệm, tấm trải giường, gối, và một cái mền và hai cái bàn nhỏ bằng sắt không rỉ (stainless steel) dùng làm bàn viết. Cuối phòng là bàn cầu giật nước cũng bằng sắt không rỉ, một kệ nhỏ rất sạnh sẽ, với đầy đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân như kem và bàn chải đánh răng, khăn mặt. Một cái bồn rửa mặt (lavatory) và phòng tắm (shower) với vòi nước, tất cả đều sạch sẽ, cũng bằng sắt không rỉ. Tất cả tù nhân (inmates) đều mặc đồng phục màu cam.
Chuyện Nhà tù Việt
Khám Chí Hòa: Mỗi buổi sáng tôi đều bị dựng dậy bởi tiếng loa phát thanh the thé của mụ xướng ngôn viên đọc tin tức. Toàn tin tốt đẹp về xây dựng xã hội chủ nghĩa, về độc lập, tự do, no ấm, và hạnh phúc. Tôi tin rằng ở đâu thiếu cái gì, người ta hay nói về cái đó ra rả cả ngày. Một lúc sau, tiếng chìa khóa lẻng kẻng vang lên, một người tù trật tự mở cánh cửa sắt nặng nề kêu ken két, theo sau là tên công an quân phục màu xanh cứt ngựa, cuốn sổ trên tay, chân mang dép lốp xe lẹp xẹp đi đến từng phòng điểm danh. Khi hắn đọc tên ai, người đó phải hô to “báo cáo cán bộ, có tôi”.
Khám Chí Hòa là một trại giam rất lớn chia làm 4 khu theo hình bát giác (8 dãy nhà). Được xây dựng từ thời Nhật chiếm Việt Nam, đang dang dở thì người Pháp trở lại và tiếp tục hoàn thành. Trung tâm nối liền 8 góc là một tháp nước (Château d’eau/water tower) hình dáng một thanh gươm tròn cắm xuống đất. Muốn đi từ khu này qua khu kia, phải đi ngang qua dưới tháp nước đó.
Khu ED chính trị và kinh tế là khu tôi bị nhốt, gồm 4 tầng lầu, mỗi tầng có 4 phòng. Mỗi phòng rộng khoảng 10 thước, dài 25 thước, nhốt 60-70 tù nhân mà chỉ có duy nhất một bàn cầu khô ở góc phòng, loại ngồi chồm hổm, không có vách ngăn. Tù nhân cần “trút bầu tâm sự” đành phải phơi bày mọi sự cho thế gian coi khơi khơi. Kế bên là một thùng phuy nước vừa để dội cầu và phát tiêu chuẩn cho tù nhân xài. Mỗi ngày, người tù được lãnh 1 lít nước để vừa uống, rửa mặt, đánh răng, vừa rửa cái “bàn tọa” sau khi nỗi buồn đã được “giải phóng”. Vâng, đúng 1 lít nước không hơn không kém. Mỗi tuần được xuống sân của khu, nơi có 1 bồn nước xi măng để tắm, giặt trong 5 phút. Có người mới xát xà bông, chưa kịp xả nước thì hết giờ, phải trở lại phòng mà vẫn còn bong bóng đầy đầu. Đây là cơ hội duy nhất cho ai có can đựng nước riêng nhà gởi vô, lo lấy thêm nước mà xài.
Ngày được thăm nuôi thì đúng là ngày khổ nhất và ngày dài nhất cho những người tù mới bị “nhập kho”. Là ma mới nên chỗ nằm ngủ ưu tiên sẽ là kế bên “cầu biên giới”. Kinh tế cộng sản, xã hội chủ nghĩa, luôn nói có đầu vô thì cần phải có đầu ra, quả không sai: Có ăn vô thời phải có đi ra. Ở trong tù, ngày thăm nuôi là ngày cái bàn cầu trở nên bận rộn nhất, người ra vô tấp nập, phải xếp hàng. Khổ nỗi, “sự cố” này luôn kèm theo âm thanh réo rắt lẫn mùi hương lan tỏa rất xa, mà những người khốn khổ cũng lại là những tên ma mới đang nằm kế bên, đành phải ca bài “lãnh trọn đêm mưa”.
Ai có nhu cầu “xả nước cứu thân” (không phải xả thân cứu nước) thì không đến nỗi nào, còn thực hành cái đệ Tứ khoái, thì tất cả mọi người trong phòng đều ngậm ngùi nín thở. Đã vậy, mỗi một trái “bom rơi” đều kèm theo một tiếng động âm vang ngân dài trong phòng vì hơi dội ngược lên, nghe cái đoong.
Giường là sàn xi măng. Khi quá đông tù nhân, mỗi người chỉ có 30 -50 cm bề ngang để nằm. Hè nóng, Đông thì lạnh buốt xương. Tôi vốn con bà phước nên vô sản chuyên chính: tối ngủ, xin được hai giỏ bện bằng cói rách te tua, một cái trùm đầu, một cái trùm hai chân cho ấm và bớt bị muỗi cắn, nằm co như con tôm trên nền xi măng lạnh tê tái. Còn rệp thì khỏi nói, xin cứ “vô tư” (nói theo kiểu người trong nước), ngửi được hơi người, chúng bò ra đông như quân Nguyên, chỉ nhìn thôi cũng đủ nổi da gà, rợn tóc gáy, mùi hôi đến lợm giọng.
Công việc, theo anh nói, so với việc làm trước đây, thì không cực nhọc tuy đôi khi căng thẳng vì tù nhân hay làm reo, nhưng lương lậu thì không tệ (bắt đầu khoảng $44,400/1 năm), hưu bổng, và quyền lợi thì không chê vào đâu được. Thêm nữa, việc này không cần có bằng cấp hay kinh nghiệm, họ sẽ huấn luyện mình.
Làm việc cho chính phủ tiểu bang thì rất bền, nhưng công việc gác tù này không phải ai cũng làm được vì cần đức tính kiên nhẫn và chăm chỉ. Cái này thì anh có thừa trong nghề gõ đầu trẻ trước đây. Chỉ mình đuổi việc chủ, chứ chủ chẳng bao giờ đuổi mình, anh tâm sự như thế.
Được gia đình bên vợ bảo lãnh qua Mỹ lúc tuổi xuân vừa tròn 4 bó. Qua xứ lạ, anh không còn được gọi là ông, mà thằng cũng chẳng ra thằng. Ngày còn trong nước, anh đi dạy, giờ bị “mất dạy”, thêm phần “bất lương” (không có lương) nên chẳng làm được trò trống gì. Sau mấy năm làm assembler trong một hãng kiếng ở địa phương, mỗi ngày dập mấy trăm cái khung sắt, xương cốt rã rời, về nhà, vợ thương quá, tối nào cũng cứ dầu nóng bóp cổ, bóp vai mãi mà “long thể” vẫn bất an, “long sàng” vẫn cứ có rệp.
Đêm nào cũng đấm bóp và an ủi nhau nên thằng út Ráng ra đời trong hoàn cảnh ấy. Anh kể: Ngày thằng cu chào đời, chẳng thấy vầng hào quang chói lọi, chẳng có một ngôi sao sáng nào xẹt vào nhà (như Kim Jong Un), chẳng hoa hồng ngát hương hay tiếng nhã nhạc du dương báo tin lành gì hết, mà chỉ thấy hai vợ chồng nổ đom đóm mắt vì tuổi già việc nặng mà lại thêm con nhỏ khóc đêm.
Thấy tương lai chắc sẽ tối như đêm 30 vì công việc bầm dập mà sức khỏe ngày một yếu đi, anh quyết định “ôm cầm sang thuyền khác” bằng cách ghi danh thi tuyển làm cảnh sát gác tù vì nghe nói nghề này nhàn nhã mà phúc lợi (benefits) cao, bảo hiểm sức khỏe tốt, không sợ bị đuổi việc, dù kinh tế lên hay xuống, cũng vẫn có đủ… tù để coi, thêm nữa, sẽ được vào ngạch chính thức là viên chức chính phủ tiểu bang (State government) chứ không phải thứ “dóp” loại cờ lờ mờ vờ ma dê in VN.
Anh khoe trước ngày đi Mỹ, một ông thày bói phán rằng hậu vận anh sẽ vô cùng sáng lạn vì anh sẽ cai quản cả mấy chục người dưới quyền của mình. Ôi, lời thày phán ứng nghiệm như thần!
Tôi và anh thân nhau, dù trẻ hơn tôi cả 10 tuổi và lớn lên trong thời “cắt mạng”, chúng tôi hay kể nhau nghe vui buồn nghề nghiệp trong những buổi trà dư tửu hậu: anh uống rượu, ít ăn mồi, còn tôi chuyên ăn mồi mà không uống rượu. Tuy khác nhau một trời một vực, nhưng vẫn là cặp tri kỷ vì rượu anh, anh uống, mồi tôi, tôi cứ ăn, người này không đụng chạm “quyền lợi” người kia nên tình anh em luôn bền vững như “môi hở răng lạnh”. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy sẽ… từ từ thay đổi. Bên đây sứt môi, họ vá được, mất hết hàng tiền đạo, họ vẫn làm cho một hàm răng mới, mỗi lúc cười lên là sáng cả một bầu trời. Tôi vẫn thường đùa với anh là ông nội anh với ông nội tôi là …hai ông nội, nên anh em mình họ hàng cũng còn gần lắm.
Sau khi trải qua 6 tuần quân trường thụ huấn về thể lực, bao gồm các lớp học về luật pháp cần thiết cho công việc, vài thế võ nghệ căn bản như Jiujitsu để đối phó với các tình huống hiểm nguy khi tù nhân nổi loạn, gian khổ gần như lính, anh tốt nghiệp được gắn huy hiệu ngôi sao tiểu bang. Anh than thở rằng sợ nhất là ngày phải đấu võ đài, có qua khỏi mới đủ điểm đậu làm cảnh sát gác tù. Họ bắt chúng tôi phải đánh nhau thật với huấn luyện viên.
Chú nghĩ coi thân tôi nhỏ bé thế này mà phải đối đầu với 1 thằng Mỹ to gấp đôi. Khỏi nói thì chú cũng biết kết quả ra sao rồi. Tôi bị một trận bầm dập nhưng cũng rồi cũng qua. Sau đó chúng tôi phải bắn súng điện lẫn nhau coi sức chịu đựng ra sao trong trường hợp giả định bị tù nhân nổi loạn, lỡ bắn nhầm vào nhau. Mà đâu phải 1 lần. Họ bắt chúng tôi, 4 người quàng vai nhau thành hàng ngang, một học viên khác bắn súng taser với 20,000 volts, làm cả 4 chúng tôi hét lên, cứng đơ cả người, rồi tất cả ngã vật xuống, có sẵn hai học viên khác đỡ trước khi chúng tôi té nằm ngay cán đơ cán cuốc trên sàn nệm. Mất vài chục giây sau, chúng tôi mới có thể lồm cồm bò dậy, rồi nhăn răng ra cười hềnh hệch, và đập tay (high-five) lẫn nhau.
Trận cuối cùng mới đáng sợ và không bao giờ quên: Chúng tôi cứ 2 người bắt cặp, người kia cầm hộp xịt hơi cay chĩa thẳng vào mặt tôi, trong khi tôi đứng thẳng, không nhúc nhích, mắt phải mở to, không được chớp mắt, để đối thủ xịt chất lỏng cay vào mắt. Sau tiếng kêu “fight” (đánh), cả hai phải lao vào nhau, dùng hết các thế võ đã học, để hạ địch thủ. Đây là cảnh giả dụ nếu chúng tôi lỡ tay xịt hơi cay vào mặt nhau trong lúc đánh nhau, khống chế tù nhân, thì chúng tôi phải chiến đấu tới cùng cho đến khi được cứu.
Trong lúc chúng tôi đánh thì họ quay phim. Sau này coi lại, tôi mắc cỡ quá chú ơi, vì người bạn kia, lao vào quật tôi ngã xuống sàn. Tôi lồm cồm bò dậy, nắm một chân anh ta, mà nước mũi, nước dãi của tôi chảy lòng thòng, nhiểu nhảo tùm lum, hơi thở hào hễn, tôi vẫn không chịu buông, dù mắt cay xè không mở ra được. Họ phải tách chúng tôi ra và hét “fight again”.
Qua làn nước mắt cay xè, tôi lờ mờ thấy địch thủ, tôi lại lao vào quần thảo với anh ta cho đến khi tiếng kêu “stop”, người ta kéo chúng tôi ra và một người dẫn tôi ra vòi nước xả lên đầu tôi cho đỡ nóng và đỡ cay. Sau bữa đó, về nhà, hai ngày weekend, mắt tôi sưng húp và cái nóng cay vẫn còn đó cho đến hết ngày hôm sau. Tôi thề rằng thà bị taser còn hơn bị pepper spray.
Chưa hết, đoạn đường “chiến binh” cuối cùng mà học viên nào cũng phải vượt qua trước khi được gắn lon. Tất cả mặc đồng phục cảnh sát, giầy, và mọi trang bị cần thiết, bắt đầu chạy bộ 15 dặm lên núi để được làm lễ gắn ngôi sao trên đó. Trong khi chạy, có vài học viên ngã gục, ói mửa tùm lum, họ cấp cứu, rồi bắt đứng dậy, đi tiếp, không cần chạy, cho tới khi chinh phục được đỉnh núi. Riêng tôi, tuy không khỏe nhưng dẻo dai, tôi cũng lết được lên đỉnh núi và tới đích. Bài học họ muốn chúng tôi nhớ nằm lòng là phải kiên nhẫn, bền bỉ, không bỏ cuộc, thì sẽ thành công. Từ đây, tôi chính thức được gọi là C.O., cảnh sát cải huấn, trực thuộc bộ cải huấn tiểu bang: DOC, Department Of Corrections.
Anh hay tò mò hỏi tôi về những tháng năm tôi nằm bắt rệp trong hô teo Chí Hòa ra sao để anh rút tỉa kinh nghiệm mà đối đãi với tù Tây.
Anh bắt đầu kể về công việc anh làm hằng ngày nơi trại giam. Sau đây là lời kể của anh và của tôi, xen kẽ nhau, để bạn đọc có thể hình dung ra được “sự ác độc, bất nhân” của chế độ tư bản đế quốc Mỹ đối đãi với tù nhân của họ ra sao khi so sánh với “sự khoan hồng, nhân đạo” của đảng và nhà nước với chính đồng bào của mình.
Chuyện nhà tù Mỹ
Đi làm mỗi ngày, tôi phải ăn mặc chỉnh tề như một cảnh sát thực thụ, chỉ khác là tất cả chúng tôi không được mang súng. Áo quần khaki vàng được ủi thẳng nếp, không một vết nhăn, áo bỏ trong quần với tên họ bên túi trái, giày bốt đen đánh xi-ra láng cóng, đầu đội nón baseball-cap với huy hiệu cảnh sát. Dây lưng quần được trang bị một cặp còng tay, một lọ Pepper-spray xịt chất lỏng cay, một súng điện Taser, và một máy radio liên lạc được nối qua cầu vai trái lên tới hai lỗ tai bằng một cặp tai nghe (ear-plugs) để khi liên lạc và hành động thì còn rảnh hai tay mà làm việc. Tác phong nghiêm chỉnh như trong quân đội.
Mỗi sáng đến nơi làm việc, phải điểm danh, chào cờ, và kiểm tra quân phục. Nếu ông xếp (captain) không hài lòng vì đường ủi không thẳng nếp, hay áo trong quần lệch một bên, giây giày thắt không đều thì bị bắt hít đất (Push-up). Xong xuôi, tan hàng, quẹt thẻ vào cửa trại, và một ngày làm việc bắt đầu bằng cuộc họp ngắn ngủi (brief) về tình hình chung của trại giam. Nếu không có gì mới cần chú ý thì ai về chỗ làm của người nấy.
Bắt tay người đồng nghiệp của ca làm việc trước, anh cho tôi biết vắn tắt về tình hình trong phòng giam. Tôi bước vào trong phòng làm việc của mình được bao quanh bằng kính dày để có thể quan sát tất cả mọi phòng (pods) của tù nhân được thiết kế như hình rẽ quạt gồm hai tầng. Sau khi đóng cánh cửa sắt sau lưng lại, tôi coi danh sách tù nhân có tổng cộng bao nhiêu người, phòng nào ở đâu, tên gì, và phòng nào chỉ có 1 người.
Lại dùng thẻ của mình mở cửa phòng từ bên trong, đi ra ngoài để tuần tra các phòng giam tù nhân để chính mắt mình điểm danh, và quan sát được tình hình, thái độ, sinh hoạt của họ. Phòng giam rộng 3 mét, dài 5 mét, gồm 2 tầng, mỗi tầng 15 phòng, Tất cả được xây bằng gạch, trang bị hệ thống điều hòa không khí, và cửa sắt có 2 tấm kiếng dầy theo chiều dọc để cảnh sát có thể nhìn vào bên trong. Một giường đôi hai tầng (bunk-bed) bên tay trái, gồm nệm, tấm trải giường, gối, và một cái mền và hai cái bàn nhỏ bằng sắt không rỉ (stainless steel) dùng làm bàn viết. Cuối phòng là bàn cầu giật nước cũng bằng sắt không rỉ, một kệ nhỏ rất sạnh sẽ, với đầy đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân như kem và bàn chải đánh răng, khăn mặt. Một cái bồn rửa mặt (lavatory) và phòng tắm (shower) với vòi nước, tất cả đều sạch sẽ, cũng bằng sắt không rỉ. Tất cả tù nhân (inmates) đều mặc đồng phục màu cam.
Chuyện Nhà tù Việt
Khám Chí Hòa: Mỗi buổi sáng tôi đều bị dựng dậy bởi tiếng loa phát thanh the thé của mụ xướng ngôn viên đọc tin tức. Toàn tin tốt đẹp về xây dựng xã hội chủ nghĩa, về độc lập, tự do, no ấm, và hạnh phúc. Tôi tin rằng ở đâu thiếu cái gì, người ta hay nói về cái đó ra rả cả ngày. Một lúc sau, tiếng chìa khóa lẻng kẻng vang lên, một người tù trật tự mở cánh cửa sắt nặng nề kêu ken két, theo sau là tên công an quân phục màu xanh cứt ngựa, cuốn sổ trên tay, chân mang dép lốp xe lẹp xẹp đi đến từng phòng điểm danh. Khi hắn đọc tên ai, người đó phải hô to “báo cáo cán bộ, có tôi”.
Khám Chí Hòa là một trại giam rất lớn chia làm 4 khu theo hình bát giác (8 dãy nhà). Được xây dựng từ thời Nhật chiếm Việt Nam, đang dang dở thì người Pháp trở lại và tiếp tục hoàn thành. Trung tâm nối liền 8 góc là một tháp nước (Château d’eau/water tower) hình dáng một thanh gươm tròn cắm xuống đất. Muốn đi từ khu này qua khu kia, phải đi ngang qua dưới tháp nước đó.
Khu ED chính trị và kinh tế là khu tôi bị nhốt, gồm 4 tầng lầu, mỗi tầng có 4 phòng. Mỗi phòng rộng khoảng 10 thước, dài 25 thước, nhốt 60-70 tù nhân mà chỉ có duy nhất một bàn cầu khô ở góc phòng, loại ngồi chồm hổm, không có vách ngăn. Tù nhân cần “trút bầu tâm sự” đành phải phơi bày mọi sự cho thế gian coi khơi khơi. Kế bên là một thùng phuy nước vừa để dội cầu và phát tiêu chuẩn cho tù nhân xài. Mỗi ngày, người tù được lãnh 1 lít nước để vừa uống, rửa mặt, đánh răng, vừa rửa cái “bàn tọa” sau khi nỗi buồn đã được “giải phóng”. Vâng, đúng 1 lít nước không hơn không kém. Mỗi tuần được xuống sân của khu, nơi có 1 bồn nước xi măng để tắm, giặt trong 5 phút. Có người mới xát xà bông, chưa kịp xả nước thì hết giờ, phải trở lại phòng mà vẫn còn bong bóng đầy đầu. Đây là cơ hội duy nhất cho ai có can đựng nước riêng nhà gởi vô, lo lấy thêm nước mà xài.
Ngày được thăm nuôi thì đúng là ngày khổ nhất và ngày dài nhất cho những người tù mới bị “nhập kho”. Là ma mới nên chỗ nằm ngủ ưu tiên sẽ là kế bên “cầu biên giới”. Kinh tế cộng sản, xã hội chủ nghĩa, luôn nói có đầu vô thì cần phải có đầu ra, quả không sai: Có ăn vô thời phải có đi ra. Ở trong tù, ngày thăm nuôi là ngày cái bàn cầu trở nên bận rộn nhất, người ra vô tấp nập, phải xếp hàng. Khổ nỗi, “sự cố” này luôn kèm theo âm thanh réo rắt lẫn mùi hương lan tỏa rất xa, mà những người khốn khổ cũng lại là những tên ma mới đang nằm kế bên, đành phải ca bài “lãnh trọn đêm mưa”.
Ai có nhu cầu “xả nước cứu thân” (không phải xả thân cứu nước) thì không đến nỗi nào, còn thực hành cái đệ Tứ khoái, thì tất cả mọi người trong phòng đều ngậm ngùi nín thở. Đã vậy, mỗi một trái “bom rơi” đều kèm theo một tiếng động âm vang ngân dài trong phòng vì hơi dội ngược lên, nghe cái đoong.
Giường là sàn xi măng. Khi quá đông tù nhân, mỗi người chỉ có 30 -50 cm bề ngang để nằm. Hè nóng, Đông thì lạnh buốt xương. Tôi vốn con bà phước nên vô sản chuyên chính: tối ngủ, xin được hai giỏ bện bằng cói rách te tua, một cái trùm đầu, một cái trùm hai chân cho ấm và bớt bị muỗi cắn, nằm co như con tôm trên nền xi măng lạnh tê tái. Còn rệp thì khỏi nói, xin cứ “vô tư” (nói theo kiểu người trong nước), ngửi được hơi người, chúng bò ra đông như quân Nguyên, chỉ nhìn thôi cũng đủ nổi da gà, rợn tóc gáy, mùi hôi đến lợm giọng.
Khám Chí Hòa, Sài Gòn, chia làm 4 khu: AH, BC, ED, và FG. Cảnh nhìn từ trên cao với thanh gươm (tháp nước) cắm ngay giữa. Dãy A: tạm giam, dãy H: nhốt tù tử hình, tường bị bít gần kín. (chú thích tác giả)
Chuyện Nhà tù Mỹ
Sau khi điểm danh, tôi đi qua lại quan sát và đánh giá tình hình an ninh, sạch sẽ từng phòng, và hỏi tù nhân có ai có hẹn với bác sỹ không. Một lúc sau, nhân viên nhà bếp đẩy xe thực phẩm đến giao tôi ký nhận, xong anh/chị ta rời đi. Tôi thông báo cho tù nhân chuẩn bị ra ăn sáng rồi măng găng cao su vào tay để phân phát đồ ăn. Họ ra khỏi phòng ngồi vào những ghế, bàn ăn bằng sắt gắn dính xuống nền xi măng và bước đến nhận phần ăn của họ. Mỗi phần gồm một sandwich kẹp thịt và phó mát, một hộp sữa bằng giấy, và một trái chuối. Sau 30 phút, tôi mời họ vào phòng và đóng cửa lại. Thực phẩm buổi trưa và chiều thì phong phú và nhiều hơn, và thay đổi mỗi ngày. Nói chung, một người không cần thăm nuôi, vẫn có đầy đủ dinh dưỡng hằng ngày.
Nhiệm vụ của tôi là phải quan sát tù nhân không ngừng, đề phòng tù nhân vì buồn hoàn cảnh gia đình có thể tự tử hay dấu diếm tuồn hàng hút hay chích vào trong phòng. Những người tù ở đây đa số là vừa bị bắt vô và đang chờ đợi ra hầu tòa; số khác đã lãnh án và đang thi hành án trong đây. Nhiều tù nhân tâm sự rất thành thật rằng họ đáng bị ở tù vì “do the crime, do the time”, phạm tội thì phải trả. Mỗi lần gia đình gặp mặt, tôi phải mang gang tay cao su để khám trên người họ để ngăn những vật cấm vào trong phòng. Họ có thể coi phim hoặc tin tức thời sự trong phòng chung qua hệ thống Cable TV (còn sang hơn nhà tôi không có Cable TV), với một màn ảnh thật lớn. Ai không thích thì đọc sách. Ai muốn đi học, đi gặp bác sỹ, tôi dẫn đi và giao cho người chịu trách nhiệm, rồi ký nhận lại khi xong.
Chuyện Nhà tù Việt
Thực phẩm của chúng tôi do gia đình thăm nuôi để dành ăn dần. Sang thì có thịt ba chỉ xào mắm ruốc, vài cục đường tán; nghèo thì muối mè, muối xả, bịch cá khô, và vài củ khoai luộc. Nếu không có gia đình thăm thì thuộc diện con bà phước, tức là treo mỏ, không có gì ăn. Trong lúc mọi người ăn sáng, tôi cố giả bộ ngồi thiền, mắt nhắm lại, tự nhủ lòng rằng trong thinh lặng tuyệt đối, ta mới có thể nghe thấy tiếng Chúa/Phật thì thầm với ta; khổ một điều dù tập trung cách mấy, tôi chẳng nghe gì ngoài tiếng nhai nhóp nhép của người kế bên. Trái cấm của tôi liên tục chạy lên chạy xuống vì thèm. Nước miếng ứa tràn qua kẽ răng. Thật là một cực hình dã man hơn thời Trung Cổ.
Bữa trưa và tối, “nhờ ơn đảng”, chúng tôi được mỗi người 1 chén cơm nhỏ, không thịt, cá, chỉ một chút canh “đại dương” vì nước nhiều hơn rau, một loại rau muống cả rễ, nước canh màu đục nhờ nhờ như nước cống Bà Xếp. Giờ chia cơm thật là giờ hạnh phúc nhất của mấy tên “con bà sơ”. Ông trật tự phòng chia thật hay và thật đều như máy mà không rơi ra ngoài một hột trong khi mọi con mắt đều đổ dồn về hai cánh tay như đang làm ảo thuật của ông. Mỗi năm người tù được ăn thịt heo một lần vào ngày Tết. Miếng thịt heo mỏng đến độ tôi có thể thổi phù một cái bay mất tiêu.
Đợi khi công an đã về nhà, chúng tôi bắt đầu giải trí bằng cách “chiếu phim” kiếm hiệp gồm nhiều tập như Cô gái Đồ Long, Anh hùng xạ điêu…. do nhà văn Hoàng Hải Thủy kể. Ông có lối kể truyện rất hấp dẫn, lôi cuốn còn hay hơn coi phim trong rạp. Giọng ông sang sảng vang to, các phòng kế bên đều được nghe ké. Tôi ngồi kế bên “máy quay phim” vấn thuốc rê để ông có thêm hơi mà kể.
Nhạc thính phòng là cái chậu nhựa úp xuống nền xi măng, phủ lên tấm mền làm trống, các ca sỹ được lựa chọn, thay nhau hát nhạc vàng ru ta vào mộng dưới hoa, đôi khi thành “họa dưới mông” nếu tụi cán cuốc rình bắt được. Có lần, từ phòng 11, ca sỹ Khuất Duy Trác cao hứng hát bài Cô láng giềng, mọi người ngừng tay thưởng thức không dám ho. Vì không gian kín nên giọng ca của anh càng trầm ấm du dương. Tù xã hội chủ nghĩa như vậy, còn đòi gì hơn?
Chuyện Nhà tù Mỹ
Mỗi ngày có nhân viên đẩy những xe đầy những sách, tiểu thuyết, tạp chí đủ loại cho tù nhân mượn đọc. Ai muốn đi học thì ghi danh, tôi sẽ chuyển giao tên tuổi cho người có trách nhiệm lo về giáo dục. Tôi biết rất nhiều tù nhân lấy được bằng trung học, vài người có bằng cử nhân trong khi đang thụ án tù. Ngoài nhiệm vụ trông coi an ninh và giữ trật tự, tôi còn có nhiệm vụ đối thoại và giảng hòa khi họ có xích mích với nhau. Đôi khi phải đổi phòng cho họ vì bất hòa không thể sống chung một phòng với nhau. Tất cả tù nhân đều thưa gởi rất lễ phép, họ gọi tôi C.O. Ngai-Yen (Nguyen), sir, và nói điều họ muốn nói. Tôi đáp trả lại cũng gọi họ là Mr. John Doe. Nói chung, dù họ bị nhốt trong trại giam, họ mất tự do chứ không mất nhân phẩm. Nếu nghi ngờ tù nhân có dấu dao hoặc vật sắc nhọn hay vật cấm (contrabands) vi phạm nội quy trại, tôi phối hợp với các C.O khác, bất ngờ khám phòng để tịch thu hầu tránh việc họ đâm chém lẫn nhau.
Chuyện Nhà tù Việt
Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại. Một ngày trong tù bằng ngàn ngày bên ngoài. Câu này ai cũng biết nhưng phải ở trong tù thì mới thấm thía thời gian trong tù dài lê thê đến là dường nào. Để ngày tháng qua nhanh, chúng tôi bày ra việc tự học thêm. Người thày giúp chúng tôi Anh ngữ là thày Thích Trí Siêu, tục danh Lê Mạnh Thát. Trước đây thày dạy một đại học bên Mỹ, về nước, bị chính quyền cộng sản tuyên án tử hình cùng vụ thày Tuệ Sỹ và Ni Sư Trí Hải, trong vụ bắt bớ ở chùa Già Lam, từng đưa tới việc Hòa Thượng Trí Thủ bị bức tử.
Sau khi án tử giảm còn 20 năm, khi nằm tù, thày dạy chúng tôi tiếng Anh. Sách vở học tiếng Anh là cuốn nguyệt san Sputnik do Nga Sô ấn hành, bắt chước y chang hình dáng và kích cỡ theo nguyệt san Reader’s Digest của Mỹ, cũng được viết bằng Anh ngữ bởi người Nga nên văn chương lủng củng và kỳ cục. Nhưng có còn hơn không.
Luật trại giam cộng sản cấm không cho đọc báo chí dù đó là của nước cộng sản anh em. Giấy, viết càng bị cấm ngặt nghèo vì chúng sợ tù nhân thông cung với nhau. Kẻ cả giấy quấn thuốc rê cũng bị cấm. Chúng tôi đút lót mấy anh trật tự, họ tuồn vô cho một cuốn Sputnik.
Xé cuốn tạp chí ra thành nhiều phần, mỗi người giữ một phần rồi đổi với nhau mà học. Khi bị khám phòng thì máng nó lên giây phơi khăn mặt, rồi phủ khăn lên trên. Nhờ vậy chúng tôi có thể giữ tài liệu một thời gian khá lâu để học hành với nhau mà không bị phát giác.
Nghĩ mà giận, dưới thời thực dân cách đây cả thế kỷ, ông Minh Hồ bị tù, họ vẫn cho có giấy bút để ông viết Ngục trung nhật ký, làm thơ, dù sau này biết thơ trong đó là thơ ăn cắp. Vậy mà chúng vẫn ra rả khoe là tự do gấp vạn lần tư bản.
Chuyện Nhà tù Mỹ
Một hôm, tù nhân đang coi phim, và một vài người khác đi gọi phone về gia đình, tôi nhận được tin qua máy liên lạc “Red code”, hệ thống báo động vang lên, tôi vội hét to “lock down” và ra lệnh cho tất cả trở về phòng, khóa lại. Hai tù nhân đánh nhau ở khu kế bên, một người dấu được một miếng nhựa cứng làm khí giới và và đả thương người cùng phòng. Tôi vội vàng khóa cửa phòng trực và chạy qua khu kế bên để tiếp ứng bạn mình.
Tất cả chúng tôi được trang bị khiên giáp, pepper spray, và súng điện taser trên tay sẵn sàng xông vào phòng, kể cả xử dụng vũ lực nếu cần, để còng tay và mang anh ta đi cách ly. Hai C.O. mang khiên đứng đầu, theo sau là hai C.O. khác với hơi cay và súng điện. Cửa được mở khóa và sau vài lời thuyết phục, anh ta thấy lực lượng hùng hậu quá nên đồng ý bỏ vũ khí xuống và chịu còng tay đem đi biệt giam.
Dù bị kỷ luật, người tù vẫn được đối đãi tử tế, phần ăn vẫn đầy đủ, và các tiêu chuẩn khác vẫn bình thường.
Chuyện Nhà tù Việt
Ngày còn bị tạm giam ở phòng 5 khu AH, khám Chí Hòa, chờ chuyển hồ sơ lên sở công an thành phố, tôi chứng kiến một vụ thanh toán nhau rất ghê rợn: Hôm đó, sau bữa cơm trưa, mọi người đang nằm ngủ, riêng tôi khó ngủ, nên ngồi dậy nẹc lửa châm điếu thuốc rê. Chưa đủ đô, tôi tính làm 1 điếu thuốc thuốc lào thì Hùng Chùa bước đến xin lửa, nói hắn đang đổ khuôn hỏa tốc (1) làm cờ tướng. Sau khi “bắn” 1 bi thuốc lào, phê quá, tôi dựa lưng vào tường, nhắm mắt lim dim thả hồn theo nàng Phù Dung tiên nữ.
Tôi giật bắn người vì một tiếng hét đau đớn kinh hoàng như xé ruột gan. Mở mắt ra, tôi thấy thằng Cu Đen đang ôm mặt chạy quanh phòng la hét, chân nó dẵm đạp lên vài người khác khiến quang cảnh trong phòng ồn ào, náo loạn. Vốn to lớn và đen trùi trũi nên dân giang hồ gọi nó là Cu Đen, lúc này nó vừa khóc vừa la “nóng quá, má ơi, chắc con chết!”. Lúc này, Hùng Chùa đã rút lui vào góc cánh cửa sắt của phòng quay lưng lại với hành lang bên ngoài, hai cái dùi nhọn được bọc vải trên hai tay, sẵn sàng đâm bất cứ kẻ nào đụng vào nó. Một người nào đó hét to qua song sắt “Báo cáo cán bộ, phòng 5 khu AH có người bị tạt hỏa tốc”. Sau đó là tiếng loảng xoảng mở khóa và hàng chục tên công an lẫn trật tự xuất hiện trước của phòng với súng ống chĩa qua song sắt mà chưa dám vô. Thì ra, Hùng Chùa vì thù ghét cá nhân, đã đốt bao nylon chảy thành chất nhựa lỏng, đổ vào một lon cá hộp, xong nó dùng miếng giẻ rách để cầm nguyên cái lon chất lỏng đang sôi đó, ụp lên mặt Cu Đen khi nó đang ngủ say.
Vài người trong phòng dìu Cu Đen ngồi xuống, tôi vội chạy đến với tuýp kem đánh răng và xoa lên mặt nó mong làm dịu phần nào sự bỏng rát. Cả khuôn mặt nó bị lột da trắng lẫn đen nhìn rất kinh khiếp, một bên cánh mũi bị lẹm đi. Nó nói không còn nhìn thấy gì hết. Trong khi đó, vài người khác đang thuyết phục Hùng Chùa bỏ dùi xuống. Nó nhất định không. Công an hứa hẹn sẽ không đánh đập chỉ đem đi biệt giam, nó cũng nhất định không. Gần 1 tiếng đồng hồ, vừa hứa hẹn vừa dọa dẫm, cuối cùng nó gật đầu và bỏ khí giới xuống.
Ngay lập tức cửa phòng bật mở, tất cả ùa vào lôi sền sệt Hùng Chùa ra hành lang ngoài phòng. Một cơn mưa đòn trút lên cái thân hình ốm đói của nó. Nó chỉ còn biết co người lại và nằm chịu đòn. Một lúc sau, nhìn lại chỉ còn là một thân thể bê bết máu đang oằn oại trên nền xi măng. Công an còng tay nó và dẫn đi, một nhóm khác dìu Cu Đen xuống bệnh xá trại.
Ba tuần sau, Cu Đen trở về phòng với khuôn mặt dị dạng, lồi lõm, thẹo thành vệt chi chít, chỗ đen, chỗ trắng, chỗ hồng vì đang ăn da non; lông mày, lông mi cháy rụi, cánh mũi trái không còn nữa, một bên môi còn hơi sưng và mắt thấy mờ mờ. Nó xin một điếu thuốc lào, cầm miếng giấy mồi lửa làm đóm hút thuốc, cứ đưa giấy lên tính châm vào nõ, lửa bị tắt. Nó làm đi làm lại nhiều lần mà vẫn không thể nào hút được điếu thuốc lào. Nó khóc và than não nề “Trời ơi, hút thuốc lào cũng không được!”. Cánh mũi trái bị mất nên làn hơi không thể nào điều chỉnh được như ý giống một người bình thường. Còn Hùng Chùa, sau khi ra khỏi biệt giam, bị đưa qua phòng khác. Nghe đồn, dân giang hồ bên đó “xử đẹp” nó, nên lại bị chuyển phòng nhiều lần nữa.
Tù Việt Nam cộng sản, khi vi phạm nội quy, sẽ bị biệt giam ăn cháo 7 hột, nghĩa là ăn cháo lỏng như nước. Biệt giam là một phòng rất nhỏ hẹp, không cửa gió, với một lối đi khoảng 30 cm, một bục xi măng vừa một người nằm. Phía chân là 1 dây xích gắn dính xuống sàn xi măng, dài khoảng 50 cm, một cái lon rỉ sét đựng phân và nước tiểu. Người tù biệt giam bị xiềng chân chỉ đi lại trong bán kính nửa mét, mỗi lần di chuyển xiềng xích kêu leng keng. Mùi hôi thối, ẩm mốc tràn ngập căn phòng. Phải mất một thời gian mới quen dần. Chỉ cần 10 ngày, trở lại phòng giam chung, tù nhân chỉ còn là bộ xương biết đi.
Một ngày giao thừa cuối năm, ai nấy đều buồn và nhớ gia đình da diết, chúng tôi tổ chức đêm 30 Tết trong phòng. Bác Hai, một ông già hom hem, móm mém, lớn tuổi nhất, khoảng trên 70, trong bầu không khí trang nghiêm, bác chia xẻ với anh em một câu chuyện ngẫu hứng ôn lại những kỷ niệm với gia đình, những ngày tháng năm xưa khi còn là một miền Nam tự do hạnh phúc. Bác yêu cầu chúng tôi hát bài Ly rượu mừng, đến khúc “kìa nơi xa xa, có bà mẹ già, ngày đêm mong con, mắt vương lệ nhòa…”. Tất cả chúng tôi nghẹn lời, hát không nổi, đây đó vài tiếng sụt sùi. Bài hát chấm dứt ngang trong im lặng. Ai nấy về chỗ mình ngồi, gục đầu, buồn hiu, cái kim rơi xuống nền nhà cũng có thể nghe được.
Ngày hôm sau, mồng 1 Tết, vào giữa trưa, tên công an trực khu đứng trước của phòng hét lớn: Ai tổ chức hát hò, mít tinh đêm qua?
Không có tiếng trả lời. Hắn lừ mắt nhìn từng người, ngón tay chỉ vào bác Hai: Thằng kia. Ai tổ chức? Nói mau. Không tao cho mày đi biệt giam.
Bác Hai bình tĩnh tiến về phía song sắt cửa: Xin cán bộ nói năng lịch sự đàng hoàng. Cán bộ chỉ đáng tuổi cháu tôi thôi mà dám gọi tôi bằng “thằng” hả?
Hắn đỏ mặt, lầm bầm, lúng búng cái gì trong cổ họng, rồi giận dữ bỏ đi. Từ đó về sau, không tên công an nào dám gọi người tù chúng tôi một cách xách mé, mất dạy như vậy nữa. Buồn là vẫn có những tù nhân cam tâm làm ăng ten, chỉ điểm, và báo cáo việc làm của bạn tù cho công an để đổi lại một chút ân huệ. Bọn này ở đâu cũng có.
Chuyện Nhà tù Mỹ
Làm việc trong trại giam county, vui buồn lẫn lộn, có khi rất bực bội vì tù nhân đòi hỏi quá đáng hay gây gỗ với nhau. Họ luôn đòi hỏi C.O. phải giải quyết mâu thuẫn với bạn cùng phòng. Cũng có tù nhân tìm cách báo cho tôi hay về thái độ đáng ngờ của tù nhân khác, mong được đối xử đặc biệt hơn. Có ngày, về nhà rồi mà lòng vẫn còn vướng mắc, băn khoăn.
Đôi khi tôi cũng bị căng thẳng vì cả ngày mình phải ở trong một không gian khép kín, không thấy ai khác ngoài những tù nhân mà tính khí họ thay đổi bất thường. Con người khi bị mất tự do, bị nhốt trong phòng kín thời gian dài, ai cũng dễ nổi điên. Những ai bị căn bệnh “claustrophobia”(3), sẽ không thích hợp với nghề coi tù này.
Theo một thông số mới nhất, mỗi tiểu bang phải chi ra trung bình khoảng $31,000 cho một người tù một năm (4):
- Mỗi năm, tất cả các nhà tù liên bang, tiểu bang, và địa phương toàn nước Mỹ tiêu tốn $80 billions (80 tỷ) để trả lương nhân viên, nuôi, chăm sóc sức khỏe, mọi nhu cầu cần thiết của tù nhân, và bảo trì nhà tù. Tù nhân khi đi bác sỹ, không tốn tiền mà vẫn được chăm sóc tận tình, còn hơn một công dân cần cù chăm chỉ đi cày ở bên ngoài.
- Mỗi người dân Mỹ, khi đóng thuế, phải trả khoảng $260/1 năm cho việc này. Trung cộng và Nga là hai nước có nhiều nhà tù nhất thế giới.
Thỉnh thoảng ông anh coi tù Mỹ lại phàn nàn: Có những ngày tôi cũng muốn nổi điên với bọn tù vì chúng nó được đằng chân thì lân lên đằng đầu. Người mình vốn hiền lành, cả nể nên thường dễ dãi với tụi nó, tụi nó lờn mặt.
Nói xong, anh uống cạn ly, rồi khè một tiếng: Bực thì nói vậy, chứ đối với người tỵ nạn Việt mình, thì nghề này cũng là một nghề quá tốt và lương thiện để nuôi gia đình. “Hy sinh đời bố, củng cố đời con,” phải không chú? Thôi làm một ly đi, ý quên, nhẩm một ly trà đi. Tui làm hết chai này rồi đi ngủ.
Tôi đùa: Còn đấm bóp hông dzậy, cha nội?
Anh cười hềnh hệch và dốc ngược đáy chai.
Nguyễn Văn Tới
REFERENCES:
1. Hỏa tốc : chất lỏng nhựa được đun chảy từ bao nylon gói quà thăm nuôi. Người tù dùng nắp lọ dầu cù là làm khuôn và đổ chất lỏng nhựa đang sôi vào, khi nguội, gõ lấy ra, khắc chữ Tàu làm quân cờ tướng. Cũng dùng để hâm đồ ăn bị thiu bằng cách xé vải vụn trộn với hỏa tốc đang cháy trong 1 cái lon để nấu.
2.en.wikipedia.org/wiki/Pain_compliance
Taser: Súng điện có thể bắn xa 20 feet, với giòng điện mạnh từ 20,000 volts lên đến tối đa 50,000 volts, làm tê liệt nhất thời người bị bắn.
3. www.merriam-webster.com/dictionary/claustrophobia
Claustrophobia: Bệnh sợ những không gian kín, nhỏ, ngột ngạt.
4.www.google.com/search?q=How+much+do+Prisons+cost+taxpayers+each+year%3F&sa=X&ved=2ahUKEwjau46F_IfiAhXDLH0KHd4LC1MQzmd6BAgLEAo&biw=1368&bih
Thông số về chi tiêu của nước Mỹ cho nhà tù
2.en.wikipedia.org/wiki/Pain_compliance
Taser: Súng điện có thể bắn xa 20 feet, với giòng điện mạnh từ 20,000 volts lên đến tối đa 50,000 volts, làm tê liệt nhất thời người bị bắn.
3. www.merriam-webster.com/dictionary/claustrophobia
Claustrophobia: Bệnh sợ những không gian kín, nhỏ, ngột ngạt.
4.www.google.com/search?q=How+much+do+Prisons+cost+taxpayers+each+year%3F&sa=X&ved=2ahUKEwjau46F_IfiAhXDLH0KHd4LC1MQzmd6BAgLEAo&biw=1368&bih
Thông số về chi tiêu của nước Mỹ cho nhà tù