Lộng Ngôn (Vũ Khắc Khoan)
Jul 11, 2024 3:54:33 GMT -6
Post by sheen on Jul 11, 2024 3:54:33 GMT -6
LỘNG NGÔN (Kịch)
Tặng những em hay… nói dối
RIÊNG GỬI B.T.H.
*NHÂN VẬT:
Thằng Cuội
Hằng Nga
Gái
Bố Cuội
Mẹ Cuội
Một bầy tiên-nữ
Ông lão giáo đầu
MÀN GIÁO ĐẦU
ÔNG LÃO GIÁO ĐẦU (chống gậy bước ra) Thưa các ngài,
Ngược dòng thời-gian, chúng ta hãy cùng nhau ngắm lại những hình-ảnh đầy kỷ-niệm cuả DĨ-VÃNG. Những chùm hoa mộc của tuổi NĂM MƯƠI, tế-nhị, kín đáo, thoảng một mùi hương. Những bông sen của tuổi BỐN MƯƠI, mập-mạp, vững chắc, lá thì to, cuống thì thẳng. Tuổi BA MƯƠI, đầy hy-vọng, đầy tư-tưởng, lòng cởi mở trước cuộc đời, tuổi BA MƯƠI nở rộng như những bông bách-hợp. Tuổi HAI MƯƠI tràn-trề nhựa sống, mặt ngửng nhìn trời. Tuổi HAI MƯƠI lại hay cả thẹn như một nàng trinh-nữ. Tuổi HAI MƯƠI là một bông hồng lộng-lẫy, rực đỏ, ngạt ngào lên hương. Những cánh hồng êm như nhung, nhưng cuống hoa lại đầy gai nhọn hoắt.
Thưa các ngài,
Qua những khóm mộc, những thửa ao sen, những luống bách hợp, những dàn hồng, nếu chúng ta cứ từ từ ngược về DĨ VÃNG, chúng ta sẽ lạc vào một thế-giới là lạ, cái thế-giới của những nội hoang rộng ngút chân trời, đầy những hoa, những lá, những cỏ, những nụ không tên, cái thế-giới của những màu sắc mờ mờ, những hình-ảnh ẩn ẩn hiện hiện, rất quen thuộc mà không rõ-rệt, thế-giới đầy thi-vị của cái tuổi thơ. Tuổi HAI MƯƠI dấu vết thương lòng, tuổi BA MƯƠI do dự, e dè trước một ngã ba, tuổi BỐN MƯƠI bắt đầu hối-hận, tuổi NĂM MƯƠI ngậm ngùi nhớ tiếc – nhưng cái tuổi thơ là cái tuổi của TRONG VÀ TRẮNG.
Những ai có mặt tại đây hãy tự hỏi xem người nào mà không ngậm ngùi luyến tiếc cái thời ấu-trĩ của mình?
Lão cũng như các Ngài, nhưng lão đã qua, đã lâu lắm rồi, cái tuổi thơ của lão. Bây giờ thì lão đã có tóc bạc, lưng lão lại còng. Lão chỉ còn có một cái thú là đêm đêm ngồi cạnh mấy đứa cháu nhỏ, kể cho chúng nó nghe những câu chuyện cổ-tích ngày xửa ngày xưa, hứng lấy những chuỗi cười trong trẻo, những ánh mắt màu huyền của chúng, ngõ hầu sưởi ấm cái cô-quạnh lạnh-lẽo của tuổi già…....
Hôm nay, không hiểu có một cái gì lãng đãng trong không, làm cho lão càng thấy nặng trĩu tuổi già.
Hỡi các cháu, lại cả đây, ta kể cho nghe câu chuyện "Tấm Cám" rồi, chuyện "Ông bụt đất" chắc các cháu cũng không lạ gì. Để ta kể cho nghe câu chuyện... một anh chàng hay nói dối. Anh chàng ấy là thằng Cuội, Thằng Cuội ngồi gốc cây đa.
Lặng yên nào! Câu chuyện cũng không vui lắm đâu, có lẽ lại hơi buồn. Nào! ta gõ ba cái là phải lặng yên đấy! Ta gõ ba cái là câu chuyện cổ-tích bắt đầu.
Người giáo đầu lấy gậy gõ ba cái rồi vào.
Màn từ từ mở lên.
MÀN I
Một cảnh đồng, có suối róc rách chẩy, có lời gió đùa với cỏ xanh, và ngàn thông đằng xa reo theo lời gió.
Buổi sáng. Màn mở lên, sân khấu không người. Có ai hát vọng ra:
Mình về có nhớ ta chăng,
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười,
Rồi Gái vừa cười vừa chạy ra
GÁI – Cuội! Anh Cuội...anh Cuội đâu rồỉ. Thế thì thôi! Đã dặn từ hôm qua là đợi người ta ở đây mà... (gọi to) Anh Cuội! Người đâu mà chí-chá! (một lát) Con người xinh-trai như thế, hiền lành như thế, chỉ phải cái tội hay nói dối...mà sao độ này anh chàng lại hay ngớ ngẩn, ngồi cạnh mình mà cứ nghĩ đi đâu Anh Cuội! Anh Cuội!
Gái vào.
CUỘI (đi ra). –May quá, thế là mình đến đây trước Gái, không có lại bảo là hay quên, là bảo đến mà không đến, không có lại bảo là hay nói dối. Nói dối, nói dối! Sao độ này nhiều người hay bảo mình nói dối (Cuội buồn rầu ngồi xuống) Nói thật! nói dối! nói thật! của cải nhà mình, ruộng sâu, trâu nái, mình bảo là không thích, mình nói thật bụng. Thiên hạ cũng cười mình bảo là nói dối...(một lát) Mà tại sao mình không thích? Cái Gái nó gặp mình bao giờ là nói ngay đến chuyện vườn tược nhà cửa, nào là về sau sẽ cho cấy rẽ, nào là về sau sẽ dựng thêm ba gian nhà ngói, nào là vụ chiêm, vụ mùa... làm như là ở đời này chỉ có vườn tược nhà cửa là quý! (bỗng nghiêm nét mặt) Không...còn có cái quý hơn chứ! Nhưng cái gì quý hơn? Trước kia, ngồi vặt cỏ cạnh cái Gái mình cũng đã nao nao trong dạ, thấy là có một cái gì quý hơn là của cải. Nhưng bây giờ...(gục mặt xuống một lát) Sao mà mình lẩn quẩn thế này. (ngửng mặt lên) Kể ra cái Gái cũng đẹp đấy chứ. Nó lại ngoan nữa.. Nhưng hình như lại có cái đẹp hơn cả cái Gái nữa! (lắc đầu) Ấy! nói thế rồi người ta lại bảo là nói dối!
Cái Gái ra
GÁI. – Chao ôi, anh Cuội! Sao anh hay nói dối thế? Anh hẹn tôi từ hôm qua, sáng nay tôi dắt trâu ra đây..
CUỘI – Thì anh cũng vừa thả trâu ở ven suối...anh lên đây, ngồi mãi...
GÁI – Tôi đến đây từ lâu lắm...
CUỘI. – Anh ngồi đây cũng đã lâu. Mấy con sơn ca đã thôi hót. Mặt trời cũng đã khá cao. Anh ngồi một mình, chả thấy Gái đâu...
Gái nhìn Cuội một lát, ái ngại, ngồi xuống.
GÁI – Gái không thấy anh, Gái chạy xuống bờ suối, cũng không thấy anh. Gái men bờ suối, qua ngàn thông, cũng không thấy anh. Gái lại quay về...
CUỘI – Và bây giờ thì Gái thấy anh...
GÁI – Ừ!
Im lặng, Gái và Cuội ngượng ngịu ngồi cạnh nhau.
GÁI – Anh Cuội này! Sao độ này anh làm sao ấy!
CUỘI – Anh có làm sao đâu?
GÁI– Anh không như độ trước...
CUỘI – (như nói một mình) Độ trước... độ trước khác, bây giờ khác...
GÁI – Anh bảo gì?
CUỘI – (giật mình) Không! anh chả bảo gì cả...
GÁI – Đấy! Anh lại cứ thế!
CUỘI – (nghiêm nét mặt nhìn Gái) Em Gái!
GÁI – Dạ?....
CUỘI – Em nhìn kỹ anh xem, em có thấy cái gì khác không?
GÁI – (nhìn Cuội một lát) Không nhưng sao anh nghiêm thế? Độ này anh không cười nói, anh không hát...
CUỘI – Anh không dám hát nữa, con sơn ca hát hay hơn anh...
Gái. – Anh hát hay chứ, hay là em hát cho anh nghe nhá?
CUỘI – Thôi... thôi em. Lặng mà nghe thông reo.
GÁI – (dỗi) Anh hay vớ vẩn lắm. Hay là... ừ...hay là...
CUỘI – Hay là sao?
GÁI – Hay là anh không thương em Gái nữa?
CUỘI – Em Gái thì bao giờ anh chả thương...
GÁI – (phụng phịu) Anh nói dối!
CUỘI – (giật mình) Nói dối! lại nói dối (chợt hét lên) Từ rày anh cấm em không được nói đến hai chữ ấy nữa...
GÁI – (sửng sốt) Anh làm sao thế?
CUỘI– (như tỉnh cơn mê) Không! không làm sao cả. Anh xin lỗi Gái (nhỏ) Anh có nói dối bao giờ đâu?
GÁI – (sát vào người Cuội) Anh không nói dối... anh Cuội không bao giờ nói dối em Gái cả.
CUỘI – (chân thành) mà cũng chả bao giờ anh nói dối ai...Anh nghĩ thế nào thì anh nói thế. Anh thấy lời suối, tiếng chim kể lể với thông ngàn. Anh thấy...cỏ mát quá, xanh quá, anh thấy như có một cái gì lãng đãng đâu đây, đẹp hơn là anh và Gái, quý hơn là vàng, là trâu, là ruộng (một lát) Nó khó nói lắm, Gái ạ.. Đấy, anh chỉ nói có thế với người ta, rồi người ta bảo anh là bịa điều, đặt tiếng, là nói dối, là...là...
GÁI – Thôi anh đừng nói nữa... Tại sao anh lại hay nghĩ vơ vẩn đi đâu? Chúng mình sẽ chung sức mà cày, mà bừa... Chúng mình sẽ giàu có, giàu của và...(nhỏ) giàu con.
CUỘI – (có vẻ thất vọng như nói một mình) Trời ơi! ai mà hiểu được lòng mình
Có tiếng ai gọi ở phía bờ suối: Trâu của ai thả rông thế này? nó ăn cả lúa của tôi rồi...
GÁI – Thôi chết rồi, trâu của anh... Anh ngồi đây để em chạy đi buộc lại con trâu đã.
Gái vào
CUỘI (thẩn thờ) Ai mà hiểu...
Thì ngay lúc đó, một điệu nhạc nổi lên từ xa, theo gió, dần dần bay về phía Cuội. Cuội ngửng đầu ngơ ngác. Bản nhạc thành hình, lẫn với gió, với chim, với thông, với suối...Rồi một bầy Tiên Nữ ở đâu chợt hiện ra, theo nhạc điệu mà múa. Nhịp của nhạc và múa điệu hòa với cảnh vật – Cả tâm hồn Cuội rung lên như sợi tơ của một cây đàn. Cuội chưa kịp hết ngạc nhiên thì ở bầy Tiên Nữ nhẹ nhàng tách ra một người: tất cả những nét, những màu, những vần, những điệu...tất cả những điều thầm kín mà Cuội hằng ấp ủ trong tâm, đẹp hơn là Gái, quý hơn là ruộng là vườn... đã thành hình trước mắt Cuội: đó là một người đàn bà đẹp. Đó là ý niệm ĐẸP thì đúng hơn, vì người thiếu-phụ đang mê man múa giữa bầy Tiên Nữ, uyển chuyển quá, dịu dàng quá và đẹp vô cùng, đến nỗi Cuội không dám động đậy. Anh chàng có cảm tưởng là chỉ một cử chỉ phác ra là tất cả – người đẹp, nhạc, múa, gió, chim... – tất cả sẽ tan ra như sương buổi mai. Trong một phút rung động, Cuội đã cảm thấy tất cả CÁI VÔ CÙNG thu lại thành MỘT. Sự cảm động vô bờ bến ấy làm Cuội điên lên.
CUỘI – Trời ơi!
Tiếng hét làm tất cả bày Tiên Nữ đứng sững, Cuội chạy lại. Đồng thời Gái chạy ra.
GÁI – (níu lấy Cuội) Anh Cuội! anh làm sao thế này?
CUỘI – (như mê man) Tiên! Đẹp! Nhạc...
Gái. – Cái gì hở anh? Chết chửa, anh Cuội điên mất rồi...
CUỘI – Phải, anh điên, anh điên mất rồi Gái ạ, vì...đẹp quá, mà sao em lại ra đây để cho tất cả đều yên lặng? (chỉ bầy tiên nữ) Em có trông thấy gì không? Khổ chỉ tại em thôi... kìa đẹp quá, kìa, bao nhiêu là người! Kìa là con người đẹp nhất...
GÁI – Em chả thấy gì cả... Đấy là Dòng suối và ngàn thông, cánh đồng thẳng cánh cò bay..
CUỘI – Không! Đấy là... ĐẸP, em hiểu chưa...(chợt rú lên) Sao mà yên lặng thế này?
Gái ngơ ngác nhìn Cuội và bầy Tiên Nữ lại múa.
CUỘI – Đấy, em có nghe thấy không? Em có trông thấy không?
Bầy Tiên Nữ dừng múa
GÁI – Em chỉ nghe thấy tiếng thông reo...có cả tiếng suối róc rách nữa...
CUỘI – (chán nản) Không phải! người kia! Tiên kia! Người Đẹp...
GÁI – (có vẻ sợ-hãi) Anh làm sao ấy!
CUỘI – (dằn dọc) Anh không làm sao cả..!
GÁI – Thế thì anh lại... anh lại nói dối rồi!
CUỘI –(hét lên) Lại nói dối! Hà, anh nói dối, ừ thì anh nói dối đã nghe chưa? (tiến lên) Hỡi Tiên Nữ, hỡi con người mong manh mà đẹp vô cùng kia, hát lên, múa lên, múa nữa lên...để chứng tỏ rằng Cuội không bao giờ nói dối cả...
GÁI – (sợ quá) Điên rồi! Anh Cuội điên rồi!
Gái vùng bỏ chạỵ Trong khi ấy thì bản nhạc êm dịu lúc nay lại nổi lên, bầy Tiên Nữ lại tha thướt múa. Con người đẹp vô cùng cũng múa theo. Cuội mê man ngửng mặt nhìn, dáng điệu một tín đồ dâng những lời cầu nguyện...
Màn từ từ hạ.
MÀN II
TRONG NHÀ CUỘI
Cùng ngày hôm ấy. Buổi chiều.
Màn mở lên. Bố Cuội đi đi, lại lại, có vẻ tức giận, Mẹ Cuội ngồi ở phản tre, vẻ mặt lo lo lắng.
MẸ CUỘI. - Thôi ông ạ, nó có về, ông cũng đừng mắng mỏ nó...
BỐ CUỘI. – Bà chỉ chiều nó...
MẸ CUỘI. – Thì có một mình nó...
BỐ CUỘI. – Có một mình nó, mới phải dạy dỗ cẩn thận... Về sau, một mình nó cai quản cả cơ ngơi này..
MẸ CUỘI. – Về sau rồi nó sẽ khôn ra chứ!
BỐ CUỘI. – Bà làm như nó bé bỏng lắm! 18 tuổi đầu rồi! nhà người ta có phúc thì đã con bồng, con mang. Đằng này chỉ lêu lổng suốt ngày. Đã thế lại hay chí trá...; đi nói dối cha, về nói dối chú... Rồi lại vớ vẩn...
MẸ CUỘI. – Thôi...
BỐ CUỘI. – (gắt lên) Thôi cái gì? Tôi mà không nói rồi nó sẽ thành thằng điên, thằng rồ mất. À! Bà có nghe cái Gái nó nói gì không?
MẸ CUỘI – Tôi chắc chúng nó lại giận nhau...
BỐ CUỘI – Giận nhau! Giận nhau mà thầy cái Gái lại phải sang bắn tiếng muốn trả lại trầu cau...
MẸ CUỘI. – (có vẻ tức) Giả lại trầu cau thì giả chứ cần gì?...Làm như cả làng này, chỉ có cái Gái là đàn bà thôi!...Dễ thằng Cuội nó ế vợ đấy!
BỐ CUỘI – Thế nhưng cái Gái nó cứ rêu rao khắp làng, khắp ngõ, là thằng Cuội dở hơi, là thằng Cuội điên...
MẸ CUỘI. – Thì ai bịt được mồm thiên hạ?
BỐ CUỘI – Ấy thế mới tức!...Nhưng chẳng qua cũng tại bà hay nuông con. Để cho nó hư thân, mất nết đi. Học không chịu học, làm không chịu làm. Lấy vợ cũng không xong! Không hiểu rồi nó định làm cái gì? (một lát) Mà làm sao nó vẫn chưa đánh trâu về...(gọi với ra ngoài) Cuội ơi! ới Cuội ơi!
Có tiếng dạ rồi Cuội thẫn thờ đi vào. Bố Cuội nhìn Cuội một lát.
BỐ CUỘI – (với Mẹ Cuội) Đấy bà xem! cứ như là thằng mất hồn. (với Cuội) Thằng kia! Mày đi đâu mà mãi bây giờ mới về?
CUỘI – Con đi xem tiên múa!
Bố Cuội sửng sốt, Mẹ Cuội như chưa nghe rõ,
BỐ CUỘI – Mày nói cái gì? Mày đi xem gì?
CUỘI – Con đi xem tiên múa! Bố ạ! Tiên đẹp lắm kia! Tiên múa khéo lắm kia!
Mẹ Cuội đứng dậy
BỐ CUỘI – Bà mày ôi! Thôi đích rồi! Thằng Cuội nó điên mất rồi!
Hai vợ chồng già nhìn nhau một lát
Hay là...hà! hay là mày lại giở cái thói chí chá... Mày là hay nói điêu, nói dối..
CUỘI – (nhìn bố một lát) Vâng, có lẽ con nói dối đấy. Con đi chăn trâu!
Hai vợ chồng thở dài. Mẹ Cuội lại ngồi xuống
BỐ CUỘI. – Thế sao mày lại bảo là...Thôi tao không thèm nghe mày nói nhảm, nói nhí nữa!.. Thế sao chăn trâu mà lại để trâu nó đi ăn càn sang ruộng người ta...mà mày làm gì cái Gái mà để nó rêu rao lên là mày điên, mày rồ.. (dằn giọng) Này! người ta giả lại cau trầu rồi đấy! Thế là phí cả công sêu với tết!
CUỘI – Thế à? Thế thì càng hay!
BỐ CUỘI. – Càng hay! mày nói dể nghe nhỉ! Không lấy vợ thì rồi mày làm gì hở thằng kia?
CUỘI – Con đi tìm Tiên.
MẸ CUỘI. – (lo lắng, với Bố Cuội) Ông ạ, hay là ma làm? Tôi phải cúng cho nó mới dược!
BỐ CUỘI. – Ma nào? Bà cứ yên, để tôi xem! Hừ đi tìm tiên! Này thằng kia!
CUỘI – Dạ....
BỐ CUỘI. – Mày muốn đi tìm Tiên rồi tao sẽ cho đi tìm Tiên. Nhưng nếu có đi thì đừng quay về nữa nhá! Ruộng nương, nhà cửa rồi tao cúng vào chùa hết, đã nghe chưa?
CUỘI – Tiên đẹp hơn ruộng chứ!
MẸ CUỘI. – Thôi đích rồi (thút thít) Con tôi bị ma làm rồi! Tôi đã bảo là ven bờ suối lắm ma lắm!...
CUỘI – Không phải ma đâu mẹ ạ.. Tiên cơ! Tiên múa, Tiên hát! Khổ quá, con không bắt chước được! Hay là đến mai mẹ ra đấy với con mà xem...Đẹp lắm kia mẹ ạ..
Chợt ở đâu lại, vẳng lên một vài âm thanh quen thuộc
Bản nhạc nơi cánh đồng buổi sáng dìu dặt vang vang...
Đấy! Đấy mẹ có nghe thấy không? Hay quá! chao ôi!
Mẹ Cuội như thất vọng, ngồi xuống lau nước mắt.
BỐ CUỘI. – (nắm lấy vai Cuội mà lay) Nghe cái gì? Tao chẳng nghe gì sốt cả.. Mày chí chá vừa vừa chứ...Liệu không có thì ông tống cổ đi...
CUỘI – (điềm đạm) Bố thì nghe thế nào được? Đến cái Gái cũng chả nghe thấỵ..
BỐ CUỘI. – Tao không nghe thấy... Hừ! Tao chỉ nghe thấy người ta chửi vào tận tai tao thôi! (dậm chân) Sao mà tôi vô phúc thế này!
Bản nhạc tắt...
CUỘI– (như trách bố) Chỉ tại bố thôi! Thế là hết!
BỐ CUỘI. – (lồng lộn) Tại gì tao? Mà cái gì hết hở thằng kia? (với Mẹ Cuội) Mẹ thằng Cuội ơi, tôi chết mất! Thằng kia! Mày cứ đứng đấy rồi tao bảo cho. Tao cho mày mấy gậy để xem Tiên còn múa, còn hát nữa không...
Bố Cuội ra
MẸ CUỘI. – Con ơi! sao con lại thế?
CUỘI – Mẹ ơi! Thế lúc nẫy mẹ có nghe thấy gì không?
MẸ CUỘI. – Mẹ chỉ nghe thấy gà ở chuồng cục tác thôi...À! lại còn tiếng chuông chùa đằng xa nữa...
CUỘI. – Không phải! Tiếng đàn kia, tiếng hát, tiếng sáo...(chợt thổn thức) Mẹ ơi, sao con khổ thế này?
MẸ CUỘI. – (thút thít) Con đừng! Con đừng khóc con!
CUỘI. – Con muốn nói rõ, mà không nói được...Con nhìn thấy, rõ ràng là con nhìn thấỵ..
MẸ CUỘI. – Con nhìn thấy gì?
CUỘI – (mặt sáng lên) Con nhìn thấy một bầy Tiên nữ... Con nhìn thấy một người đàn bà vô cùng là đẹp...đẹp đến nỗi lòng con nức nở...
MẸ CUỘI. – Đẹp hơn cả cái Gái hở con?
CUỘI – (như trách mẹ) Sao mẹ lại ví cái Gái với Tiên?
MẸ CUỘI. –(một lát) Con ơi, con có thương mẹ không? Con có nghĩ đến mẹ không?
CUỘI – Con không thương mẹ thì còn thương ai nữa?
MẸ CUỘI. – Thế thì con phải...
CUỘI – Mẹ muốn con quên, có phải không mẹ? Con muốn lắm mẹ a....
Nhưng không thể được mẹ a....Hình như bắt đầu từ giờ giở đi... là con phải làm cái gì...
MẸ CUỘI. – Làm cái gì hở con?
CUỘI – Nào con có biết? Có lẻ là đi tìm người đàn bà ấỵ..Có lẽ là cầu nguyện...
MẸ CUỘI. – Bố con chả nghe đâu!
CUỘI– Thì con đành chịu, chứ làm thế nào! (một lát) Cái số con nó thế mẹ ạ....
MẸ CUỘI. – Con đừng nói thế...Con ơi, kìa bố con lại vào kia!
Bố Cuội vào, tay cầm một cái gậy tre.
BỐ CUỘI. – Nào xem mầy còn bướng nữa không...thằng Cuội!
MẸ CUỘI. – (ôm lấy bố Cuội) Thôi ông, tôi xin ông! Ông tha cho con...
CUỘI – (vẫn điềm đạm) Bố ơi! Bố không phải đánh con đâu! Bố không phải đuổi con đâu! Con xin phép bố và mẹ, con đi...
MẸ CUỘI. – (lại thút thít) Đấy ông xem...
BỐ CUỘI. – Hà! mày đi... mày đi thì đừng hòng quay về nữa nhá! Ruộng nương, nhà cửa..
CUỘI – Ruộng, nương, nhà cửa..
BỐ CUỘI. – Phải! Ruộng nương nhà cửa rồi tao cho hết, tao bố thí đi hết, đã nghe chưa?
CUỘI – Ruộng nương nhà cửa cũng không bằng múa, hát...
BỐ CUỘI. – Tao sẽ giả lại trầu cau nhà cái Gái...
MẸ CUỘI. – (khóc lên tiếng) Ông ơi!
CUỘI – Cái Gái đẹp thế nào bằng người đàn bà vô cùng là đẹp của ta (quay lại mẹ) Thôi con xin phép bố mẹ con đi...
Nhạc vẳng đưa lên.
Ô kìa! tiếng sáo lại bắt đầu lên giọng...Tiếng sáo cao vút...Cả hát nữa..
Cuội đi vào.
BỐ CUỘI. –(với mẹ Cuội, giọng nước mắt) Nó đi thật rồi, bà ơi..
MẸ CUỘI. – (khóc thét lên) Con ơi...
Bố Cuội và Mẹ Cuội sững sờ nhìn theo phía Cuội vào. Và khi bản nhạc êm dịu nơi cánh đồng, sắp sửa thành hình thì màn từ từ hạ.
MÀN III
Một nẻo đường cạnh một cánh đồng. Đằng xa mờ mờ hình núi. Ở ngay vệ đường có một cây đa to
Ba năm sau, đêm một hôm rằm mùa thu
Màn mở lên, sân khấu không người. Có tiếng trẻ con reo
A! A! Thằng điên...Thằng điên. Không phải thằng điên! Thằng Cuội đấy anh em ạ.. Không phải thằng Cuội...Chính rồi! Thằng Cuội hay nói dối đấy mà... Ném, ném, anh em ơi...Ô kìa nó chạy.. Ha, ha! Nó ngã kìa..
Cuội lảo đảo chạy ra, quần áo sộc sệch, vai đeo khăn gói, tay chống gậỵ
Tiếng trẻ con xa dần...Im lặng.
CUỘI – (chán nản ngồi xuống vệ đường, ngay gốc cây đa) Chao ôi mệt quá..
Đường thì dài, không biết ta còn đủ can đảm mà đi nữa không? (một lát) Ta lên đường đã ba năm rồi. Trong ba năm nay, ta chỉ biết có đi, giải niềm tâm sự trên bao nhiêu là thiên lý. Ta đã gặp biết bao nhiêu là người. Với ai ta cũng muốn hỏi, muốn tìm tòi, muốn ngỏ tấm lòng chân thật của ta. Với ai, ta cũng thất vọng. Giữa ta và họ, hình như có cả một bức tường dày đặc. Và ta luôn luôn thui thủi một mình.
Ta đã từng ra giữa chợ mà kêu lên tất cả những âm-u, uất-ức, ủ kín trong lòng. Ta đã cố tả cho cả đám đông buôn bán ấy, những hình ảnh tuyệt đối là tươi đẹp, một sớm, đã hiện lên trước mắt ta. Những ngôn ngữ của người đời thô-sơ quá và ta đã phải khóc vì tự thấy mình bất-lực khi muốn dệt lại những uẩn-khúc vô cùng tế-nhị cuả nỗi cảm-xúc thần-tiên của ta. Người đời cười vào mặt ta mà bảo ta là nói dối. Họ lại còn coi ta là một thằng rồ. Vài ba bậc trưởng-giả gật gù mà hỏi lại ta rằng:" Người đẹp có làm cho dân giàu không? Nhạc hay có làm cho dân ngoan không?" Ta còn biết giả nhời ra sao? Ta lại chỉ biết có đi...đến nỗi đã có những nàng thiếu-nữ của phố phường nguyền rủa ta, khi thấy ta chỉ biết mê theo một cái bóng mà hững hờ với người thật.
Nhưng làm thế nào được? Thiên hạ có tai mà không được nghe, có mắt mà không thể nhìn. Ta tự thấy mang nặng cái sứ-mệnh là nghe và nhìn cho thiên-hạ... để rồi... (thở dài) để rồi làm gì? Hỡi ơi! điên rồ thay mà cũng lận đận thay là số-mệnh của ta!
Ba năm rồi, ba năm bị hất hủi, luôn luôn mình bạn với mình, ba năm lủi thủi trên khắp các ngả đường, ba năm khô-khan, nhưng cũng là ba năm chờ đợi, ba năm đầy hy-vọng, tin tưởng rằng bóng-dáng người xưa rồi ra thế nào cũng xuất-hiện – ở ngay một lối quặt, theo hút một ven đê, ở giữa một giấc mê, chập chờn len vào những giấc ngủ chập chờn...
Im lặng một lát. Gió nổi tự đâu đâu. Lúa đồng sào sạc. Mặt giăng tròn vạnh rỡ ràng.
CUỘI – Giăng sáng quá. Có lẽ ta lại phải lên đường... (đứng dậy rồi lại ngồi xuống) Sao đêm nay ta chợt thấy đường dài quá! Không có lẽ lòng tin-tưởng của ta lại bị lung laỵ.. (một lát) Trời! nếu ngay bây giờ mà một vài cung nhạc quen thuộc năm xưa lại được ai dạo lên, rồi một vài thấp thoáng lả-lướt...Chỉ thế thôi, là ta sẽ rũ nhẹ được hết, bao nhiêu lận đận, điêu-linh của mấy năm xê dịch (Cuội đứng phắt dậy nhìn trăng) Ta không thể chờ đợi được nữa. Ta không muốn đi nữa. Ta sẽ ở lại đây cho đến khi bản nhạc thành hình. Hỡi con người đẹp vô cùng, hỡi con người mong manh của năm xưa, hãy hiện lên, với giăng, với gió, hãy hiện lên và dìu nhạc lên cùng...
Người đàn bà năm xưa đã hiện ra tự lúc nào.. Một vài âm-thanh của bản nhạc cũ len vào giữa hai đợt gió
HẰNG NGA. – (người dàn bà đó là Hằng-Nga) Ta đây!
Cuội giật mình ngoảnh lại. Ánh giăng rằm soi tỏ mặt người xưa. Một phút im lặng. Bản nhạc thành hình.
HẰNG NGA. – Ta đây!
CUỘI. – (một mình) Ba năm chờ đợi! Ta biết nói gì bây giờ? (một lát, ngập ngừng, với Hằng-Nga) Nàng đến... có một mình?
HẰNG NGA. – Bao giờ mà ta chả một mình?
CUỘI – Còn bầy Tiên-Nữ năm xưa, ca, múa?
HẰNG NGA. – Bầy Tiên-Nữ cũng là ta..
CUỘI. – Cũng là nàng? Ồ lạ nhỉ! Vậy nàng là ai, hỡi con người khó hiểu?
HẰNG NGA. – Chàng cứ gọi ta là Hằng-Nga...
CUỘI – Nhưng nàng ở đâu lại? Rồi nàng sẽ đi đâu? Nàng làm gì? Nàng hằng nghĩ những gì?
HẰNG NGA. – Đừng hỏi quá nhiều, chàng ơi.. Ta không quen giả nhời, giảng giải hay tâm sự cùng ai đâu.. Ta là ánh của Giăng, Ta là nhịp của nhạc, ý của Thơ.. Ta là... ta chẳng là gì cả, chàng ạ...
CUỘI. – Nàng không là gì mà dòng dã đã ba năm nay, không lúc nào mà ta không nghĩ đến nàng...
HẰNG NGA. – Và chàng sẽ nghĩ đến ta mãi mãi..
CUỘI. – Vậy ra ta cứ sẽ phải luôn luôn xê dịch...
HẰNG NGA. – Để luôn luôn theo đuổi cái bóng dáng muôn hình vạn trạng của ta. Trước chàng, đã bao nhiêu số kiếp long đong như thế rồi. Có những linh-hồn đã tưởng nắm giữ được ta trên một bức họa, trong một bài thơ.. nhưng chính những linh-hồn ấy đã bị ta nắm giữ...
CUỘI – Nhưng tại sao lại là ta, hỡi con người ác nghiệt? Ta không biết vẽ.. ta chẳng bao giờ làm thơ..
HẰNG NGA. – Dó là cái DUYÊN giữa ta và chàng.
CUỘI – Đó là SỐ MỆNH!
HẰNG NGA. – Gọi là gì mà chẳng được?
Im lặng một lát. Cuội đắm đuối nhìn Hằng-Nga. Chàng bỗng như điên, sô lại. Hằng-Nga thét lên cười. Tiếng cười làm Cuội đứng sững. HẰNG NGA. – Vô ích! Ta làm gì có xương, có thịt? Ta không có cả linh-hồn..
CUỘI. – Không xương, không thịt..không cả linh-hồn...Ngươi là ai? ngươi là ai, hỡi con người đẹp vô cùng mà lạnh như băng kia?
HẰNG NGA. – Lặng yên! Lặng yên... Ta sẽ giả nhời cho chàng biết. Ta là...
Hằng-Nga phất cánh tay. Bản nhạc cũ năm xưa dìu dặt trong đêm trăng. Hằng-Nga thoắt đã đứng giữa một bầy tiên nữ: cả nhạc, Hằng-Nga, cả bầy tiên nữ quay cuồng với giăng, với gió...Tâm hồn Cuội chơi vơi..
Và khi Cuội bàng hoàng như chợt tỉnh cơn mê thì nhạc đã tắt, Hằng Nga và bầy tiên nữ đã biến đi tự bao giờ... Ánh trăng soi suông xuống một gốc đa cằn cỗi và một nẻo đường thẳng vút, xa xa..
CUỘI –(im lặng một lát rồi cầm gậy, đeo khăn gói lên vai) Nào bây giờ thì ta lại lên đường...
Màn từ từ hạ
MÀN KẾT
NGƯỜI GIÁO ĐẦU – Đến nay là chấm hết câu chuyện thằng Cuội. Câu chuyện, như lão đã nói trước, không được vui lắm, mà có lẽ lại hơi buồn: thằng Cuội không lấy được vợ đẹp, thằng Cuội không làm được quan to. Thằng Cuội lại còn bị người yêu ruồng rẫy, bố mẹ từ, để rồi suốt đời chống gậy, lê chân khắp các ngã đường...
Nhưng thằng Cuội không nói dối. Nó chỉ có một tội là đã nhìn thấy những cái gì mà cái đám người đồng thời với nó, cái đám người vừa quay cuồng trên sân khấu, không nhìn thấy. Và tự nhiên, thằng Cuội phải mang nặng cái số kiếp điêu-linh của những người đầu tiên cảm-thông với chân lý..
Đến nay, lão mới thấy là đã làm thầy cãi không công cho một anh chàng mà cái tên đã thành đồng nghĩa với sự nói dối. Nhưng cũng không sao! Vì riêng lão, lão thấy có rất nhiều thiện-cảm với anh chàng Cuội. Có phải là vì cái tính gan-góc rất trẻ của anh chàng một mình thui thủi đuổi theo một nhịp nhạc mà anh ta cho là CHÂN-LÝ? Có phải là vì cái tính trong sạch mê say LÝ-TƯỞNG của một thanh-niên? Hay có lẽ là vì quay về dĩ-vãng, lão cũng đã, một đôi lần, thấy chập chờn trước mắt những màu, sắc, nét hình của một HẰNG-NGA.. của lão?
Lão cũng không hiểu.. Lão chỉ băn khoăn một nỗi là không biết câu chuyện cổ tích vừa kể có làm vui tai các ngài? Không biết là Cuội có gột được tiếng oan muôn thủa? Hay là.…..các ngài cũng lại cho lão là nói dối... nói dối như thằng Cuội của lão.
Người giáo đầu từ từ cúi đầu chào và chống gậy thong thả đi vào
Tặng những em hay… nói dối
RIÊNG GỬI B.T.H.
*NHÂN VẬT:
Thằng Cuội
Hằng Nga
Gái
Bố Cuội
Mẹ Cuội
Một bầy tiên-nữ
Ông lão giáo đầu
MÀN GIÁO ĐẦU
ÔNG LÃO GIÁO ĐẦU (chống gậy bước ra) Thưa các ngài,
Ngược dòng thời-gian, chúng ta hãy cùng nhau ngắm lại những hình-ảnh đầy kỷ-niệm cuả DĨ-VÃNG. Những chùm hoa mộc của tuổi NĂM MƯƠI, tế-nhị, kín đáo, thoảng một mùi hương. Những bông sen của tuổi BỐN MƯƠI, mập-mạp, vững chắc, lá thì to, cuống thì thẳng. Tuổi BA MƯƠI, đầy hy-vọng, đầy tư-tưởng, lòng cởi mở trước cuộc đời, tuổi BA MƯƠI nở rộng như những bông bách-hợp. Tuổi HAI MƯƠI tràn-trề nhựa sống, mặt ngửng nhìn trời. Tuổi HAI MƯƠI lại hay cả thẹn như một nàng trinh-nữ. Tuổi HAI MƯƠI là một bông hồng lộng-lẫy, rực đỏ, ngạt ngào lên hương. Những cánh hồng êm như nhung, nhưng cuống hoa lại đầy gai nhọn hoắt.
Thưa các ngài,
Qua những khóm mộc, những thửa ao sen, những luống bách hợp, những dàn hồng, nếu chúng ta cứ từ từ ngược về DĨ VÃNG, chúng ta sẽ lạc vào một thế-giới là lạ, cái thế-giới của những nội hoang rộng ngút chân trời, đầy những hoa, những lá, những cỏ, những nụ không tên, cái thế-giới của những màu sắc mờ mờ, những hình-ảnh ẩn ẩn hiện hiện, rất quen thuộc mà không rõ-rệt, thế-giới đầy thi-vị của cái tuổi thơ. Tuổi HAI MƯƠI dấu vết thương lòng, tuổi BA MƯƠI do dự, e dè trước một ngã ba, tuổi BỐN MƯƠI bắt đầu hối-hận, tuổi NĂM MƯƠI ngậm ngùi nhớ tiếc – nhưng cái tuổi thơ là cái tuổi của TRONG VÀ TRẮNG.
Những ai có mặt tại đây hãy tự hỏi xem người nào mà không ngậm ngùi luyến tiếc cái thời ấu-trĩ của mình?
Lão cũng như các Ngài, nhưng lão đã qua, đã lâu lắm rồi, cái tuổi thơ của lão. Bây giờ thì lão đã có tóc bạc, lưng lão lại còng. Lão chỉ còn có một cái thú là đêm đêm ngồi cạnh mấy đứa cháu nhỏ, kể cho chúng nó nghe những câu chuyện cổ-tích ngày xửa ngày xưa, hứng lấy những chuỗi cười trong trẻo, những ánh mắt màu huyền của chúng, ngõ hầu sưởi ấm cái cô-quạnh lạnh-lẽo của tuổi già…....
Hôm nay, không hiểu có một cái gì lãng đãng trong không, làm cho lão càng thấy nặng trĩu tuổi già.
Hỡi các cháu, lại cả đây, ta kể cho nghe câu chuyện "Tấm Cám" rồi, chuyện "Ông bụt đất" chắc các cháu cũng không lạ gì. Để ta kể cho nghe câu chuyện... một anh chàng hay nói dối. Anh chàng ấy là thằng Cuội, Thằng Cuội ngồi gốc cây đa.
Lặng yên nào! Câu chuyện cũng không vui lắm đâu, có lẽ lại hơi buồn. Nào! ta gõ ba cái là phải lặng yên đấy! Ta gõ ba cái là câu chuyện cổ-tích bắt đầu.
Người giáo đầu lấy gậy gõ ba cái rồi vào.
Màn từ từ mở lên.
MÀN I
Một cảnh đồng, có suối róc rách chẩy, có lời gió đùa với cỏ xanh, và ngàn thông đằng xa reo theo lời gió.
Buổi sáng. Màn mở lên, sân khấu không người. Có ai hát vọng ra:
Mình về có nhớ ta chăng,
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười,
Rồi Gái vừa cười vừa chạy ra
GÁI – Cuội! Anh Cuội...anh Cuội đâu rồỉ. Thế thì thôi! Đã dặn từ hôm qua là đợi người ta ở đây mà... (gọi to) Anh Cuội! Người đâu mà chí-chá! (một lát) Con người xinh-trai như thế, hiền lành như thế, chỉ phải cái tội hay nói dối...mà sao độ này anh chàng lại hay ngớ ngẩn, ngồi cạnh mình mà cứ nghĩ đi đâu Anh Cuội! Anh Cuội!
Gái vào.
CUỘI (đi ra). –May quá, thế là mình đến đây trước Gái, không có lại bảo là hay quên, là bảo đến mà không đến, không có lại bảo là hay nói dối. Nói dối, nói dối! Sao độ này nhiều người hay bảo mình nói dối (Cuội buồn rầu ngồi xuống) Nói thật! nói dối! nói thật! của cải nhà mình, ruộng sâu, trâu nái, mình bảo là không thích, mình nói thật bụng. Thiên hạ cũng cười mình bảo là nói dối...(một lát) Mà tại sao mình không thích? Cái Gái nó gặp mình bao giờ là nói ngay đến chuyện vườn tược nhà cửa, nào là về sau sẽ cho cấy rẽ, nào là về sau sẽ dựng thêm ba gian nhà ngói, nào là vụ chiêm, vụ mùa... làm như là ở đời này chỉ có vườn tược nhà cửa là quý! (bỗng nghiêm nét mặt) Không...còn có cái quý hơn chứ! Nhưng cái gì quý hơn? Trước kia, ngồi vặt cỏ cạnh cái Gái mình cũng đã nao nao trong dạ, thấy là có một cái gì quý hơn là của cải. Nhưng bây giờ...(gục mặt xuống một lát) Sao mà mình lẩn quẩn thế này. (ngửng mặt lên) Kể ra cái Gái cũng đẹp đấy chứ. Nó lại ngoan nữa.. Nhưng hình như lại có cái đẹp hơn cả cái Gái nữa! (lắc đầu) Ấy! nói thế rồi người ta lại bảo là nói dối!
Cái Gái ra
GÁI. – Chao ôi, anh Cuội! Sao anh hay nói dối thế? Anh hẹn tôi từ hôm qua, sáng nay tôi dắt trâu ra đây..
CUỘI – Thì anh cũng vừa thả trâu ở ven suối...anh lên đây, ngồi mãi...
GÁI – Tôi đến đây từ lâu lắm...
CUỘI. – Anh ngồi đây cũng đã lâu. Mấy con sơn ca đã thôi hót. Mặt trời cũng đã khá cao. Anh ngồi một mình, chả thấy Gái đâu...
Gái nhìn Cuội một lát, ái ngại, ngồi xuống.
GÁI – Gái không thấy anh, Gái chạy xuống bờ suối, cũng không thấy anh. Gái men bờ suối, qua ngàn thông, cũng không thấy anh. Gái lại quay về...
CUỘI – Và bây giờ thì Gái thấy anh...
GÁI – Ừ!
Im lặng, Gái và Cuội ngượng ngịu ngồi cạnh nhau.
GÁI – Anh Cuội này! Sao độ này anh làm sao ấy!
CUỘI – Anh có làm sao đâu?
GÁI– Anh không như độ trước...
CUỘI – (như nói một mình) Độ trước... độ trước khác, bây giờ khác...
GÁI – Anh bảo gì?
CUỘI – (giật mình) Không! anh chả bảo gì cả...
GÁI – Đấy! Anh lại cứ thế!
CUỘI – (nghiêm nét mặt nhìn Gái) Em Gái!
GÁI – Dạ?....
CUỘI – Em nhìn kỹ anh xem, em có thấy cái gì khác không?
GÁI – (nhìn Cuội một lát) Không nhưng sao anh nghiêm thế? Độ này anh không cười nói, anh không hát...
CUỘI – Anh không dám hát nữa, con sơn ca hát hay hơn anh...
Gái. – Anh hát hay chứ, hay là em hát cho anh nghe nhá?
CUỘI – Thôi... thôi em. Lặng mà nghe thông reo.
GÁI – (dỗi) Anh hay vớ vẩn lắm. Hay là... ừ...hay là...
CUỘI – Hay là sao?
GÁI – Hay là anh không thương em Gái nữa?
CUỘI – Em Gái thì bao giờ anh chả thương...
GÁI – (phụng phịu) Anh nói dối!
CUỘI – (giật mình) Nói dối! lại nói dối (chợt hét lên) Từ rày anh cấm em không được nói đến hai chữ ấy nữa...
GÁI – (sửng sốt) Anh làm sao thế?
CUỘI– (như tỉnh cơn mê) Không! không làm sao cả. Anh xin lỗi Gái (nhỏ) Anh có nói dối bao giờ đâu?
GÁI – (sát vào người Cuội) Anh không nói dối... anh Cuội không bao giờ nói dối em Gái cả.
CUỘI – (chân thành) mà cũng chả bao giờ anh nói dối ai...Anh nghĩ thế nào thì anh nói thế. Anh thấy lời suối, tiếng chim kể lể với thông ngàn. Anh thấy...cỏ mát quá, xanh quá, anh thấy như có một cái gì lãng đãng đâu đây, đẹp hơn là anh và Gái, quý hơn là vàng, là trâu, là ruộng (một lát) Nó khó nói lắm, Gái ạ.. Đấy, anh chỉ nói có thế với người ta, rồi người ta bảo anh là bịa điều, đặt tiếng, là nói dối, là...là...
GÁI – Thôi anh đừng nói nữa... Tại sao anh lại hay nghĩ vơ vẩn đi đâu? Chúng mình sẽ chung sức mà cày, mà bừa... Chúng mình sẽ giàu có, giàu của và...(nhỏ) giàu con.
CUỘI – (có vẻ thất vọng như nói một mình) Trời ơi! ai mà hiểu được lòng mình
Có tiếng ai gọi ở phía bờ suối: Trâu của ai thả rông thế này? nó ăn cả lúa của tôi rồi...
GÁI – Thôi chết rồi, trâu của anh... Anh ngồi đây để em chạy đi buộc lại con trâu đã.
Gái vào
CUỘI (thẩn thờ) Ai mà hiểu...
Thì ngay lúc đó, một điệu nhạc nổi lên từ xa, theo gió, dần dần bay về phía Cuội. Cuội ngửng đầu ngơ ngác. Bản nhạc thành hình, lẫn với gió, với chim, với thông, với suối...Rồi một bầy Tiên Nữ ở đâu chợt hiện ra, theo nhạc điệu mà múa. Nhịp của nhạc và múa điệu hòa với cảnh vật – Cả tâm hồn Cuội rung lên như sợi tơ của một cây đàn. Cuội chưa kịp hết ngạc nhiên thì ở bầy Tiên Nữ nhẹ nhàng tách ra một người: tất cả những nét, những màu, những vần, những điệu...tất cả những điều thầm kín mà Cuội hằng ấp ủ trong tâm, đẹp hơn là Gái, quý hơn là ruộng là vườn... đã thành hình trước mắt Cuội: đó là một người đàn bà đẹp. Đó là ý niệm ĐẸP thì đúng hơn, vì người thiếu-phụ đang mê man múa giữa bầy Tiên Nữ, uyển chuyển quá, dịu dàng quá và đẹp vô cùng, đến nỗi Cuội không dám động đậy. Anh chàng có cảm tưởng là chỉ một cử chỉ phác ra là tất cả – người đẹp, nhạc, múa, gió, chim... – tất cả sẽ tan ra như sương buổi mai. Trong một phút rung động, Cuội đã cảm thấy tất cả CÁI VÔ CÙNG thu lại thành MỘT. Sự cảm động vô bờ bến ấy làm Cuội điên lên.
CUỘI – Trời ơi!
Tiếng hét làm tất cả bày Tiên Nữ đứng sững, Cuội chạy lại. Đồng thời Gái chạy ra.
GÁI – (níu lấy Cuội) Anh Cuội! anh làm sao thế này?
CUỘI – (như mê man) Tiên! Đẹp! Nhạc...
Gái. – Cái gì hở anh? Chết chửa, anh Cuội điên mất rồi...
CUỘI – Phải, anh điên, anh điên mất rồi Gái ạ, vì...đẹp quá, mà sao em lại ra đây để cho tất cả đều yên lặng? (chỉ bầy tiên nữ) Em có trông thấy gì không? Khổ chỉ tại em thôi... kìa đẹp quá, kìa, bao nhiêu là người! Kìa là con người đẹp nhất...
GÁI – Em chả thấy gì cả... Đấy là Dòng suối và ngàn thông, cánh đồng thẳng cánh cò bay..
CUỘI – Không! Đấy là... ĐẸP, em hiểu chưa...(chợt rú lên) Sao mà yên lặng thế này?
Gái ngơ ngác nhìn Cuội và bầy Tiên Nữ lại múa.
CUỘI – Đấy, em có nghe thấy không? Em có trông thấy không?
Bầy Tiên Nữ dừng múa
GÁI – Em chỉ nghe thấy tiếng thông reo...có cả tiếng suối róc rách nữa...
CUỘI – (chán nản) Không phải! người kia! Tiên kia! Người Đẹp...
GÁI – (có vẻ sợ-hãi) Anh làm sao ấy!
CUỘI – (dằn dọc) Anh không làm sao cả..!
GÁI – Thế thì anh lại... anh lại nói dối rồi!
CUỘI –(hét lên) Lại nói dối! Hà, anh nói dối, ừ thì anh nói dối đã nghe chưa? (tiến lên) Hỡi Tiên Nữ, hỡi con người mong manh mà đẹp vô cùng kia, hát lên, múa lên, múa nữa lên...để chứng tỏ rằng Cuội không bao giờ nói dối cả...
GÁI – (sợ quá) Điên rồi! Anh Cuội điên rồi!
Gái vùng bỏ chạỵ Trong khi ấy thì bản nhạc êm dịu lúc nay lại nổi lên, bầy Tiên Nữ lại tha thướt múa. Con người đẹp vô cùng cũng múa theo. Cuội mê man ngửng mặt nhìn, dáng điệu một tín đồ dâng những lời cầu nguyện...
Màn từ từ hạ.
MÀN II
TRONG NHÀ CUỘI
Cùng ngày hôm ấy. Buổi chiều.
Màn mở lên. Bố Cuội đi đi, lại lại, có vẻ tức giận, Mẹ Cuội ngồi ở phản tre, vẻ mặt lo lo lắng.
MẸ CUỘI. - Thôi ông ạ, nó có về, ông cũng đừng mắng mỏ nó...
BỐ CUỘI. – Bà chỉ chiều nó...
MẸ CUỘI. – Thì có một mình nó...
BỐ CUỘI. – Có một mình nó, mới phải dạy dỗ cẩn thận... Về sau, một mình nó cai quản cả cơ ngơi này..
MẸ CUỘI. – Về sau rồi nó sẽ khôn ra chứ!
BỐ CUỘI. – Bà làm như nó bé bỏng lắm! 18 tuổi đầu rồi! nhà người ta có phúc thì đã con bồng, con mang. Đằng này chỉ lêu lổng suốt ngày. Đã thế lại hay chí trá...; đi nói dối cha, về nói dối chú... Rồi lại vớ vẩn...
MẸ CUỘI. – Thôi...
BỐ CUỘI. – (gắt lên) Thôi cái gì? Tôi mà không nói rồi nó sẽ thành thằng điên, thằng rồ mất. À! Bà có nghe cái Gái nó nói gì không?
MẸ CUỘI – Tôi chắc chúng nó lại giận nhau...
BỐ CUỘI – Giận nhau! Giận nhau mà thầy cái Gái lại phải sang bắn tiếng muốn trả lại trầu cau...
MẸ CUỘI. – (có vẻ tức) Giả lại trầu cau thì giả chứ cần gì?...Làm như cả làng này, chỉ có cái Gái là đàn bà thôi!...Dễ thằng Cuội nó ế vợ đấy!
BỐ CUỘI – Thế nhưng cái Gái nó cứ rêu rao khắp làng, khắp ngõ, là thằng Cuội dở hơi, là thằng Cuội điên...
MẸ CUỘI. – Thì ai bịt được mồm thiên hạ?
BỐ CUỘI – Ấy thế mới tức!...Nhưng chẳng qua cũng tại bà hay nuông con. Để cho nó hư thân, mất nết đi. Học không chịu học, làm không chịu làm. Lấy vợ cũng không xong! Không hiểu rồi nó định làm cái gì? (một lát) Mà làm sao nó vẫn chưa đánh trâu về...(gọi với ra ngoài) Cuội ơi! ới Cuội ơi!
Có tiếng dạ rồi Cuội thẫn thờ đi vào. Bố Cuội nhìn Cuội một lát.
BỐ CUỘI – (với Mẹ Cuội) Đấy bà xem! cứ như là thằng mất hồn. (với Cuội) Thằng kia! Mày đi đâu mà mãi bây giờ mới về?
CUỘI – Con đi xem tiên múa!
Bố Cuội sửng sốt, Mẹ Cuội như chưa nghe rõ,
BỐ CUỘI – Mày nói cái gì? Mày đi xem gì?
CUỘI – Con đi xem tiên múa! Bố ạ! Tiên đẹp lắm kia! Tiên múa khéo lắm kia!
Mẹ Cuội đứng dậy
BỐ CUỘI – Bà mày ôi! Thôi đích rồi! Thằng Cuội nó điên mất rồi!
Hai vợ chồng già nhìn nhau một lát
Hay là...hà! hay là mày lại giở cái thói chí chá... Mày là hay nói điêu, nói dối..
CUỘI – (nhìn bố một lát) Vâng, có lẽ con nói dối đấy. Con đi chăn trâu!
Hai vợ chồng thở dài. Mẹ Cuội lại ngồi xuống
BỐ CUỘI. – Thế sao mày lại bảo là...Thôi tao không thèm nghe mày nói nhảm, nói nhí nữa!.. Thế sao chăn trâu mà lại để trâu nó đi ăn càn sang ruộng người ta...mà mày làm gì cái Gái mà để nó rêu rao lên là mày điên, mày rồ.. (dằn giọng) Này! người ta giả lại cau trầu rồi đấy! Thế là phí cả công sêu với tết!
CUỘI – Thế à? Thế thì càng hay!
BỐ CUỘI. – Càng hay! mày nói dể nghe nhỉ! Không lấy vợ thì rồi mày làm gì hở thằng kia?
CUỘI – Con đi tìm Tiên.
MẸ CUỘI. – (lo lắng, với Bố Cuội) Ông ạ, hay là ma làm? Tôi phải cúng cho nó mới dược!
BỐ CUỘI. – Ma nào? Bà cứ yên, để tôi xem! Hừ đi tìm tiên! Này thằng kia!
CUỘI – Dạ....
BỐ CUỘI. – Mày muốn đi tìm Tiên rồi tao sẽ cho đi tìm Tiên. Nhưng nếu có đi thì đừng quay về nữa nhá! Ruộng nương, nhà cửa rồi tao cúng vào chùa hết, đã nghe chưa?
CUỘI – Tiên đẹp hơn ruộng chứ!
MẸ CUỘI. – Thôi đích rồi (thút thít) Con tôi bị ma làm rồi! Tôi đã bảo là ven bờ suối lắm ma lắm!...
CUỘI – Không phải ma đâu mẹ ạ.. Tiên cơ! Tiên múa, Tiên hát! Khổ quá, con không bắt chước được! Hay là đến mai mẹ ra đấy với con mà xem...Đẹp lắm kia mẹ ạ..
Chợt ở đâu lại, vẳng lên một vài âm thanh quen thuộc
Bản nhạc nơi cánh đồng buổi sáng dìu dặt vang vang...
Đấy! Đấy mẹ có nghe thấy không? Hay quá! chao ôi!
Mẹ Cuội như thất vọng, ngồi xuống lau nước mắt.
BỐ CUỘI. – (nắm lấy vai Cuội mà lay) Nghe cái gì? Tao chẳng nghe gì sốt cả.. Mày chí chá vừa vừa chứ...Liệu không có thì ông tống cổ đi...
CUỘI – (điềm đạm) Bố thì nghe thế nào được? Đến cái Gái cũng chả nghe thấỵ..
BỐ CUỘI. – Tao không nghe thấy... Hừ! Tao chỉ nghe thấy người ta chửi vào tận tai tao thôi! (dậm chân) Sao mà tôi vô phúc thế này!
Bản nhạc tắt...
CUỘI– (như trách bố) Chỉ tại bố thôi! Thế là hết!
BỐ CUỘI. – (lồng lộn) Tại gì tao? Mà cái gì hết hở thằng kia? (với Mẹ Cuội) Mẹ thằng Cuội ơi, tôi chết mất! Thằng kia! Mày cứ đứng đấy rồi tao bảo cho. Tao cho mày mấy gậy để xem Tiên còn múa, còn hát nữa không...
Bố Cuội ra
MẸ CUỘI. – Con ơi! sao con lại thế?
CUỘI – Mẹ ơi! Thế lúc nẫy mẹ có nghe thấy gì không?
MẸ CUỘI. – Mẹ chỉ nghe thấy gà ở chuồng cục tác thôi...À! lại còn tiếng chuông chùa đằng xa nữa...
CUỘI. – Không phải! Tiếng đàn kia, tiếng hát, tiếng sáo...(chợt thổn thức) Mẹ ơi, sao con khổ thế này?
MẸ CUỘI. – (thút thít) Con đừng! Con đừng khóc con!
CUỘI. – Con muốn nói rõ, mà không nói được...Con nhìn thấy, rõ ràng là con nhìn thấỵ..
MẸ CUỘI. – Con nhìn thấy gì?
CUỘI – (mặt sáng lên) Con nhìn thấy một bầy Tiên nữ... Con nhìn thấy một người đàn bà vô cùng là đẹp...đẹp đến nỗi lòng con nức nở...
MẸ CUỘI. – Đẹp hơn cả cái Gái hở con?
CUỘI – (như trách mẹ) Sao mẹ lại ví cái Gái với Tiên?
MẸ CUỘI. –(một lát) Con ơi, con có thương mẹ không? Con có nghĩ đến mẹ không?
CUỘI – Con không thương mẹ thì còn thương ai nữa?
MẸ CUỘI. – Thế thì con phải...
CUỘI – Mẹ muốn con quên, có phải không mẹ? Con muốn lắm mẹ a....
Nhưng không thể được mẹ a....Hình như bắt đầu từ giờ giở đi... là con phải làm cái gì...
MẸ CUỘI. – Làm cái gì hở con?
CUỘI – Nào con có biết? Có lẻ là đi tìm người đàn bà ấỵ..Có lẽ là cầu nguyện...
MẸ CUỘI. – Bố con chả nghe đâu!
CUỘI– Thì con đành chịu, chứ làm thế nào! (một lát) Cái số con nó thế mẹ ạ....
MẸ CUỘI. – Con đừng nói thế...Con ơi, kìa bố con lại vào kia!
Bố Cuội vào, tay cầm một cái gậy tre.
BỐ CUỘI. – Nào xem mầy còn bướng nữa không...thằng Cuội!
MẸ CUỘI. – (ôm lấy bố Cuội) Thôi ông, tôi xin ông! Ông tha cho con...
CUỘI – (vẫn điềm đạm) Bố ơi! Bố không phải đánh con đâu! Bố không phải đuổi con đâu! Con xin phép bố và mẹ, con đi...
MẸ CUỘI. – (lại thút thít) Đấy ông xem...
BỐ CUỘI. – Hà! mày đi... mày đi thì đừng hòng quay về nữa nhá! Ruộng nương, nhà cửa..
CUỘI – Ruộng, nương, nhà cửa..
BỐ CUỘI. – Phải! Ruộng nương nhà cửa rồi tao cho hết, tao bố thí đi hết, đã nghe chưa?
CUỘI – Ruộng nương nhà cửa cũng không bằng múa, hát...
BỐ CUỘI. – Tao sẽ giả lại trầu cau nhà cái Gái...
MẸ CUỘI. – (khóc lên tiếng) Ông ơi!
CUỘI – Cái Gái đẹp thế nào bằng người đàn bà vô cùng là đẹp của ta (quay lại mẹ) Thôi con xin phép bố mẹ con đi...
Nhạc vẳng đưa lên.
Ô kìa! tiếng sáo lại bắt đầu lên giọng...Tiếng sáo cao vút...Cả hát nữa..
Cuội đi vào.
BỐ CUỘI. –(với mẹ Cuội, giọng nước mắt) Nó đi thật rồi, bà ơi..
MẸ CUỘI. – (khóc thét lên) Con ơi...
Bố Cuội và Mẹ Cuội sững sờ nhìn theo phía Cuội vào. Và khi bản nhạc êm dịu nơi cánh đồng, sắp sửa thành hình thì màn từ từ hạ.
MÀN III
Một nẻo đường cạnh một cánh đồng. Đằng xa mờ mờ hình núi. Ở ngay vệ đường có một cây đa to
Ba năm sau, đêm một hôm rằm mùa thu
Màn mở lên, sân khấu không người. Có tiếng trẻ con reo
A! A! Thằng điên...Thằng điên. Không phải thằng điên! Thằng Cuội đấy anh em ạ.. Không phải thằng Cuội...Chính rồi! Thằng Cuội hay nói dối đấy mà... Ném, ném, anh em ơi...Ô kìa nó chạy.. Ha, ha! Nó ngã kìa..
Cuội lảo đảo chạy ra, quần áo sộc sệch, vai đeo khăn gói, tay chống gậỵ
Tiếng trẻ con xa dần...Im lặng.
CUỘI – (chán nản ngồi xuống vệ đường, ngay gốc cây đa) Chao ôi mệt quá..
Đường thì dài, không biết ta còn đủ can đảm mà đi nữa không? (một lát) Ta lên đường đã ba năm rồi. Trong ba năm nay, ta chỉ biết có đi, giải niềm tâm sự trên bao nhiêu là thiên lý. Ta đã gặp biết bao nhiêu là người. Với ai ta cũng muốn hỏi, muốn tìm tòi, muốn ngỏ tấm lòng chân thật của ta. Với ai, ta cũng thất vọng. Giữa ta và họ, hình như có cả một bức tường dày đặc. Và ta luôn luôn thui thủi một mình.
Ta đã từng ra giữa chợ mà kêu lên tất cả những âm-u, uất-ức, ủ kín trong lòng. Ta đã cố tả cho cả đám đông buôn bán ấy, những hình ảnh tuyệt đối là tươi đẹp, một sớm, đã hiện lên trước mắt ta. Những ngôn ngữ của người đời thô-sơ quá và ta đã phải khóc vì tự thấy mình bất-lực khi muốn dệt lại những uẩn-khúc vô cùng tế-nhị cuả nỗi cảm-xúc thần-tiên của ta. Người đời cười vào mặt ta mà bảo ta là nói dối. Họ lại còn coi ta là một thằng rồ. Vài ba bậc trưởng-giả gật gù mà hỏi lại ta rằng:" Người đẹp có làm cho dân giàu không? Nhạc hay có làm cho dân ngoan không?" Ta còn biết giả nhời ra sao? Ta lại chỉ biết có đi...đến nỗi đã có những nàng thiếu-nữ của phố phường nguyền rủa ta, khi thấy ta chỉ biết mê theo một cái bóng mà hững hờ với người thật.
Nhưng làm thế nào được? Thiên hạ có tai mà không được nghe, có mắt mà không thể nhìn. Ta tự thấy mang nặng cái sứ-mệnh là nghe và nhìn cho thiên-hạ... để rồi... (thở dài) để rồi làm gì? Hỡi ơi! điên rồ thay mà cũng lận đận thay là số-mệnh của ta!
Ba năm rồi, ba năm bị hất hủi, luôn luôn mình bạn với mình, ba năm lủi thủi trên khắp các ngả đường, ba năm khô-khan, nhưng cũng là ba năm chờ đợi, ba năm đầy hy-vọng, tin tưởng rằng bóng-dáng người xưa rồi ra thế nào cũng xuất-hiện – ở ngay một lối quặt, theo hút một ven đê, ở giữa một giấc mê, chập chờn len vào những giấc ngủ chập chờn...
Im lặng một lát. Gió nổi tự đâu đâu. Lúa đồng sào sạc. Mặt giăng tròn vạnh rỡ ràng.
CUỘI – Giăng sáng quá. Có lẽ ta lại phải lên đường... (đứng dậy rồi lại ngồi xuống) Sao đêm nay ta chợt thấy đường dài quá! Không có lẽ lòng tin-tưởng của ta lại bị lung laỵ.. (một lát) Trời! nếu ngay bây giờ mà một vài cung nhạc quen thuộc năm xưa lại được ai dạo lên, rồi một vài thấp thoáng lả-lướt...Chỉ thế thôi, là ta sẽ rũ nhẹ được hết, bao nhiêu lận đận, điêu-linh của mấy năm xê dịch (Cuội đứng phắt dậy nhìn trăng) Ta không thể chờ đợi được nữa. Ta không muốn đi nữa. Ta sẽ ở lại đây cho đến khi bản nhạc thành hình. Hỡi con người đẹp vô cùng, hỡi con người mong manh của năm xưa, hãy hiện lên, với giăng, với gió, hãy hiện lên và dìu nhạc lên cùng...
Người đàn bà năm xưa đã hiện ra tự lúc nào.. Một vài âm-thanh của bản nhạc cũ len vào giữa hai đợt gió
HẰNG NGA. – (người dàn bà đó là Hằng-Nga) Ta đây!
Cuội giật mình ngoảnh lại. Ánh giăng rằm soi tỏ mặt người xưa. Một phút im lặng. Bản nhạc thành hình.
HẰNG NGA. – Ta đây!
CUỘI. – (một mình) Ba năm chờ đợi! Ta biết nói gì bây giờ? (một lát, ngập ngừng, với Hằng-Nga) Nàng đến... có một mình?
HẰNG NGA. – Bao giờ mà ta chả một mình?
CUỘI – Còn bầy Tiên-Nữ năm xưa, ca, múa?
HẰNG NGA. – Bầy Tiên-Nữ cũng là ta..
CUỘI. – Cũng là nàng? Ồ lạ nhỉ! Vậy nàng là ai, hỡi con người khó hiểu?
HẰNG NGA. – Chàng cứ gọi ta là Hằng-Nga...
CUỘI – Nhưng nàng ở đâu lại? Rồi nàng sẽ đi đâu? Nàng làm gì? Nàng hằng nghĩ những gì?
HẰNG NGA. – Đừng hỏi quá nhiều, chàng ơi.. Ta không quen giả nhời, giảng giải hay tâm sự cùng ai đâu.. Ta là ánh của Giăng, Ta là nhịp của nhạc, ý của Thơ.. Ta là... ta chẳng là gì cả, chàng ạ...
CUỘI. – Nàng không là gì mà dòng dã đã ba năm nay, không lúc nào mà ta không nghĩ đến nàng...
HẰNG NGA. – Và chàng sẽ nghĩ đến ta mãi mãi..
CUỘI. – Vậy ra ta cứ sẽ phải luôn luôn xê dịch...
HẰNG NGA. – Để luôn luôn theo đuổi cái bóng dáng muôn hình vạn trạng của ta. Trước chàng, đã bao nhiêu số kiếp long đong như thế rồi. Có những linh-hồn đã tưởng nắm giữ được ta trên một bức họa, trong một bài thơ.. nhưng chính những linh-hồn ấy đã bị ta nắm giữ...
CUỘI – Nhưng tại sao lại là ta, hỡi con người ác nghiệt? Ta không biết vẽ.. ta chẳng bao giờ làm thơ..
HẰNG NGA. – Dó là cái DUYÊN giữa ta và chàng.
CUỘI – Đó là SỐ MỆNH!
HẰNG NGA. – Gọi là gì mà chẳng được?
Im lặng một lát. Cuội đắm đuối nhìn Hằng-Nga. Chàng bỗng như điên, sô lại. Hằng-Nga thét lên cười. Tiếng cười làm Cuội đứng sững. HẰNG NGA. – Vô ích! Ta làm gì có xương, có thịt? Ta không có cả linh-hồn..
CUỘI. – Không xương, không thịt..không cả linh-hồn...Ngươi là ai? ngươi là ai, hỡi con người đẹp vô cùng mà lạnh như băng kia?
HẰNG NGA. – Lặng yên! Lặng yên... Ta sẽ giả nhời cho chàng biết. Ta là...
Hằng-Nga phất cánh tay. Bản nhạc cũ năm xưa dìu dặt trong đêm trăng. Hằng-Nga thoắt đã đứng giữa một bầy tiên nữ: cả nhạc, Hằng-Nga, cả bầy tiên nữ quay cuồng với giăng, với gió...Tâm hồn Cuội chơi vơi..
Và khi Cuội bàng hoàng như chợt tỉnh cơn mê thì nhạc đã tắt, Hằng Nga và bầy tiên nữ đã biến đi tự bao giờ... Ánh trăng soi suông xuống một gốc đa cằn cỗi và một nẻo đường thẳng vút, xa xa..
CUỘI –(im lặng một lát rồi cầm gậy, đeo khăn gói lên vai) Nào bây giờ thì ta lại lên đường...
Màn từ từ hạ
MÀN KẾT
NGƯỜI GIÁO ĐẦU – Đến nay là chấm hết câu chuyện thằng Cuội. Câu chuyện, như lão đã nói trước, không được vui lắm, mà có lẽ lại hơi buồn: thằng Cuội không lấy được vợ đẹp, thằng Cuội không làm được quan to. Thằng Cuội lại còn bị người yêu ruồng rẫy, bố mẹ từ, để rồi suốt đời chống gậy, lê chân khắp các ngã đường...
Nhưng thằng Cuội không nói dối. Nó chỉ có một tội là đã nhìn thấy những cái gì mà cái đám người đồng thời với nó, cái đám người vừa quay cuồng trên sân khấu, không nhìn thấy. Và tự nhiên, thằng Cuội phải mang nặng cái số kiếp điêu-linh của những người đầu tiên cảm-thông với chân lý..
Đến nay, lão mới thấy là đã làm thầy cãi không công cho một anh chàng mà cái tên đã thành đồng nghĩa với sự nói dối. Nhưng cũng không sao! Vì riêng lão, lão thấy có rất nhiều thiện-cảm với anh chàng Cuội. Có phải là vì cái tính gan-góc rất trẻ của anh chàng một mình thui thủi đuổi theo một nhịp nhạc mà anh ta cho là CHÂN-LÝ? Có phải là vì cái tính trong sạch mê say LÝ-TƯỞNG của một thanh-niên? Hay có lẽ là vì quay về dĩ-vãng, lão cũng đã, một đôi lần, thấy chập chờn trước mắt những màu, sắc, nét hình của một HẰNG-NGA.. của lão?
Lão cũng không hiểu.. Lão chỉ băn khoăn một nỗi là không biết câu chuyện cổ tích vừa kể có làm vui tai các ngài? Không biết là Cuội có gột được tiếng oan muôn thủa? Hay là.…..các ngài cũng lại cho lão là nói dối... nói dối như thằng Cuội của lão.
Người giáo đầu từ từ cúi đầu chào và chống gậy thong thả đi vào
Vũ Khắc Khoan