Trả Nghiệp Với Nụ Cười (Lệ Hoa Wilson)
Mar 7, 2023 5:57:04 GMT -6
Post by sheen on Mar 7, 2023 5:57:04 GMT -6
Cụ bà 94 tuổi đang học vẽ hình bản đồ và cờ Việt Nam
Tôi mất một đứa con trai năm cháu 16 tuổi trong một tai nạn xe hơi.
Trong kinh Phật có câu “Phiền Não là Bồ Đề!” Quả thật không sai.
Tôi đem tất cả trái tim tan nát của một người mẹ, những dòng nước mắt không bao giờ cạn, những lần âu yếm nâng niu, những ngày đón đưa mưa nắng, những quần áo dính đầy mực, những sách vở gach dọc vẽ ngang trộn lẫn với một chút máu tim con, một chút linh hồn trẻ trung, một ít cát bụi mộ phần và rất nhiều oán trách sự bất công của Trời Đất để tạo thành một nắm đất phiền não! To lớn như bầu trời. Bao la như biển cả. Sâu lắng như linh hồn.
Rồi với thời gian tàn nhẫn vô tình nhưng hữu hiệu lãng quên, tôi từ từ học hỏi sự tự xét lại chính mình, nhìn lại những hành động sai lầm của chính mình, lãng quên cái ngã của chính mình và dùng nắm đất phiền não đó nắn ra một hình tượng bồ đề. Không đầu, không đuôi, không áo choàng, không vương miện, không chuỗi ngọc, không linh thiêng.
Chỉ là một bàn tay đở anh chị đứng dậy. Một miếng giấy lau dòng nước miếng cho người già. Một giọng hát khàn khàn ca ngợi lòng mẹ. Một cái choàng vai an ủi ông cha cô đơn. Một vài ý kiến khuyến khích các thành viên trong gia đình thương yêu và tha thứ cho nhau. Một hộp cơm rang với vài lát thịt gà ram mặn cùng dưa cải cho những người vô gia cư nằm dọc theo bãi cỏ tàng cây. Ngay cả những bước nhảy line dancing ngập ngừng xiêu vẹo của các bạn trong nhóm Thư Viện Việt Nam hay Royal Gardens...
Chúng tôi đến viện tâm thần ở Long Beach thăm viếng, cùng họ nhảy nhót và phục vụ ăn trưa cho những người vì quá đau khổ mà trở thành ngơ ngẩn, vì quá sa ngã mà bị hất hủi bỏ rơi, vì quá cô đơn mà quên cả nói cười. Tôi và các bạn ‘thất thập cổ lai hy’ cùng nhau cố gắng đem lại những nụ cười cho những chúng sanh bạc phước. Không quá cao xa, không quá lớn lao. Chỉ có thể làm được trong tầm tay ngắn ngủi của chúng tôi.
Tôi theo sư cô Chân Phụng hằng tuần đến những trung tâm nuôi dưỡng người bịnh và người già để tụng kinh và ca hát giúp vui cho họ. Trong khoảng 40 người ngồi xe lăn trong căn phòng hội, bạn có biết là có bao nhiêu người nghe chúng tôi tụng kinh và ca hát không? May mắn sẽ có 10 người lắng nghe và niệm theo, 10 người lặng lẽ ngó vào không gian trước mặt. Họ chỉ nhìn vào một cái dĩ vãng mịt mù nào đó, hoặc một cái tương lai đen tối nào đó. Cái hiện tại cô đơn, bịnh hoạn với hai chân không đi được, hai tay không cầm nắm được, cái miệng không nói được rõ ràng đối với họ là một điều đáng ghét bỏ và nên lãng quên. Số còn lại hoàn toàn “Không Nghe. Không Thấy. Không Nói”
Nhưng chúng tôi tụng cứ tụng, ca hát cứ ca hát.
Tôi nói với cô An, trưởng ban hoạt động của viện dưỡng bịnh Mission Palm ở đường Beach và 21st là tôi muốn dạy họ vẽ. Có thể hoạt động nầy sẽ làm họ thức tỉnh và sống động hơn.
Tháng Ba chúng tôi mặc áo xanh, đội nón xanh, vẽ lá xanh cho St Patrick’s Day.
Tháng Tư vẽ bản đồ ViệtNam và lá cờ vàng ba sọc đỏ vắt ngang.
Tháng Năm vẽ hoa hồng tặng Mẹ cho Mother’s Day.
Tháng Sáu sơn trái tim cho Father’s Day.
Tháng Bảy vẽ cờ Mỹ cho lễ Độc Lập.
Vân vân và vân vân…
Tháng đầu tiên tôi làm thử một mình. May quá tôi thành công. Thế là viện cho tôi mỗi tháng dạy vẽ một lần. Qua những tháng sau tôi ‘quyến rũ’ các bạn cùng đi dạy vẽ! Họ la oai oái lên chị Lệ Hoa ơi, chị có bị mát dây điện không? Tụi em chưa từng cầm qua cây cọ, chưa biết màu xanh trộn màu đỏ ra màu gì, chính mình vẽ một cái lá cây còn chưa ra thì làm sao dạy cho người khác vẽ? You are kidding, right ?
Vì các bạn tôi phần nhiều là thất thập, còn tôi thì bát thập rồi nên phần lớn tôi xưng chị và gọi họ là em.
Nè các em ơi, đừng có la làng lên và đừng có lo. Chị chỉ huấn luyện tụi em trong vòng 10 phút là tụi em sẽ thành giáo sư dạy vẽ ngay! Ái dà, nói dóc cũng vừa vừa thôi nghe chị !
Trước đó, tùy theo tháng, tôi đã vẽ sẵn hình rồi. Lấy tháng Tư cho gọn nhá. Tôi vẽ hình bản đồ VN lên giấy cứng (cái nầy mình đã vẽ cả trăm lần rồi khi còn là học sinh trung và tiểu học ở VN phải không bạn?). Sau đó là lá cờ với ba sọc nằm ngang qua hình chữ S. Và một cái đảo nhỏ. Rồi tôi làm copy ra vài chục bản. Rồi tôi đi tiệm Dollar Tree mua vài chục hộp màu với nhiều màu sắc khác nhau. Rồi tôi mua một hộp Q-Tips và chung nylon đựng nước. Voilà. Dụng cụ sẵn sàng.
Nầy các giáo sư ơi, hãy nhúng cái Q-tip vào chung nước. Hãy mở hộp màu ra và xoa cái Q-tip vòng vòng trên mặt cho màu sắc thấm vào gòn. Trải bản đồ ra. Thay vì cây cọ, xin hãy nhét cọng Q-tip vào tay học trò rồi cầm tay họ nhấc lên đưa qua bản vẽ.
Biển màu gì? Màu xanh dương. Ok, chúng ta đi dọc theo biển nhé. Nầy là Hà Nội. Hăng hái lên, đã gần tới Huế rồi. Ô kìa Vũng Tàu và chút xíu nữa là lấp lánh Saigon. Và dừng tay đi. Mũi Cà Mau đây rồi. Chúng ta đi dọc theo 2,500 cây số đường biển trong chớp mắt, thật là chuyện thần tiên!
Cờ màu gì các bác? Màu vàng! Ba sọc màu gì? Màu đỏ! Wow! các lão niên còn minh mẫn quá. Vậy thì a-lê-hấp, các giáo sư ơi, hãy cầm những bàn tay nhăn nheo đầy tàn nhang kia, những ngón tay run rẩy đang chờ được quẹt màu vàng tươi, đỏ chói lên lá cờ quê hương, nơi họ đã từng “Biết Yêu, Biết Khóc, Biết Cười!”
Tiếng cười rộn rã, bóng người lăng xăng. Các tác phẩm hoàn tất. Lem nhem giống một tờ giấy nháp. Gồ ghề giống một củ khoai từ. Nhưng đầy Tình Yêu, Quê Hương và Nguồn Cội!
Rồi chúng tôi cùng hát. Có một lần tôi nghe ban hợp ca Ngàn Khơi hát bản Việt Nam Việt Nam, Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, Thề Không Phản Bội Quê Hương, Quê Hương Anh vẫn Mãi Là Việt Nam… Đầu óc tôi như có một luồng điện chạy qua, hận thù sôi sục...
Nhưng ngày hôm nay, đứng sau lưng các ông bà lão, giúp họ nâng lên cánh tay để thề không bao giờ phản bội quê hương, lập lại câu “muôn năm muôn năm” mỗi lần họ phều phào hát hai chữ Việt Nam Việt Nam, ngẩng đầu lên hãnh diện như một dòng sông không bao giờ cạn, tôi cảm giác có một cái gì đó nhẹ như tơ nhện sau hè, mát như bóng dừa bên bờ sông và cay… cay khủng khiếp khiến một dòng nước len lõi theo mạch máu con tim chảy lên khóe mắt. Không muốn làm phiền các bạn, tôi quay lưng lại ngó vào vách tường, hơi ngẩng đầu lên để cho giọt nước mắt quay ngược về nguồn!
Ôi Việt Nam quê hương yêu dấu, “Nơi tôi sanh ra và lớn thành người!” Dù cho sức khỏe đã cạn dần, dù cho miếng đất nâu đen hoặc biển xanh bao la đang chờ đợi nắm xương tàn thì tình yêu quê hương vẫn đủ đầy, vẫn mặn mà, vẫn bát ngát.
Phải rồi các bạn ơi. Tôi đã gây ra một nhân lỗi lầm nào đó để cuộc đời nầy phải hứng chịu nghiệp Tre Khóc Măng. Nhưng tôi còn chút may mắn đã gặp được bạn hiền thầy tốt để biến phiền não thành bồ đề. Tôi đã nguyện chuộc tội bằng cách đem nụ cười đến những kẻ bạc phước dù đó là Việt hay Mỹ, Mễ hay Miên, trắng hay vàng, đen hay đỏ. Dù đó chỉ là những hoạt động nhỏ mọn tầm thường trong tầm tay ngắn ngủi của tôi. Dù đó chỉ là một nụ cười!
Các bạn ơi, nếu có một ngày nào đó bạn gặp phải một hoàn cảnh khổ đau làm tim bạn tan nát, làm đời bạn tang thương thì xin bạn đừng chôn đời mình trong phiền não. Khi vay chúng ta mỉm cười, vậy thì khi trả, bạn và tôi, chúng ta cầu nguyện các đấng thiêng liêng cùng Mẹ Việt Nam ban cho chúng ta một chút hạnh phúc, cho chúng ta biến Phiền Não thành Bồ Đề và cho chúng ta trả nghiệp với nụ cười, bạn nhé.
Vô Thường!
Yêu thương bạn, Lệ Hoa Wilson
Trong kinh Phật có câu “Phiền Não là Bồ Đề!” Quả thật không sai.
Tôi đem tất cả trái tim tan nát của một người mẹ, những dòng nước mắt không bao giờ cạn, những lần âu yếm nâng niu, những ngày đón đưa mưa nắng, những quần áo dính đầy mực, những sách vở gach dọc vẽ ngang trộn lẫn với một chút máu tim con, một chút linh hồn trẻ trung, một ít cát bụi mộ phần và rất nhiều oán trách sự bất công của Trời Đất để tạo thành một nắm đất phiền não! To lớn như bầu trời. Bao la như biển cả. Sâu lắng như linh hồn.
Rồi với thời gian tàn nhẫn vô tình nhưng hữu hiệu lãng quên, tôi từ từ học hỏi sự tự xét lại chính mình, nhìn lại những hành động sai lầm của chính mình, lãng quên cái ngã của chính mình và dùng nắm đất phiền não đó nắn ra một hình tượng bồ đề. Không đầu, không đuôi, không áo choàng, không vương miện, không chuỗi ngọc, không linh thiêng.
Chỉ là một bàn tay đở anh chị đứng dậy. Một miếng giấy lau dòng nước miếng cho người già. Một giọng hát khàn khàn ca ngợi lòng mẹ. Một cái choàng vai an ủi ông cha cô đơn. Một vài ý kiến khuyến khích các thành viên trong gia đình thương yêu và tha thứ cho nhau. Một hộp cơm rang với vài lát thịt gà ram mặn cùng dưa cải cho những người vô gia cư nằm dọc theo bãi cỏ tàng cây. Ngay cả những bước nhảy line dancing ngập ngừng xiêu vẹo của các bạn trong nhóm Thư Viện Việt Nam hay Royal Gardens...
Chúng tôi đến viện tâm thần ở Long Beach thăm viếng, cùng họ nhảy nhót và phục vụ ăn trưa cho những người vì quá đau khổ mà trở thành ngơ ngẩn, vì quá sa ngã mà bị hất hủi bỏ rơi, vì quá cô đơn mà quên cả nói cười. Tôi và các bạn ‘thất thập cổ lai hy’ cùng nhau cố gắng đem lại những nụ cười cho những chúng sanh bạc phước. Không quá cao xa, không quá lớn lao. Chỉ có thể làm được trong tầm tay ngắn ngủi của chúng tôi.
Tôi theo sư cô Chân Phụng hằng tuần đến những trung tâm nuôi dưỡng người bịnh và người già để tụng kinh và ca hát giúp vui cho họ. Trong khoảng 40 người ngồi xe lăn trong căn phòng hội, bạn có biết là có bao nhiêu người nghe chúng tôi tụng kinh và ca hát không? May mắn sẽ có 10 người lắng nghe và niệm theo, 10 người lặng lẽ ngó vào không gian trước mặt. Họ chỉ nhìn vào một cái dĩ vãng mịt mù nào đó, hoặc một cái tương lai đen tối nào đó. Cái hiện tại cô đơn, bịnh hoạn với hai chân không đi được, hai tay không cầm nắm được, cái miệng không nói được rõ ràng đối với họ là một điều đáng ghét bỏ và nên lãng quên. Số còn lại hoàn toàn “Không Nghe. Không Thấy. Không Nói”
Nhưng chúng tôi tụng cứ tụng, ca hát cứ ca hát.
Tôi nói với cô An, trưởng ban hoạt động của viện dưỡng bịnh Mission Palm ở đường Beach và 21st là tôi muốn dạy họ vẽ. Có thể hoạt động nầy sẽ làm họ thức tỉnh và sống động hơn.
Tháng Ba chúng tôi mặc áo xanh, đội nón xanh, vẽ lá xanh cho St Patrick’s Day.
Tháng Tư vẽ bản đồ ViệtNam và lá cờ vàng ba sọc đỏ vắt ngang.
Tháng Năm vẽ hoa hồng tặng Mẹ cho Mother’s Day.
Tháng Sáu sơn trái tim cho Father’s Day.
Tháng Bảy vẽ cờ Mỹ cho lễ Độc Lập.
Vân vân và vân vân…
Tháng đầu tiên tôi làm thử một mình. May quá tôi thành công. Thế là viện cho tôi mỗi tháng dạy vẽ một lần. Qua những tháng sau tôi ‘quyến rũ’ các bạn cùng đi dạy vẽ! Họ la oai oái lên chị Lệ Hoa ơi, chị có bị mát dây điện không? Tụi em chưa từng cầm qua cây cọ, chưa biết màu xanh trộn màu đỏ ra màu gì, chính mình vẽ một cái lá cây còn chưa ra thì làm sao dạy cho người khác vẽ? You are kidding, right ?
Vì các bạn tôi phần nhiều là thất thập, còn tôi thì bát thập rồi nên phần lớn tôi xưng chị và gọi họ là em.
Nè các em ơi, đừng có la làng lên và đừng có lo. Chị chỉ huấn luyện tụi em trong vòng 10 phút là tụi em sẽ thành giáo sư dạy vẽ ngay! Ái dà, nói dóc cũng vừa vừa thôi nghe chị !
Trước đó, tùy theo tháng, tôi đã vẽ sẵn hình rồi. Lấy tháng Tư cho gọn nhá. Tôi vẽ hình bản đồ VN lên giấy cứng (cái nầy mình đã vẽ cả trăm lần rồi khi còn là học sinh trung và tiểu học ở VN phải không bạn?). Sau đó là lá cờ với ba sọc nằm ngang qua hình chữ S. Và một cái đảo nhỏ. Rồi tôi làm copy ra vài chục bản. Rồi tôi đi tiệm Dollar Tree mua vài chục hộp màu với nhiều màu sắc khác nhau. Rồi tôi mua một hộp Q-Tips và chung nylon đựng nước. Voilà. Dụng cụ sẵn sàng.
Nầy các giáo sư ơi, hãy nhúng cái Q-tip vào chung nước. Hãy mở hộp màu ra và xoa cái Q-tip vòng vòng trên mặt cho màu sắc thấm vào gòn. Trải bản đồ ra. Thay vì cây cọ, xin hãy nhét cọng Q-tip vào tay học trò rồi cầm tay họ nhấc lên đưa qua bản vẽ.
Biển màu gì? Màu xanh dương. Ok, chúng ta đi dọc theo biển nhé. Nầy là Hà Nội. Hăng hái lên, đã gần tới Huế rồi. Ô kìa Vũng Tàu và chút xíu nữa là lấp lánh Saigon. Và dừng tay đi. Mũi Cà Mau đây rồi. Chúng ta đi dọc theo 2,500 cây số đường biển trong chớp mắt, thật là chuyện thần tiên!
Cờ màu gì các bác? Màu vàng! Ba sọc màu gì? Màu đỏ! Wow! các lão niên còn minh mẫn quá. Vậy thì a-lê-hấp, các giáo sư ơi, hãy cầm những bàn tay nhăn nheo đầy tàn nhang kia, những ngón tay run rẩy đang chờ được quẹt màu vàng tươi, đỏ chói lên lá cờ quê hương, nơi họ đã từng “Biết Yêu, Biết Khóc, Biết Cười!”
Tiếng cười rộn rã, bóng người lăng xăng. Các tác phẩm hoàn tất. Lem nhem giống một tờ giấy nháp. Gồ ghề giống một củ khoai từ. Nhưng đầy Tình Yêu, Quê Hương và Nguồn Cội!
Rồi chúng tôi cùng hát. Có một lần tôi nghe ban hợp ca Ngàn Khơi hát bản Việt Nam Việt Nam, Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, Thề Không Phản Bội Quê Hương, Quê Hương Anh vẫn Mãi Là Việt Nam… Đầu óc tôi như có một luồng điện chạy qua, hận thù sôi sục...
Nhưng ngày hôm nay, đứng sau lưng các ông bà lão, giúp họ nâng lên cánh tay để thề không bao giờ phản bội quê hương, lập lại câu “muôn năm muôn năm” mỗi lần họ phều phào hát hai chữ Việt Nam Việt Nam, ngẩng đầu lên hãnh diện như một dòng sông không bao giờ cạn, tôi cảm giác có một cái gì đó nhẹ như tơ nhện sau hè, mát như bóng dừa bên bờ sông và cay… cay khủng khiếp khiến một dòng nước len lõi theo mạch máu con tim chảy lên khóe mắt. Không muốn làm phiền các bạn, tôi quay lưng lại ngó vào vách tường, hơi ngẩng đầu lên để cho giọt nước mắt quay ngược về nguồn!
Ôi Việt Nam quê hương yêu dấu, “Nơi tôi sanh ra và lớn thành người!” Dù cho sức khỏe đã cạn dần, dù cho miếng đất nâu đen hoặc biển xanh bao la đang chờ đợi nắm xương tàn thì tình yêu quê hương vẫn đủ đầy, vẫn mặn mà, vẫn bát ngát.
Phải rồi các bạn ơi. Tôi đã gây ra một nhân lỗi lầm nào đó để cuộc đời nầy phải hứng chịu nghiệp Tre Khóc Măng. Nhưng tôi còn chút may mắn đã gặp được bạn hiền thầy tốt để biến phiền não thành bồ đề. Tôi đã nguyện chuộc tội bằng cách đem nụ cười đến những kẻ bạc phước dù đó là Việt hay Mỹ, Mễ hay Miên, trắng hay vàng, đen hay đỏ. Dù đó chỉ là những hoạt động nhỏ mọn tầm thường trong tầm tay ngắn ngủi của tôi. Dù đó chỉ là một nụ cười!
Các bạn ơi, nếu có một ngày nào đó bạn gặp phải một hoàn cảnh khổ đau làm tim bạn tan nát, làm đời bạn tang thương thì xin bạn đừng chôn đời mình trong phiền não. Khi vay chúng ta mỉm cười, vậy thì khi trả, bạn và tôi, chúng ta cầu nguyện các đấng thiêng liêng cùng Mẹ Việt Nam ban cho chúng ta một chút hạnh phúc, cho chúng ta biến Phiền Não thành Bồ Đề và cho chúng ta trả nghiệp với nụ cười, bạn nhé.
Vô Thường!
Yêu thương bạn, Lệ Hoa Wilson