|
Post by sheen on Mar 14, 2023 3:31:15 GMT -6
Trong mảnh vườn con sau nhà tôi có nhiều hoa crocus. Loại hoa này không phổ biến ở Việt Nam nhưng nó vẫn được đặt tên là hoa nghệ tây. Lúc chúng tôi dọn vào ngôi nhà đang ở, trong vườn không có hoa crocus nhưng rồi đến một năm nào đó, bỗng dưng thấy hoa crocus mọc lên làm đẹp mảnh vườn, nhất là vì qua thời gian, càng ngày hoa mọc càng nhiều và đến tháng hai năm nay thì hoa mọc chi chít, hoặc mọc thành từng bụi dày đến hơn cả chục cây hoặc mọc lẻ loi một hai cây. Tôi thích thú thấy có một người bạn thiên nhiên hằng năm đều đặn quay trở lại với mình và tạo cho mình bao cảm xúc. Để rồi tự dưng tôi đâm ra có hứng thú muốn tìm hiểu về người bạn mới mà thiên nhiên giới thiệu cho mình.
Crocus được Đào Duy Anh gọi trong Pháp-Việt Tự-điển là cây kỵ phù lam. Từ điển Đức-Việt Nguyễn Văn Tuế-Nguyễn thị Kim Dung ghi ở mục từ Krokus là “xem Safran“. Tra chữ Safran thấy giảng là “cây nghệ tây (Crocus L.)“. Hai đơn vị từ ngữ tương đương trong tiếng Đức và tiếng Việt : “Krokus – nghệ tây“ kích thích sự tìm hiểu. Tính từ “tây“ không chỉ đi đôi với cây nghệ. Chúng ta có khoai tây, chuối tây, ngò tây, cần tây, dâu tây, bánh tây, gà tây, lịch tây, thuốc tây, trường tây, quần tây v.v..
Cây hoa nghệ tây cho màu vàng nghệ safran giống như củ nghệ của ta. Nhưng cây nghệ của ta là Curcuma longa L.; thân rễ gọi là khương hoàng và rễ củ gọi là uất kim. Cây nghệ cao từ 60cm đến 1 mét. Tiếng Pháp còn cho cây nghệ của ta một tên gọi khác, safran des Indes. Chúng ta bắt đầu thấy sự liên hệ gần gụi giữa nghệ ta và nghệ tây; bởi vì crocus cũng cho safran. Tên khoa học phổ thông của crocus là Crocus sativus L. Là loại hoa hằng niên, crocus bắt đầu nhú lên khỏi mặt đất khi khí hậu chuyển từ rét buốt sang bớt rét. Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc là giai đoạn rét hằng năm thuộc tháng giêng tháng hai âm lịch tại Miền Bắc nước ta.Tại Bonn,cùng với những ngày giáp Tết nhiệt độ có xu hướng chuyển dần từ độ âm sang không độ hay độ dương. Đêm sương giá vẫn còn nhưng đã nhẹ bớt. Rồi chừng đôi ba tuần lễ qua đi mà nhiệt độ không còn giá buốt, crocus bắt đầu chuyển mình, củ rễ càng ngày càng phát triển âm thầm dưới đất phủ kín. Các thân củ mẹ ủ ngầm dưới đất bắt đầu phồng to lên thành củ như củ kiệu chứa nhiều chất dinh dưỡng dự trữ. Đến bước kế tiếp, thân củ mẹ sản xuất một hay hai thân củ con hoặc cả chùm thân củ con hay hằng chục thân củ con. Từ những thân củ này các ngọn lá nhọn giống như lá cỏ cú xuyên thủng mặt đất bắt đầu ấm áp và đâm thẳng lên trời, qua mặt đất liền. Và rồi một buổi sáng ngủ dậy bỗng thấy crocus nhú lên trên mặt đất trong vườn, cạnh tranh sinh tồn với những loài cỏ hoang. Thân củ crocus dễ dàng và mạnh mẽ tự nhiên hoá, lan rộng lan dài để rồi quay trở lại năm này qua năm khác. Các cánh hoa xuất hiện vào lối đầu tháng hai tây, khoảng Tết âm lịch. Hoa có cuống dài và mảnh. Mỗi tràng hoa có ba cánh hoa và ba đài hoa cùng màu, màu vàng, màu tím hay màu trắng. Cánh hoa rời nhau. Phổ biến nhất là cánh hoa màu tím với nhiều độ đậm nhạt khác nhau. Có cánh hoa màu tím ngắt, có cánh hoa màu tím hoa cà, có cánh hoa màu tím nhạt, có cánh hoa nửa tím nửa trắng. Crocus không có đài hoa. Nhụy hoa là bộ phận sinh sản cái của hoa nằm chính giữa hoa. Nhụy hoa có sáu tiểu nhụy, mỗi tiểu nhụy gồm bầu chứa noãn, phía trên có vòi ngắn và tận trên cùng là đầu nhuỵ. Cánh hoa có thể có nhiều màu – vàng, tím, trắng – nhưng đầu nhụy thì luôn luôn có màu vàng hươm trông rất bắt mắt. Toàn cây hoa nghệ tây chỉ cao chừng một tấc tây. Nền công nghiệp sản xuất màu thực phẩm phơi khô đầu nhụy rồi nghiền mịn thành bột gia vị màu nghệ safran. Người Pháp có món gà ướp nghệ, poulet au safran. Có những cơ sở trồng nghệ tây gọi là safranière.
Hoa nghệ tây có thể được coi là loại cây “quý tộc” thuộc dạng “khó tính”, nó đòi hỏi một số điều kiện thổ nhưỡng tương đối khó khăn và trời tốt nắng đẹp nên chỉ thích hợp với một số vùng trên thế giới, những vùng có khí hậu khô và nóng vào mùa hè, nhưng lạnh vào mùa đông; đất khô, đá vôi, thoáng khí, bằng phẳng và không có bóng râm, không bị đọng nước. Crocus kỵ bóng râm: nhìn đám hoa nghệ tây mọc chi chít, san sát trong mảnh vườn nhỏ nhà tôi thấy rất rõ điều đó. Chỉ những nơi có ánh mặt trời chan hoà thì hoa crocus mới nở rộ, nở tét, nở trét; ánh dương quang là yếu tố kích thích thiên nhiên khiến hoa nghệ tây khai hoa nở nhụy đạt mức tối đa. Trái lại tuy cùng ở trong vườn nhà tôi nhưng nơi các vạt đất thiếu ánh nắng thì hoa nghệ tây chỉ nở cho có lệ; các bông hoa chỉ xoè mở một cách vừa phải, rõ ràng là không buồn nở đến hết sức. Ban đêm thì hoa ngủ ngon lành và yên ổn; các đài hoa cánh hoa cụp lại, chúng gập xuống và quặp vào với nhau; trở thành những bông búp hình thon nhọn đầu trông cứ như nụ hoa chưa nở. Có lẽ có thể trao cho hoa nghệ tây chức năng của một héliographe, một nhật xạ ký, một thứ máy đo độ nắng hằng ngày.
***
Bà xã tôi mất năm ngoái, ngày 02.02.2022, khi crocus bắt đầu khai hoa nở nhụy trong khoảnh đất vườn nhỏ bé của nhà tôi. Chúng tôi đã cùng xem hoa nở và cùng theo hoa nở. Năm nay và những ngày này crocus lại trở về. Tôi liên tưởng đến bài hát nổi tiếng Hà nhật quân tái lai (Ngày nào Anh trở lại) qua giọng hát khả ái của nữ ca sĩ Đài Loan Đặng Lệ Quân nên mượn tên bản danh ca để đặt đầu đề cho bài viết này. Ngày xưa ở bên trời Đông Á có hoa đào năm ngoái của Thôi Hộ, có hoa đào hằng năm của Vũ Đình Liên, có hoa cúc của Đào Uyên Minh thải cúc đông ly hạ, có hoa mai đến cùng mùa xuân của Thiền sư Mãn Giác. Ngày nay và nơi trời Âu tôi có hoa nghệ tây vươn mình lên qua những tàn tích của tuyết trắng còn sót lại rải rác trong vườn. Những cây hoa nhỏ bé xinh xắn, có màu sắc từ tím đến cam quyến rũ những con ong ra khỏi tổ do tiết ra hương thơm thoang thoảng. Cùng với hoa nghệ tây, những cánh hoa xuyên tuyết trắng cũng phát hoa vào cuối đông nhưng thường đi bước trước, khi tuyết chưa tan và khi trời còn lạnh.
Crocus giúp tôi có điều kiện thời tiết thích hợp để đạp xe đạp thong thả đi thăm bà xã rồi quay trở lại nhà. Khi tuyết hết rơi, khi trời trong sáng, khi chỉ cần mặc áo quần ấm vừa phải là tôi tính toán chuyện ra nghĩa địa viếng mộ phần với mục đích chính là thắp hương và đốt nến. Hương là loại dài, cháy lâu. Tôi đã có kinh nghiệm khi thăm viếng trong tuyết lạnh: cây nhang đốt ở ngoài trời cũng co rút lại, cũng se mình lại, không bắt lửa nổi. Những ngày quá lạnh như vậy tôi thắp nhang cho bà xã ở tại nhà. Nhang mua ở các tiệm Việt hay tiệm Tàu nhưng đèn thì chỉ có thể mua tại các siêu thị Đức. Đức sản xuất nhiều thứ đèn cầy và riêng dành cho cúng bái thì có loại nến dành cho mộ phần. Sự phân loại đèn sáp chủ yếu dựa vào thời gian sáp có thể cháy trong bao lâu. Có thứ đèn chỉ cháy vài ba giờ, bốn giờ, sáu giờ, tám giờ, mười giờ. Có thứ đèn cháy lâu hơn, cháy bền bỉ từ ngày nầy qua ngày khác : ba mươi hai giờ, bốn mươi tám giờ, năm mươi lăm giờ, bảy mươi giờ. Tôi ưa dùng loại đèn sáp cháy lâu hằng trăm giờ, từ một trăm lẻ năm giờ đến sáu ngày. Đèn này cháy bằng sáp + dầu. Loại đèn cháy mấy ngày hay gần một tuần như vậy được đốt trong đèn lồng sản xuất bằng kim khí. Chương trình thăm mộ của tôi không có tính cách định kỳ mà dựa vào khí hậu.
Ngày hôm nay crocus đang mãn khai trong vườn nhà tôi và tôi đã có cơ hội đi thăm mộ bà xã tôi. Tôi thắp năm nén nhang, đốt cây nến cháy được sáu ngày liền và vái ba vái rồi làm bản tường trình theo thông lệ. Nội dung kể chuyện là thông báo cho người dưới lòng đất biết rằng mới có thêm bạn bè bằng hữu tề tựu đến gặp bả.
Trước hết là chồng cô em họ con gái ông chú ruột của bà xã tên Nguyễn Tường Mai. Chồng Tường Mai là Thiếu tá Hải quân Bùi Khắc Kỳ, mất ngày 18.12.2022. Rồi đến Nguyễn Đại Dzương. Chúng tôi, Nguyễn Đại Dzương, Phạm Minh Chánh, Lê Ngọc Tấn, Trần Văn Tích cùng học quân sự hè ở Đồng Đế; vào dịp đó chúng tôi có chụp chung với nhau một tấm hình mặc quân phục trây-di rộng thùng thình. Chúng tôi kẻ ngồi người nằm bên cạnh khẩu đại liên douze-sept cùng với anh hạ sĩ quan hướng dẫn sử dụng súng, hình trông rất ngầu. Bạn Đại Dzương tìm được bức hình đó và gửi cho tôi qua internet, lối những năm 1989-1990. Năm 1984, tôi sang Đức trong túi không một xu teng nhưng lại có địa chỉ Bạn Dzương ở Paris. Tôi gửi thư sang xin Bạn mấy cuốn truyện trinh thám-tội phạm của James Hadley Chase; Bạn gửi ngay cho mấy cuốn mới toanh mua ở nhà sách Pháp. Bà vợ Bạn Nguyễn Đại Dzương dạy Gia Long với bà xã tôi nên hai bà rất thân nhau. Những năm gần đây hai bà cứ gọi điện thoại nói chuyện với nhau hoài. Khoảng năm 1985-86, toàn gia đình Bạn Đại Dzương sang Bonn chơi và trú ngụ tại nhà tôi; ngược lại có lần sang Paris chơi, hai vợ chồng tôi tới Tour Athenes ngủ qua đêm ở nhà Bạn Dzương. Đầu tháng mười vừa qua, hai cha con tôi sang Paris, định bụng thế nào cũng gặp Chị Phạm thị Nhung. Chị có tới nơi hội họp nhưng chỉ thoáng hiện trong chốc lát và tôi không hề được gặp Chị, mặc dầu đã báo trước và hẹn trước. Thấy thế, tôi đã đoán là Bạn Đại Dzương chắc sắp vĩnh biệt chúng ta. Quả nhiên Bạn mất ngày 22.01.2023.
Kế ngay Đại Dzương là Bạn Nguyễn Ngọc Kỳ, ra đi ngày 23.01.2023. Bạn Nguyễn Ngọc Kỳ cùng học Đệ Nhất Chu Văn An di cư, Ban Văn chương, với hai vợ chồng tôi. Rồi ngày 26.01.2023 tôi đọc cáo phó về Thi Vũ Võ Văn Ái. Hai vợ chồng tôi đã từng mời Ông Võ Văn Ái sang Bonn thuyết trình, đi cùng phu nhân và Cô Ỷ Lan Penelope Faulkner.
Mộ phần bà xã tôi không những chỉ có bia mà còn có một chậu trồng crocus hoa vàng, trên chậu cảnh này con gái tôi dùng sơn trắng viết chữ “Măng“ vì ở nhà chỉ gọi bả như thế. Khi tôi lâm râm khấn vái các điều vừa kể cho bà xã nghe thì cả chục cây crocus đang ra hoa trở lại trong chậu.
Trần Văn Tích 15.02.2023
Hà Nhật Quân Tái Lai/Ngày Nào Anh Trở Lại (Đặng Lệ Quân)
|
|