Post by sheen on Nov 11, 2024 3:17:09 GMT -6
Đi đường biển ra cù lao Xanh, thường có 2 cách:
- Đi bằng tàu gỗ, mỗi ngày có 2 chuyến ra đảo lúc 8g và 13g. Từ Cù lao Xanh về Qui Nhơn cũng có 2 chuyến, rời đảo lúc 7g và 15g. Sau khoảng 2 giờ đồng hồ lênh đênh trên biển, tàu đến Cù lao Xanh.
- Phương tiện di chuyển nhanh hơn, chỉ cần chưa tới 30 phút đã ra tới đảo, đi bằng ca nô nhựa Composit, giá vé cao hơn tàu gỗ nhiều lần. Tàu nhanh thường được ghép đi chung với những khách khác, khởi hành trong khung giờ 8g-9g và chiều về 14g-15g.
Thời tiết nắng đẹp và trời không có gió, sóng êm biển lặn nên tụi mình chọn đi tàu gỗ, chạy tà tà lênh đênh trên biển, mong tìm thấy được phần nào cảm xúc của ngày xưa, cũng trên những chuyến tàu gỗ như vậ . Không còn là nôn nao háo hức của những chàng thiếu niên ở độ tuổi đang lớn mà bây giờ trong lòng tụi mình tràn ngập kỷ niệm về "những ngày xưa thân ái", từ mấy chuyến được ra đảo năm nào, đã lâu rồi.
Cảnh và vật thay đổi nhiều lắm. Ngày xưa, lúc tàu gỗ cập bến tụi mình theo thứ tự, từng đứa mang ba lô nhảy xuống biển và lội vào bờ. Bây giờ đã có cầu cảng bằng bê tông, tàu thuyền vào tới bến, khách chỉ bước vài bậc là lên cầu cảng an toàn. Gặp lúc biển động, có sóng to gió lớn, mọi người sẽ được trung chuyển bằng ghe nhỏ, từ tàu gỗ vào bờ.
Khu dân cư xóm chài nằm ở bãi biển phía nam đảo, dưới chân núi hải đăng và nhìn về phương Nam. Ngày xưa, trong thời chiến tranh đời sống bấp bênh, nhà cửa tạm bợ - lụp xụp - xiêu vẹo, giờ đây tình hình đã tốt hơn trước rất nhiều. Nhiều nhà gạch mái ngói, kiên cố - vững chắc - khang trang, không hiếm nhà lầu đúc, thậm chí có cả khách sạn vài sao và 5 tầng ngay bên bờ biển!
Một chợ Lồng nho nhỏ ngay trên bãi biển, chắc tiện cho mấy ghe đánh bắt cá đem hàng lên, nhưng thấy không được thẩm mỹ. Nếu xây dựng chợ ở một chỗ khác gần đó chắc vẫn phục vụ tốt cho việc mua bán và sẽ đẹp hơn, sạch sẽ hơn đối với qui hoạch cho một bãi biển du lịch.
Đất nước phát triển, du lịch cũng nở rộ. Nhưng du lịch Cù lao Xanh rất tiếc vẫn còn là du lịch "Sáng đi chiều về", rất ít khách nghỉ đêm trên đảo. Cơ sở lưu trú, nhà nghỉ - khách sạn - Homestay đã có một số nhưng tiêu chuẩn còn rất sơ sài và không tương ứng với giá phòng.
Sau một hồi tìm kiếm, hai đứa thuê được chỗ trọ tàm tạm, chỉ có 2 cái giường nhỏ và mấy cái ghế nhựa. Ba lô đồ đạc cứ bày ra dưới sàn nhà, WC và phòng tắm dùng chung với những khách khác. Tình trạng này làm mình nhớ tới căn phòng trống rỗng ở khách sạn trên đảo Ngọc Vừng trên vịnh Bái Tử Long, ở đây còn tệ hơn!
Từ trong xóm , đi len lỏi qua mấy ngõ nhỏ, gặp con đường đi tắt và những bậc thang dẫn lên khu vực hải đăng. Ngày xưa, cả bọn vác ba lô nặng trên vai, đi theo con đường ven núi lên hải đăng giữa trời nắng chói chang, thấy đường dài lắm, mệt đứ đừ mà bây giờ sao cảm giác đường dài vất vả không có? Có thể bây giờ đi lối tắt, không mang vác ba lô nặng nề và trời đã ngã về chiều không bị nắng nóng, và nhất là tư thế đi chơi, nghỉ ngơi an dưỡng nên cái nhìn và tâm trạng cũng khác hơn chăng?
Từ sự kiện một tàu thủy bị chìm vì đụng phải đá ngầm tại vùng biển quanh đây, năm 1890 chính quyền thuộc địa Pháp xây dựng một hải đăng trên đỉnh núi đảo Poulo Gambir - Cù lao Xanh. Bản thân hải đăng cao 19m nhưng xây trên núi nên tính từ mặt nước biển lên, có độ cao là 119m .
32 bậc thang từ mặt đất lên tới phần đế của hải đăng. Leo thêm 58 bậc trên cầu thang xoắn ốc, chúng ta lên đến khu vực ngọn, nơi có đèn hải đăng. Chu kỳ đèn quay là 12 giây, gồm 3 tia ngắn và 1 tia dài. Vì vậy, nhìn từ xa ta thấy đèn ở hải đăng như tia chớp nhấp nháy và chiếu sáng xa 27 hải lý = 50km.
Từ trên cao 119m, khách có được cái nhìn toàn cảnh - Panorama. Bên dưới chân núi, phía nam là xóm chài, chợ Lồng, cầu tàu và bãi tắm. Hướng tây là đất liền, bãi biển Xuân Hoài và Bãi Nồm thuộc huyện Sông Cầu tỉnh Phú Yên, hiện ra trước mắt với bãi cát trắng chạy dài, chỉ cách 9km, chưa tới 1 tiếng đồng hồ đi bằng tàu gỗ.
Nhìn về hướng bắc, nguyên hòn đảo Cù lao Xanh trải dài, rừng cây xanh với những bãi tắm cát mịn và khu cắm trại dã ngoại ở bờ tây và tây-bắc, xa hơn nữa là thành phố Qui Nhơn, cách 23km. Những rạn san hô còn sót lại trong vùng biển phía bắc đảo, những bãi biển những vịnh - vũng nho nhỏ bên vách đá cao của bờ phía đông-bắc. Hướng đông là Biển Đông của tổ quốc Việt Nam bao la - hùng vĩ - vô tận, vươn ra tới quần đảo Hoàng Sa.
Bên cạnh hải đăng có một ngôi nhà rất to, dùng làm trạm vận hành cho ngọn đèn biển, cũng là nơi ở và làm việc của viên quan Pháp hơn một trăm năm trước. Ngôi nhà đồ sộ, được xây dựng rất kiên cố, móng bằng đá tảng, tường dày gần nửa thước, chống mưa - chống nóng - chống gió - chống lạnh và kể cả chống bom đạn đều hiệu quả.
Nhà công vụ có kích thước 10m x 40m, gồm 2 tầng và 16 phòng. Đặc biệt , có một tầng hầm đựng nước rộng 4m x 9m và sâu 2,5m. Nắp hầm có vị trí gần cửa ra vào ở phía đông. Buổi trưa trời nóng nên khi xưa tụi mình không nằm chen chúc trong lều vải mà "di tản" vô nhà, cởi trần nằm dưới sàn gạch bông, rộng thênh thang, mát lạnh.
Nước mưa được hứng trên sân thượng, qua một hệ thống ống dẫn có lưới lọc rác và bụi, chảy xuống tầng hầm. Nước sạch được tích trữ đủ dùng quanh năm suốt tháng, xài hoài không hết.
Hải đăng Cù lao Xanh - Qui Nhơn là một trong vài hải đăng hiếm hoi ở nước ta, "xuất đầu lộ diện" rất sớm, vào cuối thế kỷ 19. Năm 1992, bưu chính Việt Nam đã phát hành bộ tem "Đèn biển" gồm 4 mẫu tem, kích thước 24mm x 43mm do họa sĩ Nguyễn Thị Sâm thiết kế. Bộ tem này giới thiệu 4 ngọn đèn biển gồm: Hải đăng Long Châu - Hải Phòng, Cù lao Xanh - Qui Nhơn, Vũng Tàu - Cap Saint Jacques, và Cần Giờ - Sài Gòn.
Sau bao nhiêu năm, hải đăng và ngôi nhà công vụ to lớn cũng vẫn như xưa. Mấy cây bàng cổ thụ cũng như thưở nào, vẫn còn đứng đó trơ gan cùng tuế nguyệt, được cộng thêm 50 năm tuổi đời. Hai đứa rảo từng bước chậm rãi, như cố tình tìm lại hình ảnh tươi đẹp êm đềm của những ngày tháng cũ.
Dù đã mỏi gối chồn chân nhưng hai đứa vẫn cố gắng từng bước từng bước thầm leo lên tới đèn hải đăng ở vị trí cao nhất, để được nhìn toàn cảnh Cù lao Xanh, mong rằng không phải là lần cuối cùng!
Trên đường xuống xóm, theo con đường nhỏ ven triền núi gần hải đăng, có ngả quẹo bên phải, ghé qua một công trình được ngân hàng BIDV tài trợ. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và hội Sinh viên Việt Nam cùng xây xong năm 2015: Cột cờ Tổ Quốc.
Tọa lạc trên đỉnh một ngọn đồi. Cao 22,66m, thân đế hình trụ vuông 2,2m x 2,2m cao 5m trên diện tích sàn 1.200 mét vuông, Cột cờ Tổ Quốc xây bằng đá hoa cương - Granit vững chắc, có ghi rõ chủ quyền - kinh độ - vĩ độ của đảo Cù lao Xanh, hướng ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngoài Biển Đông với ý nghĩa khẳng định chủ quyền biển đảo của chúng ta.
Từ chỗ Cột cờ Tổ Quốc hiện nay, từ xưa đã có một lối mòn, đi len lỏi giữa những "cỏ cây chen đá lá chen hoa" chừng vài trăm thước đường núi hiểm trở, sẽ gặp biển ở mặt phía đông đảo. Nơi đây không có bãi biển thơ mộng với những bãi cát trắng mịn mà chỉ toàn những vách đá.
Mấy anh đội trưởng , tuy mới học lớp 10 nhưng đã có tác phong đàn anh , thông thạo kỹ năng sinh tồn trong thiên nhiên hoang dã và đầy tinh thần trách nhiệm, chuẩn bị rất cẩn thận chu đáo để anh em được an toàn, không bị xảy ra tai nạn, dù rất nhỏ.
Những anh em nào bơi lặn giỏi được chọn vào nhóm trinh sát, "điều tra nghiên cứu" hiện trường, chia nhau bơi để coi sóng giập sóng vỗ vào vách đá có mạnh không, nguy hiểm đến cở nào? Sau đó còn lặn xuống để ước chừng vũng nước sâu bao nhiêu thước? Cuối cùng là cẩn thận lấy giây dù loại to, căng ngang trên mặt nước cao bằng tầm tay với, gần khu vực anh em nhảy từ trên cao xuống nước để đề phòng có trường hợp cần cứu hộ.
Hồi đó những anh em chúng mình tham gia mấy cuộc thám du biển như thế này đều là những thiếu niên cở lớp 9 nhưng đã là những tay bơi tương đối khá, hầu như sáng nào cũng rủ nhau ra tắm ở bãi biển trước trường Nữ trung học Qui Nhơn.
Còn nhớ cả bọn leo lên mấy mỏm đá cách mặt nước từ 5m tới 7m, cắm đầu hoặc nhảy thẳng người xuống nước rồi lặn thêm một hơi dài xuống gần chạm đáy. Nước trong veo, thấy đá và cát dưới sâu nhưng lặn hoài vẫn không tới đáy.
Ngày đó, tụi mình phải chuẩn bị ba lô đầy đủ đồ đạc để "tự lực tự cường" và toàn là đi bộ. Riêng thiếu đoàn Đống Đa tụi mình, khi nấu nướng không được mồi lửa bằng xăng dầu, không được xài đồ hộp, vì như vậy bị cho là yếu kém. Nồi niêu xoong chảo phải dùng tay bốc cát thay thế cho xà bông cà rửa cho hết dầu mỡ. Mình không tham gia chuyện "khói lửa" lúc nấu nướng nên được giao công việc cọ rửa nồi niêu xoong chảo.
Mình không có số nấu nướng. Lúc còn là đội viên thì có anh Tòng đội phó tất bật lo chuyện cơm nước cho cả đội. Lúc lên làm đội trưởng thì may mắn có bếp trưởng - Hỏa đầu quân Nguyễn Tấn Việt - Việt Cồ, phụ trách tận tụy việc đi chợ mua thực phẩm tươi và bếp núc khói lửa.
Nhớ hoài, mỗi lần đưa số tiền ít ỏi từ quỹ tài chánh của đội để đi chợ, Việt Cồ vẫn mua được 200g - hai trăm gam thịt bò, và hóa phép cho cả đội 12 đứa, tuổi đang lớn, có được mâm cơm đầy đủ mấy món, có món xào thịt với rau - củ - quả thơm phức và canh cũng có thịt ngon.
Để chia khẩu phần cho công bằng và vệ sinh , lúc lên "nắm" đội Beo mình đưa ra chủ trương cải cách và được cả đội đồng ý là không dọn các món ra tràn lan để rồi ăn chung mà chia khẩu phần giống nhau vào từng cà mèn, không phân biệt "chức vụ" trong đội. Không biết như vậy có phải bây giờ gọi là "tập trung dân chủ" hay không?
Riêng Hồ Văn Chánh được khẩu phần đặc biệt nhiều vì Chánh to con, ba lô rất nặng và cồng kềnh vì có nhiệm vụ mang cái lều to và đồ đạc lỉnh kỉnh của đội. Tinh thần Tự do - Bình đẳng - Bác ái đã thấm nhuần vào tư tưởng và hành động của tụi mình từ lúc còn là thiếu niên.
Được giáo dục, đào tạo tương đối tốt, cộng với tinh thần gắn bó với quê hương đất nước trong sáng nồng nàn như vậy từ lúc còn rất trẻ mà lúc lớn lên trưởng thành thì không có đứa nào ở trong bộ máy "cầm quyền" tại Việt Nam mà toàn là chạy đi tứ xứ, làm việc cho Mỹ - Pháp - Đức - Canada - Úc. Thật là trớ trêu!
Được chính phủ Pháp mời qua thăm nước Pháp với tư cách nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên máy bay từ phi trường Gia Lâm ngày 31 tháng 5 năm 1946, có tướng Pháp Raoul Salan tháp tùng. Thời đó phải bay nhiều chặng, ghé qua rất nhiều quốc gia rồi mới tạm đến thành phố biển Biarritz của Pháp bên bờ Đại Tây Dương, vì Pháp đang rối về chính trị, đang bầu thủ tướng và sắp xếp nội các mới.
Và có một chuyện ít ai được biết, kể cả các Hướng Đạo Sinh. Cũng trong ngày lên đường bay qua Pháp, sáng sớm ngày 31 tháng 5 năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp gửi thư đến Hội Hướng Đạo Việt Nam, rất vui lòng nhận lời làm Hội trưởng danh dự của Hội Hướng Đạo Việt Nam. (Xin coi trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4 trang 245) .
Rất nhiều cán bộ cách mạng lão thành, lãnh đạo chóp bu của Việt Nam bất kể chế độ nào, có xuất thân từ phong trào Hướng Đạo như: Đại tá Nhà giáo Nhân dân Hoàng Đạo Thúy, chủ tịch UBND Hà Nội bác sĩ Trần Duy Hưng, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, nhạc sĩ Hoàng Quí, nhạc sĩ Tô Vũ, nhạc sĩ Tô Hải, thủ lãnh thanh niên Tiền Phong bác sĩ Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch, Giáo sư Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, Giáo sư bác sĩ Tôn Thất Tùng, Hùm Xám đường số 4 trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt, trung tướng Cao Văn Khánh . . .
Ở miền nam cũng có nhiều vị huynh trưởng Hướng Đạo như: Trưởng Trần Văn Khắc, Ông Trần Văn Tuyên, Giáo sư bác sĩ Phạm Biểu Tâm, Giáo sư Cung Giũ Nguyên, Giáo sư Trần Văn Khê, Bác sĩ nha khoa Nguyễn Văn Thơ ... và còn rất nhiều người nữa. Toàn nhân tài đất Việt, toàn là những người tài giỏi - hào hoa - phong nhã.
Mọi người đều biết và thấy rõ lợi ích cho xã hội và cộng đồng từ phong trào Hướng Đạo, có Chủ tịch Hồ Chí Minh là Hội trưởng danh dự từ năm 1946 nhưng cho tới hôm nay phong trào Hướng Đạo Việt Nam vẫn chưa được cấp giấy phép thành lập hội để hoạt động chính thức, góp phần giáo dục thanh thiếu niên ở nước ta. Thật là đáng tiếc và vô cùng thiệt thòi cho thế hệ con em của chúng ta.
Cù lao Xanh không có nhiều khách ở lại qua đêm hoặc nghỉ ngơi dài ngày nên trong xóm chưa có hàng quán mà khách thường nhờ nhà trọ lo dùm chuyện ăn uống. Buổi tối , hai đứa mình được ghép vào một bàn tròn, có mấy món đặc sản của đảo, dùng bữa chung với một nhóm bạn trẻ, rất vui.
Mấy chục năm nay, ngồi vào bàn ăn của người Việt Nam ta, nhứt là khi dự tiệc, mình rất dị ứng và ngao ngán lẫn với đau khổ khi thấy đồ ăn thường được bày ra ngồn ngộn và lần nào cũng bị phải chứng kiến thức ăn còn thừa mứa rất nhiều. Mỗi lần như vậy, mình đều bồi hồi nhớ lại cảnh cả đội Beo mười mấy anh em sung sướng - vui vẻ - hạnh phúc cùng nhau vét sạch tới miếng cơm cuối cùng trong cà mèn.
Đi lạc vào chuyện đời sống Hướng Đạo hơi nhiều nhưng đây là những kỷ niệm, những chuyện đã xảy ra trong mấy dịp ngày xưa tụi mình được cắm trại trên đảo này. Xin được quay lại Cù lao Xanh ngày nay!
Hôm sau, thuê một chiếc xe máy cũ mèm rệu rã, chở nhau đi khám phá một vòng quanh đảo. Ngày xưa chỉ có mấy lối mòn, chủ yếu là con đường hẹp đi lên hải đăng. Bây giờ đã có con đường bê tông rộng 3m chạy từ trong xóm chài lên phía bắc đảo ven theo phía tây, rồi quay về lại bên núi phía đông đảo. Xe máy chạy dễ dàng - thoải mái - an toàn.
Đường vòng quanh đảo chủ yếu chạy giữa những rừng cây phi lao, loại cây giữ đất, thích hợp với khí hậu miền biển nhiều gió. Bắt đầu ở cầu cảng, vòng qua bãi tắm trong xanh tên là Bãi Nhỏ. Đường vòng, chạy ở trên lưng chừng núi, ven theo triền bờ tây, nhìn xuống là những bãi tắm nho nhỏ cát trắng đẹp hoang dã. Xa xa là đất liền của tỉnh Phú Yên.
Đường vòng quanh đảo đi giữa rừng cây phi lao
Sau một đoạn đường khoảng chừng 2 cây số, có ngả quẹo trái đi xuống bãi biển Gala và Khu Dã Ngoại Cù lao Xanh. Bãi tắm này được nhiều người, nhiều nhóm du lịch ghé chơi, ở lại qua đêm trong phòng cộng đồng nhiều giường hoặc trong những lều trại. Ở bãi biển này, ban quản lý tạo dựng nhiều khung cảnh đẹp cho du khách tha hồ chụp hình sống ảo.
Đi ngược lên đường vành đai ven đảo và đi tiếp về hướng bắc thêm vài trăm thước nữa lại có một lối mòn bên trái, xe máy đi được, dẫn xuống một cụm 3 bãi biển nước trong - cát trắng - vắng vẻ - hoang dại.
Tiếp tục về hướng bắc thêm 1 cây số nữa chúng ta đến điểm cực bắc của Cù lao Xanh và cũng là địa điểm của Bãi San Hô. Bạn nào bơi, nhứt là lặn giỏi sẽ không bỏ qua bãi San Hô. Nơi đây vẫn còn những rạn san hô đủ mọi hình dạng đang được bảo tồn, xen lẫn với nhiều loại rong rêu, cả một thế giới kỳ ảo dưới thủy cung. Từng đàn từng đàn cá đủ loại đủ màu sắc bơi chung quanh ta.
Đường vành đai ven biển Cù lao Xanh, từ bãi San Hô dẫn chúng ta trên núi, đi xuống hướng nam, nhìn ra phía Biển Đông. Sau hơn 500m, đến bãi đá Thảo Nguyên. Đây cũng là bãi biển đẹp với hằng hà sa số những tảng đá chen chúc chồng chất lên nhau, dành cho những người giỏi leo trèo. Khu vực này còn là môi trường sống của nhiều loài chim quý hiếm như nhạn, yến.
Mặt phía đông của Đường vành đai ven Cù lao Xanh gồm nhiều bãi với toàn đá và đá. Từ bãi đá Thảo Nguyên, Đường vành đai đi giữa rừng cây thêm một cây số nữa, qua khu nghĩa trang, đưa chúng ta xuống đến một bãi tắm cát trắng - hoang vu - vắng vẻ, gần sân tập bắn súng. Bên cạnh đó là hồ chứa nước của Cù lao Xanh và khu dân cư phía bắc của xóm chài.
Gặp dịp rằm âm lịch nên hai đứa lên viếng chùa Thanh Phước. Chùa hình thành từ đầu thế kỷ 20, được xây dựng trên lưng chừng đồi, nhìn xuống xóm và biển ở phía nam. Tụi mình có duyên được dùng bữa cơm chay trên chùa, đơn sơ thanh đạm nhưng rất ngon.
Những ngày vui qua mau quá. Hai đứa lại khoác ba lô ra cầu cảng lên tàu gỗ, từ giã Cù lao Xanh. May mắn là những ngày ở trên đảo thời tiết rất đẹp, trời nắng ráo, không gian yên tĩnh thanh bình. Bạn nào có đủ thời giờ để ở lại nhiều ngày, thể lực và chân cẳng còn tốt, cứ tà tà thong thả đi dạo bộ quanh đảo chắc chắn sẽ vô cùng thú vị.
Các bạn sẽ được chiêm ngưỡng mọi góc cạnh của phong cảnh tuyệt vời trên đảo. Đi giữa thảm thực vật phong phú, hít thở không khí trong lành, tiếp xúc con người thân thiện, sẽ cảm nhận thiên nhiên đất nước Việt Nam của chúng ta rất đẹp.
Tạm biệt Cù Lao Xanh, hẹn ngày tái ngộ!
Nguyễn Chi Hoài Nhơn